Vào nội dung chính
NGA - QUÂN SỰ

Nga giảm chi quân sự do bị trừng phạt kinh tế

Chi tiêu quân sự của Nga đã giảm xuống trong năm 2017, theo báo cáo của Viện nghiên cứu quốc tế về hòa bình (SIPRI) công bố hôm nay 02/05/2018. Đây là lần đầu tiên kể từ 20 năm qua Matxcơva giảm chi quốc phòng, do ảnh hưởng trừng phạt kinh tế.

Các xe quân sự chở hỏa tiễn địa-không S-400 tham gia cuộc diễu binh trên Quảng trường Đỏ, Matxcơva ngày 09/05/2017.
Các xe quân sự chở hỏa tiễn địa-không S-400 tham gia cuộc diễu binh trên Quảng trường Đỏ, Matxcơva ngày 09/05/2017. Kirill KUDRYAVTSEV / AFP
Quảng cáo

Nước Nga vốn có ngân sách quốc phòng đứng hàng thứ ba trên thế giới trong năm 2016, đến năm 2017 đã sụt xuống hàng thứ tư. Chi tiêu quân sự chỉ còn 66,3 tỉ đô la, giảm 20%. Lần giảm ngân sách trước đó là vào năm 1998, khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng.

Nhà nghiên cứu Siemon Wezeman của SIPRI nhận định : « Việc hiện đại hóa quân đội vẫn là ưu tiên của Nga, nhưng ngân sách quốc phòng đành phải giảm xuống do các khó khăn kinh tế từ năm 2014 ». Đó là thời điểm các nước phương Tây bắt đầu trừng phạt kinh tế, do Nga can thiệp vào Ukraina.

Cho đến năm 2016, quân đội Nga vẫn chưa bị ảnh hưởng, dù các lãnh vực giáo dục, cơ sở hạ tầng đều bị cắt giảm ngân sách. Nhưng nay Matxcơva không thể tiếp tục duy trì lãnh vực quốc phòng ở mức độ như cũ.

Bản báo cáo được đưa ra trong bối cảnh phương Tây và Matxcơva lại đối đầu như thời chiến tranh lạnh, với vụ đầu độc điệp viên hai mang Serguei Skripal hôm 4/3, và Mỹ-Pháp-Anh không kích Syria hôm 14/4 để trả đũa vụ tấn công hóa học của chế độ Damas.

Nhìn chung, 29 nước thành viên NATO đã chi 900 tỉ đô la cho quốc phòng trong năm 2017, chiếm 52% tổng chi thế giới. Chi quân sự của Trung Âu và Đông Âu tăng 12% và 1,7% do mối đe dọa từ Nga.

Hoa Kỳ vẫn là nước dẫn đầu về chi tiêu quốc phòng, với 610 tỉ đô la trong năm 2017. Tiếp theo là Trung Quốc, Ả Rập Xê Út, Nga, Ấn Độ, Pháp, Anh, Nhật Bản. Tổng chi quân sự của cả bảy nước này cộng lại còn thấp hơn cả Mỹ (578 tỉ đô la). Riêng Ấn Độ nhảy lên hàng thứ năm, chiếm chỗ của Pháp, do phải đối phó với sự bành trướng quân sự của Trung Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.