Vào nội dung chính
CHÍNH TRỊ - Ý

Ý : Hai đảng dân túy, bài châu Âu tìm mọi cách lập chính phủ "đồng sàng dị mộng"

Hơn hai tháng sau bầu cử Quốc Hội, trong những ngày gần đây, khả năng hai lực lượng chính trị dân túy, bài châu Âu, của Ý - vốn là hai đối thủ - có thể lập chính phủ ngày càng hiện rõ. Hôm qua, 17/05/2018, đảng Lega và phong trào 5 Sao vừa tuyên bố đạt được thỏa thuận về bản “hợp đồng chính phủ”, để trình lên tổng thống phê chuẩn. Đa số cử tri Ý hiện nay không biết giữa tình trạng không có được chính phủ, tức phải bầu cử lại, hay có một chính phủ dân tuý và bài xích châu Âu thì kịch bản nào tệ hại hơn. Thông tín viên Huê Đăng từ Roma cho biết cụ thể.

Lãnh đạo đảng 5 Sao (M5S) Luigi Di Maio (T) và thủ lĩnh Liên Đoàn Phương Bắc (Lega) Matteo Salvini.
Lãnh đạo đảng 5 Sao (M5S) Luigi Di Maio (T) và thủ lĩnh Liên Đoàn Phương Bắc (Lega) Matteo Salvini. Ảnh : AFP
Quảng cáo

Ngoại trừ những cử tri đã bỏ phiếu cho phong trào 5 Sao (của hề Grillo) và đảng Lega (Liên Minh Phương Bắc) của Matteo Salvini ra (khoảng 10 triệu cử tri đã bỏ phiếu cho 5 Sao và 6 triệu cho Lega trên tổng số 46 triệu cử tri có quyền đi bầu), thì hiện nay đa số người dân Ý không biết giữa tình trạng không có được chính phủ, hoặc có một chính phủ dân tuý và bài xích Liên Âu của liên minh 5 Sao và Lega, thì kịch bản nào tệ hại nhất.

07:11

Thông tín viên Huê Đăng (Roma)

Nói như thế bởi vì cả hai lực lượng chính trị nói trên đều có mẫu số chung là dân tuý, theo nghĩa cho đến nay họ chỉ tỏ ra có khả năng phê phán, chống đối cơ chế đảng phái vốn có quá nhiều tệ nạn, như tham nhũng hối lộ và xa rời quần chúng, hai đảng này đã đưa ra những hứa hẹn tranh cử rất "hào phóng", nhưng phía sau những hứa hẹn hào phóng đó họ không hề đưa ra bất cứ một kế hoạch nào để tìm ra ngân sách nhằm thực hiện những chính sách đó (1).

Tuy cùng là lực lượng dân tuý, nhưng hai đảng 5 Sao và Lega lại là đối thủ của nhau: đối thủ theo nghĩa là cả hai đều đã từng chửi rủa phỉ báng lẫn nhau, chỉ cốt tìm cách thu hút những cử tri vốn không còn tin tưởng vào các đảng phái truyền thống, dù hữu khuynh hay tả khuynh. Vì kết quả bầu cử Quốc Hội vừa qua không cho phép đảng nào có được đa số, vì thế cả hai lực lượng phải "ngậm bồ hòn" ngồi chung lại với nhau để thương thuyết tìm ra kế hoạch lập chính phủ.

Hai đối thủ từng phỉ báng nhau, nay ngậm bồ hòn làm ngọt

Theo thông tin báo chí Ý ngày hôm qua 17/05, thì sau những buổi họp "vật vã", hai lực lượng nói trên đã nhất trí ký bản "hợp đồng chính phủ" gồm 29 điểm bao gồm các vấn đề kinh tế, xã hội, tài chính, thuế khoá, lao động, hưu trí, nhập cư, quan hệ với Liên Âu, quan hệ quốc tế (nhất là với Nga) ....

Nổi bật nhất là những đề nghị như kế hoạch "lợi tức thu nhập công dân", đây là sáng kiến của 5 sao, theo đó thì những người thất nghiệp sẽ được nhà nước phát lương là 780 Euro/tháng, có điều là chính sách này cũng chỉ sẽ được áp dụng từ năm 2020 vì còn cần phải biết tìm đâu ra ngân sách để đáp ứng.

