Vào nội dung chính
Ý - CHÂU ÂU

Bầu cử Ý : Phe dân túy về đầu, Liên Âu như « chuông treo mành chỉ »

Kết quả bầu cử Quốc Hội tại Ý là chủ đề chính trên các báo Pháp số ra ngày 06/03/2018. Việc các đảng dân túy theo xu hướng chống hệ thống về đầu cuộc bầu cử như Phong Trào 5 Sao (M5S), hay như đảng cực hữu Liên Đoàn Phương Bắc (LEGA Nord) còn khiến cho số phận của Liên Hiệp Châu Âu thêm mong manh.

Roma, thủ đô Ý, ngày 05/03/2018, một ngày sau bầu cử Quốc Hội
Roma, thủ đô Ý, ngày 05/03/2018, một ngày sau bầu cử Quốc Hội REUTERS/Max Rossi
Quảng cáo

Thêm vào đó, chính trường Ý càng trở nên bất định do việc những đảng này tuy về đầu nhưng lại không có được đa số tuyệt đối như yêu cầu để có thể điều hành đất nước. Với Le Monde, đây là một « Tai biến bầu cử tại Ý ».

Le Figaro cho rằng « Các đảng chống hệ thống tạo cú sốc tại Ý ». Les Echos nói đến « Thắng lợi của phe dân túy làm cho nước Ý khó điều hành ». Liberation vẽ chân dung của « Matteo Salvini, người Ý làm rúng động Liên Hiệp Châu Âu ». Nhân dịp này La Croix có lời báo động « Châu Âu trong tình trạng khẩn cấp ».

Cơn địa chấn Ý trong Liên Âu

Bài xã luận của Le Monde tổng kết hai cuộc bầu cử tại Đức và Ý đưa ra nhận định « Roma, Berlin : tương lai châu Âu bị treo lửng ». Theo nhật báo, các cuộc bầu cử này báo trước những hậu quả nghiêm trọng đối với khu vực đồng Euro nói riêng và Liên Hiệp Châu Âu nói chung, mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn thúc đẩy cải tổ.

Tại Đức, việc đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo của thủ tướng Angela Merkel liên minh được với đảng Xã Hội Dân Chủ giúp cho Đức thoát khỏi khủng hoảng chính trị, không phải tổ chức bầu cử lại. Le Monde đặt câu hỏi : Bà Merkel sẽ tiếp tục làm thủ tướng, nhiệm kỳ thứ tư, nhưng để làm gì ?

Bởi vì, với liên minh này, Đức khó có thể đóng góp vào việc thúc đẩy cải tổ, xây dựng châu Âu. Bộ trưởng Tài Chính tương lai Olaf Scholz, thuộc đảng Xã Hội Dân Chủ, tìm mọi cách trấn an rằng ông sẽ tiếp tục chính sách của cựu bộ trưởng Wolfgang Schauble, người nổi tiếng cứng rắn bảo vệ chính sách thắt lưng buộc bụng trong Liên Hiệp Châu Âu.

Còn bộ trưởng Nội Vụ tương lai, Horst Seehofer, thuộc Liên Minh Xã Hội Thiên Chúa Giáo Bayern bảo thủ, có nhiều cơ hội khi nắm quyền, để áp dụng chính sách hạn chế nhập cư. Trong tình cảnh như vậy, bà Merkel sẽ làm được gì ?

Còn tại Ý, kết quả cuộc bầu cử ngày 04/03 cho thấy rõ một sự thật phũ phàng. Các đảng hoài nghi châu Âu về đầu, trong khi đó, đảng Dân Chủ của cựu thủ tướng Matteo Renzi, có xu hướng ủng hộ châu Âu, thì chỉ thu được có 18,9% số phiếu.

Đối với Le Monde, đó là cảnh quan quen thuộc đáng buồn. Năm 2017, nước Pháp thoát ra khỏi thảm họa tương tự nhờ vào cơ chế bầu cử hai vòng. Năm 2016, nước Mỹ bầu Donald Trump làm tổng thống, chỉ 5 tháng sau khi dân Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit. Nước Ý trong cuộc bầu cử ngày 04/03, không muốn ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu nhưng sẽ làm mọi cách để ngăn cản châu Âu tiến về phía trước.

Nói tóm lại, kết quả bầu cử này phản ảnh rõ thái độ phẫn nộ của người dân Ý đối với các chính đảng truyền thống cũng như là với Liên Hiệp Châu Âu trên các vấn đề kinh tế và di dân. Vì vậy mà bài xã luận của Le Figaro mới có tựa đề là « Tutti a casa ! », nghĩa là « Ở nhà tất » ý muốn ám chỉ từ đảng cánh hữu của ông Berlusconi cho đến đảng Dân chủ Ý. Một kiểu « tống cổ » các chính đảng truyền thống theo kiểu Ý.

