Vào nội dung chính
NGA-VỤ SKRIPAL

Vụ Skripal : Nga phản công ngoại giao, yêu cầu HĐBA họp công khai

Nga đã yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp công khai vào chiều ngày 05/04/2018, về bức thư của thủ tướng Anh cáo buộc Nga trong vụ đầu độc Skripal. Thông tin được đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia thông báo sau khi yêu cầu của Matxcơva đòi được tham gia điều tra cùng với Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OIAC) bị bác bỏ tại La Haye.

Một phiên họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Một phiên họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. REUTERS/Lucas Jackson
Quảng cáo

Thông tín viên RFI Quentin Dickinson tường trình :

« Cuộc họp được tổ chức tại La Haye, theo yêu cầu cấp bách của Matxcơva, đã không diễn ra như Nga mong muốn. Mục tiêu của Nga là muốn mở một cuộc điều tra song song với cuộc điều tra đang được tiến hành và trong đó, Nga có thể sẽ đóng vai trò trung tâm.

Tổng thư ký tổ chức OIAC đã lịch sự giải thích rằng các cuộc điều tra đang diễn ra dưới sự điều hành của tổ chức, do phòng thí nghiệm chính của tổ chức này, đặt tại Rijswijk và nhiều phòng thí nghiệm có thẩm quyền khác tiến hành, và như vậy, đủ để làm việc này. Nếu có những vấn đề chưa thể giải đáp được thì sẽ trao đổi với các chuyên gia Nga

Trong khi đó, đại diện của Anh thì tỏ ra kém ngoại giao hơn và nói thẳng : Liệu có thể tưởng tượng được là người ta lại giao cuộc điều tra cho nghi can chính tiến hành ? Đó là cách thức quái gở.

Với sự bảo trợ của Iran và Trung Quốc, đề nghị của Nga được đem ra bỏ phiếu. Trong số 41 thành viên của OIAC, 15 nước bỏ phiếu chống, chỉ có 6 nước bỏ phiếu thuận và các thành viên khác không tham gia bỏ phiếu.

Giờ đây, Nga đề nghị triệu tập cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, nhưng điều này không hề có ảnh hưởng gì đến tiến trình điều tra khoa học của OIAC ».

Chuyên gia Pháp : « Có khoảng 20 nước có thể sản xuất được Novitchok »

Matxcơva kịch liệt bác bỏ mọi cáo buộc có liên quan trong vụ đầu độc, đồng thời lên án « hành động khiêu khích »« chiến dịch bài Nga » của phương Tây. Tuy nhiên, ông Olivier Lepick, nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Nghiên Cứu Chiến Lược và là chuyên gia về vũ khí hóa học, nhận định :

« Trong thập niên 1990, khi câu chuyện về chất độc thần kinh Novitchok làm xáo động cộng đồng chuyên gia, tôi nghĩ là rất nhiều cơ quan tình báo và kỹ thuật tại đa số các nước phương Tây đều hướng đến bản chất của Novitchok.

Một số nước có thể đã xác định được thành phần hóa học và cũng có thể đã sản xuất được một vài mẫu. Chính vì vậy, lần này tổng thống Vladimir Putin đã không lầm khi nói là có một số nước có khả năng sản xuất được Novitchok. Ông cho rằng một trong số 20 nước đó có thể đã thực hiện vụ đầu độc đó.

Một lần nữa, đây là màn hỏa mù mà Nga cố giăng ra trong vụ này. Tôi nghĩ là chỉ có Nga mới có động cơ rõ ràng, thậm chí là quái gở. Mọi người đều gán hành động này cho nước Nga, còn Matxcơva sẽ không bao giờ thừa nhận là chủ mưu. Chẳng có gì là bí ẩn nếu nghĩ rằng Nga không đứng sau vụ này ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.