Vào nội dung chính
SYRIA - VŨ KHÍ HÓA HỌC

Vũ khí hóa học tại Syria : « Lằn ranh đỏ » và thất bại của việc giải trừ

Hoa Kỳ, Anh và Pháp ngày 15/04/2018 đã mở chiến dịch tấn công nhắm vào một « trung tâm nghiên cứu » và hai « trung tâm sản xuất » dùng để làm vũ khí hóa học của chế độ Damas. Những hành động quân sự mà cả ba nước đồng minh này biện minh là Bachar al-Assad khi sử dụng vũ khí hóa học đã vượt lằn ranh đỏ do Barack Obama vạch ra năm 2012.

Tại một bệnh viện ở Douma, sau một vụ tấn công được cho là bằng vũ khí hóa học, ngày 07/04/2018..
Tại một bệnh viện ở Douma, sau một vụ tấn công được cho là bằng vũ khí hóa học, ngày 07/04/2018.. White Helmets/Handout via REUTERS
Quảng cáo

Kể từ đầu cuộc xung đột năm 2011, chế độ Syria đã nhiều lần bị cáo buộc dùng vũ khí hóa học. Năm 2013, nhằm tránh một cuộc leo thang quân sự, một thỏa thuận Mỹ - Nga đã được ký liên quan đến việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học của chế độ Damas. Thế nhưng, theo AFP, năm năm sau, việc dỡ bỏ kho vũ khí này dường như vẫn còn dang dở.

Lằn ranh đỏ của Barack Obama

AFP nhắc lại ngay từ tháng 07/2012, chế độ Bachar Al-Assad đã thừa nhận sở hữu vũ khí hóa học. Một tháng sau đó, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, Barack Obama đã có phản ứng, tuyên bố rằng việc sử dụng loại vũ khí này chính là một « lằn ranh đỏ » không nên vượt qua, bằng không sẽ « lãnh hậu quả to lớn ». Lúc đó, Hoa Kỳ vẫn còn do dự trong việc dấn thân vào địa bàn tác chiến mới. Câu thức « lằn ranh đỏ » trước hết chỉ nhằm mục đích răn đe.

Tuy nhiên, một năm sau, ông Obama bị dồn vào chân tường khi phe đối lập Syria vào tháng 08/2013 tố cáo chế độ Damas đã dùng đến khí độc trong các vụ tấn công nhắm vào thành phố đông Ghouta và Mouadamiyat al-Cham, gần Damas. Gần 1.400 nạn nhân thiệt mạng trong đó có 426 trẻ em.

Một liên quân gồm Washington, Luân Đôn và Paris đã được hình thành để đánh Syria. Thế nhưng, vào giờ chót, nghị viện Anh từ chối tấn công. Barack Obama e sợ bị Quốc Hội từ chối cũng thoái lui. Đơn độc, Paris không còn chọn lựa nào khác đành đi theo. François Hollande, tổng thống Pháp lúc bấy giờ, vẫn tin rằng « cơ hội bị vuột mất đó lẽ ra đã có thể làm đổi dòng cuộc chiến ».

Thỏa thuận 2013 dang dở

Nga tận dụng sự thoái lui đó để áp đặt cuộc chơi tại Syria. Matxcơva buộc Damas phải gia nhập Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học OIAC. Ngày 14/09/2013, một thỏa thuận Mỹ - Nga đã được ký kết tại Geenève, Thụy Sĩ nhằm dỡ bỏ kho vũ khí hóa học của Syria.

Ngày 19/08/2014, Hoa Kỳ hoan nghênh việc tiêu hủy nhiều thành phần từ kho vũ khí hóa học Syria bên bờ Địa Trung Hải. Tổng cộng hơn 580 tấn thiết bị để chế biến khí độc sarin và 19,8 tấn hoạt chất dùng để chế biến khí cay mù tạc đã bị hủy dưới sự giám sát của OIAC.

