Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Đức: Xe hơi diesel sắp đến hồi cáo chung?

Đăng ngày:

Ngày 27/02 vừa qua, Tòa án Hành chính Liên bang ở Leipzig đã ra phán quyết rằng các thành phố lớn của Đức có quyền ra lệnh cấm lưu thông đối với những xe hơi diesel gây ô nhiễm. Đây là một quyết định được các hiệp hội bảo vệ môi trường hoan nghênh nhiệt liệt, nhưng đang khiến hàng triệu người lái xe ở Đức rất hoang mang, làm suy yếu các công ty sản xuất xe hơi và gây bối rối cho chính phủ Berlin.

Các nhà hoạt động của Greenpeace biểu tình tại Leipzig ngày 27/02/2018 đòi cấm xe diesel.
Các nhà hoạt động của Greenpeace biểu tình tại Leipzig ngày 27/02/2018 đòi cấm xe diesel. Reuters
Quảng cáo

Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibault gởi về bài tường trình:

“Đây là một thảm bại đối với chính phủ liên minh tả hữu, vốn vẫn ủng hộ hết mình ngành công nghiệp xe hơi. Nhưng đối với chủ tịch tổ chức bảo vệ môi trường đã tham gia vụ kiện, đây là một ngày đại thắng cho không khí trong lành. Tòa án Hành chính Liên bang đã bác đơn kháng cáo của chính quyền hai vùng chống lại lệnh cấm lưu thông xe diesel do ngành tư pháp hai thành phố Stuttgart và Düsseldorf đưa ra.

Những xe hơi chạy bằng diesel cũ nhất và gây ô nhiễm bị cấm lưu thông vì những xe này thải ra rất nhiều khí cacbon điôxít nguy hiểm cho sức khỏe của cư dân. Các tòa án địa phương đã buộc chính quyền hai thành phố đó ra lệnh cấm lưu thông đối với những xe diesel không đáp ứng những tiêu chuẩn mới nhất trong những ngày ô nhiễm không khí nặng. Tron g năm 2016, khoảng 70 thành phố ở Đức đã có tỷ lệ cacbon điôxít cao hơn mức cho phép.

Hội đồng Nhà nước dự trù những thời hạn áp dụng lệnh cấm, chẳng hạn như thành phố Stuttgart đến tháng 9 tới mới áp dụng. Họ cũng dự trù những ngoại lệ cho những người mà công việc bắt buộc họ phải sử dụng xe, chẳng hạn như giao hàng trong trung tâm thành phố.

Liên đoàn các thành phố của Đức đã chỉ trích phán quyết nói trên, cho rằng những lệnh cấm như vậy chẳng giải quyết được các vấn đề ô nhiễm, đồng thời nhấn mạnh đến những thủ tục rất rườm rà để áp dụng những lệnh cấm đó.

Giá cổ phiếu các hãng xe hơi Đức đã sụt giá mạnh trên thị trường chứng khoán. Họ chống các lệnh cấm như vậy là điều dễ hiểu, vì số bán chắc chắn sẽ sụt giảm. Gần 10 triệu chiếc xe ở Đức có thể sẽ bị nằm trong diện bị cấm. Phán quyết nói trên sẽ gia tăng áp lực buộc chính phủ phải thông qua những biện pháp triệt để hơn.”

Roma cũng sẽ cấm xe diesel?

Không chỉ có Đức, lãnh đạo thành phố Roma của Ý nay cũng muốn cấm xe hơi diesel. Thị trưởng Virginia Raggi, đắc cử với tư cách ứng cử viên của Phong trào 5 Sao, hôm 26/02 vừa qua thông báo là trong tương lai xe hơi chạy bằng cũng sẽ bị cấm lưu thông trong trung tâm thủ đô Ý. Từ Roma, thông tín viên Anne Le Nir tường trình:

“ Cho tới nay, bà Virginia Raggi chưa đưa ra được biện pháp nào đáng kể. Nhưng nay thị trưởng Roma tuyên bố sẽ quyết tâm cấm sử dụng toàn bộ xe hơi diesel trong trung tâm thành phố kể từ năm 2024, tức là một năm trước Paris, Madrid, Athens và Meehicô.

Tại Roma, 3.600 công trình kiến trúc bằng đá và khoảng 60 công trình điêu khắc bằng đồng đang có nguy cơ bị hư hại do ô nhiễm không khí, theo một nghiên cứu của bộ Văn Hóa Ý.

