Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - DJIBOUTI

Tại sao Djibouti trở thành « doanh trại quân đội của thế giới » ?

Tại sao Djibouti trở thành « trại lính của thế giới » ? là tiêu đề một bài viết ngày 26/03/2018 trên chuyên mục Quốc tế của tờ báo Pháp Le Figaro. Djibouti, một đất nước châu Phi tuy bé nhỏ với diện tích 23.000km2, dân số hơn 800.000 người, nhưng do có vị trí địa lý chiến lược đã trở thành « doanh trại của thế giới ».

Binh sĩ Trung Quốc trên tàu chuẩn bị rời cảng Trạm Giang (Zhanjiang), tỉnh Quảng Đông (Guangdong) sang Djibouti, châu Phi, ngày 11/07/2017.
Binh sĩ Trung Quốc trên tàu chuẩn bị rời cảng Trạm Giang (Zhanjiang), tỉnh Quảng Đông (Guangdong) sang Djibouti, châu Phi, ngày 11/07/2017. REUTERS
Quảng cáo

Djibouti là nơi có sự hiện diện quân sự của 5 nước : Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Ả Rập Xê Út và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Năm 2017, Trung Quốc đã ồ ạt đầu tư vào thương mại Djibouti và đặt căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên tại quốc gia châu Phi này. Nhiều người cho rằng hai cường quốc quân sự Ấn Độ và Nga cũng sẽ sớm hiện diện ở Djibouti.

Djibouti có những lợi thế nào ?

Lý do đầu tiên mang tính chiến lược. Đó là vị trí lý tưởng của Djibouti ở eo biển Bab al Mandab. Eo biển cho phép kiểm soát lối đi tới kênh đào Suez và hiện nay là con đường vận tải biển đứng hàng thứ tư trên thế giới, với 30.000 lượt tàu thuyền qua lại hàng năm. Đó là chưa kể tới những tàu trọng tải lớn đi ngoài khơi trên hành trình nối từ châu Á tới Đại Tây Dương, và rất nhiều đường dây cáp dưới đáy đại dương.

« Phép lành » về địa lý nói trên là lý do thúc đẩy các nhà buôn Pháp tới đây vào nửa đầu thế kỷ XIX, trước cả khi nước Pháp đô hộ Djibouti. Quốc gia này cũng đã nằm trong tầm ngắm của thực dân Anh. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, tầm quan trọng quân sự của cảng Djibouti giải thích tại sao mãi cho đến tận năm 1977 Djibouti mới trở thành một quốc gia độc lập.

Trong khi sự sụp đổ của Liên Xô khiến Djitbouti trở nên kém hấp dẫn trong mắt quốc tế, thì một loạt sự kiện lại khiến quốc gia này trở nên lôi cuốn hơn. Đầu tiên là sự kiện Eritrea độc lập, khiến Ethiopia mất thị trường hàng hải và Addis Abebas phụ thuộc mạnh mẽ vào cảng Djibouti.

Sự phát triển của Hồi Giáo cực đoan, ở Yemen và Somali khiến Djibouti trở thành một trong những Nhà nước ổn định hiếm hoi trong khu vực, một nước lý tưởng để theo dõi và tấn công Hồi Giáo cực đoan. Sự hoành hành của cướp biển Somali cũng khiến hải quân các nước Liên Hiệp Châu Âu tới triển khai lực lượng ở Djibouti. Lý do cuối cùng là những tham vọng của Trung Quốc.

Những lực lượng quân sự nào hiện diện ở Djibouti ?

Trong hai thập kỷ qua, Djibouti đã trở thành một « trại lính của thế giới ». Ngoài quân đội Djibouti, còn có 5 căn cứ quân sự của các nước khác đóng tại đây : một kỷ lục. Đầu tiên phải kể đến Pháp, nước đã từng đô hộ Djibouti. Thực ra, quân đội Pháp chưa bao giờ rời khỏi Djibouti kể cả khi nước này không còn là thuộc địa của Pháp. Vào năm 2017, căn cứ quân sự của Pháp có 1.350 quân nhân. Djibouti trở thành căn cứ quân sự thường trực lớn nhất của Pháp ở châu Phi.

