Vào nội dung chính
SYRIA - XUNG ĐỘT

Căn cứ quân sự Syria bị tấn công, ai có lợi ?

Sân bay do quân đội Syria kiểm soát T-4 thuộc tỉnh Homs bị tấn công bằng tên lửa vào sáng sớm ngày 09/04/2018, 14 người thiệt mạng. Pháp và Mỹ phủ nhận là tác giả trong lúc quân đội Nga nêu đích danh trách nhiệm của Nhà nước Israel. Vì sao căn cứ quân sự ở miền trung Syria, nằm giữa thành phố Homs và Palmyra, là mục tiêu đợt không kích sáng nay và trong số các bên liên quan, ai có lợi khi mở cuộc tấn công lần này ?

Một sân bay quân sự của chính quyền Syria.
Một sân bay quân sự của chính quyền Syria. Ảnh : wikipedia
Quảng cáo

Sau vụ tấn công vào sáng sớm hôm nay, Sana hãng thông tấn chính thức của chế độ Damas đưa tin "nhiều tên lửa đã bắn trúng phi trường quân sự T-4" và "nghi ngờ" có bàn tay của Hoa Kỳ trong vụ này. Chỉ vài giờ sau, Sana đã rút lại cáo buộc trên, cùng lúc bộ Quốc Phòng Mỹ khẳng định "không mở chiến dịch oanh kích tại Syria". Phát ngôn viên Bộ tổng tham mưu quân đội Pháp, tướng Patrick Steiger xác định với hãng tin Pháp AFP là Paris không liên quan.

"Bàn tay" của Mỹ ?

Washington và Paris đã nhanh chóng lên tiếng, bởi vì trước vụ oanh kích nhắm vào phi trường quân sự Syria, ngày 08/04/2018, tổng thống Mỹ và đồng nhiệm Pháp trong một cuộc điện đàm đã "trao đổi thông tin và phân tích cho thấy vũ khí hóa học đã được sử dụng" tại Đông Douma, Đông Ghuta. Trong những tuần lễ qua, cả Hoa Kỳ lẫn Pháp đều đe dọa trừng phạt đích đáng chế độ của tổng thống Bachar al Assad trong trường hợp có bằng chứng là Damas đã "vượt qua lằn ranh đỏ", tức là quân đội sử dụng vũ khí hóa học nhắm vào thường dân Syria, trong một cuộc chiến đã bước vào năm thứ tám.

Cách nay hai ngày, vào lúc mà không quân Syria tiếp tục oanh kích ở Đông Ghuta, tiêu diệt nhóm nổi dậy cuối cùng, nhiều nhân chứng tại chỗ và nhân viên cứu hộ tố cáo Damas sử dụng khí chlore nhắm vào dân cư ở Douma, thuộc Đông Ghuta. Tin này cũng đã được nhiều nguồn tin độc lập khác xác định. Douma cách không xa thủ đô Damas và là căn cứ cuối cùng của phe nổi dậy tại một vùng đất mà quân đội chính phủ Syria đã kiểm soát được tới 95 %. Tổng thống Hoa Kỳ không chút nghi ngờ về trách nhiệm của chế độ al Assad và tuyên bố là sẽ bắt chính quyền Damas "trả giá đắt" trong vụ này.

Nghi vấn đã dấy lên ở Damas về vai trò của Mỹ, do cách nay một năm tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ra lệnh oanh kích căn cứ Shayrat để trừng phạt chế độ Damas dùng hơi độc sarin, nhắm vào thường dân, làm 80 người thiệt mạng tại thành phố Khan Cheikoun, miền tây bắc Syria. Hơn nữa, hôm nay cũng là ngày tân cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Trump, ông John Bolton chính thức nhậm chức. Ông này nổi tiếng là "diều hâu" và luôn chủ trương tấn công Syria. Có điều như một số nhà quan sát ghi nhận, tổng thống Hoa Kỳ chiều nay mới họp bàn về Syria với dàn cố vấn thân cận. Đành rằng, chủ nhân Nhà Trắng có nêu đích danh Nga và Iran hỗ trợ chính quyền Damas, nhưng trên hồ sơ Syria, Washington muốn "phối hợp" cùng với các đồng minh phương Tây, chứ không có ý định đơn phương bước lên tuyến đầu.

Căn cứ quân sự T-4

Về câu hỏi tại sao căn cứ quân sự T-4 lại là mục tiêu tấn công, hãng tin Reuters nhắc lại sân bay T-4 nằm ở miền trung Syria, giữa Palmyra và Homs, trong một vùng chiến lược, sát cạnh nhiều mỏ khí đốt của Syria. Đây cũng là nơi quân nhân Nga hiện diện. T-4 từng được lực lượng Al Qods của Vệ Binh Cộng Hòa Hồi Giáo Iran sử dụng trong cuộc nội chiến Syria.

Kể từ mùa xuân 2011, khi cuộc nội chiến ở Syria khai mào, Israel đã nhiều lần tấn công vào căn cứ quân sự này nhằm triệt hạ lực lượng Hezbollah Liban và các nhóm dân quân tại Syria được Iran yểm trợ. Đợt can thiệp gần đây nhất là vào tháng 02/2018. Tel Aviv khi đó đã oanh kích sân bay quân sự T-4 để trả đũa vụ một chiến đấu cơ F-16 của quân đội Israel bị bắn hạ và máy bay không người lái của Iran thâm nhập vào lãnh thổ Israel. Chính quyền của thủ tướng Netanyahu khi đó đã khẳng định rằng, căn cứ T-4 trên lãnh thổ Syria là nơi Iran dùng làm bàn đạp để tung những chiếc drone về phía lãnh thổ Israel. Iran, kẻ thù không đội trời chung của Israel, nhưng lại là một trong hai điểm tựa chính của chế độ Damas.

Các chuyên gia quân sự cho rằng, tương tự như Pháp hay Hoa Kỳ, Israel đang có trong tay tên lửa hành trình. Tel Aviv có khả năng tấn công từ xa một cách an toàn, chẳng hạn như là sử dụng chiến đấu cơ F-15 hay F16 và thậm chí là phóng cả tên lửa từ tàu ngầm.

Cuối cùng, về câu hỏi tại sao quân đội Nga cũng đã nhanh chóng khẳng định về trách nhiệm của Israel trong vụ oanh kích nhắm vào căn cứ T-4 nói trên, giới phân tích nhắc lại rằng Matxcơva đang là điểm tựa của chế độ Bachar al Assad và quân đội Nga đang hiện diện trên lãnh thổ Syria.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.