Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Kiểm duyệt bức ‘‘Cội nguồn nhân gian’’, Facebook bị ra tòa

Đăng ngày:

Bức họa nổi tiếng ‘‘Cội nguồn nhân gian’’ của danh họa Pháp Gustave Courbert một lần nữa lại gây sóng gió. Lần này là với Facebook. Lần đầu tiên tập đoàn tin học Mỹ bị kiện ra tòa án Pháp. Việc Facebook đóng cửa tài khoản của một giáo viên Pháp đưa bức tranh này lên mạng hồi 2011, là nguồn cơn vụ kiện.

"A l'origine du monde" của Gustave Courbet.
"A l'origine du monde" của Gustave Courbet. AFP/Thomas Coex
Quảng cáo

Ông Stéphane Cottineau, luật sư của nguyên đơn đòi Facebook phải bồi thường 20.000 euro tiền bổi thường, giải thích : « Chúng tôi đòi hỏi cụ thể là tài khoản của khách hàng của chúng tôi phải được mở trở lại. Việc này là quan trọng, bởi vì ông ấy đã bị kiểm duyệt, bị loại trừ, và điều này khiến ông ấy rất khổ sở. (…) Ông ấy là một giáo viên, ông ấy yêu thích nghệ thuật, muốn dùng Facebook để chuyển tải niềm đam mê nghệ thuật của ông ấy. Vậy mà, giờ đây ông ấy lại bị gạt sang bên lề, phần nào bị coi như một kẻ làm ảnh khiêu dâm, như là một kẻ bỏ đi, không đáng tin, một kẻ có những sở thích bệnh hoạn. Mà điều này hoàn toàn không phải như vậy.

Khi làm điều này, Facebook đã tấn công vào một nguyên tắc cơ bản với chúng ta, đó là tự do biểu đạt. Mới đây thôi, và điều này thật sự là kỳ quặc, tôi được biết có những người đã bị kiểm duyệt, chỉ vì đưa lên mạng bức tranh ‘‘Tự Do dẫn đường cho nhân dân’’ của Delacroix ».

09:17

Mời nghe Tạp chí

Bảo vệ triệt để quyền tự do của các cá nhân, nhưng đồng thời làm sao để các hành động ngôn luận tự do không xâm phạm đến người khác luôn là một thách thức kép của nền dân chủ.

Các luật sư của Facebook bác bỏ hoàn toàn động cơ kiểm duyệt, và cho rằng không có bất cứ liên hệ nào giữa việc tài khoản nói trên bị đóng và bức họa của Courbet. Tuy nhiên, tập đoàn tin học Mỹ hết sức tránh đi vào tranh luận về « chính sách điều hòa » thông tin của hãng trên mạng xã hội này.

Chính sách kiểm duyệt của Facebook lâu nay bị khá nhiều chỉ trích, đặc biệt về lĩnh vực tranh ảnh khỏa thân. Trong quy tắc sử dụng mới công bố, Facebook cho biết sẽ dành cho mình quyền xóa bỏ các thông điệp cũng như tranh ảnh kích động bạo lực. Về vấn đề khỏa thân, quy tắc là rất rõ ràng : Không được hở vú, hở các bộ phận sinh dục, và mô tả các hành động tình dục. Trừ trong nghệ thuật.

Ông Zuckerberg cho biết đã tuyển thêm 3.000 điều tiết viên, bên cạnh 4.000 người hiện nay. Các luật sư bên nguyên khuyến nghị các điều tiết viên Facebook nên theo học môn lịch sử nghệ thuật, để phân biệt được nghệ thuật với khiêu dâm khác nhau thế nào.

Ngày 15/03 tới tòa sẽ ra phán quyết về vụ này.

Trung Quốc : Phóng viên tố cáo bị cản trở, chính quyền hỏi : « Ai đồng ý…, giơ tay ! »

Các luật sư chống kiểm duyệt chắc có nhiều việc để làm tại Trung Quốc, nếu như chính bản thân họ không bị nhà cầm quyền ngăn cấm. Tuy nhiên, để ngăn chặn tự do ngôn luận tại Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh còn có nhiều biện pháp khác ngoài kiểm duyệt.

