Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Brazil : Lula, nạn nhân của nền dân chủ còn mong manh

Đăng ngày:

Giáo sư Alfredo Valladao, chuyên gia châu Mỹ la tinh và Brazil, Đại Học Chính Trị Paris phân tích nhân quả.Tự sát, bị đảo chính hoặc đi tù : người đắc cử tổng thống Brazil sẽ được lịch sử ghi danh. Tuy nhiên, ít ai hoàn tất nhiệm kỳ một cách bình yên kể cả nhân vật có uy tín thuộc tầm cở quốc gia và quốc tế như Luiz Inaco Lula da Silva , còn gọi là Lula một cách thân mật, vừa vào nhà giam ở tuổi 72 với bản án 12 năm tù vì nhận hối lộ.

Cựu tổng thống Brazil Lula da Silva lúc đến trụ sở cảnh sát liên bang tại thành phố Curitiba, bang Parana , Brazil, ngày 07/04/2018.
Cựu tổng thống Brazil Lula da Silva lúc đến trụ sở cảnh sát liên bang tại thành phố Curitiba, bang Parana , Brazil, ngày 07/04/2018. Heuler Andrey / AFP
Quảng cáo

Tám năm sau khi rời chính quyền với uy tín kỷ lục sau hai nhiệm kỳ liên tiếp từ 2003 đến 2010, ý định của thần tượng cánh tả Brazil và của châu Mỹ La tinh trở lại chiếc ghế tổng thống trong cuộc bầu cử tháng 10 đã bị một số vụ bê bối trong quá khứ phá tan.

Tham ô từ đại gia đến chính giới

Trong một quốc gia rộng nhất Nam Mỹ, tổng thống Brazil đứng đầu một lãnh thổ mầu mỡ, giàu tài nguyên thiên nhiên, với cánh rừng Amazon bao la, « lá phổi của T rái đất » và những cầu thủ bóng đá lừng danh thế giới.

Nhưng cuộc đời của một vị tổng thống Brazil không là một dòng sông êm ả, theo nhận định của nhà binh luận Angela Alonso trên báo Folha de Sao Paulo : « Hoạt động chính trị ở Brazil là đánh đu với nguy hiểm ». Khác với nhiều vị tiền nhiệm, kẻ bị ám sát, người bị đảo chính, kẻ đi lưu vong, tổng thống Lula, ít ra được « hạnh phúc » kết thúc hai nhiệm kỳ. Trong khi đó, người kế nhiệm là bà Dilma Rousseff, cùng đảng Những người lao động, đã  bị truất phế một cách thô bạo vào năm 2016, lúc đang ở giữa nhiệm kỳ hai. Phó tổng thống Michel Temer, phe trung hữu, lên thay, cũng bị tố cáo bao che đảng cầm quyền trong một vụ nhận hối lộ.

Tư pháp : chiếc phao của Brazil

Tư pháp Brazil vẫn hoạt động độc lập. Chiến dịch bài trừ tệ nạn tham ô do thẩm phán  Siergo Moro tiến hành từ năm 2014 đã đưa một loạt bộ trưởng, chính trị gia, doanh nhân vào tù. Hai tập đoàn kỹ nghệ lớn của Brazil là Tổng công ty dầu khí quốc gia Petrobras và công ty xây dựng tư nhân Oderbrecht là hai « ổ hối lộ và móc ngoặc giữa doanh nhân và chính trị gia ».

Sau sáu tháng bị giam với bản án 19 năm tù, để được giảm án, chủ nhân tập đoàn Oderbrecht, Marcelo Oderbrecht đã hợp tác với tư pháp, khai hết đầu dây mối nhợ : hàng chục thượng nghị sĩ và dân biểu, ba cựu tổng thống Luiz Inaco Lula da Silva, Dilma Rousseff, cánh tả và cựu tổng thống Fernando Henrique, cánh hữu, đã lọt lưới pháp luật.

Tham nhũng không phải là lý do chính thức để Quốc Hội truất phế nữ tổng tổng thống Dilma Rousseff, nhưng tình trạng bê bối, móc ngoặc của đảng Những người lao động đã được khai thác để hạ bệ người kế nhiệm thần tượng Lula.

Trong chương trình « Giải mã » của RFI, giáo sư Alfredo Valladao chuyên gia châu Mỹ La tinh và Brazil, Đại Học Chính Trị Paris, giải thích :

« Cựu tổng thống Lula không phải là chính trị gia Brazil duy nhất bị tống giam.

Edouard Cunha, chủ tịch Quốc Hội, người phát động chiến dịch truất phế nữ tổng thống Dilma Rousseff, kế nhiệm tổng thống Lula, cũng đang bị giam từ nhiều tháng nay về tội tham ô.

Cựu thống đốc Rio, ông Sergio Cabral cũng đang thọ án 14 năm tù về tội nhận hối lộ và rửa tiền…. Theo quan điểm pháp lý, sự kiện cựu tổng thống Lula vào tù là chuyện tất yếu và bình thường. Brazil bị khủng hoảng chính trị thì đương nhiên có những vấn đề chính trị ».

