Vào nội dung chính
NGA - PHƯƠNG TÂY - KHỦNG HOẢNG

8 cuộc khủng hoảng Nga - phương Tây từ sau Chiến tranh lạnh

Cuộc tấn công Syria của Mỹ, Anh và Pháp sáng 14/04/2018 đã đẩy quan hệ Nga và phương Tây sang một giai đoạn mới. Từ khi Liên bang Xô Viết tan rã năm 1991, cả hai bên đã trải qua nhiều sự kiện thăng trầm, theo tóm lược của AFP :

Toàn cảnh thủ đô Damas của Syria, sáng 14/04/2018.
Toàn cảnh thủ đô Damas của Syria, sáng 14/04/2018. SANA/Handout via REUTERS
Quảng cáo

1. Chiến tranh Kosovo

Trước sự trấn áp ngày càng gia tăng của Serbia tại Kosovo nhắm vào phe ly khai Albani, vào tháng 03/1991, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO - tiến hành chiến dịch oanh kích kéo dài 78 ngày, buộc Serbia, đồng minh của Nga, phải rút khỏi Kosovo. Để thực hiện lời đe dọa « trở lại thời kỳ Chiến tranh lạnh » nếu NATO can thiệp vào Kosovo, Nga đã đóng băng hợp tác quân sự với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Căng thẳng song phương hình thành từ khi Kosovo tuyên bố độc lập (ngày 17/02/2008), song không được Matxcơva công nhận.

2. NATO « Đông tiến » thu hẹp ảnh hưởng của Nga

Năm 1999, NATO kết nạp Hungari, Cộng Hòa Séc và Ba Lan, 3 quốc gia cựu thành viên của khối Hiệp ước Quân sự Vacxava. Bất chấp lời cảnh báo của Matxcơva về việc kết nạp các nước cộng hòa thuộc khối Xô Viết cũ, nhưng NATO tiếp tục mở cửa đón ba nước Baltic (Estonia, Litva và Latvia), cùng với Bulgari, Rumani, Slovakia và Slovenia vào năm 2004. Sau đó, trong những năm 2004 và 2007, đến lượt Liên Hiệp Châu Âu kết nạp tất cả những nước này.

3. Hệ thống lá chắn tên lửa

Matxcơva lo ngại về chương trình hệ thống lá chắn tên lửa do NATO thực hiện vào năm 2010 và sẽ chính thức hoạt động từ nay đến năm 2020, trong đó có nhiều thiết bị bắn chặn được triển khai tại Rumani và Ba Lan. Về mặt chính thức, hệ thống có nhiệm vụ phòng thủ trước mối đe dọa Iran.

4. Xung đột tại Gruzia

Tháng 08/2008, nhằm đáp trả việc chính quyền Gruzia can thiệp vào vùng lãnh thổ tự trị Nam Ossetia, Nga đã oanh kích thủ đô Tbillissi và chiếm một phần lớn lãnh thổ Gruzia khiến phương Tây phẫn nộ.

Sau một thỏa thuận hòa bình, do tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đàm phán, Nga rút quân khỏi Gruzia nhưng công nhận tính chính danh của các vùng ly khai Nam Ossetia và Abkhazia đồng thời duy trì hiện diện quân sự mạnh mẽ tại đó.

Sau cuộc chiến chớp nhoáng Nga-Gruzia, NATO tạm ngừng Hội đồng NATO-Nga (hội nghị cấp cao được hình thành năm 2002) cho đến năm 2009.

5. Khủng hoảng Ukraina

Năm 2014, Kiev bất lực nhìn Nga sáp nhập bán đảo Crimée, sau đó là lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn kiểm soát các vùng Donetsk và Lougansk, phía đông Ukraina.

Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đã ban hành nhiều biện pháp trừng phạt mạnh tay nhắm vào nền kinh tế Nga. NATO tạm ngừng hợp tác dân sự và quân sự với Matxcơva, đồng thời đặt các đội quân của tổ chức trong tình trạng báo động. Ngoài ra, NATO còn triển khai nhiều tiểu đoàn tại các nước Baltic và tại Ba Lan.

6. Nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ

Washington và Matxcơva duy trì quan hệ « cơm không lành, canh chẳng ngọt » từ nhiều tháng nay, sau khi Nga bị tình nghi can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Ngoài ra, đội ngũ cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump và điện Kremlin của tổng thống Putin bị tình nghi thông đồng với nhau.

7. Cáo buộc đầu cựu điệp viên Skripal

Ngày 04/03/2018, cựu điệp viên Nga Skripal và con gái bị đầu độc bằng chất độc thần kinh tại Salisbury. Luân Đôn cáo buộc Matxcơva chủ mưu. Sự kiện này là nguyên nhân dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng : Nga và phương Tây, mỗi bên lần lượt trục xuất 150 nhân viên ngoại giao.

8. Xung đột tại Syria

Từ đầu cuộc xung đột tại Syria năm 2011, Nga luôn ủng hộ chế độ của tổng thống Bachar Al Assad và 12 lần bỏ phiếu chống các dự thảo nghị quyết về Syria của phương Tây tại Hội Đồng Bảo An. Kể từ tháng 10/2015, Nga chính thức can thiệp quân sự trên chiến trường Syria, giúp Damas lấy lại lợi thế.

Tháng 04/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh bắn 59 tên lửa hành trình nhắm vào một căn cứ không quân Syria, được cho là nơi máy bay của chế độ Damas cất cánh và thả khí độc sarin xuống Khan Cheikhoun. Để đáp trả, Nga đã ngừng kênh liên lạc với quân đội Mỹ về Syria. Tháng 02/2018, không quân Mỹ lại oanh kích Deir Ezzor, nơi có nhiều lính đánh thuê người Nga tham chiến chống lại lực lượng đối lập Ả Rập-Kurdistan.

Đúng một năm sau, ngày 14/04/2018, vẫn tổng thống Trump ra lệnh oanh kích nhiều khu vực chiến lược, bị cáo buộc có liên quan đến chương trình vũ khí hóa học của chế độ Bachar Al Assad tại Damas và Homs. Đại sứ Nga tại Mỹ cho rằng loạt oanh kích của Mỹ, Pháp, Anh là « một hành động xúc phạm » đến tổng thống Putin.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.