Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - IRAN - HOA KỲ

Hạt nhân: Châu Âu giữa áp lực của Washington và Teheran

Sau khi được Bắc Kinh và Matxcơva ủng hộ, ngoại trưởng Iran đến Bruxelles để « thuyết phục » Anh, Pháp, Đức cứu vãn hiệp định hạt nhân 2015 vừa bị Mỹ, một trong lục cường ký kết, xé bỏ. Tuy nhiên, Liên Hiệp Châu Âu đứng trước một bài toán nan giải : hậu thuẫn Iran hay Mỹ đều bất toàn.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif dự cuộc họp với lãnh đạo ngoại giao châu Âu Federica Mogherini tại Bruxelles, Bỉ, ngày 15/05/2018.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif dự cuộc họp với lãnh đạo ngoại giao châu Âu Federica Mogherini tại Bruxelles, Bỉ, ngày 15/05/2018. Thierry Monasse/Pool via Reuters
Quảng cáo

Ngày 15/05/2018, một cuộc họp quan trọng được tổ chức tại Bruxelles, gồm các ngoại trưởng Anh, Pháp, Đức, Iran và do đại diện ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Federica Mogherini chủ trì. Bruxelles là chặng thứ ba trong vòng vận động ngoại giao của ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif, sau Bắc Kinh và Matxcơva, để tìm hậu thuẫn bảo vệ hiệp định hạt nhân 2015, có hiệu lực cho đến 2025. Trong giai đoạn 10 năm này, các nước ký kết cam kết hủy bỏ trừng phạt kinh tế tài chính, đổi lại Iran hứa ngưng chương trình hạt nhân quân sự.

« Nga-Âu quyền lợi tương đồng ? »

Quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump rút bỏ hiệp định mà ông cho là có quá nhiều sơ hở đã vô tình làm cho Nga và Châu Âu xích lại gần nhau trong bối cảnh xung khắc sâu rộng từ Syria, Ukraina, tin tặc, cho đến vụ mưu sát cựu điệp viên Serguei Skripal tại Anh Quốc. Theo tuyên bố của tổng thống Putin, Nga tiếp tục tôn trọng hiệp định hạt nhân, cho dù Mỹ rút lui. Ngoại trưởng Serguei Lavrov thẩm định là Nga và Châu Âu cần « hợp tác để bảo vệ quyền lợi chung ».

Hoa Kỳ còn năng động hơn. Trong những ngày qua, ngoại trưởng Mike Pompeo liên tiếp trao đổi với các đồng nhiệm Anh, Pháp, Đức kêu gọi các nước đồng minh « hợp tác chặt chẽ » với Washington, để « bảo vệ lợi ích chung » của Tây phương là ngăn chặn « chế độ Iran trang bị bom nguyên tử và gây bất ổn trong khu vực ».

Trong khi đó, lập trường của Anh, Pháp, Đức là « duy trì hiệp định 2015 » và thương lượng một « thỏa thuận rộng hơn », theo tuyên bố của tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

« Áp lực của Mỹ »

Vấn đề là đứng trước quyền lợi kinh tế và chiến lược địa chính trị, Liên Hiệp Châu Âu không có lựa chọn toàn hảo.

Về kinh tế, Washington đe dọa sẽ trừng phạt các công ty châu Âu tiếp tục làm ăn buôn bán với Iran, bất tuân một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An thông qua cách nay 3 năm. Ngày 10/05 vừa qua, tân đại sứ Mỹ tại Đức, Richard Grenell, đã kêu gọi các công ty Đức hoạt động tại Iran phải rút đi lập tức.

Trước đe dọa của Mỹ, châu Âu phải đối phó ra sao ? Trong ngắn hạn, Bruxelles có thể dựa vào một nguyên tắc của Hội đồng các cộng đồng châu Âu 1996, gọi là « Blocking Regulations », cấm mọi công dân tuân thủ các biện pháp hành chính, lập pháp và tư pháp của nước ngoài. Nhưng hiệu năng của biện pháp này hoàn toàn tùy thuộc vào tương quan lực lượng mà Hoa kỳ luôn vượt trội. Châu Âu cũng có thể đe dọa dùng biện pháp thuế quan trả đũa Mỹ, nhưng phải cẩn thận cân nhắc lợi hại.

Một biện pháp khác đã được tính tới là sử dụng đồng euro thay vì đôla. Vào năm 2016, ngân hàng BNP của Pháp bị phạt 9 tỷ đôla vì dùng tiền Mỹ để tài trợ các thương vụ với Cuba.

« Nước cờ khó đoán »

Về địa chiến lược, trái lại, chính Iran là nước ở thế thượng phong đối với châu Âu và cho biết sẵn sàng khai thác lợi thế này để bắt chẹt. Cuối tuần trước tại Bắc Kinh, ngoại trưởng Mahammad Zarif cảnh báo là Iran chuẩn bị « tái tinh lọc uranium phóng xạ cao » nếu Liên Hiệp Châu Âu « không cam kết » tiếp tục đầu tư, buôn bán với Iran.

Theo nhận định của chuyên gia Clément Therme, thuộc Viện nghiên cứu chiến lược IISS ở Luân Đôn, nếu doanh nhân châu Âu rút bỏ Iran vì sợ trừng phạt của Mỹ, thì về lâu về dài, Iran là nước bị thiệt hại nặng nhất . Thứ nhất, bởi vì Iran không muốn lệ thuộc vào Trung Quốc. Thứ hai, nhu cầu lớn nhất của Teheran là mua được công nghệ như Total, Siemens, Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ, những thứ mà Trung Quốc và Nga không có. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc chỉ sử dụng mối quan hệ với Iran để gây áp lực khi đàm phán với Mỹ.

Phải chăng đây cũng sẽ là chiêu thức của Liên Hiệp Châu Âu ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.