Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Dân Cuba nóng lòng chờ cải tổ kinh tế

Đăng ngày:

Vực dậy một nền kinh tế đang bị kiệt quệ, cải tổ hệ thống tiền tệ vốn đang có hai đơn vị song hành, cải cách nông nghiệp, cứu vãn những tiến bộ về xã hội và đem lại hy vọng cho 11 triệu dân Cuba. Đó là thách thức lớn chờ đợi tân chủ tịch Miguel Diaz Canel.

Xe bán rong hoa quả tại La Habana, Cuba. (Ảnh chụp ngày 20/04/2018)
Xe bán rong hoa quả tại La Habana, Cuba. (Ảnh chụp ngày 20/04/2018) REUTERS/Alexandre Meneghini
Quảng cáo

Ngày 19/04/2018 Cuba sang trang thời đại Castro kể từ cuộc Cách Mạng năm 1959. Tân chủ tịch Miguel Diaz Canel là người có trọng trách khắc phục những hậu quả kinh tế tai hại sau những năm tháng cấm vận của Hoa Kỳ, bị mất những điểm tựa là Liên Xô hay Venezuela và của 10 năm cải cách nửa vời do ông Raul Castro khởi động.

Miguel Diaz Canel, 57 tuổi, lên cầm quyền tại một đất nước có 11 triệu dân, 75 % lương thực thực phẩm phải nhập khẩu, các dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục, vốn là niềm tự hào của một đất nước xã hội chủ nghĩa đang xuống cấp nghiêm trọng vì ngân sách của nhà nước cạn kiệt.

Trong 10 năm, chính quyền của chủ tịch Raul Castro không đảo ngược được thế cờ, không thu hút được đầu tư nước ngoài như mong đợi. Cảnh nghèo và tương lai đen tối, trong vòng một thập niên, đẩy 660.000 thanh niên Cuba ra nước ngoài. Tăng trưởng không vượt quá 2 % trong lúc tổng sản phẩm nội địa Cuba cần tăng ít nhất 5 % một năm để bảo đảm cho người dân đủ ăn.

11 triệu dân Cuba chờ đợi gì ở tân chủ tịch Miguel Diaz Canel cho dù tên tuổi ông còn xa lạ với đại đa số người dân trên hòn đảo này ?

Tuần trước, đặc phái viên của đài RFI Romain Lemaresquier, tại La Habana gửi về bài phóng sự cho thấy nỗi tuyệt vọng của rất nhiều người mà anh đã gặp trên đường phố:

"Một thế hệ mới lên cầm quyền, nhẽ ra phải đem lại nhiều hy vọng cho dân chúng, mong cuộc sống hàng ngày được cải thiện. Nhưng tại đây, không mấy ai cảm nhận được làn sóng hy vọng đó. Ngược lại nhiều người tỏ ra bi quan và hầu hết chỉ nhận trả lời nếu được giấu tên : "Chẳng hy vọng gì phải mất thêm 30 năm nữa, phải đợi thêm một thế hệ lãnh đạo nữa chết đi mới mong có thay đổi. Mà tôi cũng chẳng biết người lên thay Raul Castro là ai. Cuba có hai đồng tiền cùng hoạt động một lúc. Họ trả tiền lương cho dân thì bằng đồng peso, mà lại bắt người dân dùng đồng CUC để mua quần áo, thực phẩm hay thuê nhà. Có người chẳng đủ tiền để ăn và cũng chẳng có nhà ở".

Dân tình than vãn về đời sống đắt đỏ, như lời một nhân viên Nhà nước tâm sự :"Để hy vọng đỡ khổ hơn, thì Nhà nước phải tăng lương, giá cả quần áo, giầy dép, đồ ăn thức uống phải hạ xuống. Ở đây cái gì cũng đắt. Lương không đủ sống. Chưa nói tới chuyện mua đồ điện trong nhà. Tại sao Cuba không cho dân mua trả góp như ở những nơi khác" ?

Tất cả mọi người ở đây, dù là làm cho Nhà nước hay tư nhân, đều phải biết xoay sở, như giải thích của Rafael :"Ở Cuba mọi người thường nói, phải khéo xoay sở mới có thể sống nổi mà không ăn cắp cái gì của ai. Tôi bán một số hàng trái phép, nhưng nếu khai báo hẳn hoi thì tôi phải đóng thuế. Đóng thuế rồi thì không còn gì để sống. Đi làm cho Nhà nước thì không tìm được việc với khả năng của tôi hay với đồng lương chết đói. Còn đi ăn cắp hay trộm cướp thì tôi không thích" .

Ai cũng mong là tân lãnh đạo Cuba chóng giải quyết được những khó khăn hàng ngày cho người dân. Một cán bộ cao cấp nói : "Tôi mới mua ổ bánh mì, một miếng jambon và một lon nước ngọt, hết 2 CUC tức là 3 ngày tiền lương của tôi. Hàng tháng lương chính thức của tôi khoảng từ 700 đến 800 peso, mà cứ 25 peso đổi lấy 1 CUC. Với mức lương này tôi chỉ đủ sống 3 ngày mỗi tháng ! Những người dân ở đây mà tôi gặp dường như không còn tin tưởng là tương lai sẽ sáng sủa hơn. Tân lãnh đạo Cuba cần phải nhanh chóng tìm ra ngõ thoát để giảm bớt những căng thẳng trong xã hội. Công luận Cuba sẽ không kiên nhẫn đợi chờ như điều họ đã từng làm dưới thời hai vị cha đẻ của cuộc cách mạng Cuba là Fidel và Raul."

