Vào nội dung chính
CUBA - CASTRO - CHÍNH TRỊ

Cuba: Miguel Diaz-Canel, người thay thế chủ tịch Raul Castro, là ai?

Từ ngày 19/04/2018, Cuba bước sang một thời kỳ mới, “sẽ không còn do gia đình Castro điều hành” là hàng tựa trên Le Monde cùng với bài tổng kết 10 năm lãnh đạo của chủ tịch kiêm tổng bí thư đảng Cộng Sản Cuba Raul Castro. “Cuba sẵn sàng chuyển đổi trong thời hậu Castro” với sự kiện chuyển giao quyền lực sau 6 thập kỷ dưới triều đại nhà Castro, là nhận định của Le Figaro.

Tổng thống El Salvador Sanchez Ceren (T) tiếp phó chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel (P) tại phủ tổng thống Salvador, ngày 22/05/2015.
Tổng thống El Salvador Sanchez Ceren (T) tiếp phó chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel (P) tại phủ tổng thống Salvador, ngày 22/05/2015. Flickr/Presidencia El Salvador
Quảng cáo

Chủ tịch Raul Castro nghỉ hưu ở tuổi 86 nhường lại vị trí lãnh đạo cho ông Miguel Diaz-Canel, 57 tuổi, “người được Raul đỡ đầu trên chính trường” theo nhận định của Le Monde và là “một người trung thành với chế độ” theo Le Figaro. Cả hai nhật báo đều phác họa chân dung của tân lãnh đạo Cuba, một người ít cười, ít nói, kiên nhẫn leo từng bậc trong nấc thang danh vọng dưới sự bảo trợ của ông Raul Castro.

Sinh ngày 20/04/1960 tại Placetas, tỉnh Villa Clara, ông Diaz-Canel tốt nghiệp kỹ sư điện tại đại học trung ương Las Villas năm 1985 và bắt đầu sự nghiệp trong Lực lượng Vũ trang Cách mạng Cuba. Sau khi xuất ngũ, ông quay lại giảng dạy tại đại học trước khi đi công tác hai năm ở Nicaragua (1987-1989). Trở về Cuba, ông dần thăng tiến trong bộ máy lãnh đạo : trước tiên là trở thành một nhà lãnh đạo của Liên minh Thanh niên Cộng sản, tiếp theo là vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba năm 1991. Ở mọi chức vụ, ông luôn thể hiện là một lãnh đạo trẻ điềm tĩnh, hiện đại và được lòng dân. Ông di chuyển bằng xe đạp khi xăng dầu khan hiếm, mặc quần bò, tự nhận là fan của ban nhạc Anh Beatles và thành lập trung tâm văn hóa Santa Clara …

Tướng Raul Castro chú ý đến nhân vật mới nổi, và chỉ định Diaz-Canel vào vị trí bí thư thứ nhất của đảng Cộng Sản ở Holguin năm 2003 và gia nhập Bộ Chính Trị đầy quyền lực của đảng Cộng Sản Cuba. Sáu năm sau, năm 2009, vẫn dưới sự bảo trợ của Raul Castro, ông Diaz-Canel trở thành bộ trưởng bộ Đại Học, tiếp theo là phó thủ tướng phụ trách đào tạo, khoa học, văn hóa và thể thao. Đến năm 2013, ông vượt qua một cây đại thụ bảo thủ khác của thế hệ trước để trở thành phó chủ tịch Hội Đồng Nhà Nước và đạt đến đỉnh cao là trở thành người kế nhiệm chức chủ tịch Cuba.

Thách thức cải cách Cuba đối với tân chủ tịch Diaz-Canel

Le Monde trích nhận định của nhà sử học Cuba Rafael Rojas cho rằng để đạt đến đỉnh cao này, “Diaz-Canel chỉ nợ mỗi Raul Castro”. Với Le Figaro, dù không thuộc thế hệ cách mạng, nhưng ông Diaz-Canel luôn chứng tỏ lòng trung thành với chế độ và “chưa bao giờ đi chệch đường lối của Đảng”, theo nhận định của nhà báo Nora Gamez Torres làm việc tại tờ Miami Herald.

