Vào nội dung chính
NGA - BỈ - NATO

Vụ Skripal : Đến lượt NATO và Bỉ trục xuất nhà ngoại giao Nga

Phương Tây tiếp tục trả đũa Nga trong vụ Skripal. Vào hôm qua, 27/03/2017, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO đã loan báo quyết định trục xuất 7 người trong phái bộ Nga bên cạnh NATO. Cùng ngày, Bỉ cũng cho biết là đã trục xuất một nhà ngoại giao Nga.

Ảnh minh họa : Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, tại trụ sở ở Bruxelles, ngày 15/03/2018.
Ảnh minh họa : Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, tại trụ sở ở Bruxelles, ngày 15/03/2018. REUTERS/Yves Herman
Quảng cáo

Giống như hơn 20 nước phương Tây khác, tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg đã tuyên bố trục xuất 7 nhà ngoại giao Nga khỏi phái bộ của nước này đặt tại khối Bắc Đại Tây Dương, đồng thời cho biết sẽ giảm quy mô nhân sự của phái bộ Nga từ 30 xuống còn 20 người.

Cùng ngày, chính quyền Bỉ cũng loan báo quyết định trục xuất một nhà ngoại giao Nga, cũng trong khuôn khổ biện pháp trừng phạt Nga về vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal tại Anh.

Tính ra, đã có đến 27 nước có quyết định trục xuất nhà ngoại giao Nga, trong đó có Moldova, một nước cộng hòa Liên Xô cũ, hay Hungary, nổi tiếng là thân Matxcơva. Tính ra, số lượng nhà ngoại giao Nga bị trục xuất đã lên đến khoảng 150 người.

Tuy nhiên, trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu, không hề có một mặt trận thống nhất, một số thành viên vẫn tỏ ý dè dặt trong việc trừng phạt Nga.

Ví dụ rõ nhất là Bulgari, cho dù nước này hiện là chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu. Chính quyền Sofia cho rằng không nên kết luận quá vội vàng về trách nhiệm của mỗi bên trong vụ Skripal.

Slovakia cũng thận trọng, chỉ triệu mời đại sứ Nga ở Bratislava, trong lúc nước Áo thì loan báo thẳng thừng là sẽ không trục xuất một ai. Quốc gia trung lập này, không phải là thành viên NATO, có ý muốn đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra.

Dù trục xuất các nhà ngoại giao Nga, nhưng không thể nào đoạn giao với Matxcơva. Ông Jens Stoltenberg hôm qua xác nhận rằng ông mong muốn tổ chức một phiên họp của Hội Đồng Nga-NATO vào năm nay.

Mattis : Nga chọn vị thế « đối thủ chiến lược » với Tây phương

Bình luận thái độ của Matxcơva, khăng khăng bác bỏ cáo buộc của Anh Quốc trong vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ cho rằng Nga đang tìm cách « phân hóa » khối Tây phương bằng những hành động « không nghiêm túc ». Nhưng NATO « đoàn kết » chặt chẽ, theo lãnh đạo Lầu Năm Góc trong cuộc tiếp xúc với báo chí hôm thứ Ba 27/03/2018.

Trong bối cảnh hàng chục quốc gia Tây phương và NATO trục xuất tổng cộng 144 nhân viên ngoại giao và sĩ quan Nga trong vụ Skripal, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis thẩm định, chính quyền Nga đang chơi một trò chơi « nguy hiểm » bằng những hành động « mà họ nghĩ rằng có thể phủ nhận được ». Tướng Mattis đơn cử ba vụ việc : Nga đưa quân lính không mang phù hiệu vào Crimée rồi bảo là không can dự gì vào những biến động ở miền đông Ukraina. Rõ ràng là Nga đã can thiệp vào bầu cử nước khác. Bây giờ họ nói rằng người ta không thể chứng minh được ai là thủ phạm vụ đầu độc ở Salisbury.

Theo bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, chính quyền Nga tự chọn vị thế đối đầu với Tây phương « đến mức độ bất chấp các hành động nguy hiểm ». Trước mối đe dọa này, Tây phương « đoàn kết » đáp trả bằng biện pháp cứng rắn hơn cả thời chiến tranh lạnh, trục xuất 144 người bị xem là « nhân viên tình báo Nga ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.