Vào nội dung chính
NGA - QUỐC TẾ

"Nga muốn tìm lại vị thế của mình trên chính trường quốc tế"

Qua các động thái ngoại giao và quân sự, nước Nga đang cố giành lại vai trò đại cường quốc không thể thiếu vắng tại châu Âu và Cận Đông. Đây là khẩu hiệu của Vladimir Putin trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đến dự một cuộc mít tinh ủng hộ ông ra tranh cử, tại sân vận động Luzhniki ở Mátxcơva, ngày 03/03/2018.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đến dự một cuộc mít tinh ủng hộ ông ra tranh cử, tại sân vận động Luzhniki ở Mátxcơva, ngày 03/03/2018. Sputnik/Mikhail Klimentyev/Kremlin via REUTERS
Quảng cáo

Les Echos (13/03/2018) tóm tắt chiến lược đối ngoại của điện Kremlin bằng câu nói nổi tiếng của hoàng đế La Mã Caligula (từ năm 37 đến năm 41) : Cho họ căm thù ta, miễn sao họ phải sợ ta. Chủ trương vừa hù dọa vừa chìa bàn tay thân thiện, đã được tổng thống Vladimir Putine thể hiện rõ trong bài phát biểu trước nghị viện Nga, ngày 01/03/2018.

Ông không ngần ngại khoe khoang việc triển khai một loại tên lửa « bất khả chiến bại », cho chiếu trên màn hình mô phỏng vụ tấn công vào một nơi gần giống với Florida, Hoa Kỳ) và đi kèm với lời đe dọa : Trước đây, không ai lắng nghe chúng ta. Giờ đây, họ phải lắng nghe.

Theo giải thích của bà Titiana Kastoueva-Jean, chuyên gia về Nga tại Học Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, thì trò trình diễn nói trên nhằm « làm cho phương Tây hiểu được rằng nước Nga không cảm thấy an toàn, và cần phải nghe theo ngạn ngữ : nếu không muốn nuôi giặc ngoại xâm thì hãy nuôi quân đội nước mình. »

Với 16 đường biên giới trên bộ, kỷ lục thế giới, nước Nga luôn luôn có mặc cảm là bị bao vây và việc Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO – mở cửa đón thêm thành viên mới gần Nga, lại càng làm tăng thêm tâm lý lo ngại này. Chính vì thế, từ 2008, Matxcơva đã tìm cách thiết lập một trận tự an ninh mới tại châu Âu để làm giảm vai trò của Hoa Kỳ xuống mức tối thiểu. Đối với Matxcơva, việc Washington triển khai lá chắn tên lửa đã phá vỡ thế cân bằng chiến lược tại châu Âu.

Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý là Nga không tìm cách lại lao vào cuộc chạy đua vũ trang bởi vì đó là hành động tự sát, trong lúc ngân sách quốc phòng của Matxcơva chỉ bằng một phần mười của Washington, kinh tế Nga có tỷ trọng 2% nền kinh tế toàn cầu, ít đồng minh, không có giải pháp nào tốt ngoài việc phải có quan hệ tương đối tốt với phương Tây.

Còn liên minh với Trung Quốc ? Một chuyên gia Nga, xin ẩn danh, nhận định : đó là trò đánh lừa. Bởi vì Trung Quốc quá lớn, đe dọa lợi ích của Nga, nhất là tại vùng Siberia quá rộng lớn lại rất thưa dân. 

Do có những hạn chế, bất lực nói trên, Vladimir Putin tìm cách khắc phục, bù đắp lại qua các can thiệp quân sự có giới hạn và lựa thời, như tại Gruzia năm 2008, Ukraina năm 2014 và hiện nay tại Syria. Phương pháp này nhanh chóng mang lại nhiều lợi lộc cho Putin trong lĩnh vực đối nội : ông rất được lòng dân vì đã giành lại được vị thế cường quốc cho nước Nga.

Còn ở bên ngoài, khi đặt phương Tây trước « việc đã rồi » tại Syria, Putin đã giành lại được vai trò chủ chốt của Nga tại Cận Đông, đồng thời phô trương bộ máy quân sự. Thổ Nhĩ Kỳ, tuy là thành viên NATO, dự tính mua tên lửa chống tên lửa S-400 của Nga…

Rủi ro và mâu thuẫn

Phải thừa nhận rằng Matxcơva làm chủ được « cuộc chiến hợp thể », thâm nhập, ám sát, can thiệp vào các cuộc bầu cử, tung tin giả trên mạng xã hội, bí mật triển khai quân đội ở Ukraina và Syria, nhưng các hoạt động này làm cho phương Tây lo ngại và sẽ lao vào một cuộc chạy đua vũ trang mà Matxcơva không muốn bị lôi cuốn vào.

Khi nước Nga, nhà cung cấp hàng đầu thế giới về dầu khí, sử dụng vũ khí năng lượng qua việc ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraina, hồi đầu tháng Ba vừa qua, thì chính sách này chỉ làm tổn hại đến uy tín của chính Matxcơva, với tư cách là nhà cung cấp khả tín về năng lượng.

Đó là chưa kể đến các hoạt động của Nga tại Syria dẫn đến việc đối đầu trực diện với Mỹ. Gần 150 lính đánh thuê Nga đã thiệt mạng trong một vụ oanh kích gần đây của không quân Mỹ nhằm bảo vệ các vị trí của lực lượng người Kurdistan, một sự cố nghiêm trọng chưa từng thấy.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.