Hoặc sáng kiến đưa ra "flat tax", tức là chính sách "thuế má bằng phẳng", lợi tức thu nhập sẽ chỉ còn bị đánh thuế đơn giản qua hai tỉ suất là 15% đối với lợi tức tối đa là 80 ngàn Euro/năm và 20% đối với lợi tức trên 80 ngàn Euro/năm (3). Đây là sáng kiến của Lega, với lý do là giảm áp lực thuế để tạo "kích cầu" cho nền sản xuất kinh tế.

Đa phần các kế hoạch kinh tế tài chính của hai đảng dân tuý này là nhằm thoả mãn bụng dạ của những cử tri đã dồn phiếu cho họ nhưng không lý giải được sẽ phải làm như thế nào để đối phó với sự bội chi (kế hoạch lợi tức thu nhập công dân) và thất thu (giảm áp lực thuế) cho ngân sách nhà nước.

Theo tin từ hãng thông tấn ANSA(Ý) sáng nay, 18/05, thì "hợp đồng chính phủ" của liên minh 5 sao và Lega sẽ gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước Ý với tổng số tiền từ 100 đến 150 tỉ trong những năm tới.

"Ủy ban hòa giải" : Sáng kiến kỳ lạ cho một liên minh "đồng sàng dị mộng"

Có một điều nổi bật nhất trong "hợp đồng chính phủ" nói trên là sáng kiến lập ra một uỷ ban được gọi là "Uỷ ban hoà giải" (Comitato di concilliazione) với nhiệm vụ giải quyết các tranh cãi trong nội bộ chính phủ trong thời gian cầm quyền. Uỷ ban hoà giải này sẽ bao gồm hai lãnh tụ của hai đảng cầm quyền cùng với các trưởng nhóm của các nhóm đại biểu quốc hội của các đảng nằm trong phe đa số của chính phủ. Việc quyết định thành lập một cơ chế mới như uỷ ban nói trên cho thấy bản "hợp đồng chính phủ" vừa được ký kết cũng không bảo đảm hết sự nhất trí cần thiết để cầm quyền, do đó cần phải có một tổ chức đứng ra "hoà giải", nói cách khác là trong suốt thời gian cầm quyền hai lực lượng dân tuý nói trên sẽ vẫn phải tiếp tục phải hiệp thương từng ngày.

Nhưng điều đáng chú ý là dựa theo các nhận xét của những nhà nghiên cứu Hiến pháp, quyền hành pháp đã được uỷ thác cho chính phủ, thì không thể nào bên cạnh chính phủ lại có một cơ chế với sự có mặt của đại biểu quốc hội song song tiếp tục quản lý quyền hành pháp, nói trắng ra sáng kiến "Uỷ ban hoà giải" vi phạm Hiến pháp một cách nghiêm trọng. Vì có sự pha trộn giữa hành pháp và lập pháp trong một Nhà nước pháp quyền dựa trên tam quyền phân lập là lập pháp, hành pháp và tư pháp phải độc lập với nhau. Và cũng theo nhận xét của các chuyên gia Hiến pháp thì đây là một trong những điểm yếu của liên minh này, mà tổng thống Ý, ông Sergio Mattarella, có thể đánh giá vi phạm Hiến pháp và từ chối "hợp đồng chính phủ", một cách gián tiếp từ chối không chấp nhận đề nghị lập chính phủ của liên minh dân tuý nói trên.

Vẫn theo tin của hai lực lượng nói trên thì "hợp đồng" này sẽ được đưa ra cho các đảng viên của hai đảng nói trên "phê chuẩn" vào week-end này. Nhưng vấn đề mấu chốt là ai sẽ đứng ra làm thủ tướng vẫn chưa ngã ngũ (2).

Liên Âu : Liệu Ý có trở thành điểm khởi đầu cho các đổ vỡ ?

Chắc chắn là nếu như liên minh 5 Sao và Lega thành công trong việc lập chính phủ thì sự kiện nói trên sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ trong quan hệ tương lai giữa Ý và Liên Hiệp Châu Âu. Người ta còn nhớ hồi năm 2011, chính phủ của Berlusconi đã có quá nhiều căng thẳng với Liên Âu, nợ công của Ý bị quá tải, các chỉ số tài chính nhảy vọt, báo động đến độ Liên Âu đã phải gây áp lực lên tổng thống Ý, thời đó là ông Giorgio Napolitano, để thay thế bằng chính phủ kỹ trị Mario Monti.

