Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - NGA

Nước Nga với năm “mùa” tổng thống Putin

Bầu cử tổng thống Nga 18 /03/2018 đang gần kề, một số tạp chí tuần này đã dành hồ sơ chính trang bìa và hàng chục trang trong cho « Nước Nga của Putin » như tựa của L’Obs, hoặc ngắn gọn : « Poutin », như tựa của L’Express, bên dưới nói đến « Hậu trường của mùa thứ 5 »… trên nền một bức ảnh đập mắt của ông Putin, gợi lên loạt phim bộ truyền hình nhiều mùa, trình chiếu từ năm này qua năm khác.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc diễn văn tại Matxcơva, ngày 01/03/2018.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc diễn văn tại Matxcơva, ngày 01/03/2018. Sputnik/Alexei Nikolskyi/Kremlin via REUTERS
Quảng cáo

Tạp chí Courrier International thì chọn ảnh thời sự làm hồ sơ chính. Bên trên bức ảnh một thiếu niên Syria bị thương, đầu bị băng bó, mặt đầy máu me, tờ báo lấy câu hỏi : « Nên hay không nên cho thấy cảnh hãi hùng ? » làm tựa trang nhất. Nhưng tạp chí cũng không quên ông Putin, nhất là ảnh hưởng của ông đối với một số lãnh đạo châu Âu.

Riêng The Economist, tuần báo Anh thiên về kinh tế, thì dành trang bìa để nói về quyết định đánh thuế trên nhôm, thép nhập khẩu của tổng thống Mỹ Donald Trump, với nhận định « Mối đe dọa đối với nền thương mại toàn cầu », bên trên hình một trái lựu đạn mang vẻ mặt của tổng thống Mỹ.

Putin mùa thứ 5 - « Poutine saison 5 »

Như nói ở trên, tuần báo Pháp L’Express đã dành hồ sơ lớn cho tổng thống Nga Putin, nhân dịp nước này sắp bầu lại tổng thống.

Trang bìa tờ báo được trình bày giống như một tờ áp-phích quảng cáo phim bộ nhiều kỳ, với tựa phim chữ hoa, khổ lớn, POUTINE, bên dưới một hàng chữ nhỏ hơn giới thiệu nội dung phim « Cầm quyền từ 18 năm nay, ông ta sẽ tái đắc cử ». Tiểu tựa hóm hỉnh « Hậu trường của mùa thứ 5 », được giải thích bằng tựa đề ba bài viết trang trong : « Bí quyết của một sự tái đắc cử », « Những yếu nhân trong điện Kremlin », « Nỗi buồn của giới trẻ Nga ».

L’Express nhận thấy là vị chủ nhân lạnh như tiền của điện Kremlin đã làm cho người ta ít sợ hơn trước, không phải vì ông bớt lạnh lùng hơn mà là vì sau nhiều năm như vậy, thì gương mặt vị cựu đại tá tình báo KGB đã trở nên quen thuộc. L’Express tính nhẩm : Putin đã đồng hành với chúng ta 18 năm rồi !

Khi Boris Eltsine giới thiệu với thế giới nhân vật trẻ tóc vàng này vào ngày 31/12/1999, thì Bill Clinton đã ở Nhà Trắng Mỹ, và Jacques Chirac ở điện Elysée Pháp ! Với thời gian, tổng thống Nga đã biết đến 3 đời tổng thống Mỹ và Pháp khác nhau. Tính đến năm 2017, Putin đã cầm cương nước Nga còn lâu hơn cả Leonid Brejnev (1964-1982), ông đã kinh qua 4 cuộc chiến tranh (Tchetchenia, Gruzia, Ukraina, Syria), đã sát nhập vùng Crimée vào Nga và tăng cường sức mạnh quân đội Nga.

Ông còn chủ tọa lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Sotchi vào năm 2014, sắp tới sẽ chủ tọa Cúp Bóng Đá Thế giới 2018, đã xen vào cuộc bầu cử Mỹ và gồng mình chống đỡ cấm vận của phương Tây…

Vào ngày 18/03/2018, ông Putin sẽ tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa. L’Express tỏ vẻ không mấy tán đồng với từ « tranh », vì cuộc bầu cử chỉ là hình thức : ông Putin đã nắm chắc phần thắng trong tay.

Nhưng dường như có cái gì đó mỉa mai khi bên cạnh những bài viết mang tính chất phê phán đối với Vladimir Putin, L’Express lại giới thiệu và quảng cáo cho Hội Chợ Sách Paris năm nay, mở ra từ ngày 16 đến ngày 19/03, với khách mời danh dự lần này là nước Nga !

L’Obs và 5 bí mật về “Sa Hoàng” Putin

Tạp chí L'Obs thì dành cả 40 trang nhìn về những thay đổi của nước Nga trong 20 năm qua, từ bình diện xã hội, văn hóa, cho đến chính trị, ngoại giao, và đặc biệt chú ý đến lực lượng người cosaque, hầu như được tái sinh. Trên 3 trang, tạp chí cũng không quên các đồng nghiệp nhà báo Nga hiện đang phải khó khăn đối mặt với chính quyền. Trên bình diện kinh tế, L’Obs đưa độc giả đến một nông trại Nga. Do bị cấm vận, không nhập được hàng, giờ đây người Nga phải tự sản xuất phô mát cho mình !

