Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Bầu cử tổng thống Nga: Kinh tế, nhược điểm của Putin

Đăng ngày:

Vladimir Putin dễ dàng vượt qua khủng hoảng kinh tế 2014/2016. Sau 18 năm cầm quyền,ông chuẩn bị bước vào một nhiệm kỳ tổng thống thứ tư sau cuộc bầu cử ngày 18/03/2018. Những thành tích về quân sự và ngoại giao của Matxcơva che khuất những yếu kém kinh tế.

Chiến đấu cơ Nga trên bầu trời Mátxcơva ngày 04/05/2017. Công nghiệp vũ khí là một đầu tầu của kinh tế Nga.
Chiến đấu cơ Nga trên bầu trời Mátxcơva ngày 04/05/2017. Công nghiệp vũ khí là một đầu tầu của kinh tế Nga. Natalia KOLESNIKOVA / AFP
Quảng cáo

Thực trạng kinh tế tại nước Nga hiện nay ra sao ? Thách thức nào đặt ra trong nhiệm kỳ tổng thống 6 năm sắp tới của Vladimir Putin ?

Người mang lại hy vọng

Trong báo cáo của Ngân Hàng Trung Ương Nga, được công bố vào tháng Giêng 2018, hơn 70% những người được hỏi cho biết đời sống không được cải thiện trong năm 2017 mặc dù thống kê chính thức nói tới một tỷ lệ tăng trưởng 1,6%, và chỉ có hơn 5% dân số thất nghiệp. Nhìn về tương lai, chưa đầy 50% hy vọng sẽ có được một cuộc sống "sáng sủa hơn trong một vài năm sắp tới". Viện thống kê Rosstat dự báo GDP năm nay tăng 2%.

Vladimir Putin, 66 tuổi, liên tục điều hành đất nước từ năm 2000. Sau hai nhiệm kỳ tổng thống, năm 2008 ông nhờ thủ tướng Medvedev giữ hộ chìa khóa điện Kremlin trong một nhiệm kỳ 4 năm, để rồi ra tranh cử tổng thống trở lại vào năm 2012 và ông đã dễ dàng tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ thứ ba.

Trong 2 nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, Putin đã vực dậy nền kinh tế bị kiệt quệ của một nước Nga sau nhiều năm đình đốn và sự sụp đổ của Liên Xô. 2000-2008 là giai đoạn Vladimir Putin đem lại nhiều hy vọng cho người dân Nga. Bình ổn kinh tế. Một tầng lớp trung lưu hình thành.

Theo báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới, GDP của nước Nga tính bằng đồng đô la, đã được nhân lên gấp ba trong giai đoạn 2000-2006. Trên sàn chứng khoán, chỉ số của Moscou tăng như diều, đặc biệt là trong hai năm 2005 và 2006. Những thành tích đó làm sống lại niềm tự hào của người dân Nga

2008, khi mà giá dầu hỏa tăng cao đến mức chóng mặt, 100 rồi 120 đô la một thùng, là thời điểm nhiều người đã nghĩ rằng nước Nga thực sự hồi sinh. Tổng thống Putin mãn nhiệm, lui về làm thủ tướng. Mùa thu năm đó nổ ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, bắt nguồn từ Mỹ. May mắn thay cho Matxcơva là dầu hỏa và khí đốt vấn có giá, bảo đảm cho nước Nga một nguồn ngoại tệ quan trọng.

Hào quang kinh tế bị phai mờ

Nhưng từ giữa 2014 cho tới cuối 2016 nguyên và nhiên liệu mất giá. Dầu hỏa không là một ngoại lệ, mất giá 25% rồi có lúc rơi xuống còn 32 đô la một thùng vào tháng Giêng 2016 thay vì 115 đô la như hồi tháng 6/2014.

Nước Nga của ông Putin thực sư lao đao. Đang từ nền kinh tế thứ 10 của thế giới, bị đẩy lui xuống hạng thứ 16 theo như nghiên cứu của trung tâm Center of Economics & Business Research tại Luân Đôn. Dân số Nga lớn gấp 3 lần so với Tây Ban Nha nhưng GDP của hai quốc gia kể trên lại ngang nhau.

2014 cũng là thời điểm Nga xâm chiếm bán đảo Crimée của Ukraina, can thiệp tại miền đông nước này. Matxcơva bắt đầu bị Âu - Mỹ trừng phạt. Thêm vào đó là đồng rúp mất giá. Trong hai tuần lễ từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 11/2014 đồng tiền của Nga mất giá 19% so với đô la Mỹ.

Hậu quả kèm theo là số người nghèo tăng mạnh, mãi lực của tầng lớp trung lưu giảm sụt. 2016 làm năm có tới hơn 20 triệu trên tổng số 150 triệu dân Nga sống dưới ngưỡng nghèo khó theo định nghĩa của Ngân hàng Thế Giới. Kinh tế sát bên bờ vực thẳm nhưng điều đó không ngăn cản điện Kremlin lao vào các cuộc can thiệp quân sự tốn kém, điển hình nhất là tại Syria từ tháng 9/2015.

Dù vậy trong cuộc bầu cử lần này, vẫn có tới 63% cử tri tuyên bố ý định bỏ phiếu cho Vladimir Putin ; ¾ những người được hỏi "biết rõ là sẽ bỏ phiếu cho ai".