Lần này, dù hiện nay Ý chưa chính thức có chính phủ dân tuý 5 Sao và Lega, nhưng trong mấy ngày qua các chỉ số tài chính spread giữa trái phiếu của nhà nước Ý và của Đức lại bắt đầu tăng vọt, có lúc lên đến 158 điểm, và thị trường chứng khoán ở Milano đã bị tụt đến hơn 2%. Điều này cho thấy là trước viễn ảnh của một chính phủ dân tuý bài xích châu Âu đã bắt đầu gây lo ngại trong cộng đồng Liên Âu (4).

Dĩ nhiên là trong suốt mấy tháng qua Liên Âu vẫn im hơi lặng tiếng vì không muốn bị mang tiếng là can thiệp vào nội bộ chính trị Ý, nhưng khi báo chí đưa ra những sáng kiến nói trên thì Liên Âu đã phải bắt buộc lên tiếng cảnh báo, chẳng hạn như Phó Chủ tịch Uỷ Ban Châu Âu, ông Dombrovskis đã lớn tiếng kêu gọi Ý phải cẩn thận lo giảm nợ nhà nước và bội thu ngân sách, thậm chí ông ta còn nhắc khéo rằng "sau Hy Lạp thì Ý là thành viên Liên Âu có nợ công lớn hàng thứ hai ở Liên Âu, vượt hơn 130% tổng số sản lượng GDP".

Ngoài ra còn vấn đề quốc tế: hiện nay giữa Liên Âu và Nga đang có nhiều căng thẳng. Châu Âu đang áp dụng một số lệnh cấm vận thương mãi đối với Nga. Nhưng vì đảng Lega là đảng có quan hệ chặt chẽ với Putin (na ná như quan hệ của lãnh đạo cực hữu Pháp Le Pen đối với Putin) nên trong bản "hợp đồng" cũng có nói đến việc đòi "tăng cường quan hệ với Nga". Thậm chí trong mùa tranh cử Salvini còn "hăm doạ" rằng sẽ xoá bỏ hết tất cả các lệnh cấm vận đối với Nga.

Nhưng dù ai làm thủ tướng đi nữa, dù các đồng thuận về "hợp đồng chính phủ" sẽ được thực hiện suôn sẻ hay không, thì một nước Ý với một chính phủ bao gồm 5 Sao và Lega sẽ là quốc gia thành viên sáng lập Liên Âu đầu tiên có một chính phủ dân tuý, bài xích Liên Âu, bài ngoại, và "hữu hảo" với Putin. Đây là điều mà hồi năm ngoái ở Pháp bà Le Pen đã không thành công, thì bây giờ Salvini lại thành công ở Ý. Như vậy chắc chắn các đèn pha quốc tế, và nhất là Liên Âu sẽ lập tức chĩa thẳng vào nước Ý, vì có quá nhiều xung khắc giữa Liên Âu với hai lực lượng chính trị 5 Sao và Lega.

Trong những năm gần đây Liên Âu đang gặp rất nhiều khó khăn ngay trong hàng ngũ nội bộ các thành viên, nhất là một số thành viên thuộc các nước Đông Âu cũ. Nếu như Di Maio và Salvini thành công trong việc lập chính phủ thì đây là trường hợp đầu tiên xảy ra ngay ở một quốc gia truyền thống Tây Âu và thậm chí lại là nước thành viên sáng lập Liên Hiệp Châu Âu, nằm trong khối đồng Euro. Những gì sẽ xảy ra cho Liên Âu sẽ là một câu hỏi lớn không chỉ riêng cho Liên Âu mà cho cả sân khấu chính trường quốc tế.

Và điều mà Liên Âu ngại nhất là trong tình cảnh có nhiều khó khăn hiện nay, vấn đề thúc đẩy hội nhập không phải chỉ trên lãnh vực kinh tế và tài chính mà còn trên các lãnh vực khác như quốc phòng, ngoại giao vẫn còn nhiều trở ngại, rất nhiều quốc gia thành viên không muốn từ khước quyền "độc lập tự chủ", các phong trào "ái quốc cực đoan" đang gậm nhấm Liên Âu, quan hệ với Mỹ cũng đang có nhiều khó khăn, thì một trường hợp như chính phủ dân tuý ở Ý có thể sẽ là đầu cầu cho những bước đổ vỡ khác.

