Vào nội dung chính
MÔI TRƯỜNG - HÀNG HẢI

"Zero khí thải" : Thỏa thuận táo bạo của ngành vận tải biển

Khuất mắt trông coi. Ít ai chú ý đến vận tải biển gây ô nhiễm ghê gớm, và là một trong các nhân tố chủ yếu làm Trái đất bị hâm nóng. Mức độ ô nhiễm dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong lịch sử, ngành vận tải biển thế giới đưa ra mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhân một hội nghị tại Luân Đôn, hơn nữa còn đề ra mục tiêu « zero khí thải ».

Vận tải biển, nguồn gây ô nhiễm lớn. Trong ảnh, một con tàu của tập đoàn hàng hải Trung Quốc Cosco.
Vận tải biển, nguồn gây ô nhiễm lớn. Trong ảnh, một con tàu của tập đoàn hàng hải Trung Quốc Cosco. Ảnh : Wikipedia
Quảng cáo

Theo AFP, hôm qua, 13/03/2018, trong cuộc họp tại Luân Đôn, Cơ Quan Hàng Hải Quốc Tế (OMI) tuyên bố sẽ cắt giảm ít nhất 50% lượng khí thải CO2 của mức phát thải 2008, trước năm 2050, và thậm chí đặt mục tiêu hướng đến loại trừ toàn bộ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cũng vào mốc trước 2050.

Vận tải hàng hải chiếm khoảng 80% tổng lượng vận tải hàng hóa toàn cầu, và chiếm khoảng 2 đến 3% tổng lượng khí thải CO2, theo một số thống kê. Với đà phát triển kinh tế, nhu cầu vận tải biển đang ngày càng tăng mạnh. Theo dự kiến, nếu tốc độ sử dụng năng lượng hóa thạch như hiện nay, tổng lượng khí thải của vận tải biển sẽ chiếm đến 17% khí thải toàn cầu.

Cơ Quan Hàng Hải Quốc Tế không trực tiếp liên quan đến Thỏa thuận khí hậu Paris 2015, tuy nhiên, tổ chức quốc tế với 173 thành viên này muốn chứng tỏ quyết tâm tham gia vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Quyết định nói trên đạt được sau hai tuần thương lượng.

Dầu cặn : thủ phạm hâm nóng và gây ô nhiễm

Một trong những « bí quyết » khiến vận tải hàng hải biển có giá thành thấp là dầu được sử dụng để chạy máy là loại dầu cặn, độc hại, nên giá rất rẻ mạt. Đây cũng là nguyên nhân vận tải hàng hải không những cho ra nhiều khí thải CO2, mà còn sinh ra nhiều chất độc hại khác.

Báo Tribunal dẫn một nghiên cứu của Liên Minh Quốc Tế về Khí Đốt, báo động là một tàu contenơ lớn thải ra lượng SO2 tương đương với 50 triệu xe hơi chạy diezel, trong khi một chiếc tàu cỡ trung bình thải ra lượng bụi siêu nhỏ PM2.5 (một tác nhân gây nhiều căn bệnh hiểm nghèo, và rất khó phòng tránh) tương đương với 500.000 chiếc xe hơi mới. Cuộc chiến giảm lượng dầu độc hại, giảm CO2 như vậy cũng đồng nghĩa với việc giảm ô nhiễm môi trường trầm trọng cho các đại dương, và trước hết là cho cư dân ven biển, ven cảng biển.

Hà Lan chế tàu contenơ 100% chạy điện

Hiện đã có một số doanh nghiệp hàng hải nỗ lực đi theo hướng này. Hồi tháng 6/2017, Cơ Quan Hàng Hải Quốc Tế khởi động liên minh thế giới phấn đấu giảm CO2 (gọi tắt là GloMEEP). Trong số 13 doanh nghiệp tham gia có tập đoàn vận tải đường biển Ý MSC, các công ty dầu lửa Shell và Total. Công ty vận tải biển Hà Lan Port-Liner mới đây có dự án chế tạo tàu contenơ 100% chạy điện, dự kiến đưa vào sử dụng kể từ tháng 8/2018.

Theo tổng giám đốc công ty Hà Lan, ông Ton van Meegen, có khoảng 7.000 chiếc tàu vận tải trong nội địa châu Âu có kích thước tương tự với hai loại tàu 100% chạy điện mà hãng đang dự kiến chế tạo (với kích thước 52m x 7m, hoặc 110m x 11m). Hiện tại khả năng sản xuất các loại tàu chạy 100% điện ở châu Âu là 500 chiếc/năm, có nghĩa chỉ trong hơn 10 năm, châu Âu có thể thay toàn bộ đội tàu của mình. Tuy nhiên, theo tổng giám đốc Port-Liner, với mức nỗ lực như hiện nay, phải cần đến nửa thế kỷ nữa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.