Riêng về bản thân ông Putine, trong bài viết « 5 bí mật của “Sa Hoàng” (Putin) », L’Obs đã phân tích sâu hơn về một số điểm hiếm hoi mà người ta được biết về Vladimir Putin, cựu đại tá tình báo KGB, được tờ báo mệnh danh là « ông hoàng của đêm tối », biết khoác cho mình một tấm màn âm u đáng sợ.

Trong năm điều về ông Putin được tuần báo Pháp ghi nhận, đi đầu là sự kiện ông xuất thân là một siêu điệp viên. Kế đến ông là một người rất mưu mô, biết dùng thủ đoạn để vươn lên đỉnh cao quyền lực. Ngoài ra, còn có những thông tin cho rằng ông là một tỷ phú biết che giấu của cải. Trong chính trường Nga, theo L’Obs, Putin đã trở thành trọng tài của mọi phe nhóm.

Riêng trong cuộc sống cá nhân, ông nổi tiếng là một người bay bướm, đào hoa. Có điều, như tuần báo Pháp nhận định, đời sống tình cảm của ông Putin chính là bí mật được giữ kín nhất tại Nga, nhà báo nào dám khui ra là lập tức bị điện Kremlin hỏi chuyện ngay lập tức.

Dẫu sao thì đối với L’Obs, năm 2018 và sự kiện ông Putin tái đắc cử tổng thống chắc chắn sẽ đánh dấu ngày nước Nga trở lại manh mẽ trên chính trường quốc tế.

Tạp chí Le Point chú ý đến Nga nhưng chỉ giới thiệu trên một trang hai bộ phim tài liệu sẽ chiếu trên đài truyền hình Pháp France 5, ngày 16 và 18/03.

Vô số Tiểu Putin tại châu Âu

Cũng nhìn về Putin, nhưng tuần báo Courrier International lại thấy một khía cạnh khác : Sự xuất hiện của một loạt những lãnh đạo, chính khách châu Âu được tờ báo mệnh danh là « Mini-Poutine », tạm dịch là Tiểu Putin, có những chủ trương rất giống tổng thống Nga.

Trích dẫn tờ Magyar Nemzet, xuất bản ở thủ đô Hungary, tờ báo đã liệt thủ tướng Hungary Viktor Orbán và lãnh đạo Séc Milos Zeman, nổi tiếng là thân Nga và mới được bầu lên gần đây.

Theo nhật báo Hung : « Những người bạn đó của nước Nga cũng từ chối việc bị Bruxelles, tức là Liên Hiệp Châu Âu, và Washington chỉ đạo trong cách hành động. Họ đòi quyền được bảo vệ lợi ích quốc gia, giống như những gì tổng thống Mỹ Donald Trump đang làm. »

Trong số các Tiểu Putin, còn có thủ tướng Slovakia Robert Fico, đảng cực hữu Đức AfD, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö và tổng thống đảo Síp Nicos Anastasiades.

Đối với tác giả bài báo, sự xuất hiện của các Mini Poutine đó nằm trong trào lưu « phục hưng bảo thủ », đang vươn lên nhờ sự suy yếu của giới tinh hoa truyền thống và cuộc khủng hoảng của tiến trình toàn cầu hóa.

Bắc Triều Tiên : Kim Jong Un sẽ đến Bàn Môn Điếm phó hội

Về Châu Á, Courrrier International là một trong những tuần báo Pháp hiếm hoi lần này chú ý đến khu vực, cụ thể là đến tình hình bán đảo Triều Tiên. Tuần báo Pháp không ngần ngại loan báo ngắn gọn : « Thượng đỉnh Liên Triều sẽ diễn ra cuối tháng Tư ».

Courrier International đã trích các báo, từ Nhật Bản - với tờ Nihon Keizai Shimbun, đến Hàn Quốc - với hai tờ Korea Times, Hankyoreh, vốn đều loan báo là Seoul và Bình Nhưỡng đã đồng ý tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh, lần đầu tiên từ năm 2007 đến nay, và ở Bàn Môn Điếm.

Sau căng thẳng tột độ, tình hình có vẻ tươi sáng lên, Bình Nhưỡng còn muốn nối lại đàm phán với Washington trên vấn đề phi hạt nhân hóa và bang giao. Tất cả những thông tin trên được đưa ra sau chuyến đi của đoàn đặc sứ Hàn Quốc đến Bình Nhưỡng.

Tờ Hankyoreh theo dõi kỹ chuyến đi còn mô tả là đoàn Hàn Quốc đã ăn tối với Kim Jong Un và phu nhân Ri Sol Ju, và bữa tiệc kéo dài đến 4 tiếng 15 phút. Đây là lần đầu tiên mà Kim Jong Un chính thức gặp các quan chức Hàn Quốc, và cũng là lần đầu tiên mà đoàn Hàn Quốc được đảng Lao Động tiếp đón ở trụ sở của họ.

