Vào nội dung chính
HOA KỲ

Trump, Nobel Hòa bình ?

Sau Barack Obama cách đây một thập niên, sẽ đến lượt Donald Trump được trao giải Nobel Hòa bình nhờ giải quyết được hồ sơ gai góc Bắc Triều Tiên ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump  và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un trên màn ảnh truyền hình. Ảnh chụp tại một ga xe lửa ở Seoul ngày 09/03/2018.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un trên màn ảnh truyền hình. Ảnh chụp tại một ga xe lửa ở Seoul ngày 09/03/2018. AFP
Quảng cáo

Đó là đề nghị của một số dân biểu Cộng Hòa và cũng là một khả năng tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã nêu lên. Nhưng dĩ nhiên là rất nhiều người đã phản đối ngay ý tưởng nói trên và các nhà phân tích cũng cho rằng hãy còn quá sớm để tranh luận về chuyện này.

Hôm qua, 02/05/2018, một nhóm 18 nghị sĩ Cộng Hòa đã viết thư cho Ủy ban Nobel để đề nghị trao giải Nobel Hòa bình cho tổng thống Trump, vì những nỗ lực của ông thúc đẩy hòa giải giữa hai nước Triều Tiên.

Trước đó, ngày 30/04 vừa qua, vợ góa của cố tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung đã ca ngợi nỗ lực của đương kim tổng thống Moon Jae In sau cuộc họp thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, đồng thời chúc ông Moon Jae In cũng đoạt giải Nobel Hòa bình giống như chồng bà vào năm 2000.

Đáp lại lời chúc đó, tổng thống Hàn Quốc cho rằng tổng thống Mỹ Donald Trump có thể được giải Nobel Hòa bình, « nhưng chúng tôi thì chỉ muốn có hòa bình ». Ngày hôm sau, ông Trump tỏ vẻ rất cảm kích về đề xuất nói trên của ông Moon Jae In, nhưng theo ông, « cái chính là phải đạt đến điều đó (…) Tôi muốn có hòa bình. »

Bề ngoài thì khiêm tốn như vậy, nhưng trong thâm tâm chắc là Trump rất khoái nghe chữ « Nobel », vì một vị tổng thống như ông, lên cầm quyền mà không có chút kinh nghiệm về ngoại giao, quân sự, chính trị, đang rất cần một sự công nhận của quốc tế.

Đúng là tình hình trên bán đảo Triều Tiên trong những tuần qua đã biến chuyển một cách vô cùng ngoạn mục, không ai ngờ là Bình Nhưỡng và Seoul lại trở nên hòa dịu như thế, thể hiện qua cuộc họp thượng đỉnh lịch sử Moon Jae In - Kim Jong Un tại Bàn Môn Điếm ngày 27/04/2018. Giữa ông Kim Jong Un và tổng thống Donald Trump cũng không còn những lời lẽ hiếu chiến nữa. Hai ông cũng sẽ gặp nhau vào cuối tháng này hoặc đầu tháng tới. Hơn bao giờ hết, thế giới hy vọng là bán đảo Triều Tiên sẽ thật sự phi hạt nhân hóa, đẩy lùi hẳn nguy cơ chiến tranh.

Nhưng theo hãng tin AFP, nhiều nhà phân tích cho rằng hãy còn quá sớm để dự báo về kết quả thương lượng với chế độ Bình Nhưỡng. Đối với ông Aaron David Miller, một nhà thương thuyết trong nhiều chính quyền Dân Chủ lẫn Cộng Hòa, tranh luận về chuyện trao giải Nobel Hòa bình cho tổng thống Trump quả là một điều « phi thực tế », vì còn quá sớm.

Thật ra trong vấn đề này, có hai lập luận trái ngược nhau hoàn toàn về vai trò của tổng thống Trump trong tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên. Một bên thì cho rằng ông Trump chẳng có vai trò nào cả, còn bên kia thì khẳng định toàn bộ là nhờ công lao của ông.

Phe Dân Chủ, vốn ghét cay ghét đắng Trump, thì rất « dị ứng » với ý tưởng trao giải Nobel Hòa bình cho ông. Nhưng bên phía Cộng Hòa, những người ủng hộ Trump hết mình, thì cho rằng thượng đỉnh sắp tới với Kim Jong Un, mà cách đây chỉ vài tháng không ai dám nghĩ đến, là bằng chứng cho thấy ông có thể thành công trong những hồ sơ mà những người tiền nhiệm đã thất bại.

Tuy vậy, những người chống đối quyết liệt Trump thì lập luận rằng, từ ngôn từ, phong cách, cho đến các chính sách của ông, tất cả đều cho thấy là tổng thống Mỹ hoàn toàn không đáng được giải Nobel Hòa Bình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.