Vào nội dung chính
ISRAEL - SYRIA

Israel, nhân tố mới trong cuộc chiến Syria, bài toán thêm nan giải

Căng thẳng tại Trung Cận Đông gia tăng sau vụ một chiến đấu cơ của Israel bị tên lửa Syria bắn hạ trong đêm mồng 9 rạng sáng mồng 10/02/2018. Lập tức Tel Aviv trả đũa, ra lệnh cho quân đội tấn công vào nhiều mục tiêu quân sự của Damas và thông báo bắn chận một chiếc drone được cho là của Iran thâm nhập vào lãnh thổ Israel.

Lính Israel sát đường biên giới với Syria. Ảnh ngày 10/02/2018.
Lính Israel sát đường biên giới với Syria. Ảnh ngày 10/02/2018. REUTERS/ Ammar Awad
Quảng cáo

Từ khi xung đột ở Syria khai mào năm 2011, Israel liên tục can thiệp với lý do để bảo vệ lãnh thổ. Nhưng đây là lần đầu tiên không quân nước này oanh tạc "12 căn cứ của Syria trong đó có bốn mục tiêu của Iran", như lời một viên tướng Israel đã tuyên bố. Thủ tướng Benjamin Netanyahu hài lòng vì Tel Aviv đã "giáng một đòn mạnh vào lực lượng của Iran và Syria".

Động cơ nào khiến Israel gia tăng các chiến dịch quân sự tại Syria ?

Để trả lời câu hỏi này cần hiểu là Tel Aviv có cái nhìn như thế nào về Syria, về xung đột kéo dài tại quốc gia này. Một tờ báo uy tín trong thế giới Ả Rập, tờ L'Orient du Jour của Liban trong ấn bản trên mạng ngày 11/02/2018 giải thích : Khi chiến sự tại Syria khởi mào, Israel coi đây là một cơ hội tốt. Xung đột này làm suy yếu dòng họ Assad vốn thù nghịch với Nhà nước Do Thái, làm suy yếu quân đội Damas và nhất là làm vơi đi phần nào kho vũ khí hóa học đã được Damas tích lũy từ thời cố tổng thống Hafez al Assad.

Nhưng tình thế đã đổi thay. Chế độ Damas đã hồi sinh nhờ hai điểm tựa rất lớn là Nga và Iran. Tháng 12/2016 - 15 tháng kể từ khi không quân Nga can thiệp vào Syria, là một cột mốc quan trọng. Quân đội chính phủ Syria nhờ phối hợp chặt chẽ với lực lượng dân quân Shia có bàn tay của Iran và không quân Nga, đã giành lại thành phố Aleppo. Nhìn từ Tel Aviv, ảnh hưởng ngày càng lớn của Iran tại một lãnh thổ nằm sát cạnh với Israel là Syria là một "mối đe dọa trực tiếp", vì từ nay trở đi, "không có gì ngăn cản Iran chuyển vũ khí, đạn dược hay điều các chiến binh sang Liban", bồi thêm sức mạnh cho cho nhóm Hồi giáo Shia tại Liban là Hezbollah, đồng minh của Terehan.

Teheran cắm rễ tới mức độ nào tại Syria và Iran liệu có lao vào một cuộc đọ sức quân sự với Israel ?

Trả lời phỏng vấn trên tờ báo Pháp Le Figaro hồi tháng 3/2017, cựu giám đốc cơ quan tình báo Israel Amos Yadlin khẳng định là "Iran đặt nhiều kho đạn dược trên lãnh thổ Syria để hỗ trợ cho lực lượng võ trang Shia của Liban". Nói một cách khác, Tel Aviv cho rằng Teheran đang biến Syria thành sân sau để tiến gần hơn vào Liban, quốc gia có đường biên giới ở phía bắc của Israel.

Vẫn tờ L'Orient du Jour trích lời chuyên gia về Trung Cận Đông, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp, ông Karim Bitar : "Israel tối kỵ kịch bản Iran và kể cả Nga cắm rễ một cách lâu dài tại Syria, hay đòi Damas trả ơn dưới một hình thức này hay hình thức khác. Trong một chừng mực nào đó,Tel Aviv có thể chấp nhận chuyện để tổng thống Bachar al Assad tồn tại, nhưng sẽ không chấp nhận chuyện Damas cho phép Iran mở căn cứ quân sự trên lãnh thổ Syria".

