Vào nội dung chính
SYRIA - XUNG ĐỘT

Để Thổ Nhĩ Kỳ thôn tính Afrin, phương Tây có phản bội người Kurdistan ?

Giữa tháng Giêng 2018 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch đưa quân qua biên giới với Syrie, với mục tiêu tiến chiếm thị xã Afrin (hay Efrin), nằm cách biên giới khoảng 30 cây số, hiện trong tay lực lượng YPG người Kurdistan, vốn là một trụ cột của liên quân quốc tế trong cuộc chiến chống Daech những năm vừa qua. Phản ứng yếu ớt của quốc tế trước chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO - khiến nhiều người gắn bó với Trung Cận Đông lo ngại cộng đồng Kurdistan một lần nữa lại bị bỏ rơi trong cuộc mặc cả địa-chính trị giữa các cường quốc.

Vùng do người Kurdistan kiểm soát ở phía bắc Syria (màu tím) có tên thường gọi là Rojava (có nghĩa là Tây Kurdistan). Bản đồ lập tháng 10/2016.
Vùng do người Kurdistan kiểm soát ở phía bắc Syria (màu tím) có tên thường gọi là Rojava (có nghĩa là Tây Kurdistan). Bản đồ lập tháng 10/2016. Ảnh : Wikipedia
Quảng cáo

1 - Tại sao là thị xã Afrin ?

Trong những năm gần đây, cùng với cuộc nội chiến Syria và cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech), cái tên Kurdistan trở nên quen thuộc với truyền thông quốc tế. Các đơn vị vũ trang của sắc dân này là lực lượng chiến đấu trên bộ chủ yếu trong các chiến dịch của liên quân quốc tế, do Hoa Kỳ chỉ huy, tấn công vào các khu vực do Daech kiểm soát tại Syria và Irak. Việc giải phóng hai trong số các căn cứ địa chính của Daech, là Raqqa (Syria) và Mossoul (Irak), có công đầu của các đơn vị Kurdistan, mà một bộ phận lớn được Hoa Kỳ trang bị vũ khí và huấn luyện.

Người Kurdistan Syria hiện kiểm soát được cả một dải đất rộng lớn, trải dài trên khoảng hơn 600 km trên tổng số hơn 800 km đường biên giới trên bộ Syria – Thổ Nhĩ Kỳ. Huyện biên giới Afrin, thuộc vùng Alep, tây bắc Syria, một phần do người Kurdistan kiểm soát, nhưng bị cô lập khỏi toàn bộ các khu vực còn lại của người Kurdistan. Phía bắc và tây Afrin là Thổ Nhĩ Kỳ, phía nam và đông là các vùng đất, hoặc do lực lượng thân chính quyền Syria, hoặc do các nhóm thánh chiến, hoặc « Quân đội Syria Tự do » thân Thổ Nhĩ Kỳ chiếm lĩnh.

Nhà địa chiến lược người Pháp, chuyên về Trung Đông, ông Gerard Charliand (1), trong bài « Trận chiến Afrin : Người Kurdistan bị phương Tây phản bội », đăng tải trên Le Figaro, ngày 09/02/2018, cảnh báo : « Chống lại cuộc can thiệp Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng Syria thân Thổ, người Kurdistan đang kháng cự lại từ hơn ba tuần nay, không có cách nào khác hơn là chiến đấu đến cùng, buộc đối phương phải trả giá đắt. Quân Nga, sau các thỏa thuận với Ankara, đã rút ra khỏi khu vực này. Về phần mình, Hoa Kỳ cũng không chống lại cuộc can thiệp của Thổ ».

Quyết định can thiệp vào Afrin được Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra, ngay sau khi Hoa Kỳ thông báo hỗ trợ người Kurdistan xây dựng một lực lượng bảo vệ biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ, với tổng quân số là 30.000 người. Chính quyền Ankara nhìn thấy đây là mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng vũ trang người Kurdistan YPG, được Hoa Kỳ hậu thuẫn, là tổ chức « khủng bố ».

