Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - NGA

“Liên minh Á - Âu” và “thế giới Nga”

Chính sách gây ảnh hưởng của điện Kremlin, giữa “hội nhập Á - Âu” và “thế giới Nga”là tiêu đề một vài viết của chuyên gia David Teurtrie, nhà nghiên cứu hợp tác với Viện Quốc Gia Ngôn ngữ và Văn Minh phương Đông INALCO, Paris. Bài viết đăng ngày 23/03/2018 trên trang mạng The Conversation.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một phòng phiếu, ngày 18/03/2018, Matxcơva.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một phòng phiếu, ngày 18/03/2018, Matxcơva. Yuri Kadobnov/POOL via Reuters
Quảng cáo

Chính sách đối ngoại của Putin có gì đặc biệt ?

Vladimir Putin đã khoe những thành công mà ông đạt được trong chính sách đối ngoại để củng cố tỉ lệ được lòng dân và đảm bảo thắng lợi vẻ vang trong kỳ bầu cử tổng thống 2018. Song song với việc sử dụng sức mạnh võ trang và tích cực trong chính sách ngoại giao, điện Kremlin đã phát triển chính sách gây ảnh hưởng trên trường quốc tế theo hai hướng: tăng cường hội nhập Á - Âu và và củng cố “thế giới Nga”.

Sự sụp đổ của Liên Xô đã đặt ra nhiều câu hỏi về việc Nga phải duy trì quan hệ thế nào với các nước láng giềng mới và cộng đồng người Nga sinh sống ở nước ngoài. Trên thực tế, biên giới của Nga với các nước thành viên cũ của Liên Xô như Belarus, Ukraina, Kazakhstan … ở thời hậu Xô Viết, từ ranh giới hành chính giản đơn trong nội bộ do chính quyền Xô Viết vạch ra, chỉ trong vài tháng đã trở thành các đường biên giới quốc tế.

Tuy nhiên, các đường biên giới mới trên đa phần lại không trùng khớp với các đường biên giới đã từng có trong lịch sử, không căn cứ vào hạ tầng cơ sở kinh tế và giao thông của Nga (nhiều tuyến đường của Nga lại có đoạn đi qua lãnh thổ của các nước vốn là thành viên cũ của Liên Xô). Các đường biên giới mới này cũng không được quyết định dựa vào sự phân chia khu vực sinh sống của các tộc người Nga, trong số họ gần 25 triệu người, vào một ngày bỗng dưng thấy mình “ở nước ngoài”, ngay trong lòng các quốc gia độc lập mới mẻ.

Tham vọng Á - Âu của Nga là như thế nào?

Đối đầu với nguy cơ quan hệ với các quốc gia thành viên cũ của Liên Xô, Matxcơva tạo điều kiện thúc đẩy công cuộc hội nhập bằng cách thành lập Cộng Đồng các quốc gia độc lập (SNG) vào năm 1992. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, logic về việc xây dựng các quốc gia độc lập mới lấn át logic về hợp tác liên quốc gia. Là một không gian hội nhập ở mức tối thiểu, chẳng hạn không có chế độ miễn thị thực …, nên Cộng Đồng các quốc gia độc lập không thể trở thành một liên minh thực thụ trong khu vực.

Trong khi đó, Nga và một số nước láng giềng, nhất là Belarus và Kazakhstan lại mong muốn tiến xa hơn nữa trong vấn đề hội nhập. Đó chính là giai đoạn tái lập các ý tưởng về Á - Âu vốn được nhiều trí thức, trong đó có nhà ngôn ngữ Nikolai Troubetskoi và nhà địa lý Piotr Savitsky, đề cập tới từ những năm 1920 khi có các làn sóng di dân Nga. Hai nhà nghiên cứu trên đã định nghĩa lục địa Á - Âu là không gian văn minh đặc biệt, không phải châu Á, mà cũng không phải châu Âu. Nhiều người cho rằng lục địa Á - Âu là nhằm tạo một không gian văn minh độc đáo và đa sắc tộc, nhất là để kết nối khu vực Slave và các nước nói tiếng Thổ, theo Chính Thống Giáo và Hồi Giáo.

Vào năm 1994, tổng thống Kazakhstan khi đó là ông Noursoultan Nazarbaev đã có tư tưởng hội nhập Á - Âu. Chính ông đề nghị xây dựng một liên minh Á - Âu để tập hợp các nước Cộng Hòa hậu Xô Viết nằm xung quanh Nga. Dự án đã thành hình với sự ra đời của Cộng đồng kinh tế Á - Âu (2001) và Liên minh kinh tế Á - Âu (2015). Liên minh kinh tế Á - Âu có mục tiêu đảm bảo tự do lưu thông hàng hóa, nhân lực và vốn. Để đạt được như vậy, các nước thành viên (Nga, Belarus, Kazakhstan, Arménia và Kirghizstan) đã thực hiện một phần chính sách kinh tế do Ủy ban kinh tế Á - Âu đề ra.

Nhưng hạn chế lớn nhất của Liên minh kinh tế Á - Âu là sự thiếu vắng Ukraina, sau vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimée của nước này. Với 43 triệu dân, Ukraina là quốc gia đông dân nhất trong nhóm các nước Cộng Hòa hậu Xô Viết, chỉ kém Nga (146 triệu).

