Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Di sản Raul Castro: Cuba được ít lo nhiều

Đăng ngày:

Từ khi Raul Castro thay ông anh Fidel vào năm 2006, khuôn mặt của Cuba dần dần thay đổi qua chính sách cải cách mà trước đó không ai dám công khai đòi hỏi trừ giới ly khai. Từ một nước khép kín lệ thuộc vào Liên Xô, người dân Cuba ngày nay có thể đi du lịch, tạo dựng xí nghiệp, cờ Hoa Kỳ phất phới trên đường phố La Habana. Tuy nhiên, đảo quốc vẫn bị cấm vận, kinh tế vẫn chưa phất lên được, xã hội phân hóa, không kể thiếu vắng tự do chính trị, đặt thế hệ kế tục trước nhiều thách thức và bất trắc.

Cựu chủ tịch Cuba Raul Castro.
Cựu chủ tịch Cuba Raul Castro. Sven Creutzmann/Pool via Reuters/File Picture
Quảng cáo

Lần lượt, hai chuyên gia về Cuba, nhà báo Michel Faure và giáo sư chính trị Janette Habel phân tích các thành tựu nửa vời cũng như những thất bại của Raul Castro do cản lực nội tại của chế độ và cấm vận.

Một trang sử mới đang mở ra cho Cuba ?

Sau 48 năm độc tài chuyên chế, Fidel Castro rút lui vào năm 2006, nhường ghế lãnh đạo cho Raul Castro. 12 năm sau, kể từ ngày 19/04/2018, đến lượt Raul chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo sinh sau cách mạng 1959 trong bối cảnh được xem là đầy thách thức và bất trắc cho người kế nhiệm : Hoa Kỳ vẫn chưa bỏ cấm vận, Cuba vẫn còn lúng túng với hệ thống tiền tệ song hành lạc hậu.

Trong hai ngày họp khoáng đại tại La Habana, Quốc Hội mới của Cuba bầu chủ tịch nước thay thế Raul Castro, 86 tuổi, mở ra một trang sử mới cho Cuba. Raul Castro tiếp tục lãnh đạo đảng Cộng Sản cho đến 2021 nhưng một nhân vật khác, Miguel Diaz Canal, 58 tuổi sẽ giữ ghế nguyên thủ quốc gia. Nhân vật này có những đặc điểm gì ?

Theo nhà báo Michel Faure, chuyên gia châu Mỹ la tinh và Cuba, nhân vật mới này có thể làm những chuyện bất ngờ :

Cuba vẫn là một chế độ không dân chủ. Bầu chủ tịch Nhà nước là một tiến trình bắt đầu với cuộc bầu cử Quốc Hội mà mỗi đơn vị chỉ có một ứng cử viên đại diện cho một đảng duy nhất là đảng Cộng Sản Cuba. Giai đoạn cuối là bầu một chủ tịch nước: Miguel Diaz Canel đã được dự báo sẽ đắc cử.

Nhân vật này, trong tương lai, có thể gây ra nhiều bất ngờ, ai biết trước được ? Nhưng điều người ta có thể nói được ngay bây giờ là trong suốt quá trình tiến thân, Miguel Diaz Canel là một cán bộ hoạt động trong đảng Cộng Sản, là một đảng viên được coi là tốt, một cán bộ nòng cốt khá kín đáo, cũng có thể là một người có khả năng, chúng ta sẽ có dịp biết rõ hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, với Miguel Diaz Canel, Cuba có hy vọng đổi mới. Lần đầu tiên từ hơn 60 năm qua, Cuba có một lãnh đạo xuất thân là dân sự, cho dù có trải qua một khóa huấn luyện chỉ huy quân sự. Sinh năm 1960, Miguel Diaz Canel không sống qua thời kỳ cách mạng. Với hai yếu tố đặc biệt này, tôi nghĩ rằng Cuba có cơ may thay đổi. Vấn đề là ông có muốn hay không và có khả năng thực hiện hay không, đó là chuyện khác.

Raul chưa thể gác kiếm

Chủ tịch mãn nhiệm, không lui vào hậu trường chính trị, trái lại nắm chặt bộ máy đảng cho đến 2021, theo kế hoạch. Tham quyền cố vị ? Cẩn thận đề phòng ? Yểm trợ « thế hệ trẻ » thiếu kinh nghiệm quản lý trong giai đoạn chuyển tiếp ? Theo Michel Faure, chủ tịch Raul Castro về nắm bộ máy đảng vì trong dạ không yên:

Chuyện Raul Castro tiếp tục lãnh đạo đảng Cộng Sản, định chế chính trị của Cuba, đến năm 2021 không phải là một quyết định ngẫu nhiên. Liệu sức khỏe có cho phép ông ấy tiếp tục làm việc đến đó hay không. Nhưng, theo Hiến Pháp Cuba 1976, đảng Cộng Sản là tổ chức « tiên phong » của chủ nghĩa Mác-Lênin và là lực lượng « lãnh đạo xã hội và Nhà nước Cuba ». Đến năm 1992, với bản Hiến Pháp được tu chính, đảng Cộng Sản trở thành lực lượng lãnh đạo « tối cao » của xã hội và Nhà nước. Điều này có nghĩa là chủ tịch của Hội Đồng Nhà Nước Cuba đứng dưới tổng bí thư đảng Cộng Sản Raul Castro. Do vậy, hy vọng cải cách có nguy cơ tạm thời gác lại.