Ankara lo ngại, một khu vực ven biên giới rộng lớn tại Syria dưới quyền của YPG sẽ trở thành căn cứ địa cho các lực lượng Kurdistan tại Thổ Nhĩ Kỳ có xu hướng tự trị hay đòi độc lập. Ankara thông báo mục tiêu lập vùng an toàn có chiều sâu 30 km, dọc theo biên giới. Thị xã Afrin, với « vị trí cô lập », được Thổ Nhĩ Kỳ chọn làm điểm xâm lược đầu tiên, coi như một bàn đạp cho chiến dịch đầy tham vọng nói trên.

2 - Từ khi chiến dịch can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ nổ ra, phản ứng quốc tế ra sao ?

Ngay sau quyết định can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và nhiều nước phương Tây đã có phản ứng. Một cuộc họp tham vấn của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã được triệu tập khẩn cấp vào ngày 22/01, theo đề nghị của Paris. Tuy nhiên, Hội Đồng Bảo An không đưa ra quan điểm chính thức về vấn đề này, không lên án cuộc tấn công Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng Kurdistan, được coi là đồng minh của Mỹ.

Các thành viên Hội Đồng Bảo An tỏ ra rất thận trọng về chủ đề này. Đại sứ Mỹ Nikki Haley không tham dự cuộc họp. Các thành viên có thế lực của Hội Đồng Bảo An không đưa ra bất cứ ý kiến nào, sau cuộc họp, ngoài Pháp. Theo đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc François Delattre, quan điểm chính thức của Paris kêu gọi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ « kiềm chế », được các thành viên có mặt tại cuộc họp nói trên « chia sẻ rộng rãi ». Ngoại trưởng Hoa Kỳ Tillerson cũng kêu gọi « tất cả các bên » kiềm chế, đồng thời thừa nhận « quyền tự vệ hợp pháp của Thổ Nhĩ Kỳ ».

Việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vượt biên giới Syria, tấn công thị xã Afrin cuối tháng Giêng vừa qua, dường như chỉ là một biến cố trong toàn bộ cuộc xung đột Syria rất phức tạp hiện nay. Đại sứ Pháp nhấn mạnh « ưu tiên » hiện nay là « các đồng minh đoàn kết mật thiết trong cuộc chiến chống Daech », và Afrin chỉ là « một trong các vấn đề ».

Cho dù đây không phải là vấn đề ưu tiên tại Syria, Paris tiếp tục theo dõi sát tình hình Afrin. Sau cảnh báo của tổng thống Pháp hồi đầu tháng, về nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm lãnh thổ Syria, hôm 08/02, ngoại trưởng Pháp báo động là can thiệp của Ankara làm trầm trọng thêm một xung đột, vốn đã rất phức tạp.

3 - Phải chăng người Kurdistan là nạn nhân của quan hệ nước đôi giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây ?

Nhà địa chiến lược Pháp, ông Gerard Charliand, trong bài phân tích với Le Figaro nói trên, dự đoán Hoa Kỳ sẽ không can thiệp hỗ trợ người Kurdistan trước cuộc tấn công của người Thổ tại Afrin, trừ khi có diễn biến bất ngờ. Theo ông, về Trung Đông, tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang ưu tiên cho các hướng khác. Lực lượng vũ trang người Kurdistan đã được sử dụng vào cuộc chiến trên bộ chống Daech, với các tổn thất sinh mạng rất lớn. Đây là một nhiệm vụ mà các nước liên quân vốn không thể đảm đương nổi. Nhưng giờ đây, một khi chiến thắng đã trong tầm tay, nếu quyền lợi của nước mình không bị đe dọa, các quốc gia trong liên quân sẽ không can thiệp để hỗ trợ người Kurdistan. Phản ứng của họ sẽ dừng ở chỗ « lên án trên đầu môi, chót lưỡi ».

Trên đây là dự báo của nhà nghiên cứu Gerard Charliand về tình hình Afrin. Trên thực tế, các khu vực thuộc quyền kiểm soát của người Kurdistan tại miền bắc Syria khá rộng lớn. Huyện Afrin chỉ là một địa bàn. Và can thiệp Thổ Nhĩ Kỳ tại đây rất có thể chỉ là một điểm thăm dò của Ankara, một hành động trả đũa, sau tuyên bố lập « lực lượng biên phòng » Kurdistan của Hoa Kỳ.