Năm 2002, tới lượt Mỹ triển khai căn cứ quân sự ở nước này. Hiện giờ Mỹ có 4.000 quân nhân tại căn cứ Djibouti, nhiều máy bay vận tải, máy bay không người lái và một cảng tàu chiến. Dường như Washington còn muốn mở rộng căn cứ duy nhất ở châu Phi.

Vào năm 2009, khi Liên Hiệp Châu Âu triển khai chiến dịch chống cướp biển « Atalante », lực lượng quân sự của nhiều nước Liên Hiệp đã tới Djibouti. Ý mở một căn cứ quân sự nhỏ, trong khi Đức và Tây Ban Nha điều vài đơn vị tới đóng quân gần căn cứ quân sự của Mỹ. Chiến dịch chống cướp biển « Atalante » đã mang lại hiệu quả. Nếu vào năm 2015 có tới 75 vụ cướp biển thì con số này là 0 vào năm 2017. Tuy chiến dịch thành công, châu Âu vẫn duy trì sự hiện diện quân sự tại khu vực này.

Vào năm 2011, Nhật điều 150 quân nhân sang Djibouti. Đây là lần Tokyo điều quân ra nước ngoài kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Tới năm 2016, Djibouti đã chấp thuận để Tokyo tăng cường sự hiện diện quân sự thông qua việc xây dựng các đường băng cho máy bay tiêm kích. Tokyo cho biết muốn giám sát an ninh tại eo biển, nhưng thực ra Nhật Bản cũng muốn đi trước Trung Quốc một nước cờ. Quả thật, sau đó Trung Quốc xây dựng căn cứ riêng của mình. Căn cứ này mở cửa vào tháng 07/2017. Trước đó, vào tháng 01/2017, Ả Rập Xê Út ký thỏa thuận với Djibouti để có thể mở một căn cứ quân sự tại đây.

Trên thực tế, Trung Quốc hiện diện ở Djibouti thế nào ?

Sau khi đầu tư ồ ạt vào các dự án về hạ tầng cơ sở ở Djibouti, mà theo nhiều ước tính lên tới 12 tỉ euro, Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự một cách đầy ấn tượng. Theo Bắc Kinh, đó là nhằm bảo đảm an toàn cho các lợi ích kinh tế và an ninh cho Hoa kiều ở Djibouti. (Năm 2011, khoảng 30.000 người Trung Quốc bị mắc kẹt tại Lybia). Vì nằm ở vị trí nối Địa Trung Hải với Ấn Độ Dương, nên về địa lý, Djibouti đã trở thành tâm điểm của Con đường tơ lụa mới « Một vành đai, một con đường » mà Bắc Kinh sáng lập để phát triển hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và lục địa Á-Âu.

Để thực hiện chiến lược này, hồi tháng 07/2017, Trung Quốc đã khánh thành căn cứ quân sự lớn có khả năng tiếp đón 10.000 quân nhân, với chi phí thuê địa điểm là 100 triệu đô la (so với 60 triệu đối với Mỹ và 30 triệu đối với Nhật Bản).

Trong những năm qua, cho tới năm 2015, do nạn cướp biển hoành hành ở vịnh Aden, Trung Quốc ngày càng tăng cường hiện diện và đội tàu cũng hoạt động thường xuyên hơn. Thỏa thuận Trung Quốc và Djibouti ký vào năm 2015 mở đường cho Bắc Kinh thành lập căn cứ quân sự, quy mô hoành tráng của căn cứ này đã khiến phương Tây lo ngại vì nhiều tầu ngầm, rất có thể là với hầm chứa vũ khí đạn dược, qua lại thường xuyên trong khu vực. Thêm vào đó, nơi đây lại có nhiều đường dây cáp Internet chạy ngầm dưới biển, nối từ châu Âu sang châu Á.