Thế nhưng, ngoài những thông tin « hình thức » nói trên, về nội dung cuộc gặp, tờ báo vẫn thấy chưa thỏa mãn. Tờ báo trích lời người phát ngôn chính phủ Hàn Quốc nói rằng : « Người ta cho tôi biết là cuộc gặp đã đạt một cái gì đấy và không gây thất vọng. ». Tờ Hankyoreh suy ra là Bắc Triều Tiên ít ra là đã chịu ngưng thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa.

Báo Korea Times nhắc lại là trước đó Kim Jong Un đã mời tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đến Bình Nhưỡng, nhưng ông Moon đã đưa ra điều kiện cho chuyến thăm là nối lại đối thoại Mỹ-Bắc Triều Tiên trên vấn đề phi hạt nhân hóa.

Donald Trump và mối đe dọa đối với thương mại thế giới

Khác với các đồng nghiệp Pháp, tuần báo Anh Quốc The Economist đã rất quan tâm đến nguy cơ luật lệ đang chi phối nền thương mại thế giới trở thành luật rừng sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đơn phương đánh thuế trên thép và nhôm nhập vào Hoa Kỳ, một quyết định mà tờ báo cho rằng có thể chỉ là một sự bắt đầu.

Trong bài xã luận mang tựa đề « Hệ thống (thương mại) dựa trên luật lệ lâm nguy », The Economist trước hết công nhận rằng Donald Trump không phải là tổng thống Mỹ đầu tiên đơn phương đánh thuế đối với hàng nhập khẩu. Kể từ thời Jimmy Carter, chủ nhân nào của Phòng Bầu Dục cũng đều áp đặt một số biện pháp hạn chế nhập khẩu mang tính chất bảo hộ mậu dịch, thường là đối với thép.

Mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm mà ông Trump quy định trên các mặt hàng nhập vào Mỹ, tự nó cũng không thể tàn phá nền kinh tế thế giới vì lẽ hai mặt hàng này chỉ chiếm 2% trong tổng số hàng mà Hoa Kỳ nhập khẩu vào năm ngoái, tương đương với vỏn vẹn 0,2% GDP của Mỹ. Nhìn dưới khía cạnh đó, việc ông Trump làm đơn giản là một hành động tự gây tổn thương vô nghĩa.

Thế nhưng, theo tuần báo Anh, đó lại là một tai hoạ tiềm tàng - cho cả nước Mỹ lẫn nền kinh tế thế giới.

Không như những người tiền nhiệm, ông Trump là một người rất nghi kỵ thương mại tự do. Ông đã chế nhạo hệ thống thương mại đa phương, bị ông coi là một thỏa thuận không tốt đối với Mỹ… Việc ông Gary Cohn quyết định từ chức cố vấn kinh tế chính của tổng thống vào ngày 06/03/2018, đã làm cho Nhà Trắng mất đi một người hiếm hoi bảo vệ quyền tự do mậu dịch, dự báo rằng chính quyền Mỹ đã rơi hoàn toàn vào tay phe chủ trương bảo hộ mậu dịch. Kể từ khi ra đời vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến, chưa bao giờ hệ thống thương mại toàn cầu lại đã phải đối mặt với một hiểm họa như vậy.

Nguy cơ này có nhiều khía cạnh. Thứ nhất là nguy cơ gia tăng trả đũa qua lại. Sau khi Liên Hiệp Châu Âu tuyên bố sẽ trả đũa thuế thép nhôm của Hoa Kỳ bằng các biện pháp trừng phạt đánh vào hàng hoá Mỹ, từ rượu Bourbon cho đến xe mô tô Harley-Davidson, ông Trump đã đe dọa tấn công vào ô tô nhập từ châu Âu.

Nguy cơ thứ hai nằm ở lý do ông Trump viện dẫn để tăng thuế trên nhôm thép nhập khẩu : đó là dựa vào một đạo luật rất ít được sử dụng, cho phép tổng thống bảo vệ ngành công nghiệp nhân danh nền an ninh quốc gia. Lý do đó rõ ràng là sai lạc. Hầu hết hết thép nhập khẩu của Mỹ đều đến từ Canada, Liên Hiệp Châu Âu, Mêhicô và Hàn Quốc, các đồng minh của Mỹ. Canada và Mêhicô dường như tạm thời được miễn áp thuế, nhưng chỉ vì ông Trump muốn dùng điều đó để gây áp lực trên hai đồng minh trong việc thương lượng lại Hiệp Định Tự Do Thương Mại Bắc Mỹ, không liên quan gì đến an ninh quốc gia.

Đối với The Economist, khi viện dẫn lý do an ninh quốc gia để đánh thuế, ông Trump đang tạo ra một tiền lệ mà các quốc gia khác chắc chắn sẽ khai thác để bảo vệ giới sản xuất trong nước họ, với những lý do giả tạo như là của ông Trump.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.