Vào nội dung chính
MỸ - PHÁP - SYRIA

Tại Hội Đồng Bảo An, Mỹ và Pháp đe dọa tấn công trả đũa Syria

Hội Đồng Bảo An họp khẩn cấp trong hai ngày 09 và 10/04 sau vụ tấn công bằng hơi ngạt ở Douma, Đông Ghouta, đêm thứ Bảy. Khoảng 50 thường dân Syria bị thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Một góc khu phố đổ nát hoang tàn ở thành phố Douma, Đông Ghouta, Syria, ngày 30/03/2018
Một góc khu phố đổ nát hoang tàn ở thành phố Douma, Đông Ghouta, Syria, ngày 30/03/2018 REUTERS/Bassam Khabieh
Quảng cáo

Phải chăng chế độ Bachar al Assad do Nga hậu thuẫn là thủ phạm ? Mỹ và Pháp khẳng định là « đúng ». Trong cuộc họp công khai, hai nước đe dọa sẽ trả đũa hành động được mô tả là « của ác quỷ ».

Hôm nay, thứ Ba 10/04, Hội Đồng Bảo An bỏ phiếu một dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất. Nếu bị Nga phủ quyết như thông lệ, Tây phương sẽ có lý do oanh kích trừng phạt Syria.

Từ New York, thông tín viên Marie Bourreau tường thuật :

"Đây là cuộc họp có tính quyết định của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bởi vì theo lời đại sứ Mỹ Nikky Haley, thì không còn gì để nghi ngờ, Washington đã chọn giải pháp quân sự. Bà nói, công lý phải được thi hành và Hoa Kỳ đã quyết chí hành động.

Nhưng để có thể ra tay, chính phủ Mỹ cần danh chính ngôn thuận. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc đã cho trao cho các thành viên khác của Hội Đồng Bảo An một dự thảo nghị quyết, đề nghị thành lập một cơ chế mới, độc lập, khách quan để điều tra những vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria. Đây không phải là lần đầu tiên Tây phương đề nghị một cơ chế như thế, nhưng lần nào cũng bị Nga bác bỏ. Do vậy, rất ít có khả năng dự thảo của Mỹ sẽ được thông qua. Phủ quyết của Nga sẽ giúp cho Mỹ ra tay hành động như Donald Trump đã làm cách nay đúng một năm, oanh kích phi trường quân sự Shayrat sau vụ làng Khan Cheikhou bị tàn sát bằng hơi ngạt.

Nước Pháp tỏ ra rất năng nỗ, chỉ trích Nga và Iran đã cho phép chế độ Syria một lần nữa dùng vũ khí hóa học. Đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc François Delattre cho biết Pháp sẽ thực hiện lời hứa nhưng không cho biết cụ thể. Dù sao đi nữa Paris và Washington thể hiện một mặt trận thống nhất, đoàn kết, nhằm chứng tỏ với công luận là mọi nỗ lực ngoại giao đã thất bại, giờ chỉ còn giải pháp duy nhất là dùng vũ lực quân sự."

Trong vòng hai ngày qua, tổng thống Mỹ Donald Trump đã hai lần điện đàm với đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron. Theo điện Elysée, hai nguyên thủ mong muốn cộng đồng quốc tế phản ứng mạnh. Phát ngôn viên chính phủ Pháp Benjamin Griveau cho biết thêm nếu Damas đã « vi phạm lằn ranh đỏ thì sẽ bị trả đũa ».

Ankara : vũ khí hóa học « đã được sử dụng » ở Ghouta

Thổ Nhĩ Kỳ, tuy cùng với Nga và Iran họp thành bộ ba đỡ đầu cho vòng đàm phán Astana, đẩy Tây phương ra khỏi bàn cờ Syria, cũng tin rằng quân đội Damas đã dùng vũ khí hóa học. Phát ngôn viên chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag cho biết « rõ ràng là vũ khí hóa học đã được sử dụng » Ankara mong muốn cộng đồng quốc tế « hành động tập thể ».

Trong cuộc điện đàm với tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã « bày tỏ quan ngại về các vụ tấn công ở Duma và Đông Ghouta ». Hôm nay, ông Erdogan cảnh cáo thêm : thủ phạm sẽ trả giá đắt.

Trong khi đó, theo lời ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, « chuyên gia Nga đã đến tận nơi, nhưng không thấy có dấu vết hóa học như những lời tố cáo ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.