Về những diễn biến mới nhất liên quan đến thái độ của Washington. Hôm qua, 13/02, ngoại trưởng Mỹ, trong cuộc họp báo tại Koweit bàn về chương trình tái thiết Irak, cảnh cáo là chiến dịch của Ankara « làm suy yếu cuộc chiến chống Daech », đang diễn ra ở phía đông Syria, bởi nhiều đơn vị Kurdistan tham chiến chống Daech, đã và đang di chuyển tới miền biên giới tây bắc, để đến bảo vệ thị xã Afrin. Lãnh đạo ngoại giao Mỹ cho biết sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần tới, với mục tiêu chính là thảo luận với đối tác NATO Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc chiến chung chống Daech. Hoạt động quân sự của Ankara chống người Kurdistan ắt hẳn cũng sẽ là một nội dung của thảo luận.

Washington cũng tái khẳng định, bất chấp đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào thị xã Manbij, cách Afrin khoảng 200 km về phía đông, khu vực của người Kurdistan, quân đội Mỹ sẽ không rút khỏi địa điểm này.

4 - Vai trò của liên minh tình thế Nga - Thổ ?

Về can dự của Nga trong hồ sơ này, nhà nghiên cứu kỳ cựu Gerard Charliand nhấn mạnh đến « các liên minh tình thế » giữa Matxcơva và Ankara. Nga chấp nhận rút quân, để quân Thổ lọt vào vùng Afrin, đổi lại việc Ankara « từ bỏ quan điểm ủng hộ việc lật đổ chính quyền Assad » tại Syria. Theo AFP hôm đầu tuần, một số chỉ huy Kurdistan cho biết Matxcơva đề nghị với quân Kurdistan đổi đất – với việc giao lại lãnh thổ cho chính quyền trung ương Damas - để có được sự bảo trợ của Nga trong cuộc kháng cự chống Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng do phe Kurdistan từ chối, vì vậy Matxcơva quyết định không hỗ trợ về không quân.

Trước cuộc xâm lăng của Thổ Nhĩ Kỳ, quan hệ giữa chính quyền Damas – đồng minh của Matxcơva - và người Kurdistan trong những ngày qua, dường như đang có một số chuyển biến. Lực lượng Kurdistan cho biết sẵn sàng chấp nhận để quân đội Damas can thiệp hỗ trợ dân cùng một nước, bảo vệ biên giới chung. Người Kurdistan cũng có kế hoạch hợp tác với chính quyền trung ương để vận chuyển cứu trợ nhân đạo đến Afrin, hoặc chuyển quân qua các khu vực thuộc quyền kiểm soát của quân chính phủ (2).

Vấn đề người Kurdistan ở Syria rất phức tạp. Việc trở lại với các cội nguồn lịch sử chắc chắn sẽ giúp hiểu hơn về tình thế khó khăn hiện nay của người Kurdistan - Syria nói riêng, và các cộng đồng Kurdistan nói chung tại Trung Cận Đông.

Trước mắt, số phận của cộng đồng dân cư quả cảm này sẽ là một chỉ báo quan trọng cho viễn cảnh khủng hoảng Syria. Nhiều người trong cuộc cảnh báo : Nếu các lực lượng Kurdistan Syria suy yếu do can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo và các thế lực cực đoan khác sẽ thừa cơ trỗi dậy.

----

(1) - Nhà nghiên cứu Gerard Charliand là chuyên gia về các xung đột vũ trang, và quan hệ chiến lược quốc tế, đặc biệt ở Trung Cận Đông, ông là tác giả cuốn « La Question kurde à l'heure de Daech/Vấn đề Kurdistan trong thời kỳ Daech », xuất bản năm 2015.

(2) - Theo chuyên gia Noah Bonsey – thuộc International Crisis Group, chính quyền Damas, một mặt cho phép quân Kurdistan dồn về Afrin, mặt khác tiếp tục tấn công lực lượng này tại các vùng miền đông, Reuter, 13/02.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.