Đảng Dân Chủ và đảng của Berlusconi có thể làm gì ?

Lần bầu cử vừa qua, đảng Dân Chủ (PD) trung tả đã thất cử nặng nề với 18% số phiếu. Từ một đảng có đến 40% trong kỳ bầu cử Quốc hội Châu Âu hồi năm 2014, chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm đảng PD đã mất đi 22% số phiếu. Một cuộc tuột dốc thê thảm, và bắt buộc đảng PD phải lấy vị thế đối lập trong Quốc Hội mới. Nhưng vấn đề trầm trọng nhất là hiện nay đảng PD đang bị chia rẽ nội bộ sâu sắc, và nhất là sau khi Matteo Renzi từ chức tổng thư ký, cho đến nay đảng PD vẫn chưa chính thức có được lãnh đạo mới, chỉ có ông Maurizio Martina, vốn là phó tổng thư ký, đang đứng ra điều hành đảng một cách lâm thời. Do đó cho dù làm đối lập, đảng PD cũng sẽ không có được một đường lối đối lập thông suốt.

Còn riêng cá nhân Berlusconi thì đảng trung hữu Forza Italia cũng bị tụt hậu nặng nề, với 14% số phiếu, còn thấp hơn cả phiếu của Lega. Nói cho cùng Berlusconi cũng là một chính khách dân tuý, nhưng "mặt hàng" Berlusconi đã bị "quá đát" và không cạnh tranh nổi với những Di Maio hay Salvini.

Bản thân Berlusconi cũng sẵn sàng ngồi chung với liên minh dân tuý để lập chính phủ, nhưng chính 5 Sao đã từ khước ngay từ đầu khả năng tham gia chính phủ của Berlusconi, lý do là vì đảng 5 Sao luôn luôn tự xưng mình là lực lượng chính trị "cách mạng triệt để" duy nhất, tẩy chay tất cả các đảng phái. Hình ảnh Berlusconi đã bị 5 Sao dùng như một biểu tượng cho sự thối nát của giai cấp lãnh đạo chính trị của các đảng phái truyền thống, do đó trong bất cứ tình huống nào 5 Sao không thể muối mặt chấp nhận sự tham gia chính phủ của Berlusconi.

Và đây là lý do vì sao dù rằng Lega nằm trong liên minh hữu khuynh với Forza Italia nhưng Berlusconi cũng đã phải tuyên bố sẽ không bỏ phiếu ủng hộ chính phủ dân tuý nói trên (5).

Cỗ xe "5 Sao-Lega" có vượt qua cửa ải Hiến pháp ?

Theo tuyên bố của hai đảng 5 Sao và Lega thì trong week-end tới này bản "hợp đồng chính phủ" nói trên sẽ được hai đảng đưa cho các đảng viên tham gia trưng cầu dân ý. Nhưng thành thật mà nói, 5 Sao thì trưng cầu dân ý qua mạng với hệ thống tin học Rousseau thuộc quyền sở hữu của công ty tin học Casaleggio, vốn cùng với hề Grillo là đồng sáng lập viên của phong trào 5 Sao. Còn Lega thì sẽ áp dụng chính sách bỏ phiếu cổ điển, nhưng những cuộc bỏ phiếu này cũng không có một ai ngoài lãnh đạo Lega kiểm soát. Do đó cũng có thể biết trước được kết quả của cuộc trưng cầu dân ý sẽ như ý của hai lãnh đạo hai đảng nói trên.

Nước Ý không theo chính thể dân cử trực tiếp người nắm quyền hành pháp như trường hợp tổng thống chế ở Pháp hay ở Mỹ. Cử tri Ý chỉ có quyền bầu cử trực tiếp đại biểu quốc hội mà thôi. Rồi chính Quốc Hội sẽ bầu ra tổng thống, và chính tổng thống sẽ là người có quyền chấp nhận lời đề nghị người đứng ra làm thủ tướng và lập hội đồng chính phủ. Người được tổng thống chỉ định sẽ ra đệ trình với Quốc Hội để được đa số thông qua chính phủ mới. Chỉ đến lúc đó Ý mới có chính phủ.