Tuy nhiên, tính chính đáng của vị tân chủ tịch có thể bị tác động vì ông Diaz-Canel sinh ra sau cuộc cách mạng. Ngoài ra, ông cũng không xuất thân từ nhà binh dù từng phục vụ trong quân đội, trong khi Lực lượng Vũ trang lại có quyền lực rất lớn về chính trị và kinh tế tại Cuba.

Tân chủ tịch Cuba sẽ phải giải quyết tình hình khá nhạy cảm. Nền kinh tế bị đình đốn, giới trẻ bỏ xứ ra nước ngoài, trong khi Venezuela, quốc gia vẫn tài trợ cho chế độ, thì bị khủng hoảng và sẽ không thể tiếp tục giúp đỡ Cuba. Để thúc đẩy nền kinh tế, La Habana đã đón tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và khen ngợi “sự phát triển kinh tế ấn tượng” của Việt Nam.

Những thách thức đang đợi tân chủ tịch Cuba là chấm dứt hệ thống hai đồng tiền peso lưu thông song song trên thị trường khiến nền kinh tế mất cân đối, tái khởi động nền kinh tế Cuba, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và công nghiệp đường bị lơ là từ nhiều năm qua… Thời gian sẽ trả lời liệu người kế nhiệm có vượt qua được cái bóng của người đã đưa ông vào guồng máy hay không.

Trục Ankara-Matxcơva vẫn liên kết chặt chẽ trong hồ sơ Syria

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ trận oanh kích của Mỹ-Anh-Pháp nhắm vào các khu vực được cho là có liên quan đến nghiên cứu và tàng trữ chất độc của Syria. Tuy nhiên, sự kiện này “không chia rẽ” Ankara và đồng minh Nga mà ngược lại, “Trục Ankara-Matxcơva kháng cự các trận oanh kích”, như nhận định trên hàng tựa của Le Monde.

Trong buổi họp báo chung ngày 16/04 với tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định : “Chúng tôi (Nga và Thổ Nhĩ Kỳ) có thể nghĩ khác nhau, nhưng quan hệ của chúng tôi với Nga quá mạnh nên tổng thống Pháp khó lòng phá vỡ được”.

Đây cũng là quan điểm của phát ngôn viên điện Kremlin khi cho rằng giữa hai nước luôn có những điểm bất đồng nhưng điều này chẳng có gì là bí mật với mọi người và cũng không ngăn cản hai bên tiếp tục đối thoại.

Thực vậy, việc Ankara phản đối chế độ Damas cũng không cản trở Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác chặt chẽ với Nga và Iran trong khuôn khổ vòng đàm phán Astana về hòa bình tại Syria, qua đó Thổ Nhĩ Kỳ đã có thể lập được 9 trạm quan sát giữa các lực lượng đối lập và quân của chế độ Damas tại vùng Idlib, khu đồn trú cuối cùng của quân nổi dậy còn nằm ngoài tầm kiểm soát của Damas.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn giữ quan hệ chặt chẽ với Nga thông qua nhiều hợp đồng lớn : xây đường ống dẫn dầu và một nhà máy điện hạt nhân ở Mersin cũng như một dự án mua hệ thống lá chắn tên lửa S-400 gây nhiều tranh cãi vì Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên quan trọng của NATO.

Syria: Bằng chứng về những tội ác của chế độ Damas

Nhật báo Công Giáo La Croix dành trọn trang nhất và 8 trang “Điều tra” để đăng hình ảnh một số nhân chứng và các bằng chứng về tội ác của chế độ Bachar Al Assad, được các nhà điều tra thu thập ở châu Âu và tại Syria qua lời kể của người dân hay qua tài liệu từ một số quan tòa ở các tòa án châu Âu.

Bài xã luận của La Croix cho biết ở mỗi cấp độ, mỗi người đưa ra hành động cáo buộc chế độ Syria : hành động tra tấn, các vụ mất tích, giết người. Thêm vào đó là những bằng chứng do các tổ chức phi chính phủ thu thập được. Khối lượng hình ảnh, video, chứng cứ rất lớn, vì vậy cần thời gian và kiên nhẫn để có thể kiểm chứng, chắp nối để có thể nhận dạng thủ phạm, vạch rõ trách nhiệm và “Ai biết được đấy, một ngày nào đó, Bachar có thể bị xét xử ?”

