Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Trừng phạt Iran, D. Trump thay đổi chiến lược Trung Đông của Hoa Kỳ

Đăng ngày:

Thông báo rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ngày 08/03/2018 của tổng thống Donald Trump cho thấy một sự quay ngoắt triệt để chính sách ngoại giao của Mỹ tại Cận Đông. Quyết định này đã đẩy khu vực đi vào tình trạng bất định, vào lúc mà căng thẳng giữa Iran và Isarel ngày càng gay gắt.

Tổng thống Donald Trump và bản tuyên bố rút Mỹ khỏi hiệp định nguyên tử Iran (JCPOA), Nhà Trắng, Washington, ngày 08/05/2018.
Tổng thống Donald Trump và bản tuyên bố rút Mỹ khỏi hiệp định nguyên tử Iran (JCPOA), Nhà Trắng, Washington, ngày 08/05/2018. REUTERS/Jonathan Ernst/File Photo
Quảng cáo

Quyết định của Donald Trump là một vố đau, thậm chí một đòn chí mạng đánh vào 13 năm thương thuyết cam go giữa Iran và các nước thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (Anh, Pháp, Nga, Mỹ và Trung Quốc) cộng thêm nước Đức để ngăn chặn chương trình phát triển hạt nhân bí mật của Iran.

Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn xem văn bản được ký kết này là điều « khủng khiếp và thiên vị » nên đã tuyên bố rút lui khỏi thỏa thuận đồng thời tái lập các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, Iran can thiệp quân sự tại nhiều nơi như Irak, Syria, Liban và Yemen và do vậy đối đầu trực diện hay gián tiếp với Israel và Ả Rập Xê Út.

Trả lời kênh truyền hình France 24, ông David Rigoulet-Roze, chuyên gia về Iran, thuộc Viện Phân Tích Chiến Lược Pháp, tổng biên tập tờ Chiến Lược Phương Đông, nhận định, đây chính là điểm mấu chốt dẫn đến việc chính quyền Donald Trump trừng phạt trở lại Iran.

Bởi vì, những người thân cận của tổng thống Mỹ hiện nay, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và tân ngoại trưởng Mike Pompeo cả hai đều là những người công khai « bài Iran », đó là những chính trị gia « diều hâu », ít nhiều ngầm ủng hộ thay đổi chế độ.

Họ quan niệm rằng việc dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt quan trọng nhất (nhờ vào ký kết thỏa thuận ngày 14/07/2015) có lẽ đã cho phép quốc gia Hồi Giáo này tận dụng được các nguồn thu tài chính, nhẽ ra phải được sử dụng để cải thiện đời sống người dân, thì hình như đã bị dùng cho việc tài trợ chính sách bành trướng của Iran trong khu vực.

« Điều đó cũng không hoàn toàn sai. Tiền thu được từ việc Iran hội nhập trở lại thị trường dầu khí đã được trích ra một phần để tài trợ cho các lợi ích chiến lược khu vực của Iran, như tại Irak, Syria, những quốc gia mà chính sách can thiệp của Iran đòi hỏi một cái giá kinh tế khá quan trọng, thậm chí trong một chừng mực nào đó còn có cả Yemen nữa.

Thế nhưng, lập luận này của ''phe diều hâu'' cũng không hẳn là đúng, bởi vì khi việc ký kết hiệp định hạt nhân vẫn được duy trì, thì một phần tiền đó cũng đã mang lại lợi ích cho người dân, chính phủ của ông Hassan Rohani đã bình ổn được lạm phát ở mức chưa đầy 10% trước khi tỷ lệ này lại tăng như hiện nay. »

Vẫn theo ông David Rigoulet-Roze, các cố vấn thân cận « diều hâu » của Donald Trump hy vọng rằng tái lập các biện pháp trừng phạt Iran ở mức cao nhất có cơ may thúc đẩy hơn nữa tiến trình gây bất ổn, dẫn đến việc thay đổi chế độ. Đó là một chiến lược nguy hiểm và đầy rủi ro mà Irak là ví dụ rõ nét nhất.

Một mặt, Hoa Kỳ, kể từ sau khi lật đổ chế độ Saddam Hussein năm 2003 cho đến giờ đã không làm chủ được tình hình với hệ quả tai hại là sản sinh ra một tổ chức khủng bố Daech mà ngày nay các nước phương Tây đang vật vã đối chọi.

Mặt khác, người dân Iran vốn dĩ chủ trương thân phương Tây, trái ngược với tầng lớp lãnh đạo. Với chính sách này, chính quyền Donald Trump có nguy cơ đẩy người dân Iran, theo phản xạ, lại trở thành những người chống Mỹ. Đây chính là điểm mà tổng thống Mỹ đã không hề nghĩ đến trong quyết định của mình.

Donald Trump muốn rỉa dần từng chiếc cánh của Iran

Có lẽ đối với ông Donald Trump, vốn là một doanh nhân, không có biện pháp trừng phạt nào hiệu quả hơn là đánh vào « hầu bao ». Một giải pháp mà ông cho rằng đang mang lại một hiệu quả tích cực trong việc xử lý hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên và muốn áp dụng tương tự với Iran. Bằng mọi giá phải « xén bớt cánh của Iran ở ngoài biên giới » bằng cách làm cạn kiệt dần các nguồn thu tiền tệ của nước này. Do vậy, áp đặt lại các lệnh trừng phạt chắc chắn sẽ có một số hiệu quả nào đó.

« Thực vậy, việc tái lập trừng phạt không chỉ làm cạn kiệt nguồn thu nhập tài chính từ dầu lửa, mà hơn nữa còn ngăn cản các đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Các doanh nghiệp phương Tây nói chung, và châu Âu nói riêng, vốn nuôi tham vọng quay lại thị trường Iran, chắc chắn sẽ không thực hiện được ý định này.

