Vào nội dung chính
FACEBOOK - LUẬT PHÁP

Tại Thượng Viện Mỹ, ông chủ Facebook hối lỗi về vụ bê bối thu thập thông tin cá nhân

Hôm qua, 10/04/2018, Mark Zuckerberg, ông chủ của Facebook đã phải điều trần trước hai tiểu ban của Thượng Viện Hoa Kỳ về vụ cung cấp các thông tin cá nhân của người sử dụng mạng xã hội cho một công ty tư vấn phục vụ cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ 2016.

Mark Zuckerberg, chủ nhân Facebook ra điều trần trước Thượng Viện Hoa Kỳ, Washington, ngày 10/04/2018
Mark Zuckerberg, chủ nhân Facebook ra điều trần trước Thượng Viện Hoa Kỳ, Washington, ngày 10/04/2018 REUTERS
Quảng cáo

Trong cuộc điều trần kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, ông chủ của Facebook lại một lần nữa thừa nhận trách nhiệm của mình trong vụ việc này. Thế nhưng, các nghị sĩ đã tỏ thái độ hoài nghi về lời hứa tăng cường bảo mật các thông tin cá nhân.

Từ California, thông tín viên Eric de Salve gửi về bài tường trình :

Ông có sẵn sàng cho chúng tôi biết tên khách sạn ông ở hoặc ngủ qua đêm không ? Mark Zuckerberg đã trả lời là « không », trong cuộc điều trần đầu tiên trước các tiểu ban của Thượng Viện. Ông có thể cho chúng tôi biết là tuần trước, ông đã trao đổi thư điện tử với ai được không ? Ông chủ Facebook trả lời : Chắc chắn là tôi không muốn cho biết điều đó một cách công khai, ở đây.

Thượng nghị sĩ bang Illinois nhấn mạnh, thế mà trên mạng xã hội, quyền bảo vệ cuộc sống riêng tư lại không được tôn trọng đối với 87 triệu người sử dụng Facebook, các thông tín cá nhân của họ đã bị lấy và chuyển cho công ty khác.

Vẻ mặt căng thẳng, không thoải mái trong trang phục áo vét, thắt cà-vạt, chủ tịch tổng giám đốc Facebook đã phải trả lời hàng loạt câu hỏi của hai tiểu ban Thượng Viện trong 4 tiếng rưỡi. Thế rồi, thượng nghị sĩ John Kennedy đốp chát : Tôi nói với ông một cách lịch sự rằng các quy định về việc sử dụng mạng xã hội của ông là vô tích sự.

Sau vụ bê bối Cambridge Analytica, các nghị sĩ Mỹ muốn biết liệu từ nay, Facebook có thể một mình đủ khả năng bảo vệ các thông tin cá nhân của người sử dụng mạng xã hội và không để bị thao túng vì các mục đích chính trị hay là cần phải có những quy định quản lý mạng xã hội. Các nghị sĩ cũng muốn có những bảo đảm, không để cho Nga lợi dụng và can thiệp. Về điểm này, Zuckerberg trả lời : tại Nga, có những người mà công việc chính của họ là lũng đoạn các hệ thống của chúng ta. Đó là một cuộc chạy đua vũ trang.

Chủ tịch tổng giám đốc Facebook lại nhiều lần xin lỗi thay vì cần phải nói đến việc xem xét lại mô hình hoạt động của mạng xã hội này. Do vậy, một nữ thượng nghị sĩ tỏ ra bi quan và nói thẳng : Thôi, hãy ngừng xin lỗi và bắt đầu thay đổi mô hình đi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.