Nhưng theo các chuyên gia, lệnh cấm xe hơi diesel sẽ không đủ để giảm đáng kể nạn ô nhiễm. Lý do là trên tổng số 2.000 xe ca đang lưu thông ở Ý, có đến 1.500 chiếc chạy bằng diesel và 150 xe car mới mà chính quyền thành phố đặt mua cũng có động cơ diesel.

Bà Virginia Raggi đã thông báo như trên tại Mêhicô trước các nữ thị trưởng trong khuôn khổ một cuộc gặp gỡ mang tên « Women 4 Climate ». Ngay sau khi trở về Roma, bà đã nhắc lại thông báo này trên trang Facebook.

Tuy nhiên, vào lúc chỉ còn 5 ngày nữa là đến kỳ bầu cử Quốc Hội, tuyên bố của bà Raggi mang hơi hướng của chiến dịch vận động tranh cử cho Phong trào 5 Sao.”

Khi Bắc Cực ấm hơn cả Paris

Trong tuần này, một đợt lạnh giá bất thường đến từ Siberi, được mệnh danh là  Matxcơva-Paris đã khiến toàn bộ châu  u lục địa rét run suốt mấy ngày, thì tại vùng Bắc Cực, nhiệt độ lại nóng hơn một cách bất thường. Trong khi tại Pháp, nhiệt độ có nơi xuống đến – 12 °C, thì tại Longyearbyen, thành phố nằm ở cực bắc của thế giới, trên quần đảo Svalbard của Na Uy, nhiệt độ lại trên 0 độ !

Từ thành phố này, đặc phái viên Simon Rozé tường trình :

« Rõ ràng có điều gì đó bất thường đang diễn ra vì khu vực gần Bắc Cực lại là nơi nóng nhất châu Âu. Tôi không biết giải thích như thế nào, bởi vì ở đây nhiệt độ đang 4°C và trời đang mưa, trong khi ở toàn bộ các nơi khác thì có nhiệt độ âm.

Ở đây, chính là Longyearbyen, thành phố nằm ở cực bắc của thế giới, mà ngay giữa mùa đông trời lại mưa. Nhưng trái với suy nghĩ của Benjamin Vidmar, có thể giải thích hiện tượng này: Vùng Bắc Cực đang nóng lên, thậm chí đây là vùng nóng lên nhanh nhất trên hành tinh chúng ta.

Ông Kim Holmen, Giám đốc Viện Bắc Cực Na Uy, nhấn mạnh : « Các đại dương trên thế giới đang nóng lên và chưa bao giờ dòng nước chảy về Bắc Cực lại nóng như thế. Khi nước nóng này đến vùng Bắc Băng Dương, nó làm tan các tảng băng. Nhiều diện tích lớn của đại dương bổng được tiếp xúc với không khí và hấp thụ ngay năng lượng của Mặt trời, khiến cho nước của các khu vực này càng nóng thêm. Điều này dẫn đến một hiện tượng khác : đại dương trở nên nóng hơn bầu khí quyển và nó chuyển sức nóng của nó vào không khí chung quanh. Đó chính là hai cơ chế đang làm vùng này của thế giới nóng lên. »

Trong ngày 27/02, ở vùng Bắc Cực, nhiệt độ trên O°C, tức là cao hơn 25° so với nhiệt độ bình thường. »

Chim cánh cụt có nguy cơ diệt vong

Cũng do tác động của biến đổi khí hậu, loài chim cánh cụt hoàng gia ( manchot royal ) có nguy cơ chết vì đói, trừ phi chúng liều mình di cư đến vùng biển Nam Cực không thuận lợi với cuộc sống theo những bầy đoàn khổng lồ. Đó là kết luận của một công trình nghiên cứu vừa được công bố ngày 26/02/2018 trên tạp chí Nature Climate Change.

Có bụng màu trắng, mỏ màu đen, một vết cam ở một bên đầu, loài chim cánh cụt hoàng gia, có kích thước nhỏ hơn chim cánh cụt hoàng đế một chút, hiện được ước lượng còn khoảng 1,6 triệu cặp. Cho tới nay, chúng sống ở chủ yếu các vùng gần Bắc Cực, tức là những vùng thích hợp với những bầy đoàn khổng lồ.

Để đẻ trứng ( mà con đực và con cái phải thay phiên nhau ấp trong suốt hơn 50 ngày), chim cánh cụt hoàng gia, vốn không bay dược, cần phải có một bãi biển, một vùng biển không có băng và một nơi có nguồn thức ăn dồi dào và đủ gần để mang thức ăn về cho chim con trong hơn một năm.

