Vào nội dung chính
SYRIA - QUÂN SỰ

Có bao nhiêu lực lượng quân sự nước ngoài ở Syria ?

Từ nhiều năm qua, Syria như một bãi chiến trường khổng lồ với sự tham chiến của nhiều bên, ở các mức độ khác nhau, hình thức khác nhau.

Lính Nga và Syria gần trạm kiểm soát Wafideen, Damas, ngày 02/03/2018
Lính Nga và Syria gần trạm kiểm soát Wafideen, Damas, ngày 02/03/2018 REUTERS/Omar Sanadiki
Quảng cáo

Rạng sáng thứ Bảy 14/04/2018, người dân Syria thức tỉnh dưới tiếng bom đạn của liên minh quốc tế. Sau vài ngày do dự, ba nước Mỹ, Anh và Pháp đã mở chiến dịch tấn công có mục tiêu nhắm vào chế độ Bachar al-Assad, bị Donald Trump tố cáo là đã tấn công vũ khí hóa học « đáng sợ » tại đông Ghouta. Chế độ Syria và các đồng minh của nước này Nga và Iran đã nhanh chóng lên án các vụ oanh kích. Trung Quốc hôm thứ Bảy 14/04/2018 cũng lên tiếng « phản đối sử dụng vũ lực » và yêu cầu các bên phải thực hiện theo « khuôn khổ luật quốc tế ».

Cả ba nước phương Tây đều có các căn cứ quân sự trong khu vực nơi được dùng để tấn công Damas. Binh sĩ Nga, đồng minh không thể lay chuyển của Syria, cũng hiện diện đông đảo. Đài truyền hình Pháp France 24 điểm lại sự hiện diện của các lực lượng quân đội nước ngoài tại Syria và trong khu vực.

Lực lượng quân sự nước ngoài hiện diện tại Syria
Lực lượng quân sự nước ngoài hiện diện tại Syria (@France 24)

Hoa Kỳ : Hiện diện khắp nơi

Sau trận tấn công hôm thứ Bảy 14/04, Hoa Kỳ cho biết đã bắn đi loại nhiều loại tên lửa khác nhau, trong đó có tên lửa hành trình Tomahawk, nhưng không nêu rõ chúng được bắn từ đâu.

Năm 2017, khi Donald Trump ra lệnh đánh chế độ Damas sau một vụ tấn công bằng khí ga sarin nhắm vào thành phố Khan Cheikhoun, do quân nổi dậy kiểm soát, hải quân Mỹ đã bắn đi 59 quả Tomahawk từ các chiếc khu trục hạm USS Porter và USS Ross, neo ngoài khơi Địa Trung Hải. Năm nay, hai chiếc tầu chiến này đang làm nhiệm vụ ở Bắc Đại Tây Dương nên không thể tham gia vào chiến dịch.

Ngược lại, tầu chiến USS Donald Cook lại có mặt trong khu vực. Hôm thứ Hai 16/04, chiếc khu trục hạm này đã rời cảng quá cảnh Larnaca của Chypre. USS New York hiện đang neo đậu trên biển Địa Trung Hải, nhưng ít có khả năng chiếc tầu chiến vận tải này trực tiếp tham dự vào vụ tấn công vừa qua. Mặt khác, hải quân Mỹ hiện đã triển khai tám chiếc tầu ngầm trên thế giới. Nếu như vị trí của chúng đều được giữ bí mật, nhưng một trong số những chiếc tầu ngầm này hiện đang trú tại Địa Trung Hải. Và chiếc tầu ngầm này rất có thể đã được sử dụng để phóng tên lửa.

Trên bộ, Hoa Kỳ có một căn cứ quân sự ở al-Tanf, đông nam Syria. Nhiều đội đặc nhiệm được triển khai ở Manbij, phía bắc Syria. Không quân Hoa Kỳ cũng hiện diện ở khu vực này nhờ vào các khu căn cứ quân sự Azraq ở Jordani và Incirlik tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, hãng tin Reuters trích dẫn tuyên bố của ông Bekir Bozdag, bộ trưởng Tư Pháp Thổ Nhĩ Kỳ, khẳng định khu căn cứ này không được sử dụng cho chiến dịch quân sự hôm thứ Bảy 14/04. Hoa Kỳ còn cho tu sửa một đường băng hạ cánh gần Kobané, phía bắc Syria, thuộc vùng tự trị Kurdistan.

Ngoài ra, Mỹ còn có nhiều khu căn cứ quân sự khác tại các nước vùng Vịnh, nhất là tại Koweit, ở al-Udeid của Qatar, cũng như là Al Dhafra của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.

