Vào nội dung chính
THỤY ĐIỂN - XÃ HỘI

Viện Hàn LâmThụy Điển bị tai tiếng, người dân biểu tình

Từ đầu tháng Tư 2018 này, Viện Hàn Lâm Thụy Điển, định chế trao giải Nobel Văn Học hàng năm đã bị tai tiếng. Ông Jean-Claude Arnault, người Pháp, chồng của một viện sĩ Viện Hàn Lâm Thụy Điển, đã bị 18 phụ nữ tố cáo sách nhiễu tình dục.

Biểu tình tại quảng trường Stortorget, Stockholm, ngày 19/04/2018, để phản đối các vụ sách nhiễu tình dục vừa bị tố cáo tại Viện Hàn Lâm Thụy Điển
Biểu tình tại quảng trường Stortorget, Stockholm, ngày 19/04/2018, để phản đối các vụ sách nhiễu tình dục vừa bị tố cáo tại Viện Hàn Lâm Thụy Điển TT News/Jonas Ekstromer/via REUTERS
Quảng cáo

Cho dù có những bằng chứng rõ ràng, một phần viện sĩ vẫn ủng hộ ông Jean-Claude Arnault và vợ của ông. Tối hôm qua, 19/04/2018, để bày tỏ thái độ bất bình, cư dân Stockholm đã xuống biểu tình phản đối, một điều hiếm thấy ở Thụy Điển, một đất nước vốn rất ưa chuộng đồng thuận.

Thông tín viên RFI, Frédéric Faux, tường thuật từ Stockholm :

"Trên một quảng trường của Stockholm, đối diện với Viện Hàn Lâm Nobel, khoảng 1000 người đã tập hợp lại. Một phụ nữ tên Sara cho biết: « Chúng tôi không thường làm như thế này ở Thụy Điển. Tôi đã 45 tuổi, nhưng đây là lần đầu tiên tôi biểu tình... »

Cũng như Sara, người dân Stockholm không quen biểu tình. Ở đây không thấy có khẩu hiệu hay biểu ngữ, mà chỉ là những phát biểu phẫn nộ sau vụ tai tiếng gây xáo trộn Viện Hàn Lâm.

Thư ký thường trực Viện Hàn Lâm, bà Sara Danius, muốn mạnh tay xử lý vụ việc, và bà đã bị buộc phải từ chức. Đối với một số người, điều đó quả là bất công, như giải thích của Anna : « Như thế là một phụ nữ đã bị trừng phạt vì lỗi của một người đàn ông bị tố cáo về những hành vi sách nhiễu, hãm hiếp. Lẽ ra chính các thành viên của Viện Hàn Lâm phải từ chức vì họ dìm danh dự của chúng ta xuống bùn ».

Nhiều vụ biểu tình khác cũng được tổ chức đó đây tại Thụy Điển, để ủng hộ bà Sara Danius và cũng để bảo vệ giải Nobel Văn Học. Trước những vụ từ chức hàng loạt, Viện Hàn Lâm chỉ còn lại 11 thành viên, không đủ để chọn người được giải. Vấn đề là phải đợi một thành viên chính thức qua đời, mới đề cử được người thay thế.

Để thoát ra khỏi bế tắc, cách duy nhất có lẽ phải đợi quốc vương Thụy Điển thay đổi quy định… xưa hai thế kỷ này."

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.