Tính già quá non

Sự kiện cuộc điều tra của cảnh sát chống tham nhũng phát hiện tình trạng tham ô lan ra trong cả hai phe tả hữu làm cho công luận Brazil choáng váng. Giáo sư Alfredo Valladaonói :« Chuyện đương nhiên mà cũng lý thú là bốn vị thẩm phán của Toà án tối cao biểu quyết chống Lula đều do cựu tổng thống Dilma Rousseff, người cùng đảng và kế nhiệm Lula, bổ nhiệm. Bốn vị này cho rằng có đủ bằng chứng buộc tội Lula. Còn ba vị thẩm phán bênh vực Lula, trớ trêu thay, là những quan toà thuộc phe bảo thủ. Họ không muốn kết án cựu tổng thống Lula chỉ vì muốn tạo tiền lệ để giúp cho hàng chục dân biểu và quan chức cao cấp thoát lưới pháp luật.

Do vậy mà công luận Brazil cảm thấy như là thế giới đảo lộn, không biết ai chống ai, ai ủng hộ ai ?Vì thế mà nẩy sinh ra nhiều vấn đề, không biết đâu mà lần ».

Phe tả Brazil và đảng Những người lao động vẫn một lòng bênh vực Lula nhưng công lý vẫn là công lý. Bản thân cựu tổng thống cuối cùng chấp nhận bản án. Tuy nhiên, 12 năm tù giam chỉ là hình phạt đầu tiên. Người hùng của phe tả châu Mỹ La tinh còn một loạt vụ bê bối khác đang chờ.

Giáo sư Alfredo Valladao cho biết: « Vụ án Lula là một vụ tương đối đơn giản. Ông bị tố cáo nhận quà cáp là một căn hộ sang trọng tọa lạc tại khu bờ biển đẹp nhất của Sao Paulo. Đổi lại, tập đoàn xây dựng lớn nhất Brazil ký được nhiều hợp đồng béo bở với công ty dầu khí nhà nước Petrobras. Nhưng chuyện lý thú không phải là căn hộ này, mà là vụ ông được tặng nông trại, món quà trong nghi án thông đồng tham ô thứ hai. Vụ án thứ hai này sẽ được xét xử trước tháng 8 năm nay. Ngoài ra, còn có 8 vụ nữa sẽ tiếp nối theo. Nói cách khác, cựu tổng thống Lula đối mặt với 10 vụ án, mà vụ thứ nhất vừa kết thúc với bản án 12 năm tù giam ».

Liệu trong vụ án Lula, có thế lực chính trị nào đứng sau giựt dây ? Theo giáo sư Alfredo Valladao, thủ đoạn chính trị là điều không tránh được,vì không ai là kẻ ngây thơ, kể cả chính đương sự. Lula muốn ra tranh cử nhiệm kỳ ba để tạm thời tránh lưới pháp luật hay là ông bị một thế lực nào đó dùng tư pháp để loại đối thủ lợi hại nhất ?

Giáo sư Alfredo Valladao nhận định: « Đằng sau các cáo buộc tham nhũng, có thể có dụng ý chính trị. Câu hỏi đặt ra là ai chống Lula ? Phe nào gây sức ép để ngăn chận cựu tổng thống Brazil ra tranh cử một nhiệm kỳ nữa ? Nếu có một âm mưu chính trị thì Lula phải tố giác. Thế mà ông ấy không bao giờ nói rõ ai là kẻ thù của ông mà chỉ nói úp mở « bọn xấu, bọn ác ».

Sau khi đắc cử nhiệm kỳ một, tổng thống Lula đã gây chia rẽ trong dân chúng. Ông hay dùng từ « chúng nó » và « chúng ta ». « Chúng nó » là những kẻ phản bội, những người chống dân nghèo. Còn « chúng ta » là người thương dân nghèo. Chúng nó là kẻ ác, chúng ta là người thiện.

Thái độ này giờ đây trở thành hậu quả quay lại hại ông Lula. Xã hội Brazil bị chia rẽ rất nghiêm trọng. Nếu cho là có một âm mưu chính trị chống phá ông Lula, thì toàn thể thẩm phán, toàn bộ ngành tư pháp của Brazil chống cựu tổng thống hay sao ?

Thế mà, phải nói rằng diễn tiến vụ án không những công khai, minh bạch, mà còn có thể nói là hơn thế nữa. Toàn bộ vụ án được giám sát chi li, luật sư biện hộ theo sát hồ sơ từng bước một. Một thường dân bị cáo không ai được xét xử trong điều kiện tối ưu như thế.

Chiến dịch tư pháp bài trừ tham ô « lava jato » (vòi rồng) ở Brazil không chừa một ai hay một phe nào : doanh nhân, dân biểu, tổng thống cánh tả lẫn cánh hữu, bê bối đều nằm trong tầm nhắm. Lula vào tù, Dilma Rousseff sắp ra toà và đương kim tổng thống Michel Temer, ngày 02 tháng 03 vừa qua đã bị toà án tối cao đưa vào danh sách nghi can trong vụ án tập đoàn xây dựng Odebrecht » .

Bất an vì bất ổn

Số phận trôi nổi của các vị tổng thống Brazil phản ánh phần nào sự mong manh của chế độ dân chủ của quốc gia Nam Mỹ này, theo phân tích của giáo sư Mauricio Santoro, khoa quan hệ quốc tế Đại Học Rio de Janeiro : Ngày nay, nền dân chủ Brazil đã « bắt rể » sâu hơn thời thập niên 1970, tuy nhiên vẫn « chưa vững chắc ».

Đó là lý do vì sao các vị tổng thống bị khó khăn khi muốn thực hiện một chính sách lâu dài.

Phải chăng tệ nạn tham ô đã phát sinh từ tâm lý bất an này ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.