Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Châu Âu chuẩn bị cho cuộc chinh phục sao Hỏa

Đăng ngày:

Ngày 05/02/2018 vừa qua, nhà tỉ phú Mỹ Elon Musk vừa phóng thành công lên không gian tên lửa mạnh nhất thế giới, Falcon Heavy. Kỳ công này đã được giới chuyên gia hoan nghênh và được xem là một bước tiến đến việc đưa con người lên sao Hỏa trong tương lai.

Xe tự hành Curiosity Mars của NASA trên sao Hỏa. Ảnh chụp ngày 23/01/2018.
Xe tự hành Curiosity Mars của NASA trên sao Hỏa. Ảnh chụp ngày 23/01/2018. Reuters
Quảng cáo

Chính là trong viễn cảnh chinh phục sao Hỏa mà các phi hành gia vào ngày 08/02 đã đến vùng sa mạc của Oman để tiến hành nghiên cứu và mô phỏng điều kiện sống trên hành tinh này, trong khuôn khổ chương trình AMADEE-18 do Diễn đàn Không gian Áo ( Austrian Space Forum ) khởi xướng. Chương trình được thực hiện dưới sự bảo trợ của chính phủ Oman và với sự hỗ trợ của các đại học và doanh nghiệp tư nhân châu Âu. Hãng tin AFP ngày 08/02/2018 đã có một bài phóng sự về chương trình này :

« Trong một trại bao quanh là hàng rào kẽm gai, dưới sự canh gác cẩn mật của lực lượng vũ trang địa phương, các nhà nghiên cứu, các nhà sáng chế, các nhà chuyên môn trong ngành không gian, hoặc đơn giản chỉ là những người say mê vũ trụ, tập hợp lại để thực hiện chương trình AMADEE -18. Họ trồng rau quả trong các lồng bằng nhựa hoặc điều khiển những xe tự hành qua một cánh đồng. Các phi hành gia cũng lái những chiếc xe có gắn đầy bình điện dưới cái nóng như thiêu đốt để tiến hành các cuộc thí nghiệm do các nhà nghiên cứu đề ra.

Bao gồm những căn nhà tiền chế, tuy vậy khu trại vẫn có những tiện nghi của con người trên Trái Đất : phòng tắm với nước nóng, máy lạnh, máy phát điện chạy 24 giờ trên 24 để cung cấp điện cho các phòng.

Diễn đàn Không gian Áo không có tên lửa như Elon Musk, nhưng các thành viên của tổ chức này, trong đó có một số người không phải là trong ngành không gian, cũng có quyết tâm sáng chế như nhà tỉ phú Mỹ, tức là tìm những con đường mới bên ngoài những cơ cấu cứng nhắc của những chương trình không gian quốc gia.

Theo lời chủ tịch Diễn đàn Không gian Áo, Alexander Soucek, phần lớn nguồn tài chính của họ là từ các nhà bảo trợ và các doanh nghiệp tư nhân. Ông cũng dự phóng rằng một khi con người lên sao Hỏa, chúng ta sẽ buộc phải sử dụng các nguồn tài nguyên tìm thấy trên đó, vì chúng ta không thể đem theo hết mọi thứ từ Trái đất.

Từ năm 2015, Hoa Kỳ, với sự thúc đẩy của tổng thống Barack Obama, rồi đến Luxembourg, đã đi đầu trong cuộc chạy đua lên không gian, đề ra những khuôn khổ pháp lý cho việc khai thác tài nguyên trên các hành tinh khác. Nhưng hiện giờ, Liên Hiệp Châu Âu chưa có lập trường chính thức trên vấn đề này do vẫn còn bất đồng giữa các thành viên. Ngay cả các phi hành gia tham gia chuong trình AMADEE -18 cũng không đồng nhất ý kiến với nhau.

Trở về vào chập tối sau một chuyến đi thí nghiệm trong sa mạc, ông Kartik Kumar, chuyên gia về « rác » không gian, đưa ra suy nghĩ của ông về vai trò và trách nhiệm của các nhà du hành vũ trụ trong tương lai : « Chúng ta phải tìm ra một sự cân đối giữa việc đặt chân lên sao Hỏa và việc nhìn nhận rằng đây là tài sản chung và phải bảo tòn nó cho các thế hệ tương lai. »

Không gian : Truy tìm hành tinh có sự sống

Ngoài Trái Đất của chúng ta, còn hành tinh nào khác có sự sống, hay nói cách khác, có người ngoài hành tinh không ? Đó là câu hỏi mà từ lâu các nhà khoa học vẫn cố tìm lời giải đáp. Trên 7 hành tinh được khám phá gần đây, nằm trên quỹ đạo của ngôi sao nhỏ Trappist- 1, ngay trong Thái Dương Hệ, cách Trái đất 40 năm ánh sáng, có thể có sự sống, ít ra là về mặt lý thuyết.

