Vào nội dung chính
HOA KỲ - SYRIA

Tấn công Syria : Khả năng hành động hạn hẹp của tổng thống Donald Trump

Khoảng 50 thường dân Syria đã bị thiệt mạng và vài trăm người khác bị thương tại Douma trong vụ tấn công bằng chất Chlore tối 07/04/2018, được cho là do chế độ Damas tiến hành, song Matxcơva bác bỏ mọi bằng chứng. Cả Nga và Iran bị cáo buộc dung túng để Syria sử dụng vũ khí hóa học.

Khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Porter của Mỹ phóng tên lửa vào Syria từ Đại Tây Dương, ngày 07/04/2017.
Khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Porter của Mỹ phóng tên lửa vào Syria từ Đại Tây Dương, ngày 07/04/2017. Ford Williams/Courtesy U.S. Navy
Quảng cáo

Với Paris, lằn ranh đỏ tại Syria đã bị vượt qua và cộng đồng quốc tế sẽ có biện pháp trừng phạt « cứng rắn » sau khi tổng thống Pháp điện đàm với đồng nhiệm Mỹ tối 09/04. Gần như cùng lúc, tổng thống Donald Trump cũng đe dọa đưa ra biện pháp « mạnh mẽ », « cương quyết » trong vòng 24 đến 48 giờ tới để buộc chế độ Bachar Al Assad và các đồng minh phải « trả giá » vì hành động « ghê rợn nhắm vào người dân vô tội ». Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis « không loại trừ bất kỳ khả năng nào » khi trả lời về khả năng tấn công Syria, đồng thời ông nhấn mạnh « muốn giải quyết vấn đề cùng với sự hợp tác của các đồng minh và đối tác, từ NATO đến Qatar ».

Tuy nhiên, giải pháp dùng quân sự của tổng thống Donald Trump có thật sự hữu hiệu không ? Đâu là những hạn chế của lựa chọn quân sự trong khi chiến trường Syria ngày càng phức tạp do nhiều cuộc chiến đan xen nhau cùng với sự can thiệp của nhiều thế lực bên ngoài ?

Thứ nhất, theo AFP, khi tấn công quân sự chế độ Damas, Hoa Kỳ có nguy cơ đối đầu trực tiếp với lực lượng Nga được triển khai tại Syria. Chuyên gia Ben Connable thuộc trung tâm nghiên cứu Rand khuyến cáo : « Hoa Kỳ phải hết sức chú ý để không tấn công vào các mục tiêu Nga hoặc sát hại cố vấn Nga. Chỉ việc này thôi cũng đã hạn chế đáng kể các khả năng lựa chọn của Mỹ vì quân nhân Nga thường hòa nhập vào các đội quân của Syria ».

Thứ hai, Mỹ cũng phải tránh hai căn cứ quân sự do Nga kiểm soát trên lãnh thổ Syria : căn cứ không quân Hmeimim ở phía tây và căn cứ hải quân Tartus bên bờ Địa Trung Hải. Trong lần phát biểu gần đây nhất, tổng thống Mỹ khẳng định chỉ tấn công vào căn cứ không quân của Syria. Theo nhận định của nhà nghiên cứu Ben Connable, « về mặt quân sự, đây cũng là giới hạn của việc mà Hoa Kỳ có thể làm ».

Nếu dùng đến « vũ lực », tổng thống Mỹ sẽ phải chọn phương pháp nào ? Liệu chủ nhân Nhà Trắng sẽ sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk bắn từ ngoài khơi ? Biện pháp này đã được ông ra lệnh ngày 07/04/2017, trước sự hiện diện của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Quân đội Mỹ đã phóng 59 tên lửa nhắm vào căn cứ Al Shayrat, gần thành phố Homs, nơi được cho là có một phi cơ của chế độ Damas đã cất cánh ba ngày trước đó để thả khí sarin xuống làng Khan Cheikhoun (tây bắc Syria) khiến 80 người chết.

Một khả năng khác, theo ông Ben Connable, là gửi quân tăng viện đến miền bắc Syria nhằm làm suy yếu chế độ Damas hiện đang đối mặt với các lực lượng nổi dậy. Tuy nhiên, vào tuần trước, tổng thống Mỹ từng tuyên bố muốn rút quân Mỹ khỏi Syria ngay khi có thể vì « đã đến lúc về nhà ».

Chính quyết định này đã « cổ vũ » Bachar Al Assad « thực hiện thêm một vụ tấn công hóa học mới nhắm vào những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em vô tội », theo cáo buộc của ông John McCain. Thượng nghị sĩ Cộng Hòa tiểu bang Arizona cho rằng « tổng thống đã phản ứng kiên quyết vào năm ngoái (2017). Ông cũng nên làm như vậy thêm lần nữa và cho thấy rằng Assad sẽ phải trả giá cho những tội ác chiến tranh mà ông ta gây ra ».

Tuy nhiên, theo đại tá Daniel Davis, chuyên gia thuộc trung tâm nghiên cứu Defense Priorites, « giải pháp chính trị tệ hại nhất đối với Mỹ chính là can thiệp sâu hơn vào cuộc nội chiến tại Syria, dù tàn nhẫn, trong khi cuộc nội chiến này không đe dọa an ninh và sự phồn thịnh của Mỹ. Thêm vào đó, can thiệp quân sự có nguy cơ va chạm với Nga, quốc gia cũng nắm giữ vũ khí hạt nhân ». Vì vậy, chuyên gia này ủng hộ giải pháp rút quân.

Như trong vụ tấn công bằng vũ khí hóa học của chế độ Damas vào năm 2017, tổng thống Mỹ cũng cần đến ba ngày để đưa ra quyết định tấn công trừng phạt. Liệu ông Donald Trump đang cân nhắc những « hậu quả nghiêm trọng » nếu dùng vũ lực như cảnh báo của đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc trước Hội Đồng Bảo An ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.