Các doanh nghiệp không muốn mạo hiểm chỉ vì làm ăn với Iran mà bị cấm thâm nhập vào thị trường Mỹ rộng lớn mênh mông. Tình hình có nguy cơ trở nên khó khăn đối với Iran và ngay trước khi Donald Trump thông báo quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định hạt nhân, tổng thống Iran Hassan Rohani đã tuyên bố : Bất kể có bị trừng phạt hay không, chúng ta phải tự bay lên bằng chính đôi cánh của mình. Điều này rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. »

Không những thế, nước Cộng Hòa Hồi Giáo này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc bán dầu khí của mình ra thị trường thế giới vào lúc mà giá dầu thô đã lên tới gần 70 đô la/thùng. Quốc gia hoan hỉ vui mừng nhiều nhất trong vụ việc này không ai khác chính là Ả Rập Xê Út, kẻ thù truyền kiếp của Iran. Vương quốc Ả Rập này giờ đang trông mong giá dầu thô có thể tăng lên 80-90 đô la/ thùng để đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng ngân sách cũng như tài trợ dễ dàng hơn cho kế hoạch « Tầm nhìn Ả Rập Xê Út 2030 ».

Ả Rập Xê Út : Bạn, Thù rồi là Bạn với Mỹ ?

Về điểm này, có một câu hỏi được đặt ra : Phải chăng khi khép hết mọi cánh cửa với Iran, tạo thuận lợi cho Ả Rập Xê Út và Israel, tổng thống Mỹ Donald Trump đang phủi sạch chính sách đối ngoại về Trung Đông do Barack Obama thiết lập ? Ông David Rigoulet-Roze cho biết quan điểm của mình :

« Nếu như có một hằng số cho phép hiểu được cơ chế gắn liền với việc ra quyết định của Donald Trump, đó chính là quyết tâm tháo gỡ một cách có hệ thống tất cả những gì mà người tiền nhiệm Barack Obama đã làm, ngoại trừ một việc quan trọng là tăng cường quan hệ với Israel vốn đã tồn tại từ trước khi có chính quyền của Trump.

Ngược lại, có sự khác biệt rõ ràng trong quan hệ với Ả Rập Xê Út. Tiếp tục chính sách của Hoa Kỳ sau loạt khủng bố ngày 11/09, Barack Obama đã mong muốn, chắc chắn còn mạnh mẽ hơn người tiền nhiệm của ông là George W. Bush, tiến hành tái cân bằng chiến lược trong khu vực. Do vậy, Mỹ đã lựa chọn đưa Iran tái hội nhập vào cộng đồng quốc tế. Tổng thống Donald Trump đã xóa bỏ sự điều chỉnh chiến lược này, gạt bỏ Iran, chỉ tập trung tăng cường liên minh với các chế độ quân chủ dầu lửa.

Tóm lại, đó là một dạng quay lại cội nguồn với việc tái kích hoạt mạnh mẽ « Hiệp ước Quincy » 1945, nền tảng bền vững của đại liên minh Hoa Kỳ - Ả Rập Xê Út. Nhìn từ góc độ này, thì rõ ràng có một sự đoạn tuyệt với chính sách của chính quyền Obama. »

Israel : Căn cứ quân sự Iran tại Syria, « lằn ranh đỏ đã bị vượt qua »

Sự đoạn tuyệt đó diễn ra vào thời điểm căng thẳng trong khu vực và nhất là giữa Iran và Israel ngày càng gia tăng. Quân đội nhà nước Do Thái từ đầu tháng 4/2018 đã nhiều lần oanh kích vào các căn cứ quân sự tại Syria, nhắm vào những lợi ích chiến lược của Iran. Thế giới lo ngại, khi xé thỏa thuận hạt nhân Iran, chính quyền Donald Trump đang nhen nhúm ngọn lửa « thù nghịch » giữa hai cường quốc khu vực. Một quan điểm không được ông David Rigoulet-Roze tán đồng và khẳng định đây là hai việc tách bạch hoàn toàn.

« Hai cường quốc khu vực không cần đến những căng thẳng này. Về mặt bối cảnh, có một sự trùng hợp không phải ngẫu nhiên, bởi vì điều này diễn ra trong một bối cảnh chung ngày càng căng thẳng, tuy nhiên, không có mối liên hệ máy móc giữa tình hình hiện nay và việc tái lập trừng phạt.

Thực vậy, ngay cả khi Trump không bác bỏ rõ ràng hiệp định hạt nhân Iran, thì các vụ oanh kích của Israel cũng vẫn xẩy ra. Các vụ tấn công này đã diễn ra trước khi có quyết định của Donald Trump và sẽ tiếp tục sau đó, và chắc chắn là ngày càng quyết liệt, tỉ lệ thuận với việc Israel cảm nhận thấy mối đe dọa ngày càng tăng do có các căn cứ quân sự của Iran tại Syria ».

Thế giới lâu nay đều biết là Israel rất rõ ràng và đã vạch ra một lằn ranh đỏ với Iran : Các căn cứ quân sự Iran hiện diện lâu dài tại Syria tuyệt đối là một điều không thể chấp nhận. Giờ đây, căng thẳng trong khu vực không ngừng gia tăng. Israel thậm chí đã huy động cả một bộ phận lính dự bị tăng cường cho phía bắc, ra lệnh mở những nơi trú ẩn an toàn cho thường dân. Israel gần như đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột công khai. Thủ tướng Israel hôm 06/05/2018 đã tuyên bố thẳng thừng nếu cần phải có chiến tranh để ngăn chặn các mưu toan thiết lập căn cứ quân sự Iran tại Syria, « tốt nhất nên là bây giờ hơn là sau này ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.