Raul sẽ đóng vai trọng tài khi có bất đồng nan giải trên thượng tầng lãnh đạo, tức là sẽ có tiếng nói quyết định.

Lần đầu tiên, ghế chủ tịch Nhà nước Cuba không nằm trong tay một nhân vật họ Castro. Nhưng với tư cách lãnh đạo đảng Cộng Sản, Raul Castro có thể tiếp tục làm « thái thượng hoàng » trong giai đoạn chuyển tiếp chính trị từ nay đến 2021. Mốc thời gian này không phải được chọn một cách tùy tiện. Vào năm đó, có ba sự kiện : Raul được 90 tuổi và cũng là năm diễn ra Đại Hội đảng Cộng Sản lần tới. Nhưng quan trọng hơn cả là vào thời điểm đó, tại Mỹ bắt đầu một nhiệm kỳ tổng thống mới. Tình hình quốc tế cũng là một yếu tố quan trọng trong sự tính tóan chi li, cân nhắc thận trọng của Raul Castro.

Kinh tế cởi trói khập khễnh : Hệ quả

Trong 12 năm cầm quyền của Raul, ngoài thành công ngoạn mục tái lập bang giao với Mỹ vào tháng 12/2014, Cuba đã tiến hành được nhiều biện pháp cởi trói đáng kể : cho phép dân chúng xuất ngoại, cho phép tư nhân làm ăn buôn bán theo một danh sách chính xác 200 nghề, mở cửa cho đầu tư nước ngoài, cải cách ruộng đất… Tuy nhiên, mọi việc chỉ tiến được nửa vời. Trên đường phố thủ đô hàng quán mọc lên như nấm, nhưng đến năm 2017, lệnh mới đình chỉ 30 loại giấy phép trong đó có những ngành nghề lẽ ra phải tháp tùng kinh tế tự do : mở khách sạn, quán ăn tư nhân hay xây dựng nhà cửa. Những người chỉ trích chế độ cho rằng những ngành hái ra tiền được dành riêng cho quân đội trong tập đoàn GAESA, do con rể của Raul đứng đầu. Viện vào cớ này, tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh cấm du lịch cá nhân vào Cuba.

Trong kỳ đại hội Đảng lần cuối, Raul Castro than phiền là trong 5 năm cải cách, chính phủ Cuba chỉ thực hiện có 20% kế hoạch. Liệu ban lãnh đạo mới có thể thoát ra được tình trạng « rùa bò » hay không ? Giáo sư chính trị Janette Habel trả lời là « rất khó ». Bà phân tích các yếu tố nhân quả :

Tình hình Cuba rất rối rắm, rất phức tạp bởi vì những cải cách kinh tế ở Cuba mà người ta gọi là « cập nhật hóa chủ nghĩa xã hội » theo mô hình Cuba đã gặp trở ngại. Được thận trọng tiến hành từ khi Raul lên thay Fidel, theo nhịp được gọi là « không gián đoạn cũng không gấp gáp », chương trình đổi mới kinh tế đụng phải hai cản lực : xã hội và chính trị.

Theo chủ trương, cải cách kinh tế Cuba là tự do hóa, là cởi mở, là cởi trói thị trường, công nhận tài sản tư nhân. Chính sách này đã tạo ra « 600.000 lao động độc lập ». Điều quan trọng ở đây là 600.000 lao động độc lập này, trục chính của chính sách cải cách kinh tế, một phần là thủ công, xí nghiệp vừa, xí nghiệp nhỏ… đã đưa đến một hệ quả là tạo ra một tầng lớp xã hội mới, khác biệt với nhau và có quyền lợi mâu thuẫn nhau.

Chính quyền Cuba rất thận trọng khi thấy nẩy sinh tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Những bất công, bất bình đẳng thật ra đã có từ lâu, từ khi Cuba ban hành chính sách hai đơn vị tiền tệ song hành : bên cạnh đồng Peso là đồng CUC có giá trị chuyển đổi với ngoại tệ. Tiếp theo đó là đồng đô la Mỹ, theo chân hàng trăm nghìn du khách vào Cuba. Đối với một nước (từ lâu bị cô lập) như Cuba thì đây là một trận động đất xã hội, hay đúng hơn là một biến đổi lớn. Trong nước xuất hiện một tầng lớp xã hội mới sung túc hơn tầng lớp cũ và tranh đấu bảo vệ lợi ích riêng. Cuba không còn là một xã hội « đồng nhất » của thời Fidel Castro.

