Vào nội dung chính
HUNGARY - CHÍNH TRỊ

Hungary : FIDESZ thắng lớn, thủ tướng Orban hứa hẹn "báo thù"

Bầu cử Quốc hội Hungary diễn ra hôm qua 8/4/2018 mang lại chiến thắng áp đảo cho phe cánh hữu hiện đang cầm quyền ở nước này: tính đến thời điểm hiện tại, Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ và Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo KDNP có khả năng giành được ít nhất 133 trên tổng số 199 ghế trong Nghị viện Hung.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban sau khi kết quả sơ bộ bầu cử được loan báo, Budapest, 8/4/2018.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban sau khi kết quả sơ bộ bầu cử được loan báo, Budapest, 8/4/2018. REUTERS/Leonhard Foeger
Quảng cáo

Cho dù những dữ liệu được công bố chưa phải là kết quả chung cuộc, tuy nhiên có thể đoan chắc là liên minh cầm quyền hiện tại một lần nữa lại chiếm được tỷ lệ 2/3 số ghế trong Quốc hội, điều này trong thực tế khiến liên minh này có thể tự sửa đổi Hiến pháp và các đạo luật trọng yếu mà không cần tới sự tham dự của các dân biểu đối lập. Điều đã diễn ra ròng rã từ năm 2010 tới nay!

07:21

Thông tín viên Hoàng Nguyễn (Budapest)

Tranh cử hù dọa : Đảng cầm quyền thắng "quá áp đảo", đối lập bị "hủy diệt"

Sau nhiều tuần vận động tranh cử hết sức gay gắt, khi các đảng phái ở Hungary không từ bất cứ thủ đoạn và ngôn từ gì để bôi nhọ lẫn nhau, khiến báo chí ngoại quốc cho rằng chưa bao giờ văn hóa chính trị của Hung xuống dốc thảm hại như vậy, phe cầm quyền hiện tại đã có được chiến thắng quá áp đảo mà chính họ cũng không tính đến, theo các bình luận của giới nghiên cứu chính trị nước này.

Bởi lẽ, trước đó, phe đối lập Hungary dù yếu ớt và bị chia rẽ trầm trọng, nhưng cũng đã nỗ lực hết mình với nhiều động thái phối hợp, như tìm cách dồn phiếu cho ứng viên dân biểu đối lập có khả năng nhất trong cuộc đọ sức với FIDESZ. Các đảng đối lập cũng tính tới chuyện nếu tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu vượt mức 70%, thì có thể xảy ra những bất ngờ có lợi cho họ, do "lòng dân muốn thay đổi".

Và trong thực tế, tỷ lệ cử tri tham gia kỳ bỏ phiếu lần này thực sự đã đạt mức kỷ lục từ mấy chục năm nay, tuy nhiên trái với tính toán của phe đối lập, và với nhận định trước đây của giới bình luận, kết quả đạt được lại chứng tỏ đường lối của Thủ tướng Orbán Viktor và đảng FIDESZ. Thậm chí, đây là kỳ bầu cử đầu tiên mà FIDESZ chiến thắng trong hoàn cảnh lượng cử tri đông đảo đi bỏ phiếu.

Với Đạo luật Bầu cử được sửa đổi theo hướng rất có lợi cho chính quyền hiện tại, tận dụng bộ máy truyền thông công ích hoàn toàn bị o ép và điều khiển phục vụ lợi ích của phe cầm quyền, FIDESZ đã thắng lợi mà không cần đưa ra bất cứ chương trình hành động gì, mà chỉ dựa trên chiến dịch tranh cử hết sức thô bạo mang tính hù dọa cử tri Hung trước viễn cảnh nước này bị di dân "xâm lược".

Đặc biệt, với chính sách cho phép Hung kiều mang hai quốc tịch ở ngoại quốc có quyền cử tri, FIDESZ đã nhận được số phiếu của đại đa số thành phần này. Ngoại trừ một số khu vực bầu cử ở thủ đô, nơi các ứng viên đối lập giành được một số ghế trên tư cách cá nhân, các tỉnh thành nông thôn ở Hungary hoàn toàn ủng hộ FIDESZ, một phần do báo chí địa phương đã bị FIDESZ thâu tóm từ lâu.

Đảng đối lập lớn nhất JOBBIK, từng là một chính đảng cực hữu, nhưng đã thay đổi rất nhiều trong vài năm qua để được sự chấp nhận đông đảo hơn của cử tri Hungary, đã không đạt được tiến bộ gì đáng kể so với 4 năm trước. Phe đối lập bị hủy diệt trong thực tế, nhiều vị chủ tịch đảng đã tuyên bố từ chức, báo chí Hung nhận xét rằng các đảng đối lập nước này lâm vào cảnh khủng hoảng chưa từng có.