Hôm thứ Ba 30/01 vừa qua, theo AFP, Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài tại Trung Quốc (FCCC) công bố một điều tra cho thấy điều kiện làm việc trong năm 2017 tại Trung Quốc tồi tệ hơn trước. 72% trong số khoảng 100 phóng viên được phỏng vấn, cho biết ít nhất một lần bị ngăn cản trong công việc bởi công an, viên chức chính quyền hoặc các cá nhân không rõ danh tính. Thậm chí có đến 8% trong số họ bị hành hung.

Theo điều tra này, một thủ đoạn phổ biến là chính quyền đe dọa các phóng viên không gia hạn visa, để buộc họ phải công bố các bài vở có lợi hơn cho Trung Quốc.

Ngay sau khi điều tra được công bố, trong buổi họp báo thường lệ hôm thứ Ba, phát ngôn viên Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) yêu cầu các nhà báo có mặt : « Trong số các vị, ai đồng ý hoàn toàn (cũng hàm nghĩa : nếu đồng ý một phần, không được mời trả lời – người viết) … với bản báo cáo của Câu lạc bộ các phóng viên nước ngoài ? Xin mời giơ tay và cho ý kiến ! ».

Không ai đáp lời. Người phát ngôn Trung Quốc lập tức nói thay : « Như vậy bản báo cáo không đại diện cho quan điểm của hơn 600 nhà báo ngoại quốc tại Trung Quốc ! ».

Về thái độ của đại diện bộ Ngoại Giao Trung Quốc, một số người lên án sự trơ trẽn, một số khác thì ghi nhận : biến cuộc họp báo chí quốc tế thành một buổi lấy ý kiến trong nội bộ đảng, chính quyền, phát ngôn viên Trung Quốc quả là bậc thầy về nghệ thuật biến có thành không.

Thêm 176 chuyến bay Tết : Đài Loan bác đề nghị của Bắc Kinh

Trong lúc hai miền Nam Bắc Triều Tiên tạm thời hòa dịu nhờ Thế Vận Hội Mùa đông, căng thẳng hai bờ eo biển Đài Loan lại có chiều gia tăng. Ngày 30/01, đúng hôm Đài Loan tổ chức tập trận chống lại cuộc xâm lược giả định từ phía Bắc, hai hãng hàng không Trung Quốc chính thức thông báo hủy 176 chuyến bay khứ hồi sang Đài Loan, với lý do không được Đài Bắc cấp phép. Thông tín viên Heike Schmidt từ Bắc Kinh cho biết thêm :

« Đài Bắc từ chối cho phép bổ sung thêm 176 chuyến bay nối liền hai bờ eo biển Đài Loan. Người phát ngôn văn phòng về Đài Loan của chính quyền Trung Quốc lên án hành động ngăn chặn bất ngờ này : ‘‘Thái độ bất hợp lý của Đài Loan cản trở hàng chục nghìn khách du lịch, ngăn cản nhiều gia đình đoàn tụ, và làm tổn thương tình cảm của mọi người sống hai bờ eo biển’’.

Mấu chốt của sự bất đồng là Đài Bắc cáo buộc Trung Quốc mở nhiều hành lang bay mới, kể từ đầu năm nay, mà không hỏi ý kiến chính quyền Đài Bắc, và điều này đe dọa an toàn của các tuyến hàng không nội địa của Đài Loan.

Đại diện Trung Quốc lên án việc Đài Loan ‘‘nhập làm một hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, và việc trả đũa các công ty hàng không Trung Quốc gây tổn hại cho chính các công dân và thương nhân của hòn đảo’’.