Lực lượng quân sự nước ngoài hiện diện trong vùng Vịnh
Lực lượng quân sự nước ngoài hiện diện trong vùng Vịnh (@France 24)

Nước Pháp : Ít quân số nhưng hiện diện rải rác

Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Florence Parly nêu rõ là Paris đã huy động tầu chiến đa năng tại Địa Trung Hải và chiến đấu cơ để tấn công. Những thiết bị này, gồm 5 chiếc Rafale, 4 chiếc Mirage 2000, hai chiếc Awacs và 5 máy bay tiếp liệu đã cất cánh từ nhiều khu căn cứ không quân của nước Pháp. Hiện tầu chiến Aquitaine đang đậu ở vùng biển phía đông Địa Trung Hải trong khuôn khổ chiến dịch Chammal ở vùng Trung Đông, nhằm hỗ trợ quân sự cho các lực lượng địa phương tham gia chống Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Quân đội Pháp cũng hiện diện tại căn cứ không quân Prince-Hassan của Jordani, gồm 6 chiếc Rafale cũng như 6 chiếc khác tại Al Dhafra, thuộc Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.

Cuối tháng Ba năm 2018, hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố sơ đồ được cho là nơi đồn trú của quân đội Pháp tại bắc Syria. Dường như chính từ năm căn cứ quân sự này, chủ yếu nằm ở phía bắc, tại những khu vực do Lực Lượng Dân Chủ Syria FDS kiểm soát, 70 binh sĩ Pháp đã tham gia tác chiến tại đông bắc Syria.

Nhưng những thông tin này chưa được xác nhận. Tháng 06/2016, Paris đã thừa nhận sự hiện diện của lực lượng đặc nhiệm Pháp tại Syria để « cố vấn cho FDS chống Daech », chủ yếu là tại Manbij, nhưng Paris vẫn luôn tỏ ra kín tiếng về quân số hay vị trí đóng quân của lực lượng này.

Tháng 7/2017, cũng hãng Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố những gì mà nước này cho là bản đồ vị trí 10 đơn vị quân sự Mỹ ngay chính trong khu vực. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn khẳng định tại đây còn có 75 binh sĩ Pháp, đóng quân chủ yếu tại một căn cứ gần với thành phố Raqqa. Thế nhưng, Lầu Năm Góc đã từ chối bình luận những thông tin này.

Nước Anh : Bắt đầu nhìn sang Trung Đông

Trong chiến dịch tấn công Syria vừa qua, Luân Đôn đã huy động 4 chiến đấu cơ Tornado GR4 của Không Quân Hoàng Gia Anh, có trang bị tên lửa Storm Shadow. Royal Air Force có một căn cứ không quân quan trọng tại Chypre : đó là Akrotiki, nơi xuất phát nhiều chiếc tiêm kích tham gia chiến dịch chống Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria. Tầu khu trục HMS Duncan dường như cũng có mặt tại Địa Trung Hải.

Đầu tháng 4/2018, quân đội Anh vừa mở một căn cứ quân sự mới ở Manama, Bahrein. Đây là cơ sở quân sự thường trực đầu tiên của Anh ở Trung Đông sau gần một nửa thế kỷ vắng mặt.

Nga : Đông lính chính quy và lính đánh thuê

Là đồng minh của Syria, nước Nga đương nhiên hiện diện đông đảo trong khu vực. Nga có hai cơ sở quân sự ở phía tây Syria ; một tại Hmeimim nơi đồn trú của các chiến đấu cơ và dàn phòng không, và một căn cứ hải quân ở Tartous cũng được bố trí một hệ thống phòng không.

Về nhân sự, con số chính thức gần đây nhất chính là số quân nhân đã được thông qua nhân kỳ bầu cử tổng thống Nga 18/03 : 2954 người. Một lượng lớn binh lính Nga đã được triển khai tại căn cứ Hmeimim. Số ít còn lại là những « cố vấn » quân sự, hỗ trợ quân đội Syria tại địa bàn và có một vai trò lớn trong những thắng lợi gần đây.

Về điều này, cũng nên tính thêm số cảnh sát quân sự, bao gồm chủ yếu các binh đoàn đến từ các nước cộng hòa Hồi Giáo Kavkaz của Nga, được triển khai tại những địa phương chiếm lại từ tay phe nổi dậy như ở Aleppo, và tại những « vùng giảm căng thẳng » được thiết lập ở một số nơi.

Đó là chưa tính đến sự hiện diện đông đảo của số lính Nga đánh thuê tại Syria. Đây có thể được xem như là một vũ khí bí mật của tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo các nguồn tin của Reuters, ít nhất có đến hơn 550 lính Nga đánh thuê do một công ty tư nhân Wagner, có liên hệ với điện Kremlin tuyển mộ đến tham chiến tại Syria.

Sự việc đã gây sự chú ý khi Hoa Kỳ đã thực hiện một vụ oanh kích nhắm vào các lực lượng ủng hộ chế độ Damas trong ngày 07/02/2018, để trả đũa việc trụ sở của Lực Lượng Dân Chủ Syria FDS bị tấn công ở vùng Deir Ezzo vì FDS được liên quân quốc tế ủng hộ. Trong trận oanh kích này, hơn 300 lính Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương. Matxcơva tuy phủ nhận sự hiện diện của lực lượng này, nhưng theo lời xác nhận của một bác sĩ quân y với Reuters, trong vòng 4 ngày từ ngày 09-12/02, Nga đã phải huy động đến 3 máy bay để vận chuyển số binh sĩ bị thương về nước.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.