Trả lời phỏng vấn La Croix, ông Mazen Darwish, giám đốc Trung tâm vì Truyền thông và Tự do ngôn luận Syria, nhận định “những hành động tàn bạo của Daech đã làm lãng quên hàng loạt tội ác của Bachar Al Assad”. Tham gia biểu tình ôn hòa năm 2011, ông bị cầm tù trong vòng ba năm và đang sống tại Đức, nơi tổ chức của ông hỗ trợ các nạn nhân trong cuộc chiến pháp lý chống chế độ Damas.

Sau lằn ranh đỏ Syria, tổng thống Pháp đối mặt với lằn ranh đỏ trong nước

Sinh viên bãi khóa, chiếm trường ở một số trường đại học, những người bảo vệ khu đất ở Notre-Dame-des-Landes (thường được gọi là “zadiste”) khỏi dự án xây dựng sân bay mới… tổng thống Pháp đang phải đối mặt với “lằn ranh đỏ” nội địa của “những người gây rối chuyên nghiệp”.

Dù dự án xây sân bay mới đã được hủy, vài trăm “người vô chính phủ”, cụm từ được Le Figaro sử dụng trong bài xã luận, vẫn tiếp tục chiếm đóng khu đất rộng lớn, trong khi “người dân xung quanh bực tức vì lượng người đấu tranh đổ xô đến đây”, trong đó có “nhiều người cải trang thành nông dân địa phương”, theo cáo buộc của bài xã luận. Chiến dịch giải tán của cảnh sát dường như chưa đủ mạnh để phong tỏa khu vực.

Còn tại Tolbiac, một cơ sở của trường đại học Paris I, bị sinh viên bãi khóa chiếm đóng từ nhiều ngày nay. Cơ sở vật chất bị phá hỏng gây thiệt hại lên đến vài trăm nghìn euro. Bài xã luận đặt câu hỏi : Tổng thống Pháp biện hộ cho “một thế giới chuyển động” để làm gì nếu như Nhà nước phải lùi bước trước vài bộ phận cánh tả?

Miến Điện : Tòa Hình sự Quốc tế xem xét điều tra hồ sơ người Rohingya

Biện lý của Tòa Hình Sự Quốc tế (CPI) đề nghị các thẩm phán xem xét khả năng tài phán về việc di chuyển cưỡng bức đối với 700.000 người Rohingya Miến Điện tại Bangladesh, liên quan đến hai tội : di chuyển và giam hãm tại trại tập trung ở nước ngoài.

Theo quy định, có ba khả năng để đưa một vụ việc ra Tòa Hình Sự Quốc Tế : thông qua một Quốc gia thành viên, theo quyết định của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, tự thụ lý hồ sơ.

Trong hồ sơ người Rohingya, Miến Điện không phải là thành viên của Quy chế Roma việc thành lập Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, nhưng Bangladesh là một thành viên của định chế này. Về phương án quyết định của Hội Đồng Bảo An, Nga và Trung Quốc sẽ dùng quyền phủ quyết vì hai nước công khai ủng hộ chính quyền Miến Điện. Nếu các thẩm phán của CPI hợp thức hóa yêu cầu của biện lý thì biện lý có thể tự thụ lý hồ sơ và mở điều tra, hoặc cũng có thể theo yêu cầu điều tra từ phía Bangladesh về những tội ác vi phạm trên lãnh thổ nước này.

Chính phủ Miến Điện bày tỏ “quan ngại” trong bản thông cáo ngày 13/04. Với luật sư Alicia de la Cour giảng dạy tại đại học Luân Đôn, phản ứng của Naypyidaw không có gì ngạc nhiên : “Từ lâu, bà Aung Sang Suu Kyi phủ nhận mọi trấn áp nhắm vào người Rohingya. Hiện nay, người ta còn thậm chí có thể nói bà là đồng phạm với giới quân sự và như vậy, đồng phạm trong cuộc diệt chủng.

Bà Aung Sang Suu Kyi là người duy nhất tại Miến Điện có thể làm thay đổi tâm tính vì người dân yêu bà và nghe bà. Dĩ nhiên bà không có quyền lực chính trị để làm thay đổi mọi việc nhưng bà có quyền lực tinh thần. Cuối cùng, bà đã tham gia vào việc đối xử mất nhân tính với người Rohingya khi không phát biểu gì hết”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.