Lý do khiến Nga sáp nhập bán đảo Crimée ?

Khủng hoảng Ukraina bắt nguồn từ vụ « đấu đá » giữa phe củng hộ hội nhập Á - Âu và phe ủng hộ xích lại gần với Liên Hiệp Châu Âu. Phe này đã dựa vào các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc và sự hậu thuẫn của phương Tây để lật đổ tổng thống Ianoukovitch. Nga đã tranh thủ tình hình rối ren ở Ukraina để sáp nhập bán đảo Crimée và ủng hộ cộng đồng người Ukraina nói tiếng Nga trong thế đối đầu với chính quyền mới.

Điện Kremlin bảo vệ « thế giới Nga » như thế nào ?

Bảo vệ « thế giới Nga » là một trong những luận điểm chính mà Matxcơva đưa ra để giải thích quyết định can dự vào Ukraina. Khái niệm « thế giới Nga » đã được giới học giả đại học và các nhà tư tưởng Nga nói tới nhiều từ cuối những năm 1990 để chỉ toàn thể các cộng đồng văn hóa và ngôn ngữ Nga bên ngoài biên giới Nga, bất kể các cộng đồng này được hình thành sau sự tan rã của Liên Xô hay do các làn sóng di dân sau Cách mạng 1917, di dân kinh tế hậu Xô Viết …

Hạt nhân của « thế giới Nga » đương nhiên là nước Nga. « Thế giới Nga » như ba vòng tròn đồng tâm có những phần giao nhau.

Về mặt địa lý, vòng tròn đầu tiên bao gồm các nước Cộng Hòa hậu Xô Viết, tập trung chủ yếu người Nga và người nói tiếng Nga. Vòng tròn thứ hai mở rộng ra châu Âu và vùng Địa Trung Hải, với « hậu duệ » của người « Bạch Nga », phần đông là ở Pháp, cộng đồng người nói tiếng Nga tại Đức, Israel và Cộng hòa Sýp. Vòng tròn thứ ba là phần còn lại của thế giới, nhất ở Mỹ, Nam Mỹ, Úc …

Về văn hóa - dân tộc, « trái tim » của « thế giới Nga » là tộc người Nga, bên cạnh đó là người Slave theo Chính thống giáo và nói tiếng Nga (người Ukraina và Bielorussia) và người dân các nước thành viên cũ của Liên Xô - những người nói tiếng Nga và theo văn hóa Nga ở những mức độ khác nhau.

Khi Vladimir Putin lên nắm quyền, điện Kremlin ý thức được rằng hội nhập Á - Âu cho phép duy trì quan hệ gắn bó chặt chẽ với các nước láng giềng, nhưng lại chưa tạo được chỗ đứng đặc biệt cho cộng đồng người Nga và người nói tiếng Nga ở nước ngoài, khiến họ thường có cảm giác bị Matxcơva « bỏ rơi ». Vladimir Putinnhanh chóng thấy lợi ích của việc « đặt cược » vào « thế giới Nga », hình thành và phát triển một chính sách nhằm củng cố mối liên hệ giữa nước Nga với « kiều bào ở nước ngoài ».

Chính Thống Giáo Nga có vai trò gì trong các chính sách trên ?

Giáo hội Chính thống giáo Nga muốn mở rộng phạm vi ảnh hưởng sang phần lớn các nước thuộc Liên Xô cũ, nhất là Ukraina và Bielorussia. Giáo hội Chính thống giáo Nga cũng muốn tăng cường sự hiện diện trong các cộng đồng người Nga di cư ra nước ngoài.

Ý thức được tầm quan trọng của Giáo hội Chính Thống Giáo Nga trong việc duy trì liên hệ với người Nga tại nước ngoài, điện Kremlin dựa vào Giáo hội Chính Thống Giáo Nga để thực hiện chiến lược ảnh hưởng văn hóa : một trong những biểu tượng của chính sách này là việc xây dựng Trung tâm văn hóa Nga với nhà thờ chính thống giáo Nga Sainte Trinité tại quai Branly, Paris, không xa tháp Eiffel. Điện Kremlin muốn xây dựng hình ảnh về nước Nga - thành trì bảo vệ các giá trị truyền thống trước một phương Tây dường như đã từ bỏ gốc rễ Thiên Chúa giáo.

Tác giả bài viết kết luận là « thế giới Nga » và hội nhập Á - Âu là hai biện pháp bổ trợ nhau trong chính sách gây ảnh hưởng của Nga. « Thế giới Nga » cho phép Matxcơva duy trì ảnh hưởng với kiều bào Nga ở nước ngoài, còn chính sách hội nhập Á - Âu cho phép điện Kremlin giữ được một số nước láng giềng trong vòng ảnh hưởng.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Ukraina đã làm lộ một số nhược điểm trong chính sách ảnh hưởng của Nga. Trên thực tế, một số nước láng giềng của Nga nghi ngờ Matxcơva có ý đồ can dự vào các nước khác. Trong khi đó, công cuộc hội nhập Á - Âu lại chịu những ảnh hưởng tiêu cực của các biện pháp trừng phạt giữa phương Tây và Nga. Điện Kremlin vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn chính sách « quyền lực mềm » mang lại hiệu quả.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.