Đổi tiền, cái giá phải trả ?

Như phóng sự của đặc phái viên đài RFI tại La Habana vừa nhắc đến, Cuba là quốc gia duy nhất trên thế giới có hai đồng tiền cùng được sử dụng. Từ năm 1994 dân Cuba phải sống với hai đơn vị tiền tệ, peso và CUC. CUC được hoán chuyển sang các đơn vị ngoại tệ khác như đô la Mỹ hay euro, đồng peso thì không. Một CUC tương đương với 1 đô la nhưng lại bằng 25 peso. Ban đầu La Habana dùng đồng CUC để thanh toán các dịch vụ mua bán với nước ngoài. Dần dần đồng tiền này len lỏi vào đời sống của người dân Cuba, nhất là khi Cuba bắt đầu mở cửa cho du khách.

Từ 2014, ông Raul Castro đã nêu kế hoạch đổi tiền, để chỉ còn một đơn vị tiền tệ được lưu hành. Nhưng rồi không một lãnh đạo nào tại La Habana đủ can đảm đối mặt với một "trận động đất và sóng thần" về nhiều mặt.

Thứ nhất nếu chỉ giữ lại đồng peso mà từng bước loại đồng CUC thì La Habana phải chọn tỉ giá nào cho thỏa đáng giữa hai đơn vị tiền tệ của cùng một quốc gia ? và liệu rằng Cuba có phải phá giá đồng tiền ?

Thứ hai là khi đã đổi tiền, liệu Nhà nước có đủ khả năng bảo đảm cho tất cả các doanh nghiệp phải nhập hàng của nước ngoài ? Cuba liệu có đủ khả năng thanh toán khi gần 80 % lương thực tiêu thụ trên hòn đảo này là phải nhập của nước ngoài ?

Đe dọa thứ ba là đổi tiền dẫn tới lạm phát leo thang tại một quốc gia mà 85 % các hoạt động kinh tế đều do Nhà nước kiểm soát, khu vực kinh tế quốc doanh cần sa thải ít nhất là từ 1 triệu đến 1 triệu rưỡi người lao động và đẩy mạnh lĩnh vực tư nhân. Hiềm nỗi, theo lời chuyên gia kinh tế Pavel Vidal, một trong những nhà nghiên cứu về Cuba uy tín nhất tại châu Mỹ La Tinh, giảng dậy tại đại học Javeriaban Colombia, những nỗ lực cải tổ của ông Raul Castro trong giai đoạn 2008 -2018 đều thất bại.

Thu hút đầu tư nước ngoài dậm chân tại chỗ

Một trong những tham vọng khác từng được cựu lãnh đạo Raul Castro ấp ủ khi lên thay thế người anh trai Fidel, là đề ra mục tiêu thu hút từ hai tỉ đến hai tỉ rưỡi đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng năm. Một chục năm sau, thực tế không được như mong đợi.

Giáo sư trường đại học Mỹ ở Pittsburgh, Carmelo Mesa Lago, nói đến tốc độ "rùa bò" khi hàng năm có chưa tới 420 triệu đô la đầu tư ngoại quốc đổ vào Cuba.

Nhìn đến chỉ số thu nhập thì theo nghiên cứu của giáo sư Vidal, đại học Colombia, GDP đầu người tại Cuba hiện tương đương với Bolivia. Một nghiên cứu khác cũng không mấy khoan nhượng với lãnh đạo ở La Habana khi chỉ ra rằng, riêng trong ngành công nghiệp sản xuất đường mía, một nước chậm phát triển như Guatemala có ít nhà máy đường hơn Cuba, nhưng lượng sản xuất thì lại cao hơn so với Cuba.

Trong lúc những tia hy vọng chớm lóe lên rồi phụt tắt sau quyết định của Mỹ xóa bỏ cấm vận Cuba, chính quyền của tân lãnh đạo Miguel Diaz Canel liệu có phải đi tìm những vị mạnh thường quân khác để thay thế vào chỗ trống của Liên Xô trước kia và Venezuela ngày nay ?

Giáo sư Carmelo Mesa Lago đại học Pittsburgh không chút lạc quan khi cho rằng Cuba sẽ không bao giờ có được một điểm tựa như đã từng có với Liên Xô trong thế kỷ 20. La Habana không còn có thể trông chờ được gì ở các nước "anh em" còn vỏ bọc xã hội chủ nghĩa hay từng là một nước xã hội chủ nghĩa.

Trung Quốc cũng như Nga sẽ không nhân nhượng với Cuba. Bắc Kinh cũng như Matxcơva áp dụng nguyên tắc cơ bản "tiền trao, cháo múc" với La Habana. Cuối tháng 5/2017 bộ trưởng Năng Lượng Nga sau một chuyến công tác tại quê hương của Fidel Castro đã tuyên bố với báo chí rằng "Cuba muốn được cung cấp dầu hỏa, vấn đề đặt ra là ai tài trợ cho khoản mua bán đó ?".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.