Les Echos : « Thảm hại Ý, Châu Âu bị đánh thẳng vào tim »

Tình hình kinh tế và nợ công được cải thiện chưa đủ để thuyết phục người dân Ý do tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao cũng như chưa thể giúp xóa nhòa những vết hằn để lại từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Thắng lợi của phe dân túy trên thực tế cho thấy rõ sự việc không chỉ giới hạn trong vấn đề kinh tế.

Bởi vì làn sóng dân túy và bài ngoại giờ đây tác động đến cả những nước không có thất nghiệp (Áo, Đan Mạch, Anh Quốc), những nước không gặp vấn đề di dân (Slovakia, Cộng Hòa Séc, Ba Lan) và cả những nước rất cởi mở (Hà Lan, Thụy Điển).

Nhật báo kinh tế này không ngần ngại chỉ trích trách nhiệm của các đảng Xã hội-Dân chủ, những đảng đã thành công trong việc cải thiện tình liên đới và các chính sách xã hội, nhưng nay đã làm mất đi khả năng đối thoại với tầng lớp bình dân cũng như là việc vạch ra một chân trời tiến bộ.

Quan điểm này cũng được tờ Libération đồng chia sẻ trong bài xã luận có tựa đề « Lưỡng nan ». Châu Âu trở thành mục tiêu chỉ trích có chọn lọc do việc : quá tập trung quyền lực, quá ủng hộ đồng tiền chung, quá mở rộng Liên Hiệp, rất kỹ trị, và ủng hộ những nhóm vận động hành lang chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của những tầng lớp đặc quyền mà bỏ qua việc bảo vệ lợi ích người dân.

La Croix : Chút hy vọng mong manh

Tờ nhật báo công giáo La Croix cho rằng vẫn còn « Cơ hội cuối cùng ». Sau sự trỗi dậy của làn sóng dân túy tại Anh Quốc, Hungary, Ba Lan, Áo và mới đây là Ý, vẫn còn có hai nước thoát được số phận đen đủi này : đó là Pháp và Đức.

Nước Pháp với thắng lợi bất ngờ của ông Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017. Tại Đức, các cuộc thương lượng bền bỉ cuối cùng cũng mang lại tin tốt lành : một liên minh trung tả và trung hữu để thành lập chính phủ.

Trách nhiệm đè nặng trên vai hai nguyên thủ Pháp và Đức là rất lớn. Giờ đây, chính họ phải tạo ra được một xung lực cần thiết để có một cách tiếp cận đoàn kết hơn trong các hồ sơ nóng bỏng như thất nghiệp và di dân.

Đương nhiên, điều này đòi hỏi phải chấp nhận các rủi ro chính trị đối với cử tri Pháp và Đức, nhưng lại không thể thiếu để chấm dứt tình trạng lọm khọm trong công cuộc xây dựng châu Âu vốn chỉ sẽ tạo ra những người thiệt thòi.

Trung Quốc : Chủ tịch nước trọn đời, dân xôn xao bàn tán

Le Monde, Le Figaro, Les Echos quan tâm nhiều đến tình hình chính trị, kinh tế của Trung Quốc. Đáng chú ý nhất là bài viết của Le Monde nói về « Sự khó chịu trong xã hội Trung Quốc về ‘nhiệm kỳ suốt đời’ của Tập Cận Bình ».

Trong 10 ngày họp, bắt đầu từ hôm qua, thứ Hai, 05/03, Quốc Hội Trung Quốc sẽ thông qua một loạt các sửa đổi bổ sung Hiến Pháp mà đảng Cộng Sản Trung Quốc đã công bố ngày 25/02, trong đó có đề nghị xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với chức vụ chủ tịch nước.

Theo báo Le Monde, đề nghị sửa đổi này tất nhiên sẽ được Quốc Hội Trung Quốc thông qua, nhưng gây ra một sự khó chịu có thể cảm nhận thấy rõ trong mọi tầng lớp xã hội Trung Quốc và ở nước ngoài. Do vậy, phát ngôn viên Quốc Hội Trung Quốc, ngày 04/03, đã phải lên tiếng, giải thích rằng việc điều chỉnh (tức xóa bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ) là cần thiết để phù hợp với các quy định liên quan đến sự lãnh đạo của đảng và quân đội.