Do không được có thêm chuyến bay bổ sung trong thời gian Tết, phía Trung Quốc quyết định tăng thêm các chuyến tàu biển nối liền hai bờ. Tuy nhiên, căng thẳng nói trên có nguy cơ làm trầm trọng thêm quan hệ vốn không ngừng xấu đi, kể từ khi tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), một người có quan điểm phê phán Bắc Kinh dữ dội, đắc cử ».

Trong khi Trung Quốc đổ lỗi cho Đài Bắc về vụ 176 chuyến bay bị hủy, theo Reuters, bộ trưởng Giao Thông Đài Loan khẳng định chính quyền không hể ép các công ty, mà chỉ cho rằng các điều kiện hiện tại chưa cho phép. Một doanh nhân Đài Loan làm việc tại Trung Quốc thì cho biết vấn đề thực ra không nghiêm trọng như phía Trung Quốc lớn tiếng, người dân hòn đảo có nhiều cách để trở về nước, ví dụ như qua ngả Hồng Kông.

Dùng người làm thí nghiệm, xe hơi Đức bị lên án

Trong những ngày gần đây, tại châu Âu, ngành xe hơi chạy xăng dầu bị tấn công từ hai mặt. Một mặt, Ủy Ban Châu Âu ngày 30/01, ra tối hậu thư cho 9 nước Liên Âu – trong đó có Pháp, Anh và Đức – có thời hạn 10 ngày để đưa ra các biện pháp cải thiện chất lượng không khí tại đô thị, nếu muốn không bị ra tòa án châu Âu. Xe hơi bị điểm mặt là thủ phạm chính thải ra bụi siêu nhỏ PM10 và điôxít nitơ (NO2). Mặt khác, truyền thông tố cáo các tập đoàn xe hơi Đức Volkswagen, Daimler, BMW, tiến hành thực nghiệm phi đạo lý trên người và khỉ. Vụ việc xảy ra hồi 2013-2014.

Thông tín viên Pascal Thibaut tường trình từ Berlin,

« Ngành công nghiệp xe hơi Đức bị hết tố giác này đến tố giác khác. Sau bê bối hãng Volkswagen gian lận trong chế tạo động cơ diesel, để hạ thấp mức ô nhiễm thực tế, gây chấn động công chúng rộng rãi, các thông tin về việc người bị sử dụng làm vật thí nghiệm trong các trắc nghiệm hít khí đioxít-nitơ trong vòng nhiều giờ, với các liều lượng khác nhau, lại tiếp tục gây chấn động công luận nước Đức.

Theo hai nhật báo Đức, thực nghiệm nói trên đã được một trung tâm nghiên cứu tiến hành với 25 thanh niên, có sức khỏe tốt. Trung tâm này, do một số nhà chế tạo xe hơi Đức thành lập, đã bị giải thể sau đó.

Các tố giác về vụ việc này được đưa ra tiếp theo một số thực nghiệm tương tự được tiến hành trên khỉ, do Volkswagen thực hiện tại Mỹ. Tập đoàn xe hơi Đức này đã xin lỗi. Thống đốc bang Basse-Saxe (Niedersachsen), cũng là cổ đông chính của tập đoàn, ông Stefan Weil, nói đến các ‘‘phương pháp ghê tởm và phi lý’’ ».

Cho đến nay, ngành xe hơi Đức được đánh giá là ăn nên, làm ra nhất châu Âu. Nhưng thái độ khư khư bám lấy các động cơ sử dụng năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm nặng đang khiến các công ty Đức ngày càng trở thành đối tượng bị lên án.

« Công lý Khí hậu » : New York khởi kiện ngành dầu khí

Trái ngược với thái độ nước đôi của các tập đoàn Đức, ở bên kia đại dương, tại California, Hoa Kỳ, chính quyền tiểu bang đang ráo riết hướng đến chân trời không xe hơi xăng dầu. Hôm thứ Sáu, 26/01, thống đốc California thông qua chương trình 2,5 tỉ đô la, trong 8 năm, để xây dựng 250.000 trạm nạp xe hơi điện, với mục tiêu nâng số lượng xe điện và xe khinh khí (hyđro) lên 5 triệu chiếc, từ đây đến 2030.