Theo chương trình thoả thuận với tổng thống Sergio Mattarella thì ngày thứ Hai 21/05) sắp tới hai đảng 5 Sao và Lega sẽ hội kiến với tổng thống để đệ trình kế hoạch và chính sách của chính phủ mới (nói theo cách nói thời sự của 5 Sao và Lega là "hợp đồng chính phủ") và đề nghị người đứng ra nắm quyền thủ tướng.

Chỉ khi nào tổng thống, sau khi duyệt xét nội dung của "hợp đồng chính phủ" không thấy có điểm nào vi phạm Hiến pháp, không vi phạm các thoả thuận giữa Ý và Liên Hiệp Châu Âu, cũng như không vi phạm các hiệp thương quốc tế khác, thì tổng thống mới có thể chấp nhận lời đề nghị người đứng ra làm thủ tướng.

Vấn đề là theo các thông tin báo chí thì bản "hợp đồng chính phủ" còn có nhiều điểm bất cập: có quá nhiều chính sách có thể vượt quá khả năng chi tiêu ngân sách nhà nước mà không vi phạm các điều luật về bội chi và nợ nhà nước đã ký kết với Liên Hiệp Châu Âu, có nhiều điểm có thể đi ngược lại các thoả hiệp với Liên Hiệp Châu Âu, và nhất là như đã nói trên, cái tổ chức "Uỷ ban hoà giải" có thể bị đánh giá là vi hiến.

Kịch bản "chính phủ lâm thời" đầy rủi ro

Nếu như tổng thống Sergio Mattarella từ chối kế hoạch thành lập chính phủ của liên minh 5 Sao và Lega thì chỉ còn có khả năng đi bầu lại Quốc Hội trong thời gian tới.

Trong trường hợp đó tổng thống sẽ phải trực tiếp chỉ định người đứng ra lập một chính phủ kiểu "lâm thời" để quán xuyến công việc điều hành Nhà nước và để tổ chức lại bầu cử Quốc Hội vào đầu năm 2019. Vấn đề là chính phủ "lâm thời" của tổng thống cũng cần phải có đa số trong Quốc Hội. Chắc chắn là 5 Sao và Lega sẽ từ chối bỏ phiếu cho chính phủ "lâm thời" vừa nói. Chỉ còn các lực lượng khác, và trong đó chắc chắn là có đảng PD và Forza Italia: một chính phủ (lâm thời) mà đa số bao gồm cả đảng PD và Forza Italia, vốn là hai đảng thất cử, sẽ lại là một đề tài "ăn khách" cho 5 Sao và Lega. Trong suốt mùa tranh cử sắp tới, các chính trị gia dân túy sẽ tung ra các tuyên truyền kiểu như PD và Forza Italia đã ngồi chung với nhau cốt chỉ để tiếp tục bòn rút đất nước, cản trở nguyện vọng đổi mới của cử tri.

Và như vậy trước mắt là nước Ý lại sẽ rơi vào tình trạng bất ổn định.

Người ta tự hỏi: giữa một chính phủ "lâm thời" như thế hoặc một chính phủ dân tuý 5 Sao - Lega ... thì kịch bản nào gây bất ổn định nhiều nhất cho nước Ý ?

****

(1) - Lý do phẫn nộ của dân chúng : Cũng phải nói rõ thêm là một số phê phán nhắm vào các đảng phái truyền thống dân chủ nghị viện hiện nay cũng không phải hoàn toàn vô căn cứ. Trong gần ba thập niên vừa qua, nhất là kể từ khi có khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ năm 2008 đến nay, tầng lớp lãnh đạo chính trị của các đảng phái đã hoàn toàn không có khả năng đối phó lại những khó khăn của đất nước, khiến xã hội ngày càng thêm lún sâu trong khó khăn chật vật. Và các lực lượng chính trị dân tuý như 5 Sao hay Lega chỉ cần "cỡi" làn sóng bức xúc của người dân là họ thu hút phiếu của cử tri dễ dàng. Có thể nói rằng thắng cử của những đảng dân tuý này không phải nhờ vào những ưu điểm của họ (vốn không có) mà là dựa trên những khuyết điểm của các đảng phái khác, nhất là những đảng đã từng cầm quyền như đảng trung tả Dân chủ (PD) hay đảng trung hữu Forza Italia (của Berlusconi).

