Vào nội dung chính
SYRIA - QUÂN SỰ

Syria thông báo bắn hạ nhiều tên lửa không rõ nguồn gốc

Ba ngày sau cuộc không kích của Mỹ-Pháp-Anh vào các cơ sở hóa học tại Syria, ngày 16/04/2018, hãng thông tấn Syria loan tin phòng không nước này bắn hạ nhiều hỏa tiễn không rõ nguồn gốc, nhắm vào các căn cứ không quân.

Mãnh vỡ tên lửa được phát hiện tại Douma gần thủ đô Damas. Ảnh ngày 16/04/2018
Mãnh vỡ tên lửa được phát hiện tại Douma gần thủ đô Damas. Ảnh ngày 16/04/2018 REUTERS/Omar Sanadiki
Quảng cáo

AFP dẫn lại tin của hãng thông tấn Sana theo đó, nhiều tên lửa đã bị bắn hạ khi đi vào không phận miền trung. Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria cũng cho biết đã có nhiều tiếng nổ lớn gần sân bay Al-Chaayrate, tỉnh Homs và hai căn cứ không quân khác, gần thủ đô Damas. Tuy nhiên, theo nguồn tin này, không có căn cứ nào bị trúng tên lửa.

Về phía Hoa Kỳ, người phát ngôn bộ Quốc Phòng ngay lập tức bác bỏ khả năng Mỹ, hay liên quân quốc tế do Mỹ lãnh đạo, đã thực hiện các cuộc không kích. Lầu Năm Góc cũng tuyên bố Washington « không tiến hành bất cứ hoạt động quân sự nào » tại Syria. Sau bác bỏ của Mỹ, nghi ngờ hướng về phía Israel. Nhiều thông tin cho biết, tối hôm qua, không quân Israel đã có nhiều hoạt động bất thường trên bầu trời Liban.

Vũ khí hóa học : Nhóm điều tra chưa vào được Douma, Nga bác bỏ cáo buộc ngăn cản

Trong lúc nhóm điều tra của Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học (OAIC) chưa vào được khu vực Douma, nơi chính quyền Syria bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học, khiến ít nhất 40 người chết và hàng trăm người bị thương, ngày 16/04, Anh và Mỹ cáo buộc Matxcơva và chính quyền Damas cản trở công việc của OAIC. Nga mạnh mẽ bác bỏ các cáo buộc trên. Thông tín viên Daniel Vallot tường trình từ Matxcơva :

« Tuyên bố của người phát ngôn điện Kremlin là rõ ràng : Matxcơva cực lực bác bỏ các cáo buộc của Anh. Theo ông Dmitri Peskov, các cáo buộc hoàn toàn không có cơ sở. Phủ tổng thống Nga cho biết thêm là Nga càng không thể có ý đồ gây trở ngại cho công việc của Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học - OIAC, khi mà Matxcơva đã lên tiếng ủng hộ một cuộc điều tra không thiên lệch.

Nỗi giận dữ của Matxcơva lại càng lớn hơn như Nga phải đối mặt với các cáo buộc nghiêm trọng hơn, lần này do Hoa Kỳ đưa ra. Theo đại diện Mỹ tại Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học, chính Matxcơva đã can thiệp trên thực địa tại Douma, để xóa đi các bằng chứng buộc tội chế độ Syria.

Trong không khí cáo buộc qua lại, với những tuyên bố dữ dội, Nga cũng không ngồi yên. Hôm qua, đại sứ Nga tại Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học,ông Alexander Chourgin còn đi xa hơn, khi khẳng định có các bằng chứng không thể bác bỏ được về việc Mỹ và Anh can dự vào việc mà đại sứ Nga gọi là ‘‘dàn dựng’’ vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 7/4. Theo ông Chougrin, hoàn toàn ‘‘không có vụ tấn công hóa học tại Douma vào ngày 7/4’’, và chính cơ quan tình báo Anh đã dàn dựng ra vụ này ».

Về tình hình tại chỗ, đại sứ Nga tại OIAC giải thích lý do đoàn điều tra chưa được phép vào là « an toàn » tại Douma chưa được bảo đảm, sau khi chiến sự vừa chấm dứt ít ngày. Vẫn theo Matxcơva, ngày mai 18/04, nhóm điều tra có thể bắt đầu làm việc tại địa điểm này. Theo AFP, hơn một tuần sau khi vụ tấn công bị tình nghi đã xảy ra, công việc điều tra của nhóm OIAC hứa hẹn sẽ không đơn giản tại Douma, khu vực nay hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của chế độ Damas và lực lượng cảnh sát vũ trang Nga.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.