Lòng dân phân hóa

Trong phát biểu mừng chiến thắng, Thủ tướng Orbán Viktor khẳng định các cử tri Hung đã "bảo vệ Tổ quốc" bằng lá phiếu của mình, và nước Hung đã đi theo con đường riêng mà quốc gia này lựa chọn. Các lãnh đạo thượng đỉnh khác của FIDESZ cũng cho rằng, "đây là chiến thắng của người Hung", cử tri Hung không để cho kẻ khác đưa ra quyết định thay cho họ, và "tương lai nước Hung đã được bảo vệ".

Các đảng đối lập không giấu được sự cay đắng khi thừa nhận thua cuộc, nhưng đa số tỏ ra chấp nhận thất bại. Trong khi đó, giới bình luận nhấn mạnh, kể từ khi Hungary thay đổi thể chế năm 1989-1990, chưa bao giờ có một thế lực chính trị nào liên tục chiến thắng trong ba kỳ bầu cử Quốc hội liên tiếp, và trận thắng này của FIDESZ có thể coi là oanh liệt nhất, khiến đảng này có được tính "chính danh".

Nắm trong tay quyền hành vô độ, phe cầm quyền FIDESZ đã tỏ ra coi thường tất cả những chuẩn mực trong ứng xử và đời sống chính trị dân chủ, thậm chí còn bỏ qua phán quyết của Tòa án Tối cao khi họ liên tục vi phạm luật trong quá trình vận động tranh cử. Đồng thời, lòng tin vào các đảng đối lập ngày càng suy giảm đáng kể, lòng dân nước này càng bị phân hóa theo những phản ứng đầu tiên hậu bầu cử.

Hướng tới thủ tiêu truyền thông độc lập và đối lập

Xã hội dân sự tiếp tục bị bài trừ và quản lý ngặt nghèo, sự độc lập của các cơ quan tư pháp tiếp tục bị hạn chế để dẫn tới bị thủ tiêu, truyền thông đối lập và độc lập tiếp tục bị thâu tóm, tham nhũng tầm nhà nước tiếp tục diễn ra, cùng sự "báo thù" mà Thủ tướng Orbán Viktor hứa sẽ thực hiện sau cuộc bầu cử... là những viễn cảnh mà nền chính trị Hungary có thể gặp phải với chiến thắng của phe cánh hữu.

Sau khi có nhiều động thái nhằm dán nhãn, gây khó dễ, bài trừ các tổ chức dân sự bị coi là "nhận tiền ngoại quốc", "gián điệp ngoại bang", "di dân hóa nước Hung", "phản bội tổ quốc", chính quyền Hung sẽ thông qua đạo luật mang tên Stop Soros với mục đích tạo điều kiện cho Bộ Nội vụ nước này dùng các phương tiện mật vụ để kiểm soát xã hội dân sự. Có thể Hiến pháp Hungary cũng sẽ bị sửa đổi cho việc này.

Gần như chắc chắn là ông Orbán Viktor sẽ đụng đến các đạo luật điều tiết sự hoạt động của tòa án các cấp, vì cho tới giờ tư pháp là nhánh quyền lực nhiều khi vẫn tỏ ra "bất trị" với những phán quyết khiến chính quyền đau đầu. Bên cạnh đó, mặc dù đã nắm giữ toàn bộ các cơ quan truyền thông ở các tỉnh, thành và nhiều cơ quan mang tầm toàn quốc, tuy nhiên vẫn còn đó một số ít báo chí độc lập luôn làm FIDESZ "nóng mặt".

Sự dọa dẫm mà Thủ tướng Hungary nêu ra trong phát biểu trong ngày Đại lễ 15/3 vừa qua, thực ra đã được tiến hành từ vài năm nay. Cơ quan công tố và thuế vụ, hay Kiểm toán Nhà nước từng được sử dụng hữu hiệu như những vũ khí đáng sợ. Mới đây, FIDESZ còn coi những chính khách đối lập là mối nguy hiểm tới an ninh quốc gia, và ông Orbán còn cho rằng Hung hiện có kẻ thù là 2.000 "lính đánh thuê" của nhà tỷ phú Soros.