Cụ thể là không có giới hạn nhiệm kỳ đối với chức vụ tổng bí thư đảng Cộng Sản và Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương. Và sự đồng nhất này tạo thuận lợi cho việc « duy trì quyền lực của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng, với Tập Cận Bình là lãnh đạo nòng cốt ».

Báo chí chính thức của Trung Quốc cũng phải vào cuộc và nhấn mạnh rằng phải có một sự lãnh đạo vững mạnh để thực hiện « giấc mơ phục sinh đất nước Trung Hoa », rằng « hệ thống giá trị phương Tây đang sụp đổ »…

Kiểm duyệt mạng nhưng không « khóa được miệng » dân

Tranh luận công khai đương nhiên là không thể nhưng các cuộc tranh luận trong khuôn khổ gia đình, bạn bè, « không chính thức » lại rất sôi nổi. Báo Le Monde trích dẫn phát biểu của một nữ đảng viên trẻ, làm việc trong ngành giáo dục, xin ẩn danh, kể lại : Việc sửa đổi Hiến Pháp, xóa bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ chủ tịch nước, là « một cú sốc lớn ».

Bạn bè của cô đều nói đến việc này. Một người nói rằng Đảng đã có những quy định riêng để điều chỉnh quyền lực trong nội bộ. Đã chỉ có một đảng lãnh đạo, giờ đây lại có một chủ tịch không nghỉ hưu. Người ta luôn luôn nói rằng các nhân viên phải tuân thủ quy định, nhưng các ông chủ, giới lãnh đạo lại có thể thay đổi luật lệ theo ý muốn của họ. Và đây là điều đang diễn ra.

Ngay tờ Minh Báo (Ming Pao) ở Hồng Kông, vốn thường có lập trường thân Bắc Kinh, cũng tỏ nghi ngờ về « nhiệm kỳ chủ tịch nước suốt đời ». Xã luận ngày 27/02 của tờ báo viết : « Từ nay, đảng Cộng Sản Trung Quốc phải trả lời câu hỏi làm thế nào để bảo đảm sự ổn định trong quá trình chuyển giao quyền lực, sau khi việc sửa đổi Hiến Pháp được thông qua, xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức chủ tịch nước ».

Ông Lý Đại Đồng (Li Datong) nguyên lãnh đạo một tờ báo chính thức và bị sa thải năm 2005 vì có quan điểm quá tự do, trên mạng WeChat, hôm 26/02, đã viết một bức thư gửi tới 55 đại biểu Quốc Hội Trung Quốc, để chất vấn.

Theo thư viết, Hiến Pháp 1982 đã quy định giới hạn 2 nhiệm kỳ đối với các lãnh đạo Trung Quốc do Đảng đã gây ra nhiều đau khổ cho nhân dân trong Cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Quyết định này mang tính lịch sử, quy định giới hạn hợp pháp ngăn cản những cá nhân có ý đồ trở thành những kẻ độc tài.

Ông chưa bị công an « sờ » đến, nhưng ban biên tập tờ báo nơi ông đã làm việc, đã cử phó tổng biên tập đến gặp và yêu cầu ông không nên đề cập đến những chủ đề này, bởi vì ông có quá nhiều ảnh hưởng. Ông Lý tỏ thái độ bất bình : « Không ai được quyền gây chướng ngại trên con đường mà Trung Quốc đang đi tới một mức độ văn minh tối thiểu. »

Bắc Kinh lại đe dọa Đài Bắc

Tờ Le Figaro cho biết « Bắc Kinh gia tăng áp lực lên Đài Bắc ». Trong bài diễn văn khai mạc khóa họp Quốc Hội thường niên, thủ tướng Lý Khắc Cường đã có những lời cảnh cáo mạnh mẽ nhắm đến Đài Loan. Ông nói : « Bắc Kinh kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, và sẽ không bao giờ dung thứ cho bất kỳ mưu toan hay hành động ly khai nào ».

Nhật báo trích nhận định của ông Jean-Pierre Cabestan, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại trường Đại học Hồng Kông cho rằng ông Tập Cận Bình trong đầu luôn nghĩ đến việc hợp nhất Đài Loan bằng cách này hay cách khác. Do đó, Bắc Kinh sẽ tìm mọi cách gia tăng áp lực tâm lý lên hòn đảo tự trị này.

Trung Quốc tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng

Lấy cớ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, kể cả những vùng lãnh hải đang có tranh chấp chủ quyền bị Bắc Kinh chiếm đóng và biến thành các tiền đồn quân sự trên Biển Đông, thủ tướng Lý Khắc Cường ngày hôm qua thông báo tăng ngân sách quốc phòng lên mức 8,1% (tức đạt mức 175 tỷ đô la), tăng 7% so với năm 2017.