Trả lời ban Việt Ngữ, nhà báo Anna Tikhomirova thuộc ban tiếng Nga RFI cho biết về đời sống của người dân Nga trong giai đoạn khó khăn vừa qua và điều đáng ghi nhận là những người từng sống trong chế độ Liên Xô, có khả năng rất cao khi cần phải thích nghi với tình huống:

"Điều đáng chú ý trong thời gian gần đây là liên hệ trực tiếp giữa quan hệ quốc tế với kinh tế của nước Nga. Chủ yếu là các biện pháp trừng phạt này ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống hàng ngày của rất nhiều người dân, nhất là khi họ mua lương thực, thực phẩm. Lúc trước thì họ dùng hàng 'ngoại', khi mà bị cấm nhập hàng của Âu, Mỹ thì người Nga chuyển qua dùng hàng 'nội'. Có điều, chất lượng kém và cũng không dễ để có được các sản phẩm thay thế trong một sớm một chiều.

Thí dụ như lúc trước chị dùng bơ hay phó mát của Pháp, khi bị cấm vận thì chị chuyển sang mua bơ của Nga. Tuy nhiên một vài hãng bơ sữa nước ngoài đã mở nhà máy tại Nga, cụ thể là hãng Président có cơ sở ở ngoại ô Matxcơva. Có tiền, người ta vẫn có bơ của Pháp để phết lên bánh mì. Điểm thứ nhì tôi muốn nói là thực ra dân Nga thực dụng lắm. Có hàng của Âu Mỹ thì mua, không có thì thôi.

Điều khiến người dân Nga trong một thời gian khốn khổ hơn cả là khi đồng rúp mất giá quá mạnh so với đô la và euro. Như vậy có nghĩa là vật giá leo thang đến chóng mặt. Căng nhất là hồi 2016. Trong cả năm qua, đồng rúp khá ổn định so với các đơn vị tiền tệ nước ngoài, mọi người "dễ thở" hơn.

Còn về thất nghiệp, nếu so với Pháp hay nhiều nước trong Liên Hiệp Châu Âu thì tỷ lệ 5% thất nghiệp ở Nga là không đáng kể. Đúng là mọi người đi làm với đồng lương không cao lắm, nhưng phần lớn có thể xoay sở được. Tôi không trông thấy hay nghe nói tới các loạt sa thải nhân viên ồ ạt trong các nhà máy, các doanh nghiệp nhà nước".

"Putinomics"

Các dự báo kinh tế của các cơ quan quốc tế cũng như của Matxcơva đều nhấn mạnh kinh tế Nga đã được cải thiện từ 2017 : giá dầu được giữ ở mức từ 55 đến 65 đô la một thùng, đồng rúp ổn định và khác với 2015, lạm phát sẽ được giữ ở mức 4 % chứ không phải là 15% ba năm trước đây.

Từ năm ngoái GDP tăng lên trở lại đạt 1,6%. Cơ quan thống kê Rosstat và bộ Kinh Tế Nga dự báo tăng trưởng năm nay cũng sẽ đạt 2%. Nhìn đến một chỉ số khác là tỷ lệ thất nghiệp, thì bộ Lao Động Nga đưa ra con số 5% tức là không cao hơn bao nhiêu so với ở Hoa Kỳ

Bất chấp lệnh trừng phạt, tổng đầu tư của Phap tại Nga trong năm vừa qua tăng 44% so với 2016 và con số này đã được công bố nhân cuộc họp giữa bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire với đồng nhiệm Nga Maxim Orechekin

Trước thềm bầu cử tổng thống cho phép ông Putin tiếp tục thêm một nhiệm kỳ thứ tư, điều khiến công luận thắc mắc vì sao sau cơn bão kinh tế 2014-2016, Vladimir Putin vẫn dễ dàng giữ được chiếc ghế tổng thống.

Trong bài tham luận trên báo mạng Atlantico.com giám đốc điều hành Trung Tâm nghiên Cứu Chiến Lược Châu Âu CEAS Philippe Migault đưa ra khái niệm Putinomics, mà ở đó nhờ ngành năng lượng và hàng triệu người lao động trong các nhà máy dầu mà kinh tế Nga đã đứng vững được trong giai đoạn 2014-2016. Thêm vào đó ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất, Putin vẫn dành ưu tiên cho ngành công nghiệp chế tạo vũ khí. Cùng với ngành dầu khí, đây sẽ là đầu tàu kéo kinh tế Nga đi lên.

Sau cùng, trong cái rủi Putin đã gặp may: do bị Âu Mỹ trừng phạt, khu vực sản xuất của Nga phải chuyển đổi để cung cấp những mặt hàng gần giống như hàng nhập hầu đáp ứng với nhu cầu tiêu thụ nội địa. Có thể nói là nhờ đó mà nhiều sản phẩm của Nga được nâng cấp, được người tiêu dùng Nga chiếu cố hơn.

Chuyên gia này còn đi xa hơn khi cho rằng, rồi đây sẽ đến lúc Nga không còn cần phải nhập thịt heo hay gà vịt, bơ sữa của châu Âu mà sẽ sản xuất mạnh những mặt hàng này để bán cho Liên Âu.

Philippe Migault kết luận, bí quyết nắm giữ quyền lực lâu bền nằm ở chỗ ngoài việc đối phó với khủng hoảng, hay ít ra là tránh để tình trạng xấu đi quá nhanh và quá đáng, để tồn tại, một nhà lãnh đạo Nga còn phải biết khơi dậy lòng tự hào của dân tộc.

Đây là điều ông Vladimir Putin đã thành công ngoài mong đợi. Khi mà niềm tự hào đó được thỏa mãn, mấy ai còn chú ý tới nghiên cứu của ngân hàng Thụy Sĩ, Crédit Suise, 77% tài sản quốc gia Nga tập trung trong tay khoảng 10 % những người giàu có nhất !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.