Vào nội dung chính
NGA - VLADIMIR PUTIN -KINH TẾ

Sau "giương đông kích tây", Putin IV tập trung chấn hưng kinh tế Nga

Điều hành nước Nga từ 18 năm qua, tổng thống Nga Putin tiếp tục cầm quyền thêm ít nhất 6 năm nữa (đến 2024) để tiếp tục « nhiệm vụ và ý nghĩa cuộc đời (ông) là làm mọi việc trong khả năng vì nước Nga, vì hiện tại và tương lai của quốc gia », như ông phát biểu sau lễ tuyên thệ tại điện Kremlin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi lễ nhậm chức, điện Kremlin, Matxcơva, 7/5/2018.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi lễ nhậm chức, điện Kremlin, Matxcơva, 7/5/2018. Ảnh Reuters nhận được từ Sputnik
Quảng cáo

Kết quả 76,7% trong cuộc bầu cử tổng thống, và cũng là kết quả cao nhất từ 18 năm qua, càng khẳng định vị trí mạnh mẽ của ông Putin, người đã vực nước Nga thành cường quốc hàng đầu trên trường quốc tế, bất chấp căng thẳng nảy sinh với phương Tây sau nhiều sự kiện : sáp nhập bán đảo Crimée (2014), can thiệp vào miền đông Ukraina, yểm trợ cho chế độ Bachar Al Assad trong cuộc chiến Syria (2015), nghi án can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Trong bài diễn văn hùng hồn, sống động với hình ảnh minh họa, đọc trước Quốc Hội lưỡng viện vào tháng 03/2018, tổng thống Putin còn khiến thế giới phải tập trung chú ý đến kho vũ khí, trang thiết bị quân sự tối tân của quân đội Nga.

Chính chiến lược này đã giúp tổng thống Nga trở thành nhân vật đối trọng trên bàn cờ địa chính trị quốc tế và người dân Nga sống lại niềm tự hào dân tộc. Sau bốn năm phục hồi « nước Nga vĩ đại » trên trường quốc tế, tổng thống Putin đặt mục tiêu chấn hưng kinh tế trong nhiệm kỳ này. Đây cũng là mục tiêu từng được ông nhấn mạnh trong bài diễn văn trước Quốc Hội, theo nhận định với RFI (08/05/2018) của chuyên gia Florent Parmentier, giảng dạy tại đại học Sciences Po :

« Ông Vladimir Putin hiện phải đối mặt với một thách thức mới, về bản chất có lẽ ít tính chính trị hơn, và thực sự mang tính kinh tế. Trong bài diễn văn trước Quốc Hội lưỡng viện hồi tháng 03/2018, chúng ta thấy ông Putin nhấn mạnh đến các loại vũ khí mà ông muốn giới thiệu. Nhưng phần lớn bài phát biểu, trên thực tế, nhấn mạnh đến mong muốn thực hiện một số dự án hiện đại hóa nền kinh tế, các vấn đề liên quan đến nạn tham nhũng, ý định phát triển một chương trình kỹ thuật số, cũng như nhu cầu tất yếu trong việc đa dạng nền kinh tế Nga.

Và trong bối cảnh này, tổng thống Vladimir Putin muốn tìm kiếm những người thân tín mà ông có thể dựa vào để triển khai chính sách của mình. Điều này cũng giải thích nhu cầu cần đến những người biết rõ bộ máy hành chính. Vì vậy, cựu thủ tướng Dmitri Medvedev trở thành nhân vật không thể thiếu được trong tình hình hiện nay của Nga.

Thách thức thật sự trong tương lai đối với tổng thống Nga là phải đa dạng hóa được nền kinh tế, ngoài lợi nhuận từ năng lượng chủ yếu thu được nhờ xuất khẩu. Điều này có nghĩa là Nga cần xuất khẩu những mặt hàng khác, hoặc thay thế xuất khẩu năng lượng bằng hàng hóa xuất khẩu của mỗi vùng ».

Còn theo ông Arnaud Dubien, giám đốc Viện Quan Sát Pháp-Nga tại Matxcơva, khi trả lời RFI, việc tái bổ nhiệm thủ tướng Dmitri Medvedev sẽ kéo theo « quá trình thay đổi thành phần ở cấp thấp hơn, hàng thứ trưởng, thậm chí cả trong chính phủ, và tầng lớp lãnh đạo các tập đoàn nhà nước đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Nga ».

Trong vòng sáu năm tới, tân thủ tướng Dmitri Medvedev sẽ là người thi hành sắc lệnh « giảm nghèo, cải thiện chất lượng sống, thịnh vượng, an ninh », kể cả « tăng tuổi thọ lên 78 tuổi vào năm 2024, thay vì 72 tuổi như hiện nay ». Đây là một số mục tiêu trọng tâm trong chính sách mới, được tân tổng thống Nga ban hành ngay sau khi nhậm chức. Có lẽ vì vậy, tổng thống Putin tuyên bố giảm ngân sách quốc phòng Nga trong năm 2018 và 2019 và khẳng định « không chạy đua vũ trang ».

Như để chứng minh tinh hoa của nền công nghiệp Nga, lần đầu tiên, ông Putin đến lễ nhậm chức bằng xe limousine « Aurus » do Viện Nghiên cứu Khoa học và Xe hơi Trung ương Nga sản xuất. Chiếc xe sơn đen dài hơn 6 mét, được bán với giá tương đương một chiếc Bentley hay Rolls-Royce. Theo AFP, quyết định sử dụng xe hơi do Nga sản xuất còn hàm ý nhắc lại truyền thống thời Xô Viết, khi các nhà lãnh đạo chỉ sử dụng phương tiện do Cộng Hòa Liên Bang Xô Viết sản xuất : xe limousine ZIL dành cho các nguyên thủ, còn cấp dưới thường dùng xe Chaika (Hải âu).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.