Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Tây Ban Nha: Một ngày tê liệt vì phụ nữ “tổng nổi dậy” ngày 08/03

Đăng ngày:

Vào đúng ngày Quốc tế Phụ nữ 08/03, phụ nữ Tây Ban Nha quyết định… không làm gì hết : không đi làm, không nấu ăn, không làm việc nhà, không chăm con… để cho mọi người biết “Nếu chúng tôi ngừng - nếu chúng tôi đình công, thế giới bị tê liệt”.

Phụ nữ Tây Ban Nha tổng đình công ngày 08/03/2018. Ảnh chụp tại Madrid.
Phụ nữ Tây Ban Nha tổng đình công ngày 08/03/2018. Ảnh chụp tại Madrid. REUTERS/Susana Vera
Quảng cáo

Khoảng 300 cuộc tuần hành đã diễn ra trên khắp Tây Ban Nha trong không khí hội hè sôi nổi. 82% người dân Tây Ban Nha ủng hộ cuộc tổng đình công của phụ nữ để đòi quyền bình đẳng và công bằng về điều kiện sống. Bà Vivian Dipp Quiton, phát ngôn viên của Hội đồng Nữ quyền, ngày 08/03 tại Madrid, giải thích với thông tín viên RFI Carlos Herranz ý nghĩa của cuộc tổng đình công :

“Đây là một cuộc đình công rất độc đáo vì không phải là đình công về công ăn việc làm. Điều mà chúng tôi muốn, đó là mở rộng khái niệm về đình công để bao gồm mọi thành phần phụ nữ, dù đó là những người tham gia sản xuất hay tất cả những gì liên quan đến cái mà người ta gọi là tái sản xuất.

Có nghĩa là chúng tôi muốn kêu gọi mọi phụ nữ ngừng việc nhà, ngừng trông con, ngừng nấu ăn hoặc đi chợ. Chúng tôi cũng kêu gọi các nữ sinh viên và các nữ giảng viên cùng xuống đường biểu tình.

Chúng tôi muốn thu hút sự chú ý đến những câu hỏi sau : Điều gì sẽ xảy ra nếu như chúng tôi, những người phụ nữ, bỗng biến mất? Nếu như chúng tôi không có mặt trong lĩnh vực công, trong bệnh viện chẳng hạn, cũng chẳng có mặt trong lĩnh vực tư, không có ở nhà?

Mục đích của cuộc đình công là để xã hội và các chính trị gia tự đặt những câu hỏi này. Và nhất là chúng tôi muốn những người đàn ông cũng tự chất vấn về những ưu ái mà họ được hưởng và về trách nhiệm của họ”.

Phong trào MeToo tác động đến xã hội Thụy Điển

Nếu như phụ nữ Tây Ban Nha biểu tình đòi công bằng xã hội trong ngày 08/03, phụ nữ Thụy Điển tiếp tục lên tiếng tố cáo nạn quấy rối tình dục theo phong trào MeToo sau vụ tai tiếng Weinstein. 456 nữ diễn viên Thụy Điển mới đây đã tụ họp lại để cùng lên tiếng họ cũng là nạn nhân bị sách nhiễu tình dục công sở.

Theo thông tín viên RFI Violette Goarant tại Stockholm, không chỉ dừng ở MeToo, họ còn tạo ra nhiều từ khóa tiếng Thụy Điển và phổ biến trong mọi lĩnh vực, ngành nghề khác nhau :

“Từ giới nữ luật sư, kĩ sư, đầu bếp, bác sĩ cho đến các nữ phóng viên và cảnh sát… từ các hiệp hội nữ sinh cho đến những phụ nữ nghỉ hưu và người tàn tật, tất cả đều có một từ khóa riêng và thường sử dụng từ “câm lặng”, sự im lặng giờ được phá vỡ. Tổng cộng có khoảng 70.000 phụ nữ đã theo phong trào MeToo. Thậm chí, Viện Hàn Lâm Quốc Gia Thụy Điển, tổ chức trao giải Nobel hàng năm, cũng bị tác động vì làn sóng này : Nhiều cán bộ nam cao cấp của Viện đã từ chức. Trong tuần qua, một người dẫn chương trình bị cáo buộc cưỡng hiếp đã phải hầu tòa”.

Điều trái ngược là Thụy Điển thường được miêu tả như là một trong những quốc gia công bằng nhất thế giới.