Chính vào lúc xã hội thay đổi mạnh như thế này thì trong lĩnh vực chính trị, một thế hệ mới lên cầm quyền. Thế hệ lãnh đạo mới sẽ đối mặt với những khó khăn mà Fidel và Raul không trải nghiệm hoặc có nhưng không khó khăn lắm. Đó là những bất trắc đang chờ các chính quyền hậu Castro.

Bỏ hệ thống hai đồng tiền : lực bất tòng tâm

Theo giới chuyên gia cũng như chính quyền Cuba nhìn nhận qua thái độ cải cách ngập ngừng, sau hơn nửa thế kỷ khép kín, Cuba giờ đây đứng trước một núi thách thức đầy bất trắc, nhất là đối với một chế độ luôn sợ mất quyền lực.

Chính sách « hai đồng tiền » lưu hành song song từ 1994, một biện pháp duy nhất trên thế giới, ban hành trong bối cảnh kinh tế suy vi, mất viện trợ khi Liên Xô sụp đổ, cho dù trói buộc kinh tế quốc gia, tạo ra bất công xã hội, vẫn chưa được bãi bỏ.Giáo sư Janette Habel giải thích:

Chuyện quan trọng theo tôi, tiền lương trả cho nhân viên trong lãnh vực công bằng đồng Peso làm cho đời sống hằng ngày của người công chức cực kỳ khó khăn. Bên cạnh đó, thu nhập trong lĩnh vực kinh tế tư nhân lại rất cao, hơn hàng chục lần. Hệ quả là hàng loạt công chức Cuba, nhiều người có bằng cấp cao, lao đao, rơi xuống bậc thấp của nấc thang xã hội do đồng lương không đủ sống.

Quyền sống : Khát vọng chính đáng của công dân

Một hệ quả tất yếu là chính quyền bị mất máu. Một chế độ mệnh danh là « xã hội » mà công chức bỏ việc hàng loạt. Bác sĩ, giáo sư đại học bỏ ngành chuyên môn ra làm nghề phục vụ du khách, lái taxi, tạo ra một tình trạng đảo lộn trong bậc thang xã hội, mầm bất ổn cho tương lai. Chuyên gia Michel Faure cho biết:

Nói về bất công xã hội, thật ra, từ khi đô la lưu hành ở Cuba, người ta thấy xuất hiện những tài xế taxi, nhân viên khách sạn, quán bar là những người có bằng cấp cao. Một bộ phận dân chúng khác sống phong lưu nhờ vào tiền trợ cấp của thân nhân từ Mỹ, và các nơi khác, gửi về. Từ 20 năm nay, với hai thị trường song hành, với hai đồng tiền song hành, Peso và CUC, có thể nói đó là nguyên nhân tạo căng thẳng trong xã hội, phân hóa giữa người có thu nhập cao và người lãnh đồng lương chính thức.

Thế mà 90% công ăn việc làm có thu nhập ở Cuba là dịch vụ phục vụ du khách.Đây là bài toán nát óc của chính quyền Cuba. Chúng ta có thể cảm nhận được sự bất bình của người dân nhưng không có cơ sở khoa học để đo lường bởi vì Cuba không cho thăm dò ý kiến công luận. Chính quyền có thể có số liệu trong tay nhưng không công bố. Cho nên chúng ta không thể suy đoán là người dân phản ứng ra sao nhưng đây là lần đầu tiên trong chính phủ không có Castro tuy rằng Raul vẫn nắm bộ máy đảng.

Tình trạng mới mẻ này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những đòi hỏi trong dân chúng được thể hiện, do vậy rất khó quản lý, khó kiểm soát. Điều nguy hiểm là những khát vọng đổi đời này sẽ tạo thêm hố sâu ngăn cách giữa các tầng lớp xã hội mà những khát vọng này lại rất chính đáng.

Nhân quyền

Trong 12 năm qua, Raul Castro kiểm sóat dân chúng gắt gao. Nếu Fidel không ngần ngại bắt nhốt nhà báo hay đối lập với bản án hàng chục năm tù, thì trái lại Raul tìm cách cải thiện quan hệ với Giáo Hội Công Giáo để thương lượng trả tự do cho tù chính trị. Chính quyền Cuba tuy vẫn tiếp tục đàn áp nhưng ít thô bạo hơn : án tù tuy phi lý nhưng tương đối ngắn. Giáo Hội cũng nhân lúc tình thế bớt căng này, vận động Hoa Kỳ tái lập bang giao với Cuba và thuyết phục chính quyền Raul trả tự do cho các nhà họat động có danh tiếng. Tuy nhiên, ngày Raul bàn giao, trong các nhà giam Cuba, vẫn còn khoảng 100 tù nhân chính trị.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.