Vào nội dung chính
SYRIA - QUÂN SỰ

Tấn công Syria : Nga có được báo trước không ?

Matxcơva có được báo trước hay không, và nếu được báo trước, thì vào thời điểm nào trước cuộc tấn công của Mỹ, Pháp, Anh đêm 13 qua ngày 14/4/2018, nhắm vào « các cơ sở hóa học » Syria ? Câu hỏi trên đây hiện còn để ngỏ.

Tên lứa phóng đi từ một chiến hạm Pháp trên Địa Trung Hải đêm 13 qua ngày 14/4/2018.
Tên lứa phóng đi từ một chiến hạm Pháp trên Địa Trung Hải đêm 13 qua ngày 14/4/2018. AFP/ECPAD
Quảng cáo

Trang France Info hôm nay, 14/04/2018, dẫn lời tổng tham mưu trưởng Quân Đội Mỹ, Joe Dunford, cho biết Washington và các đồng minh đã tìm cách tránh tấn công vào các lực lượng Nga, vốn có mặt đông đảo tại Syria, nhưng Matxcơva « không được thông báo trước » về các cuộc không kích. Còn trang tin Pháp LCI cho hay, theo phủ tổng thống Pháp, Nga đã được thông tin về chiến dịch này, theo « kênh ngăn ngừa xung đột », cơ chế cho phép tránh các va chạm trên bộ và trên không giữa quân đội phương Tây với Nga. Tuy nhiên, cũng nguồn tin này khẳng định Nga chỉ được « thông báo » trong quá trình chiến dịch khởi sự, chứ không được « báo trước ».

Trong khi đó theo France Info, bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly ngược lại đã cho biết Matxcơva « được báo trước ». Riêng Reuters dẫn lại một nguồn tin quân sự cao cấp Syria cho rằng các mục tiêu quân sự của Damas, bị nhắm vào, đã được « sơ tán trước đó nhiều ngày », nhờ thông tin từ Nga.

Theo các nhà quan sát, kể từ khi liên quân quốc tế can thiệp chống Daech tại Syria, nhìn chung để tránh va chạm với lực lượng Nga, hai bên đã có nhiều kênh thông tin để phòng ngừa đụng độ ngoài ý muốn. Một trong những phương tiện chính để « ngăn ngừa va chạm » là thông qua đường điện thoại đặc biệt giữa trung tâm chỉ huy các lực lượng liên quân, có trụ sở tại Qatar, với trung tâm tương đương của Nga, được coi là kênh liên lạc chính, vốn nhiều lần bị đe dọa đình chỉ, vào thời điểm quan hệ song phương căng thẳng.

Tiêu diệt được các mục tiêu đề ra

Về các thiệt hại của chính quyền Syria, theo Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria (OSDH), cơ sở có nhiều mạng lưới thông tin tại chỗ, ba địa điểm bị Mỹ - Pháp – Anh nhắm vào đều là các chi nhánh của Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Syria (CERS), thuộc bộ Quốc Phòng, nơi bị tình nghi là cơ sở nghiên cứu vũ khí hóa học. Trong một cuộc họp báo, tướng Kenneth McKenzie, một quan chức cao cấp của bộ Quốc Phòng Mỹ, khẳng định các cuộc không kích vừa được tiến hành là « chính xác » và « hiệu quả », chương trình sản xuất vũ khí hóa học của chính quyền Damas sẽ phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi như trước.

Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian cũng ghi nhận với BFMTV là đợt không kích đã nhắm trúng các mục tiêu đề ra, hệ thống vũ khí hóa học của Syria bị phá hủy « một phần quan trọng », đồng thời cảnh báo, nếu chính quyền Damas sử dụng vũ khí hóa học một lần nữa, họ sẽ không thoát khỏi các trừng phạt quân sự.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.