Tháng 7/2017 Matxcơva đã ký kết một thỏa thuận với Damas cho phép Nga mở căn cứ quân sự tại Syria trong thời hạn 50 năm tại cảng Hmeimim, tỉnh Lattaquié. Bộ trưởng bộ Tình Báo Israel, Yisrael Katz mùa hè năm 2017 tiết lộ là "tổng thống al Assad cũng đang chuẩn bị đạt đến một thỏa thuận tương tự với Iran".

Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc cũng nêu lên khả năng Iran đã chi ra hàng tỷ đô la để tài trợ cho nhiều dự án quân sự trên lãnh thổ Syria, điều hàng ngàn chiến binh tới hiện trường. Teheran đương nhiên bác bỏ những cáo buộc nói trên. Nhưng theo các nhà phân tích "qua việc hỗ trợ chế độ của tổng thống Bachar al Assad từ mặt kinh tế, đến quân sự và cả chính trị, nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran nhắm tới mục tiêu thành lập trục Teheran-Beyrouth".

Dù tình hình khu vực ngày càng thêm rắc rối, nhưng chuyên gia về Trung Cận Đông thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp, ông Bitar tin rằng cả Israel lẫn Iran đều sẽ kềm chế, tránh lao vào một cuộc đối đầu trực tiếp, ít ra là trong ngắn hạn.

Đành rằng Teheran liên tục ghi những bàn thắng quân sự tại Syria và cả trong khu vực nhưng Damas cũng có một tiếng nói quan trọng. Bởi vì, "sau nhiều năm giao tranh ưu tiên của chính quyền Syria giờ đây là kiểm soát lại toàn bộ lãnh thổ".

Trong cuộc độ sức gián tiếp này giữa Iran và Israel, lập trường của Nga là gì ?

Thái độ của Nga chính là ẩn số trong bài toán nan giải này. Đúng là sự hiện diện của không quân Nga đã cho phép chế độ Damas đảo ngược thế cờ. Nga và Iran cùng ủng hộ Syria nhưng điện Kremlin luôn giữ quan hệ hữu hảo với Israel. Dường như trong đợt tiếp thủ tướng Netanyahu gần đây nhất tại Matxcơva hôm 25/01/2018, tổng thống Putin có hứa là không để an ninh của Israel bị đe dọa.

Theo nhật báo Le Figaro, cựu lãnh đạo Tình Báo Israel Amos Yadlin, tuyên bố : Israel có một lá chủ bài để mặc cả với Nga, bởi vì Putin muốn đem lại ổn định và tái thiết Syria. Còn Israel thì có khả năng phá hỏng mục tiêu của Matxcơva muốn giữ tổng thống Bachar al Assad ở lại chính trường Syria.

Nhưng vấn đề còn lại là liệu Syria và nhất là Iran nghe theo lời Nga tới mức độ nào ?

Trả lời báo Le Figaro, số ra ngày 12/02/2018, phó giám đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược, ông Bruno Tertrais bác bỏ khả năng Nga ngầm bật đèn xanh cho Syria bắn hạ chiến đấu cơ Israel trong vụ va chạm hồi cuối tuần trước. Bởi thứ nhất, Putin muốn giữ chữ tín với thủ tướng Netanyahu đồng thời chủ nhân điện Kremlin muốn đóng vai trò trọng tài để giải quyết xung đột Syria, củng cố vai trò của Nga trong khu vực. Sau cùng, Matxcơva thừa biết rằng đụng chạm tới Israel và Iran là "đùa với lửa".

Những sự cố gần đây cũng là một "cuộc trắc nghiệm về ảnh hưởng của Nga với một bên là Syria và Israel và bên kia là trong quan hệ giữa hai đồng minh là Teheran và Damas".

Ofer Zalzberg, thuộc trung tâm nghiên cứu ICG - International Crisis Group, tác giả một báo cáo vừa được công bố tuần qua về nguy cơ bùng phát xung đột giữa một bên là Israel và bên kia là Syria với Iran phân tích : "Người đang nắm giữ chìa khóa mở ra cánh cổng hòa bình tại Trung Cận Đông hiện nay là Vladimir Putin, (...) Nga là cường quốc duy nhất có đủ tư thế để áp đặt những giới hạn với tất cả các bên bên liên quan".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.