“Điều này không sai, nhưng lấy ví dụ phụ nữ Thụy Điển làm việc, lương của họ vẫn thấp hơn các đồng nghiệp nam 12%. Giảng viên đại học và các hội bảo vệ nữ quyền nhắc đến một vấn đề cấu trúc vì dù phong trào MeToo có quy mô chưa từng có ở châu Âu, những phụ nữ Thụy Điển dám lên tiếng và phải lộ diện, nhưng chính họ lại phải chịu thành kiến về việc này, đặc biệt khi họ đang trong hoàn cảnh bấp bênh. Chính vì vậy, thứ Ba (06/03), nhóm MeToo đã gửi lên chính phủ 7 khiếu nại thực tế, như hỗ trợ tốt hơn các nạn nhân của nạn quấy rối tình dục.

Hy vọng là những yêu cầu sẽ được lắng nghe vì tháng 12/2017, chính phủ Thụy Điển đã đề xuất một đạo luật về đồng ý quan hệ tình dục, có hiệu lực vào mùa hè 2018. Các hiệp hội bảo vệ nạn nhân hoan nghênh đạo luật này, còn đoàn luật sư thì chỉ trích “câu trả lời mang tính chính trị, dân túy và vội vàng” của chính phủ, trong bối cảnh sắp diễn ra tổng bầu cử vào tháng 09/2018”.

Ả Rập Xê Út cho phép tổ chức hòa nhạc nhưng… cấm lắc lư

Phụ nữ Ả Rập Xê Út được phép lái xe, được phép đến rạp xem phim, đi xem hát… Đây là một vài thay đổi tích cực trong xã hội kể từ khi thái tử kế nghiệp Ben Salman lên nắm quyền vào tháng 06/2017. Tuy nhiên, có lẽ lĩnh vực âm nhạc còn phải chờ thêm một thời gian nữa để được “tự do” hơn và để khán giả được thể hiện sự cuồng nhiệt của mình.

Ca sĩ nổi tiếng người Ai Cập Tamer Hosny sẽ biểu diễn ngày 30/03/2018 tại thành phố Jaddah, phía đông Ả Rập Xê Út. Dù có say mê đến mấy một bản hit của ca sĩ này, thì khán giả “bị cấm nhẩy, cấm lắc lư”, theo dòng lưu ý được in trên vé. Không hiểu không khí hôm đó sẽ như thế nào? Ngoài chuyện mỗi người chỉ được phép mua tối đa ba vé, phụ nữ và nam giới được tách thành hai khu vực khác nhau.

Dù sao đây cũng là một cuộc cách mạng thật sự vì vài tháng gần đây, nhiều chương trình ca nhạc đã được tổ chức ở vương quốc Ả Rập. Tuy nhiên, “nam nữ thụ thụ bất thân” vẫn là khẩu hiệu được áp dụng chặt chẽ ở mỗi buổi diễn : nữ nghệ sĩ Liban Hiba Tawaji chỉ biểu diễn trước công chúng nữ, còn những nam nghệ sĩ như nhà soạn nhạc Hy Lạp Yanni, ca sĩ nhạc rap Mỹ Nelly thì chỉ biểu diễn trước khán giả nam.

Môi trường hỗn hợp nam-nữ mới chỉ xuất hiện vào ngày 23/12/2017 khi chính quyền tổ chức các hoạt động lễ hội nhân ngày quốc khánh. Tối hôm đó, nam và nữ nhảy múa với nhau ngoài đường, dưới ánh mắt phẫn nộ của phe bảo thủ.

Kho hạt giống của thế giới kỷ niệm 10 năm tồn tại

Loài người đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất nếu thế giới bị thay đổi sau một thảm họa thiên nhiên. Kho trữ hạt giống Quốc tế, còn được mệnh danh là “Két hạt giống ngày tận thế”, được xây dựng nhằm bảo tồn và duy trì sự sống trên Trái đất. Được chính phủ Na Uy tài trợ toàn bộ, khu hầm nằm sâu 120 mét trong một ngọn núi sa thạch trên hòn đảo Svalbard (Na Uy). Ngày 26/02/2018, Kho trữ hạt giống Quốc tế kỉ niệm 10 năm tồn tại và nhận thêm 70.000 hạt mới, nâng tổng số lên gần 1 triệu hạt giống từ khắp thế giới được bảo quản trong kho.

