Vào nội dung chính
QUỐC TẾ

Năm vụ đầu độc vì động cơ chính trị nổi tiếng thế giới

Từ thời Cổ đại, đầu độc luôn là biện pháp được sử dụng nhiều để loại bỏ đối thủ chính trị hoặc các nhân vật gây phiền toái. Các nhà sử học vẫn tiếp tục tranh luận về việc nữ hoàng Cleopatre, hoàng đế Napoleon và Alexandre Đại đế có phải bị ám sát theo cách này hay không.

Mộ của cựu điệp viên Alexander Litvinenko Nghĩa địa Highgate ở Luân Đôn.
Mộ của cựu điệp viên Alexander Litvinenko Nghĩa địa Highgate ở Luân Đôn. REUTERS/Toby Melville
Quảng cáo

Trường hợp một cựu điệp viên Nga, sống tại Anh, bị đầu độc ngày 04/03/2018 chỉ kéo dài thêm danh sách các nạn nhân bị tấn công bằng khí độc. AFP lược lại 5 vụ đầu độc nổi tiếng nhất trong những thập kỷ qua.

1. Vụ án Cây dù Bulgari

Năm 1978, đúng lúc cao trào Chiến Tranh lạnh, nhà ly khai người Bulgari Georgi Markov đang chờ xe buýt tại Luân Đôn để về nhà sau ngày làm việc ở đài BBC. Đột nhiên, ông bị một người qua đường tiêm vào đùi và bỏ mặc ông ngã trên chiếc ô. Tối cùng ngày, ông bị sốt nặng và qua đời 3 ngày sau đó.

Thực ra, đầu nhọn của chiếc ô là một loại vũ khí. Nhà văn người Bulgari bị đầu độc bằng một loại chất lỏng chứa trong vỏ bọc chỉ có kích thước bằng chiếc ghim. Sau khi khám nghiệm tử thi, bác sĩ pháp y phát hiện ông đột tử vì 0,2 mg chất ricin, một loại chất độc cực mạnh, gấp 6.000 lần chất xyanua. Đền giờ, vụ án sát vẫn là một bí ẩn.

2. Chất độc thần kinh VX tại Malaysia

Trường hợp đầu độc gần đây nhất là vụ sát hại Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Ngày 13/02/2017, khi đang chờ máy bay về Macao tại sân bay quốc tế Kuala-Lumpur, ông Kim Jong Nam bị hai người phụ nữ, trong đó có một người Việt Nam, áp sáp và hất một loại chất lỏng vào mặt.

Sau khi được sơ cứu ở sân bay, ông Kim Jong Nam bị chết trên đường đến bệnh viện. Dấu vết của chất độc thần kinh VX, được xếp vào danh sách vũ khí hủy diệt hàng loạt, được tìm thấy trên mặt và trong mắt của nạn nhân trong quá trình phẫu thuật pháp y.

Bắc Triều Tiên luôn kịch liệt bác bỏ mọi liên quan đến vụ ám sát này, nhưng quốc gia này sở hữu chất độc VX, theo các chuyên gia. Cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn, đồng thời tìm hiểu làm thế nào hai phụ nữ này có được chất độc VX.

3. Trà độc giữa lòng Luân Đôn

Ngày 01/11/2006, ông Alexandre Litvinenko, nhà đối lập Nga và là cựu nhân viên tình báo của KGB, hẹn gặp uống trà với hai người Nga ở khách sạn Milenium, trung tâm Luân Đôn, và bàn việc làm ăn. Lúc đó, ông Litvinenko đang điều tra về những mối quan hệ, được cho là giữa điện Kremlin và nhiều băng đảng mafia. Ông cũng hợp tác với các cơ quan tình báo Anh.

Sau khi uống trà, ông Litvinenko cảm thấy khó ở và qua đời vài tuần sau đó ở tuổi 43, vì bị đầu độc chất polonium-210, một chất phóng xạ cực độc do Nga sản xuất.

Một cuộc điều tra được tiến hành tại Anh kết luận rằng tổng thống Nga Vladimir Putin « có thể đã phê chuẩn » vụ ám sát cựu điệp viên Nga. Phía Matxcơva phản đối và chỉ trích « lời nói xàm » của Luân Đôn. Vụ đầu độc ông Litvinenko là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng ngoại giao giữa Anh Quốc và Nga và Matxcơva vẫn luôn từ chối dẫn độ nghi phạm chính.

4. Biến dạng vì chất dioxin

Vào tháng 09/2004, ứng viên phe đối lập Ukraina Viktor Iouchtchenko, người hùng của cuộc Cách mạng Cam, bỗng nhiên lâm trọng bệnh khi đang vận động tranh cử tổng thống với đối thủ Viktor Ianoukovitch, được Nga hậu thuẫn.

Ba tháng sau đó, các bác sĩ Áo phát hiện nạn nhân bị đầu độc bằng chất dioxin. Ông Viktor Iouchtchenko trở thành tổng thống Ukraina vào tháng 01/2015. Tuy nhiên, khuôn mặt ông bị biến dạng dù được chăm sóc cẩn thận.

5. Lãnh đạo Palestin bị đầu độc

Tháng 09/1997, tại Amman, một số gián điệp của cơ quan tình báo Mossad (Israel) tìm cách ám sát Khaled Mechaal, lãnh đạo phòng chính trị của Phong trào Hồi giáo Hamas, bằng cách hắt chất độc vào cổ ông.

Ông Khaled Mechaal bị hôn mê và được cứu sống nhờ sự can thiệp của quốc vương Jordani. Quốc vương Hussein đã yêu cầu chính phủ Israel, do thủ tướng Nentanyahu điều hành, cấp chất giải độc, đổi lại là trả tự do cho hai nhân viên tình báo người Israel.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.