Vào nội dung chính
IRAN - HOA KỲ - CHÂU ÂU

Thỏa thuận hạt nhân Iran : Khủng hoảng giữa Donald Trump và châu Âu

Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định hạt nhân Iran là chủ đề thời sự chính của các báo Pháp ra hôm nay. Có thể thấy chủ đề này xuất hiện khắp trang nhất của các tờ báo chính, chủ yếu được nhìn qua góc độ quan hệ đồng minh Mỹ-châu Âu thêm rạn vỡ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron, đi dạo trong khu vườn Nhà Trắng, Washington, ngày 23/04/2018
Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron, đi dạo trong khu vườn Nhà Trắng, Washington, ngày 23/04/2018 REUTERS/Joshua Roberts/File Photo
Quảng cáo

Le Monde nhận xét : «Trump và Iran : Sự tuyệt giao đầy hiểm họa ». Les Echos thì nhìn thấy một « cuộc đọ sức đáng lo ngại » giữa tổng thống Trump và Rohani tiếp sau quyết định này. Nhật báo Libération dành toàn bộ trang nhất cho tấm ảnh ghép hình ông Trump đang đối diện với ba lãnh đạo châu Âu gồm : tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức, Angela Merkel và thủ tướng Anh, Theresa May cùng tựa lớn « Iran : Tiến lên không có ông ta !». Tờ báo nhận định :« Phá vỡ thỏa thuận hạt nhân Iran, Donald Trump làm xáo trộn ổn định Trung Đông. Mọi cái nhìn giờ hướng về châu Âu ». Trong khi Le Figaro nhấn mạnh « Iran : Khủng hoảng mở giữa Trump và châu Âu ».

Le Figaro bình luận bằng giọng khá nặng nề : « Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tức là Mỹ đã quay lưng lại với châu Âu, hạ thấp ba đồng minh lớn nhất trong khối NATO và phá hoại công việc của ba thế hệ nhằm đẩy lùi hiểm họa nguyên tử. »

Tờ báo điểm lại, từ khi nhà tỉ phú New York nhậm chức, châu Âu đã biết đến nhiều quyết định đầy thất vọng của tổng thống Trump : Rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, công kích liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương là « lỗi thời », chuyển sứ quán Mỹ sang Jerusalem, đánh thuế nhập khẩu nhôm thép. Nhưng lần này, rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran thực sự là một « cơn giông lớn trực tiếp đổ xuống châu Âu », xé nát phương Tây.

Theo Le Figaro : Giờ đây thì sao ? Dù tổng thống Trump có thực sự muốn tìm kiếm một thỏa thuận “rộng hơn” để kiểm soát chặt hơn nước Cộng hòa Hồi giáo (Iran) hay không, thì trách nhiệm nặng nhất từ giờ trở đi đặt lên vai châu Âu, hay nói đúng hơn là trên vai lãnh đạo ba nước Pháp, Đức, Anh. Mọi nỗ lực kiên trì của châu Âu để nối lại quan hệ với Iran giờ sắp bị xóa sạch cùng với việc hàng loạt các đại tập đoàn của châu lục này chuẩn bị sẽ phải rời bỏ Iran.

Cho đến lúc này, ngoài những tuyên bố tỏ quan điểm với hành động đơn phương của Donald Trump, Bruxelles chưa phác thảo một sự đáp trả nào với Donald Trump.

Hệ lụy trên phạm vi quốc tế

Xã luận của Le Figaro nhận định: “ Rút ra khỏi thỏa thuận, Trump chỉ càng làm mạnh thêm các thành phần cực đoan ở Iran, ngay từ đầu vẫn chống lại việc kiểm soát chương trình hạt nhân Iran. Quyết định lập lại các trừng phạt từ trước năm 2015 nhân danh bảo vệ lợi ích Mỹ chỉ càng gây thêm hiệu ứng cô lập Hoa Kỳ.”

Tờ báo kết luận: “Thế giới càng thêm bất trắc kể từ hôm thứ Ba (08/05). Hoa Kỳ còn tin cậy nào nữa để đàm phán với Bắc Triều Tiên sau hành động quay ngoắt này. Xé bỏ thỏa thuận Vienna trong khi Iran vẫn tôn trọng các nghĩa vụ trong đó và những nước ký kết khác vẫn đòi duy trì, Trump có nguy cơ làm mất ổn định thêm quan hệ quốc tế, một trật tự mà Hoa Kỳ cho đến giờ vẫn giữ vai trò như là người bảo lãnh”.

Trong khi đó xã luận của Libération đặt vấn đề : “ Mỹ rút khỏi hiệp định hạt nhân biết đâu lại chẳng là một cơ hội cho châu Âu? Đồng ý là nhiều hợp đồng sẽ bị hủy bỏ và các công ty sẽ khổ sở, giá dầu mỏ có cơ tăng ảnh hưởng đến tăng trưởng thế giới, phe bảo thủ có thể lấy lại quyền lực ở Teheran và xã hội dân sự Iran sẽ bị thiệt thòi…”

Nhưng sự đảo lộn quan hệ liên minh có thể dẫn đến hình thành lại mối cân bằng địa chính trị, biết đâu lại có lợi cho châu Âu. “Quả thực châu Âu đang bị dồn đến chân tường. Hoặc châu Âu khuất phục để chính sách đối ngoại và thương mại của mình bị người Mỹ áp đặt, hoặc họ phải biến châu Âu thành một cường quốc không chỉ về kinh tế mà cả chính trị”. Libération cho rằng “nói thì dễ hơn làm nhưng ít ra đây cũng là một lần hiếm hoi các lãnh đạo chủ chốt châu Âu đồng lòng và Trung Quốc lại ở bên cạnh họ. Sẽ là đáng tiếc nếu bỏ lỡ cơ hội này”.