Nhưng đồng thời, Barack Obama quan ngại về những tuyên bố trái ngược và thiếu sót của Syria với OIAC. Tổng thống Mỹ nghi ngờ kể từ giờ chế độ Damas dùng khí chlore như một loại vũ khí.

Báo cáo của một ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc và OIAC công bố vào cuối tháng 08/2016 khẳng định là nhiều trực thăng quân sự Syria rải khí chlore xuống ít nhất hai địa phương thuộc tỉnh Idleb (tây bắc Syria) : tại Talmenes vào năm 2014 và Sarmine năm 2015.

Tháng 10/2016, một báo cáo khác của chính ủy ban này kết luận rằng quân đội Syria đã tấn công bằng vũ khí hóa học, đương nhiên là bằng khí chlore tại Qmenas (tỉnh Idleb) năm 2015.

Phải đợi đến vụ tấn công ngày 04/04/2017 nhắm vào vùng Khan Cheikhoun thì phương Tây mới quyết định hành động. Tại địa phương này do quân nổi dậy của tỉnh Idleb kiểm soát, nhiều triệu chứng hiện ra sau đợt oanh kích của chế độ giống với những gì được ghi nhận từ các nạn nhân của một vụ tấn công bằng chất hóa học. Ít nhất có 83 người đã chết trong vụ này.

Để trả đũa, Donald Trump ra lệnh nã tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân Al-Chaayrate của Syrie (miền trung) trong đêm 06 rạng sáng 07/04/2017. Các chuyên gia của OIAC và Liên Hiệp Quốc sau đó còn xác nhận rằng khí sarin đã được sử dụng và chế độ Damas phải chịu trách nhiệm. Lời cáo buộc đã bị Damas bác bỏ.

Lằn ranh đỏ mới

Đắc cử tổng thống vào tháng 05/2017, tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron lấy lại khái niệm « lằn ranh đỏ » của Barack Obama. Khi tiếp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại cung điện Versailles, tổng thống Pháp đã dùng lại thuật ngữ này và nhấn mạnh rằng việc dùng đến loại vũ khí này « bởi bất kể đó là ai » sẽ là đối tượng của hành động « đáp trả tức thì ».

Nước Nga, đồng minh của chế độ Damas, phủ nhận sự tồn tại của kho vũ khí hóa học này. Trung tuần tháng 03/2018, Nga tố cáo phe nổi dậy tìm cách dàn dựng các vụ tấn công bằng chất hóa học nhằm mục đích tạo cớ để phương Tây tấn công.

Tuy nhiên, vào ngày 07/04/2018, lính Mũ Trắng, nhân viên cứu hộ, một nhóm quân nổi dậy và phe đối lập lánh nạn tố cáo chế độ Damas đã thực hiện một vụ tấn công hóa học tại đông Ghouta. Chính quyền Syria cũng như đồng minh tất cả một lần nữa phủ nhận vụ tấn công như thế.

Tổng thống Macron trong một cuộc trả lời phỏng vấn đã khẳng định Pháp có bằng chứng về vụ tấn công này mà không cần đợi kết quả điều tra của OIAC. Một báo cáo giải mật của Pháp cho rằng Nga cũng có trách nhiệm trong vụ tấn công ngày 07/04.

Tài liệu này có ghi như sau : « Việc sử dụng chất hóa học cho phép đánh bật các chiến binh kẻ thù trú ẩn trong các khu dân cư nhằm tiến hành một cuộc chiến đô thị trong những điều kiện có lợi cho chế độ Damas ». Bởi vì, Nga, đồng minh vững chắc của Syria « đã có một sự hỗ trợ tích cực không thể chối cãi cho các chiến dịch tái chiếm đông Ghouta ».

Tài liệu kết luận : « Không những thế, Nga còn bền bỉ bao che chính trị cho chế độ Damas về việc sử dụng vũ khí hóa học, bất kể là tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hay với OIAC, bất chấp những kết luận ngược lại của JIM – cơ chế điều tra chung của Liên Hiệp Quốc và OIAC ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.