(2) - Ai "can đảm" lái chiếc xe 5 Sao - Lega ? Cả 5 Sao lẫn Lega vẫn chưa đồng thuận trong việc chọn ai là người giữ ghế thủ tướng. Luigi Di Maio của 5 sao thì vẫn cứ khăng khăng đòi nắm ghế thủ tướng vì 5 Sao có đến 32,7% phiếu trong khi Lega chỉ có 17,6%, nhưng Matteo Salvini thì nhất quyết "cản đường". Sau nhiều ngày bàn luận sôi nỗi, tên tuổi của một vài nhân vật "cao cấp" trong lãnh vực kinh tế hay quản lý nhà nước cũng đã được tung ra, nhưng rốt cuộc cho đến nay vẫn chưa thực sự ngã ngủ vấn đề chức vụ Thủ tướng.

Dù rằng cả 5 Sao lẫn Lega đều ráng tìm cách tách rời hai vấn đề đường lối chính sách và ghế Thủ tướng ra riêng biệt, cứ như là người ta có thể lắp ráp cho xong cái xe rồi sau đó tìm người đứng ra lái. Hiện tại khó có một nhân vật "thứ ba" nào dám có can đảm đứng ra lái một cái xe mà ông ta không biết cái xe đó có an toàn hay không (vì không hề dược tham dự trong suốt quá trình lắp ráp xe). Rất khó có được một "nhân vật thứ ba" nào có can đảm đứng ra làm "bia đỡ đạn" cho một chính sách có quá nhiều bất cập mâu thuẫn và dễ bị chỉ trích. Do đó, rất có thể sẽ chỉ có cách là hoặc người của 5 sao hay của Lega, đứng ra làm thủ tướng.

(3) - Chính sách giảm thuế của Lega : Trong khi hiện nay chính sách thuế khoá của nhà nước Ý dựa trên lối tính thăng tiến với 5 tỉ suất khác nhau, tỉ suất thấp nhất là 23% và tỉ suất cao nhất là 43%. Nhìn sơ qua, các tỉ suất đó thì dễ dàng nhận ra ngay là "flat tax" sẽ giảm thuế mạnh cho những tầng lớp giàu có (từ áp lực thuế 43% xuống còn 20%).

(4) - 5 Sao và Lega buộc phải lờ đi cam kết "rút khỏi khối Euro" : Thậm chí trong mùa tranh cử vừa qua, các đảng dân túy đã tuyên bố đòi trưng cầu dân ý để rút ra khỏi khối đồng Euro (dù rằng trước những áp lực của các giới tài chính thì trước mắt trong bản "hợp đồng" vừa được công bố đã không thấy đả động chi đến vấn đề đồng Euro nữa). Nhưng trong bản "hợp đồng" lại nói đến "sáng kiến" đòi "xét lại" các điều thoả thuận về ngân sách tài chính với châu Âu. Và thậm chí còn đưa ra "sáng kiến" đòi Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (BCE) xoá một số nợ Nhà nước Ý xuyên qua việc "hủy" một số công trái phiếu nhà nước Ý mà BCE đã thu mua trong mấy năm qua để "bơm tiền" vào ngân sách Nhà nước Ý.

(5) - Tính cách xoay như chong chóng của cựu thủ tướng Berlusconi : Điều trớ trêu là chính năm 2011 các chính sách kinh tế tài chính của chính phủ Berlusconi đi ngược lại với các thoả hiệp tài chính với Liên Âu đã khiến Liên Âu làm áp lực lên tổng thống Ý để đi đến việc thay thế Berlusconi bằng chính phủ kỹ trị Mario Monti, thì hiện nay lại chính Berlusconi, trước những tuyên bố bài xích châu Âu của 5 Sao và Lega, lại đứng ra đóng vai trò người bảo vệ châu Âu với những tuyên bố ủng hộ các chính sách kinh tế tài chính của Liên Âu. Nói cho cùng, Berlusconi vốn nổi tiếng là người "buôn hay bán giỏi", thời nào thì rao hàng theo thời đó: mưa thì bán áo mưa, nắng thì bán áo cánh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.