Theo Le Figaro, nền kinh tế thứ hai thế giới đang tìm cách hiện đại hóa quân đội để bắt kịp Hoa Kỳ. Trong vòng có một năm, Trung Quốc đã tự trang bị cho mình một chiếc tầu khu trục có gắn tên lửa hành trình, một chiếc máy bay ném bom tàng hình đời mới nhất và có lẽ đang trong quá trình đóng chiếc hàng không mẫu hạm thứ ba – chiếc đầu tiên chạy bằng năng lượng hạt nhân. Hiện tại, tương quan lực lượng vẫn còn nghiêng về phía Hoa Kỳ.

Kim Jong Un « vuốt ve » tổng thống Moon

Để giúp độc giả hiểu rõ về tầm mức của cuộc đối thoại Liên Triều lần này, La Croix trong bài viết đề tựa « Hai miền Triều Tiên tiếp tục đối thoại tại Bình Nhưỡng », cố gắng giải thích qua ba câu hỏi : Ý nghĩa biểu tượng của cuộc gặp liên Triều lần này tại Bình Nhưỡng là gì ? Đâu là chiến thuật của tân tổng thống Hàn Quốc ? Sự hâm nóng quan hệ này liệu có thể dẫn đến hòa bình lâu dài hay không ?

Về phần mình, Le Figaro lại cho rằng « Kim Jong-Un đang ve vãn Hàn Quốc ». Nhật báo trích phân tích của giáo sư Narushige Michishita, thuộc National Graduate Institute for Policy Studies (GRIPS) tại Tokyo có nhận định như sau : « Kim Jong-Un sẽ tiếp tục tán tỉnh Hàn Quốc cho tới khi nào nước này không thể nói không thì thôi. Nhưng mục đích của ông ấy là thương lượng trực tiếp với Hoa Kỳ. Tất cả những điều này đã được lên kế hoạch từ lâu ».

Phía tổng thống Hàn Quốc cũng cho thấy rõ quyết tâm nối lại đàm phán liên Triều. Điều này được thể hiện rõ qua việc cử ông Chung Eui-Yong, một nhà ngoại giao kỳ cựu và ông Suh Hoon, lãnh đạo ngành tình báo Hàn Quốc, dẫn đầu phái đoàn thương thuyết của Seoul.

Mục đích là làm thế nào tìm được một điểm đồng thuận tối thiểu giữa người hàng xóm thích khuấy động và đồng minh tốt nhất của mình. Và trong một chừng mực nào đó, Seoul hy vọng giảm thiểu tối đa các rủi ro trượt đà nhằm duy trì ngọn đuốc đối thoại mong manh còn thắp sáng đến được chừng nào hay chừng đấy.

Khả năng đối thoại Mỹ - Triều mù mờ ?

Về điểm này các chuyên gia đều tỏ ra dè dặt. Các tín hiệu đưa ra cho thấy cuộc đối thoại giữa hai bên chẳng khác gì giữa những người điếc. Bình Nhưỡng và Washington đều khăng khăng giữ vững lập trường. Một bên cho rằng « không cầu cạnh, xin xỏ ai để đàm phán ». Bên kia thì bám giữ lấy điều kiện tiên quyết là « Phải giải trừ vũ khí hạt nhân ».

Tuy nhiên, chuyên gia Narushige Michishita tỏ ra có chút lạc quan nghĩ rằng cuộc đối thoại giữa những người điếc này cho phép hạ nhiệt căng thẳng và thăm dò đối thủ. « Chúng ta đang bước vào giai đoạn tiền thương thuyết. Trong suốt gia đoạn này, mỗi bên đều cố ra vẻ không quan tâm đến ».

Phần tin khác

Cuối cùng mục điểm báo xin khép lại với hai thông tin khoa học. Le Figaro có bài giải thích cho biết « Loài muỗi có trí nhớ về mùi ». Nghĩa là chúng có khả năng ghi nhớ các thông tin về mùi hương của con mồi. Các nhà khoa học trường đại học Washington giải thích được làm thế nào khả năng đó có thể tác động đến sự lựa chọn của loài muỗi nhắm vào một số con mồi mà chúng ưa thích.

La Croix có bài « Những bí ẩn về ma hút máu ». Hình ảnh ví von ma hút máu ở đây chính là loài dơi quỷ. Nghiên cứu của nhà khoa học Tom Gilbert, đại học Copenhague, Đan Mạch cho thấy loài dơi quỷ sống ở Trung và Nam Mỹ có một chế độ dinh dưỡng hút máu rất nghiêm ngặt cho phép chúng vượt qua nhiều chứng bệnh về tiêu hóa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.