Nhưng biến đổi khí hậu khiến loài chim cánh cụt hoàng gia phải di chuyển về phía nam, ngày càng xa nơi chúng vẫn sống theo bầy đoàn khổng lồ, xa các nguồn cá và mực vẫn nuôi sống chúng từ bao thiên niên kỷ qua.

Chim cánh cụt bố hoặc mẹ phải đi ngày càng xa hơn để “đánh bắt”  cá, để chim con ở lại trên bờ với mẹ hoặc bố chờ thức ăn ngày càng lâu. Để tránh nguy cơ thiếu đói, chúng sẽ buộc phải “lưu vong” đến một nơi khác, mà không biết cuộc sống sẽ ra sao.

Theo lời 3 tác giả chính của công trình nghiên cứu nói trên, Robin Cristofari et Céline Le Bohec, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia CNRS của Pháp, et Emiliano Trucchi, Đại học Ferrara, Ý, nếu không có biện pháp gì để kềm chế hiện tượng khí hậu Trái đất bị hâm nóng, loài chim cánh cụt hoàng gia có nguy cơ bị tuyệt chủng trong một tương lai gần.

Các nhà nghiên cứu này dự báo rằng, nếu lượng khí phát thải gây hiệu ứng lồng kín tiếp tục tăng trong suốt thế kỷ 21, theo như kịch bản bi quan nhất của Nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc về khí hậu GIEC, 70% trong số 1,6 triệu cặp chim cánh cụt hoàng gia có khả năng sinh sản có thể sẽ phải bất ngờ di cư, hoặc biến mất trước cuối thế kỷ này. Ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất của GIEC, 45% số chim cánh cụt hoàng gia cũng sẽ bị đe dọa.

Hoa Kỳ: Bang Ohio tuyên chiến với các nhà phân phối opioide

Tại Hoa Kỳ, ngành tư pháp bang Ohio đã kiện 4 công ty phân phối dược phẩm, vì những công ty này bị xem là chịu trách nhiệm một phần trong các tai nạn do sử dụng chất opioide quá liều, xảy ra ngày càng nhiều tại bang Ohio. Opioide là một chất giảm đau có tác dụng giống như thuốc phiện.

Cụ thể, các công ty nói trên đã không làm tròn trách nhiệm khi để cho bán loại thuốc giảm đau nguy hiểm này với liều lượng cao cho các khách hàng không có toa thuốc bác sĩ. Đây không phải là lần đầu tiên có những vụ kiện như vậy ở Mỹ, vì ở cấp độ toàn quốc, đã có 42 ngàn người chết vì dùng opioide quá liều trong năm 2016, nhưng thường là các nhà sản xuất bị kiện.

Từ New York, thông tín viên Grégoire Pourtier tường trình:

“ Các công ty phân phối biết rằng khối lượng chất opioide đang lưu hàng tại bang Ohio cao hơn rất nhiều so với khối lượng có thể được tiêu thụ vì lý do y tế, nhưng họ đã không làm gì để ngăn chận điều đó. Đó là cáo buộc của chưởng lý bang Ohio, nơi xảy ra ngày càng nhiều tai nạn do sử dụng quá liều.

Sau khi đã kiện các nhà sản xuất, chưởng lý của Ohio nay đánh vào những người hoàn toàn biết rõ là họ đang phân phối quá mức. Bốn công ty trong số này bị cáo buộc đã cố tình để cho tình hình trở nên trầm trọng hơn, mặc dù cảnh sát liên bang đã phạt tiền. Các công ty này dường như xem các khoản tiền phạt đó như là chi phí phục vụ cho việc buôn bán với doanh thu hàng tỷ đôla.

Lần này, chưởng lý bang Ohio muốn thi hành những biện pháp trừng phạt nặng hơn và đòi các công ty này phải bồi thường cho những hậu quả lên nền y tế công, cũng như lên ngành tư pháp, các dịch vụ xã hội và ngành giáo dục, bởi vì khủng hoảng này đang tàn phá một số cộng đồng dân cư.

Một trong số các công ty nói trên đáp lại rằng họ đã hợp tác với các cơ quan chính quyền địa phương, đồng thời đã tung ra một chương trình hỗ trợ và đã phát các thuốc để ngăn chận những tai nạn do sử dụng quá liều. Nhưng những người chỉ trích thì cho việc làm này cũng giống như của một người nay cũng tham gia chữa cháy sau khi đã tự mình đốt nhà." 
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.