Theo giới quan sát, trên cương vị một lãnh đạo dân túy cầm quyền thâm niên nhất, đồng thời là người đi đầu trong việc xây dựng chủ thuyết "dân chủ phi tự do", Thủ tướng Orbán Viktor kiến tạo một chế độ chính trị đặt tính chính đanh của mình trên kết quả những cuộc bầu cử hợp thức, nhưng cùng lúc đó sẵn sàng tấn công các định chế khác của nền dân chủ, như nhà nước pháp quyền, thể chế tam quyền phân lập, v.v...

Về mặt kinh tế, đặc điểm của thể chế "dân chủ phi tự do" là tạo điều kiện cho sự hình thành của các tập đoàn đặc quyền đặc lợi, khiến Hungary trở thành một trong vài quốc gia đội sổ Liên Âu về sự tham nhũng tầm nhà nước. Chiến thắng lần này của FIDESZ trong bầu cử sẽ khiến chuyện "làm ăn" của giới lãnh đạo với Nga trong hồ sơ năng lượng nguyên tử được tiếp tục, điều khiến Hungary có thể lâm vào cảnh nợ nần.

Thủ tướng Orbán có thể lái Liên Âu vào con đường dân túy

Theo nhận định của nhiều nhà phân tích, việc đảng của ông Orban chiến thắng tại Hungary có nhiều ảnh hưởng đến tương lai của Liên Hiệp Châu Âu.

Một câu hỏi lớn đặt ra là: sau khi tái đắc cử thủ tướng, Victor Orban sẽ thi hành chính sách nào với Liên Âu? Hai kịch bản có thể.

Một là Budapest sẽ đối đầu trực diện với Bruxelles, giống như đã làm kể từ năm 2015, khi chống lại chính sách chia sẻ gánh nặng đón tiếp người tỵ nạn. Hungary đã tích cực thúc đẩy lập trường dân tộc chủ nghĩa trong nhóm Visegrad, bao gồm ba thành viên Trung và Đông Âu khác (Cộng Hòa Séc, Ba Lan, Slovakia), chống lại chính sách liên hiệp của Liên Âu, với trụ cột là trục Pháp-Đức. Thủ tướng Orban cũng công khai muốn tìm kiếm liên minh với liên đảng cánh hữu và cực hữu cầm quyền tại Áo.

Kịch bản thứ hai được nhiều chuyên gia cho là điều có nhiều khả năng xảy ra hơn. Đó là, thay vì chống lại, thủ tướng Hung sẽ tìm cách thay đổi các định chế Liên Âu từ bên trong. Duy trì Liên Âu nằm trong lợi ích của Budepest, hiện tại Hungary là nước được hưởng nhiều tài trợ nhất từ Liên Âu, với tổng trị giá 6% GDP, vượt xa nước thứ hai là Bulgari với 4,5% GDP.

Không giống như các lãnh đạo dân túy truyền thống cỗ vũ cho việc rút khỏi Liên Âu và khu vực đồng euro, đặc điểm của làn sóng chính trị dân túy mới đang lên tại Châu Âu, với thủ tướng Orban là đại diện – là vượt qua đối lập truyền thống giữa "chống" và "ủng hộ" Liên Hiệp Châu Âu.

Hai nội dung chính trong chiến lược mới này là cổ vũ cho liên minh giữa Liên Âu với nước Nga Putin, và cuộc chiến chống lại điều mà ông Orban gọi là nguy cơ Châu Âu bị "Hồi Giáo hóa", do làn sóng nhập cư từ các quốc gia Trung Đông, Bắc Phi. Quan điểm tôn Thiên Chúa Giáo lên làm giá trị nền tảng của Châu Âu, và cổ vũ cho chủ nghĩa dân tộc bài ngoại của thủ tướng Hung đi ngược lại quan điểm dân chủ tự do và chủ nghĩa nhân văn, là nền tảng của các định chế châu Âu hiện nay.

Nhiều chuyên gia đánh giá quan điểm "hoài nghi châu Âu" của Orban là "khôn khéo hơn nhiều" và "nguy hiểm hơn nhiều" so với các thế lực chính trị dân túy truyền thống. Một số nhà bình luận nêu ra quan điểm bi quan nhất : Nếu các đảng hoài nghi châu Âu kiểu mới, như đảng FIDESZ của Hung và phong trào 5 Sao ở Ý, và các đảng dân túy truyền thống hợp sức lại trong cuộc bầu cử châu Âu sắp tới và giành được 40% phiếu bầu, một kịch bản dù khó nhưng có thể xảy ra, thì các thế lực dân túy có thể sẽ không cần phá bỏ Liên Âu, mà dùng chính các định chế hiện hành của Liên Hiệp Châu Âu để thi hành các chính sách cực đoan của mình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.