Trong khi đó, tại miền tây bắc nước Mỹ, thành phố New York vừa có quyết định được đánh giá là lịch sử, khi buộc các tập đoàn dầu khí lớn hàng đầu thế giới, là BP, Chevron, ConocoPhillips, ExxonMobil và Shell, phải trả giá cho việc Trái đất bị hâm nóng, làm thiên tai gia tăng, gây tổn hại nghiêm trọng cho đời sống con người.

Hồ sơ vụ kiện – dài 67 trang – đã được đệ trình lên tòa án liên bang ở Manhattan, ngày 09/01, khẳng định năng lượng hóa thạch là nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu, nhưng các tập đoàn lớn « hoặc cố tình phủ nhận, hoặc giảm thiểu tác hại ». Với New York, quyết đòi công lý trong vấn đề khí hậu không còn chỉ là việc của một vài đô thị nhỏ, hay một cá nhân dũng cảm, nhưng đơn độc. Năm 2018 dự kiến sẽ là năm diễn ra nhiều vụ án lớn, đòi công lý cho khí hậu.

Cuộc giải cứu chưa từng có trong lịch sử leo núi

Những đỉnh cao vẫy gọi. Những đỉnh cao chứa đầy cạm bẫy.

Chinh phục dãy Himalaya vào mùa đông - thách thức ghê người mà các nhà leo núi Ba Lan đặt ra từ những năm 1980 – tiếp tục thu hút những trái tim can đảm nhất, trong đó có một nữ vận động viên người Pháp, 37 tuổi, cao 1 mét 57, nặng 43 kg. Người phụ nữ đầu tiên chinh phục ngọn núi cao 8.126 mét, không người dẫn đường địa phương, không ô-xy trợ lực. Trên đường trở về, cô đã kiệt sức.

Vụ giải cứu được coi là chưa từng có trong lịch sử ngành leo núi xảy ra trong kỳ nghỉ cuối tuần qua. Nữ vận động viên người Pháp Elisabeth Revol suýt bỏ mình trên đường xuống từ đỉnh núi Nanga Parpat, ngọn núi cao thứ chín của dãy Himalaya, rất khó lên, được mệnh danh là « ngọn núi tử thần ». Hai nhà leo núi người Ba Lan - không dây bảo hiểm – đã vượt qua một chặng đường hết sức hiểm trở, với độ cao tổng cộng 1.200 mét, ngay trong đêm tối.

Vận động viên Pháp Elisabeth Revol và hai người giải cứu, Denis Urubko và Adam Bielecki, ngày 28/01/2018.
Vận động viên Pháp Elisabeth Revol và hai người giải cứu, Denis Urubko và Adam Bielecki, ngày 28/01/2018. Courtesy of Adam Bielecki fb.com/adambieleckiteam/Handout via RE

Hai nhà leo núi Ba Lan nói trên là thế hệ tiếp nối những người Ba Lan nổi tiếng năm xưa, được mệnh danh là « các chiến binh băng giá », những người đầu tiên chinh phục Himalaya vào mùa đông.

Tại sao mùa đông ? Lý do đơn giản là trong thời kỳ Ba Lan bị kìm tỏa trong « bức màn sắt » Xô Viết, tất cả các đỉnh cao Himalaya đã có người chinh phục. Đối với những con người dũng cảm, khát khao những chân trời mới, chỉ còn lại mùa đông.

Denis Urubko và Adam Bielecki – hai ân nhân của nữ vận động viên Pháp – nằm trong nhóm các vận động viên xuất sắc nhất, đang chuẩn bị hành trình lên đỉnh cao duy nhất còn lại, được coi là khó khăn nhất của Himalaya : đỉnh K2. Tất nhiên cũng là vào mùa đông.

Dẫn dắt cuộc phiêu lưu này là vận động viên Ba Lan huyền thoại, 68 tuổi, Krzysztof Wielicki, người từng chinh phục đỉnh Everst vào mùa đông năm 1980.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.