Ai thiệt hại nhất khi không còn hiệp định hạt nhân Iran

Vẫn liên quan đến quyết định của tổng thống Trump, nhưng ở góc độ hậu quả kinh tế. Nhật báo kinh tế Les Echos có bài liệt kê “ Những rủi ro của các tập đoàn nước ngoài tại Iran” khi lệnh trừng phạt Mỹ sẽ được áp dụng đầy đủ.

Theo Les Echos, các công ty châu Âu và đặc biệt là Pháp đã ùa vào Iran sau hiệp định được ký năm 2015, nhanh hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp Mỹ. Lần lượt Renault, PSA, Total rồi Airbus đều đã chiếm lĩnh thị trường đầy hứa hẹn này, trong khi mà Boeing vẫn còn thận trọng và lưỡng lự.

Các tập đoàn phương Tây làm ăn ở Iran từ năm 2015 giờ đây đều bị đe dọa bởi quyết định chính quyền Mỹ. Bộ Tài Chính Mỹ gia hạn cho họ từ 90 đến 180 ngày để có thể hủy cam kết với Teheran, trước khi lệnh cấm vận có hiệu lực kể từ ngày 4/11 tới. Các trừng phạt của Mỹ nhằm vào lĩnh vực dầu lửa của Iran, các giao dịch bằng đô la với ngân hàng trung ương của nước này và cả những thiết bị hàng không xuất sang Iran, mua bán các loại kim loại…Các công ty nước ngoài đã hoạt động tại Iran cũng nằm trong diện bị tư pháp Mỹ trừng phạt vì làm ăn với những đối tượng bị Mỹ cấm vận.

Các công ty Pháp có thể sẽ bị thiệt hại lớn, nhất là Airbus. Hợp đồng trị giá 10 tỉ euro của tập đoàn chế tạo máy bay này sẽ trở nên vô hiệu. Tập đoàn dầu khí Total, từ sau 2015 đã đổ hơn 3 tỉ euro đầu tư vào Iran. Hai nhà chế tạo xe hơi Pháp là Peugeot và Renault đang đà ăn nên làm ra ở Iran, mỗi năm bán ra thị trường này hàng trăm nghìn xe, nay hoạt động có thể bị đình trệ. Thặng dư thương mại của Pháp với Iran đã tăng từ 500 triệu euro năm 2015 lên 1,5 tỉ euro năm 2017.

Theo Libération, bộ Tài Chính Pháp đang nghiên cứu rất kỹ các quyết định của bộ Tài Chính Mỹ để giảm thiểu tác động của trừng phạt Mỹ cho các nhà chế tạo xe hơi Pháp ở Iran.

Hối hả hoạt động ngoại giao quanh hồ sơ Bắc Triều Tiên

Chuyển qua một thời sự khác đang được báo chí đặc biệt quan tâm theo dõi. Đó là cuộc gặp thượng đỉnh giữa Kim Jong Un và Donald Trump. Nhật báo Le Monde dành chú ý tới chuyến đi của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng hôm 9/5 để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ- Bắc Triều Tiên.

Tờ báo ghi nhận : “Viễn cảnh của cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim đang làm cho các màn ngoại giao ở khu vực Đông Bắc Á trở nên náo nhiệt”.

Tổng thống Mỹ cuối tuần qua đã tung lên Twitter rằng địa điểm thời gian cuộc gặp của ông với lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã được ấn định, nhưng ông không tiết lộ chi tiết. Để xúc tiến tổ chức cuộc gặp mặt lịch sử này mà ngoại trưởng Mỹ, vừa được chính thức bổ nhiệm ít ngày, đã bay tới Bình Nhưỡng. Đây là lần trở lại Bắc Triều Tiên của ông Pompeo trong vòng chưa đầy một tháng. Trong tuần lễ Phục Sinh vừa rồi, ông Mike Pompeo, khi đó còn là giám đốc CIA đã tới Bình Nhưỡng kín đáo, tiếp xúc với lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Lần này, mục tiêu của ông Pompeo sẽ tập trung chuẩn bị nội dung đàm phán của hai bên, trong đó gai góc nhất là lịch trình và phương thức “giải trừ hạt nhân” của bán đảo Triều Tiên.

Trước khi tiếp ngoại trưởng Mỹ hai ngày, lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un đã bay sang Đại Liên, Trung Quốc để gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Từ tháng Ba, đây cũng là chuyến đi thứ hai của Kim Jong Un tới Trung Quốc với mục tiêu vẫn là hồ sơ “giải trừ hạt nhân” bán đảo Triều Tiên.

Cũng trong khoảng thời gian này, tại Tokyo một cuộc gặp giữa thủ tướng Nhật, tổng thống Hàn Quốc và thủ tướng Trung Quốc cũng diễn ra và chủ đề trọng tâm cũng không ngoài tiến trình giải trừ hạt nhân hòa bình của Bắc Triều Tiên. Theo nhận định của Le Monde, cuộc gặp tại Tokyo còn có mục đích giúp Nhật Bản thoát khỏi thế tương đối bị đơn độc kể từ khi các cuộc đối thoại liên Triều ngày thêm tiến bộ rõ nét. Cũng từ cuộc gặp thượng đỉnh Moon Jae In và Kim Jong Un, Seoul dường như đã có vẻ bớt cứng rắn hơn với Bắc Triều Tiên, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, điều mà Nhật Bản vẫn khăng khăng không hề muốn.

Các màn ngoại giao hối hả đang đem lại những tín hiệu lạc quan về một nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.