Đó là kết luận của một công trình nghiên cứu mà các nhà khoa học vừa công bố ngày 05/02/2018 trên hai tạp chí chuyên môn, Nature Astronomy và Astronomy and Astrophysics. Theo lời ông Amaury Triaud, nhà thiên văn học thuộc Đại học Bỉrmingham, đồng tác giả công trình nghiên cứu, 7 hành tinh nói trên dường như có chứa nước, điều kiện thiết yếu để sự sống hình thành.

Vào tháng 2 năm ngoái, một ê-kíp quốc tế đã khiến cả thế giới xôn xao khi loan báo họ đã phát hiện 7 hành tinh có kích thước giống như Trái đất, nằm chung quanh một ngôi sao nhỏ không tỏa sáng nhiều và cực lạnh. Họ cho biết là các hành tinh đó nằm trong khu vực « có thể có sự sống », tức là có thể có nước dưới dạng lỏng ở bề mặt.

Nghiên cứu vừa được công bố hôm 04/02 vừa qua đã xác nhận điều đó. Theo ông Triaud, hiện chưa có dữ liệu nào xác định là những hành tinh này thật sự có sự sống và dẫu sao thì chúng khác xa so với hành tinh chúng ta. Tuy nhiên, những hành tinh này được coi là nơi tốt nhất trong Thái Dương Hệ mà các nhà khoa học hy vọng tìm thấy dấu vết của sự sống.

Nhật : Dùng robot làm y tá

Tại Nhật Bản, tỉ lệ dân số già đang gia tăng với tốc độ nhanh chưa từng có và số người trong độ tuổi lao động đang sụt giảm mạnh. Chính phủ Tokyo dự phóng là đến năm 2025 các viện dưỡng lão và các bệnh viện sẽ thiếu khoảng 370 ngàn y tá, bác sĩ. Nhưng thay vì cho nhập cư nhiều hơn, chính phủ Nhật lại muốn giải quyết vấn đề đó bằng công nghệ, với việc dùng ngày càng nhiều robot để chăm sóc người già và hỗ trợ cho các nhân viên y tế.

Từ Tokyo, thông tín viên RFI Frédéric Charles gởi về bài tường trình :

« Từ năm 2013, chính phủ Nhật vẫn tài trợ cho việc phát triển các robot chăm sóc người, nhưng những robot này còn ít được sử dụng trong điều kiện thực tế. Các robot chăm sóc người hiện chỉ chiếm 4,5% thị trường robot phục vụ. Vào năm 2013, hãng Toyota đã tung ra thị trường một loại robot có thể bưng đồ cho một bệnh nhân nằm liệt giường, mở cửa hoặc kéo màn. Nhưng robot này chỉ mới được sử dụng tại khoảng 30 trung tâm y tế. Lý do là vì người ta yêu cầu phải bảo đảm là robot không gây thương tích cho bệnh nhân, mà phải mất thêm nhiều thời gian nữa mới đạt được kết quả như vậy.

Trước mắt, chính phủ Nhật đặt ưu tiên vào những robot hỗ trợ cho con người. Ví dụ như trong một số viện dưỡng lão, robot mang tên Robear giúp người già trong việc tắm rửa, cụ thể là khiêng họ vào trong bồn tắm, nhấc họ ra đặt lên xe lăn. Nhưng loại robot này còn rất đắt, nên chỉ mới được sử dụng trong 8% số viện dưỡng lão ở Nhật.

Công nghệ trí thông minh nhân tạo cũng sẽ giúp các robot có thể dự đoán là khi nào bệnh nhân cần đi vệ sinh và dẫn họ đến toa-lét. Mục đích là giúp cho người già được tự lập hơn và như vậy có thể ở tại nhà lâu hơn, chứ chưa cần phải vào viện dưỡng lão ngay.

Về phần Panasonic, hãng này đã chế tạo một robot để giao thuốc cho bệnh nhân, nhưng robot này chưa được sử dụng. Ở Nhật, cũng đã xuất hiện những robot biết tạo cảm xúc như Paro, một loại robot tí hon, có hình dạng một con hải cẩu, hoạt động giống như là một thú cưng cho những người già mắc bệnh Alzheimer. »

Mỹ : Cấm ngủ với nhau trong Hạ viện

Hạ viện Mỹ vừa ra quyết định cấm mọi quan hệ tình ái giữa các dân biểu và nhân viên thuộc cấp của họ, và nếu có vụ kiện cáo nào thì chính họ phải bỏ tiền túi ra để bồi thường các nạn nhân.

Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Corpet tường trình:

“ Buông lời cợt nhả với cô thư ký, hoặc ôm hôn cô ta để giải khuây sau một buổi thảo luận căng thẳng về ngân sách kể từ nay là một hành vi bị cấm ở Hạ viện. Ngày 07/02 vừa qua, các dân biểu đã thông qua một luật cấm mọi lời tán tỉnh hoặc quan hệ tình dục với một nhân viên thuộc cấp, kể cả với các thực tập sinh.

Họ cũng đã thông qua một dự luật quy định là các nghị sĩ phải bỏ tiền túi để bồi thường cho những người mà họ đã sách nhiễu hoặc tấn công tình dục, khi hai bên thỏa thuận với nhau về khoản bồi thường đó để tránh đưa nhau ra tòa. Thỏa thuận kiểu như vậy kể từ nay sẽ được công khai hóa. Cho tới nay, coi như là người đóng thuế phải trả khoản tiền bồi thường đó mà chẳng ai biết là trả cho vị dân biểu nào.

Với việc thông qua hai văn bản nói trên, các nghị sĩ Hoa Kỳ muốn chứng tỏ quyết tâm tự khép mình vào khuôn khổ kỷ luật. Phải nói rằng, hàng loạt vụ tai tiếng lạm dụng tình dục trên khắp nước Mỹ tiếp theo sau vụ Weinstein, nay cũng đã lan đến Quốc Hội Hoa Kỳ. Sáu nghị sĩ đã phải từ chức, hoặc thông báo về hưu hoặc sẽ không tái tranh cử sau khi có những tiết lộ về những hành vi tình dục sai trái của họ. »

« 120 nhịp tim » gặp rắc rối ở Rumani

Hôm Chủ nhật vừa qua, 04/02/2018, những nhà hoạt động Chính Thống Giáo tại Bucarest đã ngăn cản buổi chiếu phim « 120 nhịp tim », với lý do là nội dung của phim này không phù hợp với các giá trị truyền thống của Rumani. Do đạo diễn Pháp dàn dựng, được trao Giải thưởng lớn ở Liên hoan Điện ảnh Cannes vào năm ngoái, « 120 nhịp tim » nói về hoạt động của tổ chức Act Up – Paris vào đầu thập niên 1990 khi bệnh SIDA đã lây lan tại Pháp từ 10 năm qua, nhưng lúc đó công chúng vẫn còn thờ ơ với công cuộc phòng chống dịch bệnh của thế kỷ này.

Từ Bucarest, thông tín viên Benjamin Ribout gởi về bài tường trình :

« Được trao tặng giải thưởng ở Liên hoan điện ảnh Cannes, « 120 nhịp tim », bộ phim của đạo diễn Robin Campillo, nói về việc chữa trị SIDA ở Paris vào đầu thập niên 1990, không hoàn toàn được tán thưởng ở Rumani. Được giới thiệu trong rạp xi-nê của viện bảo tàng Nông Dân tối Chủ nhật vừa qua, buổi chiếu phim đã một nhóm tự nhận là nhà hoạt động Chính Thống Giáo ngăn chận.

Khi được hỏi, những người này khẳng định rằng « không nên chiếu một bộ phim về giới đồng tính trong viện bảo tàng Nông Dân, vì nông dân Rumani là những tín đồ Chính Thống Giáo ». Sau khi tràn vào trong rạp, họ đã trèo lên khán đài, mang theo các ảnh Chúa và hát các thánh ca, quốc ca Rumani.

Trên các tấm biểu ngữ có ghi những hàng chữ như « Rumani không phải là Sodome và Gomorrhe ( hai thành phố mà theo Kinh Thánh, Chúa Trời đã thiêu rụi hoàn toàn, do người dân ở đây hoang dâm vô độ, ngụ ý là có quan hệ đồng tính ).

Cũng nên nhớ rằng rạp xinê này, vốn rất được giới sành điệu phim nghệ thuật tán thưởng, đã từng gặp rắc rối tương tự vào năm 2013 khi tổ chức một cuộc họp mặt của giới đồng tính và buổi chiếu phim Mỹ "The kids are all right", cũng đề cập đến vấn đề đồng tính.

Vấn đề này tiếp tục gây chia rẽ Rumani. Nước này sắp tới đây sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc xem hôn nhân là sự « liên kết giữa một người nam và một người nữ », chứ không phải giữa « hai vợ chồng ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.