Đặc phái viên RFI Simon Rozé được bà Marie Haga, giám đốc Crop Trust, tổ chức thành lập dự án Kho trữ hạt, giới thiệu :

“Đằng sau cánh cửa này, chúng ta có khoảng một triệu loại hạt khác nhau. Sự đa dạng này là nền tảng mà chúng ta cần để sản xuất ra cây mới. Vì vấn đề chủ yếu hiện nay trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm là tình trạng biến đổi khí hậu quá nhanh, cây cối không có thời gian để thích nghi, vì vậy chúng ta phải giúp chúng.

Mỗi loại trong số những hạt này, chúng ta đều cần đến. Một số hạt có thể chống chọi được nhiệt độ cao, một số khác thì chống được bệnh tật, vào lúc mà chúng ta từng bị mất một phần rất lớn của sự đa dạng này. Chính vì vậy, chúng ta cần cố gắng bảo quản những gì chúng ta còn giữ được”.

Được bảo quản ở -18 độ C, đặc phái viên Rozé cho biết cảm giác gần như thất vọng khi bước vào phòng dự trữ vì chỉ có những kệ giá đơn giản, bên trên chất đầy các hộp được niêm phong với tên gọi và xuất xứ của mỗi loại hạt giống.

Ông Ahmed Amri, một thành viên của Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Nông nghiệp tại các vùng đất cằn cỗi (Icarda) cho RFI biết là từ 10 năm nay, các hạt giống của trung tâm được bảo quản tại Svalbard. Việc này đã cứu họ khỏi tình huống khó khăn vì kho dự trữ của Icarda nằm ở Aleppo, Syria, hiện không sử dụng được. Nhờ những hạt được bảo quản tại hầm Svalbard mà Trung tâm Icarda đã nhân giống những loại hạt này ở Liban và Maroc.

Số phận của voi hoang dã bị đe dọa ở Miến Điện

Những con voi hoang dã ở Miến Điện đang gặp nguy hiểm. Nếu như cách đây 20 năm, có khoảng 10.000 con sống trên đất Miến Điện, thì hiện chỉ còn khoảng 2.000 con. Một phái đoàn đại diện của Liên Hiệp Châu Âu tại quốc gia Đông Nam Á này lên tiếng báo động trước tình trạng buôn bán lậu ngà và da voi nhân ngày Quốc tế về cuộc sống hoang dã 03/03/2018.

Thông tín viên RFI Sarah Bakaloglou giải thích từ Rangoon :

“Liên Hiệp Châu Âu bày tỏ quan ngại về nạn buôn bán bất hợp pháp da voi, hiện có quy mô chưa từng thấy. Theo khẳng định của một số người, lý do của nhu cầu ngày càng gia tăng này là da voi, khi được sấy khô và trộn với dầu, có thể được dùng để chữa bệnh eczema. Thành công của bài thuốc này lại là một mối đe dọa thực sự. Vì nếu như chỉ có voi đực bị giết ở châu Á để lấy ngà thì việc giết voi lột da lại liên quan đến các loài voi Miến Điện.

Liên Hiệp Châu Âu lên án nạn buôn bán bất hợp pháp này xuất hiện ở nhiều khu chợ tại Miến Điện, không chỉ ở những thành phố lớn như Rangoon hay Mandalay, mà còn ở vùng Tam Giác Vàng (giáp với Thái Lan và Lào), hoặc ở biên giới với nước láng giềng Trung Quốc. Có nghĩa là những khu vực mà chính phủ khó kiểm soát được.

Trung Quốc là một trong những khách hàng chính của thị trường Miến Điện nên khi Bắc Kinh quyết định chấm dứt tình trạng buôn bán ngà voi trên lãnh thổ Trung Quốc, các tổ chức phi chính phủ lo ngại nhu cầu sẽ bùng nổ ở Miến Điện.

Vào giữa tháng 02/2018, chính quyền đã thông báo một kế hoạch hành động lớn kéo dài trong 10 năm để bảo vệ những con voi hoang dã và nơi ở của chúng, cũng như tăng cường pháp chế ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép. Hiệu quả vẫn còn chờ được kiểm chứng, vì hiện tại, theo các tổ chức phi chính phủ, việc truy tố những kẻ sát hại động vật vẫn còn rất hiếm ở Miến Điện”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.