Trong khí đó, quan hệ đối tác thương mại giữa Djibouti và Trung Quốc lại mất cân đối : Djibouti phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Khoản tiền Djibouti vay của các ngân hàng Trung Quốc hiện nhiều gần bằng PIB của nước này, khiến Djibouti gần như đã « thuộc quyền sở hữu » của các ngân hàng Trung Quốc. Tăng trưởng chậm cũng khiến nền kinh tế Djibouti có nguy cơ suy yếu thêm.

Quân sự hóa Djibouti và khu vực có thể dẫn tới căng thẳng ?

Sự hiện diện đồng thời của quân đội nhiều nước, dù không phải là các « kẻ thù », nhưng thường là « đối thủ » của nhau tại quốc gia châu Phi nhỏ bé chắc chắn sẽ gây căng thẳng. Một nhà ngoại giao hài hước nói rằng Djibouti ngày càng giống với Tanger trong những năm 1930, trở thành một ổ gián điệp, nơi nước này theo dõi nước kia.

Tuy nhiên, ông Aboubaker Omar Hadi, quản lý các cảng của Djibuti không tỏ ra lo lắng. Theo ông, tất cả quốc gia hiện diện ở nước này đều có chung mục tiêu là bảo đảm an ninh tại eo biển Bab al Mandab nên sẽ không có vấn đề gì cả. Còn chuyên gia Pierre Razoux, giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chiến lược thuộc Trường Quân Sự (IRSEM) khẳng định : « Tất cả các nước đều bảo vệ lợi ích tại Djibouti. Sẽ không ai được hưởng lợi nếu mọi chuyện xấu đi ».

Tuy nhiên, sự kiện Djibouti, hồi năm 2017, « hất cẳng » DP World của Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, công ty quản lý một trong các cảng, lại cho thấy các xích mích sẽ nhanh chóng xảy ra. Trong chuyến thăm Djibouti hồi tháng 03/2018, ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Rex Tillerson rất lo ngại về việc Trung Quốc sẽ « thế chỗ » công ty DP World.

Nhưng quan chức Aboubaker Omar Hadi, quản lý các cảng của Djibouti đã trấn an Washington là Djibouti sẽ trực tiếp quản lý cảng và loại trừ khả năng Trung Quốc sở hữu một cảng quân sự riêng. Theo phân tích của chuyên gia Sonia Le Gouriellec, nhà chức trách Djibouti rất chú ý để cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc đối thủ không bùng nổ tại đất nước này. Đó cũng là lý do tại sao họ từ chối đề nghị tăng cường sự hiện diện của Nga, vì Djibouti biết rằng Mỹ không thích điều đó.

Nhưng rất có thể Djibouti sẽ không làm chủ được tình thế nếu chẳng may khủng hoảng nổ ra, cho dù là từ rất xa, chẳng hạn giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Djibouti cũng có nguy cơ bị Hồi Giáo cực đoan nhắm tới, nhất là phiến quân Hồi Giáo al-Chebab của Somali. Vào tháng 05/2014, nhóm al-Chebab đã tấn công một nhà hàng ở trung tâm thành phố cùng tên Djibouti. Hiểm họa cuối cùng tới từ chế độ độc tài Eritrea láng giềng, vốn rất khó chịu trước sự hiện diện ở ngay kế bên của các lực lượng mà họ coi là « thế lực thù địch ».

Để đề phòng hiểm họa, đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, hồi năm 2017, nhân lễ kỷ niệm Độc Lập lần thứ 40, chính phủ Djibouti đã mời tất cả các « bạn hữu » Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Ý tham gia diễu binh cùng quân đội nước này. Cuộc diễu binh phối hợp chưa từng có trong lịch sử !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.