Vào nội dung chính
MỸ - IRAN - HẠT NHÂN

Rex Tillerson bị sa thải: Thỏa thuận hạt nhân Iran như “đèn treo trước gió”

Ngày 13/03/2018, thông qua mạng xã hội Twitter, tổng thống Donald Trump thông báo sa thải ngoại trưởng Rex Tillerson. Theo quan sát của giới chuyên gia, đây là có thể là một tín hiệu « khai tử » thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời gia tăng áp lực với các đồng minh châu Âu, những nước muốn bảo vệ thỏa thuận lịch sử này.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bị tổng thống Donald Trump thông báo sa thải vào ngày 13/03/2018 qua mạng Twitter.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bị tổng thống Donald Trump thông báo sa thải vào ngày 13/03/2018 qua mạng Twitter. REUTERS/Jonathan Ernst/Pool
Quảng cáo

Để biện minh cho quyết định bãi nhiệm ông Rex Tillerson, tổng thống Mỹ đã nêu rõ điểm bất đồng giữa ông và ngoại trưởng Mỹ như sau : « Khi quý vị nhìn vào thỏa thuận hạt nhân Iran, tôi nghĩ đây là một thỏa thuận tồi tệ, một thỏa thuận sơ sài ». Theo Donald Trrump, Hoa Kỳ phải làm việc với các đồng minh và các đối tác « nhằm chặn đường Iran đi tới vũ khí nguyên tử » « chống việc Iran ủng hộ quân khủng bố ».

Một ngày sau khi có thông báo bổ nhiệm ông Mike Pompeo, giám đốc CIA và được cho là có tư tưởng « diều hâu », thay Rex Tillerson làm ngoại trưởng, chính quyền Teheran đã chính thức phản ứng, lên án Hoa Kỳ muốn « khai tử » thỏa thuận hạt nhân, theo như tường thuật của thông tín viên RFI, Siavosh Ghazi tại Teheran :

« Đối với thứ trưởng Ngoại Giao Iran, ông Abbas Araghchi, Hoa Kỳ quyết tâm ra khỏi thỏa thuận hạt nhân và những thay đổi bên trong bộ Ngoại Giao đã được thực hiện cho mục đích này. Đây là phản ứng chính thức đầu tiên từ phía Iran về sự ra đi bất ngờ của Rex Tillerson, và nhất là vì Mike Pompeo, người thay thế ông Tillerson, được xem là nhân vật cứng rắn chống lại Iran.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, dọa rút ra khỏi thỏa thuận quốc tế về hạt nhân Iran vào tháng Năm, và cho biết hồ sơ Iran là một trong số những bất đồng giữa ông và ngoại trưởng Rex Tillerson. Thứ trưởng Ngoại Giao Iran Abbas Araghchi tuyên bố : Nếu Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân, chúng tôi cũng sẽ từ bỏ. Ông còn cho biết thêm là đã báo trước với các nước châu Âu rằng Teheran sẽ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân nếu Hoa Kỳ rút ra khỏi văn bản này để rồi đưa ra các trừng phạt mới nhắm vào Iran.

Được Iran với các cường quốc gồm Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, Đức và Hoa Kỳ ký kết vào tháng 07/2015, thỏa thuận này quy định nghiêm ngặt các hoạt động hạt nhân của Teheran để bảo đảm chương trình này là vì mục đích hòa bình, đổi lại, Teheran được quốc tế dỡ bỏ một phần các trừng phạt. Tổng thống Trump đặc biệt chỉ trích tính chất tạm thời của những ràng buộc áp đặt đối với Iran, nhất là việc cho phép nước này tiến hành làm giầu uranium đến tận năm 2026, cũng như chương trình tên lửa đạn đạo của Teheran ».

Quyết định sa thải Rex Tillerson khiến một số chuyên gia tại Mỹ được AFP trích dẫn, quan ngại. Họ cho rằng đó là một điềm xấu đối với sự tồn tại của thỏa thuận hạt nhân với Iran, đồng thời cảnh báo về những hậu quả tai hại cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Mặt khác, theo AFP, đây còn là một lời cảnh báo mà ông Donald Trump gởi đến các đồng minh châu Âu, vốn dĩ không tin rằng tổng thống Mỹ sẽ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran sau ngày 12/05/2018.

Trong khi chờ đợi Thượng Viện Mỹ thông qua việc bổ nhiệm tân ngoại trưởng, ông Brian Hook, giám đốc phụ trách các vấn đề chiến lược của Rex Tillerson hôm nay 15/03 đến Berlin để thảo luận với các quan chức Pháp, Anh, Đức về việc thêm một số điều khoản vào thỏa thuận ban đầu đã được ký.

Châu Âu dường như chấp thuận bổ sung các điều khoản như hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo và bỏ điều khoản giới hạn thời gian, với điều kiện là nội dung chính của thỏa thuận không bị ảnh hưởng.

Vấn đề là Hoa Kỳ và Iran có đồng ý với những bổ sung đó hay không ? Một điều chắc chắn là tổng thống Donald Trump không chấp nhận những « thay đổi bề ngoài » và muốn viết lại gần như toàn bộ văn bản này. Nếu vậy thì hiệp định hạt nhân Iran coi như đã bị « kết án tử hình ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.