Vào nội dung chính
TIN VẮN - QUỐC TẾ

TIN ĐỌC NHANH

Quảng cáo

(Europe 1) - Vụ chuyến bay MH370 mất tích : Nguyên nhân có thể do phi công tự sát. Vụ chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia mất tích đầu năm 2014, với 239 hành khách và phi hành đoàn, lại được truyền thông chú ý, sau khi một nhóm chuyên gia Úc nêu ra giả thuyết phi công tự sát. Dựa trên các phân tích về lộ trình chuyến bay do vệ tinh cung cấp, chuyên gia hàng không dân sự Simon Hardy cho rằng viên lái trưởng đã cố tình lách khỏi radar kiểm soát của cả quân đội Malaysia lẫn quân đội Thái Lan, bằng phương pháp rất chuyên nghiệp. Cho đến nay, bất chấp nhiều phương tiện hùng hậu được huy động, mới chỉ có một mẩu cánh máy bay được tìm thấy tại đảo Réunion hồi 2015.

(AP) - Singapore áp dụng luật chống khủng bố mới từ 16/05/2018. Luật mới trao cho cảnh sát nhiều quyền lực đặc biệt trong trường hợp xảy ra khủng bố : cấm phóng viên và người dân xuất hiện tại hiện trường. Cảnh sát có thể ngăn chặn đưa tin tại chỗ, thậm chí cấm đăng ảnh, video, thông tin bằng văn bản hay âm thanh, cho đến một tháng sau vụ khủng bố, nếu chính quyền cho rằng an ninh bị đe dọa. Người vi phạm luật mới có thể bị lĩnh án đến hai năm tù và 14.891 đô la tiền phạt.

(AFP) - Trung Quốc tiếp tục đặt thịt heo và xe hơi Mỹ trong tầm ngắm. Theo thông báo ngày 16/05/2018 của Hải Quan Trung Quốc, cơ quan này đang tăng cường thanh tra hai mặt hàng thịt heo và xe hơi Mỹ và cho rằng đây là một hoạt động phù hợp với các quy định quốc tế. Các mặt hàng nội tạng, chân hay tai heo Mỹ, khó bán ở nơi khác, nhưng rất được ưa chuộng tại Trung Quốc. Riêng về xe hơi nhập khẩu từ Mỹ, theo Hải Quan Trung Quốc, trong bốn tháng đầu năm 2018, đã phát hiện được hơn 4.000 xe không đủ tiêu chuẩn, tương đương khoảng 300 triệu đô la.

(AFP) - Bangladesh : Tòa Án Tối Cao ra lệnh trả tự do có điều kiện cho một lãnh đạo đối lập. Cựu thủ tướng Bangladesh, bà Khaleda Zia, 72 tuổi, được tòa án cho phép ra tù, vì lý do sức khỏe. Việc nữ cựu thủ tướng bị kết án 5 năm tù, vì tội danh « tham nhũng », hồi tháng 2/2018 gây nhiều phản ứng dữ dội tại các thành phố lớn. Những người ủng hộ bà lên án thủ tướng Seikh Hasina bịt miệng đối lập. Cuộc đối đầu giữa đương kim thủ tướng Hasina và lãnh đạo đối lập, trước đây vốn là hai đồng minh, là tâm điểm của đời sống chính trị Bangladesh từ một phần tư thế kỷ nay.

(Reuters) - Nga : Nhà đối lập Navalny bị kết án tù giam 30 ngày. Thủ lĩnh của đợt biểu tình ngày 5/5/2018 chống tổng thống Nga, ngay trước lễ nhậm chức tổng thống của ông Putin, bị một tòa án Nga kết án 30 ngày tù giam. Lãnh đạo đối lập Alexei Navalny từng nhiều lần bị kết án tù ngắn ngày, vì kêu gọi biểu tình. Sau khi bản án được tuyên, ông Navalny phẫn nộ tuyên bố trên Twitter : « 30 ngày bị giam vì đã thực hiện quyền ra phố, để nói với chính quyền : ‘‘Tôi không phải là nô lệ của các người và mãi mãi không bao giờ. Tôi không cần đến một Sa hoàng mới’’ ».

(RFI) - Scotland bác dự luật về Brexit. Quyết định chưa từng có này được Nghị Viện Scotland thông qua ngày 15/05/2018. Anh và Scotland bị chia rẽ vì vấn đề, sau Brexit, ai sẽ đảm nhiệm những thẩm quyền hiện đang do Bruxelles nắm giữ trong các lĩnh vực như nông nghiệp, đánh bắt, môi trường. Chính phủ Theresa May cho rằng các thẩm quyền này phải quy tụ về Nghị Viện Anh để tránh việc bốn nước thành viên Liên Hiệp Anh áp dụng các quy định khác nhau, có thể làm rối loạn thị trường nội địa Anh Quốc.

(AFP) - Bộ Ngoại Giao Mỹ tuyển nhân sự. Ngày 15/05/2018, ngoại trưởng Mike Pompeo thông báo chấm dứt « tình trạng không tuyển dụng » trong ngành ngoại giao Mỹ, kéo dài trong thời gian ông Rex Tillerson còn làm ngoại trưởng. Ngân sách cho việc tuyển dụng được Nghị Viện cung cấp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.