Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Goum : Trung tâm thương mại đẹp nhất Nga với 125 năm lịch sử

Đăng ngày:

Tại Quảng Trường Đỏ, đối diện với điện Kremlin, mọc sừng sững một tòa nhà lộng lẫy như cung điện của các bà tiên. Tòa nhà này đã chứng kiến mọi sự chao đảo của nước Nga đầu thế kỷ XX. Nhân chứng lịch sử nước Nga này phải đợi đến tận cuối thế kỷ mới thật sự tỏa sáng.

Một góc khu thương mại Goum. Ảnh chụp ngày 30/03/2000.
Một góc khu thương mại Goum. Ảnh chụp ngày 30/03/2000. ERIC FEFERBERG / AFP
Quảng cáo

Đấy chính là Goum, khu trung tâm thương mại đầu tiên nổi tiếng nhất và đẹp nhất của nước Nga cũng như của cả châu Âu đầu thế kỷ XX. Năm 2018 này đánh dấu đúng 125 năm ngày Goum ra đời.

Từ « hàng xén » đến « Phố Thượng »

Đến tham quan Goum giống như là một chuyến du hành vượt thời gian để hoài niệm quá khứ và để chiêm ngưỡng tất cả những gì đẹp nhất và quý giá nhất. Trải qua bao thăng trầm lịch sử thế kỷ XX nhưng Goum vẫn giữ được dáng vẻ kiêu sa có từ cuối thế kỷ XIX, thời kỳ thịnh nhất của nước Nga. Thông tín viên Hoàng Dung tại Matxcơva lưu ý rằng tên Goum là chỉ mới có từ năm 1920 :

« Thật ra khi mới xây dựng nó vào năm 1893 thì trung tâm này mang tên khác. Nếu dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt có ý nghĩa tương đương là Phố Thượng hay Hàng Thượng. Điều đó có nghĩa là nơi kinh doanh các mặt hàng cao cấp. Tên Goum bắt đầu xuất hiện vào tháng 12/1921, dịch từ tiếng Nga có nghĩa là Cửa Hàng Bách Hóa Tổng Hợp Quốc Gia. Đây là tên viết tắt còn sống lại từ những năm 1920 cho đến nay và trở thành nổi tiếng trên khắp thế giới. Và sau này Goum lại có nghĩa là Cửa Hàng Bách Hóa Tổng Hợp Chính. »

Ngược dòng lịch sử, Goum trước đây chỉ là một dãy phố dài với những gian hàng tạp hóa mọc san sát nhau, trông nhếch nhác tại khu quảng trường Đỏ.

« Từ thế kỷ XV tại đây đã hình thành một khu buôn bán của thị dân. Dần dần khu vực này trở thành một khu buôn bán rất sầm uất tại Quảng Trường Đỏ, nhưng lại không đẹp đẽ bởi vì các quầy hàng nhỏ to lớn bé nằm dọc ngang không theo một trật tự nào tại một khuôn viên quảng trường Đỏ, gọi là trái tim của nước Nga.

Vì vậy, đến cuối thế kỷ XIX, hoàng gia đã đề nghị các nhà buôn ở đây phải góp tiền xây một trung tâm buôn bán đẹp đẽ để không làm mất cảnh quan của thủ đô Matxcơva và để hài hòa với các công trình xây dựng ở đây từ nhiều thế kỷ trước. »

Và thế là ý tưởng xây một trung tâm thương mại nảy sinh từ đấy. Giới phường buôn hăm hở đi khắp châu Âu tìm kiếm một mô hình. Lấy cảm hứng từ những dãy cửa hàng sang trọng Paris, công nghệ đương thời nhưng phong cách Nga vẫn là tiêu chí chủ đạo. Và đó cũng là những gì hai kiến trúc sư Alexandre Pomerantsev và Vladimir Choukhov đã mang đến trong cuộc thi mẫu thiết kế Goum năm 1889.

« Tòa nhà này được xây rất là đặc biệt. Cả trần nhà được làm bằng kính. Hơn 100 năm qua vòm kính này vẫn còn nguyên vẹn (…) Mặc dù được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, nhưng tòa nhà mang nhiều nét cổ điển truyền thống của Nga, để làm phong cách chính của mình. Bởi vì, khu trung tâm này nằm ở quảng trường Đỏ nơi có nhiều công trình xây dựng nổi tiếng mang tính biểu tượng của nước Nga. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho vị kiến trúc sư này là làm sao ngôi nhà này hòa nhập vào dòng kiến trúc chung của quảng trường Đỏ.

Và trên thực tế là ông đã hoàn toàn thành công trong việc tạo nên dáng vẻ cho Goum hiện nay. Goum hài hòa với viện bảo tàng lịch sử được xây dựng trước đó 10 năm, hài hòa với kiến trúc Đại Giáo Đường Thánh Vasili Khổ Hạnh – biểu tượng của Matxcơva, hài hòa với mặt tiền điện Kremlin đối diện với Goum. »

Chính thức khởi công xây dựng vào năm 1890 và kết thúc vào tháng 12/1893. Khu trung tâm được khánh thành linh đình. Một sự thành công vượt bậc. Với 75 000 m2 diện tích, hàng trăm cửa hiệu cao cấp, sự ra đời của Goum đã biến điều không thể thành hiện thực như đánh giá của giới sử gia ngày nay. Châu Âu thời bấy giờ chỉ nói nhiều về Goum. Giới thương gia Pháp cũng bắt đầu sang Nga lập cơ sở để săn lùng những mặt hàng cao cấp của Nga.

Bên trong tòa nhà Goum, khánh thành năm 1893.
Bên trong tòa nhà Goum, khánh thành năm 1893. Wikimedia Commons

Đống tro tàn

Thế nhưng niềm vui tột độ đó chỉ kéo dài được có 25 năm. Cách Mạng Tháng 10 Nga bùng nổ năm 1917. Số phận của Goum cũng lao đao theo những biến cố lịch sử Nga cho đến tận sau ngày Staline qua đời năm 1953.

« Đến năm 1917, khi cuộc cách mạng tháng 10 xảy ra, Goum lập tức bị đóng cửa. Tất cả đều bị quốc hữu hóa, mọi thứ đều phải được phân chia công bằng cho nên không còn kinh doanh buôn bán nữa. Đến naăm 1921, Lê-nin cho mở lại trung tâm buôn bán này, giống như là một thí điểm cho việc mở cửa kinh doanh tự do trong lòng của Nga xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ.

Đến năm 1930, thời kỳ của Staline, Goum một lần nữa bị đóng cửa và bị chuyển đổi công năng thành nơi ở, làm việc của các bộ ngành. Và năm 1945 và 1947, hai lần ông Staline lên kế hoạch giật đổ và phá dỡ tòa nhà này, mục đích là muốn mở rộng quảng trường Đỏ cho lễ duyệt binh vào ngày 07/11.

Dưới thời Brejnev và Gorbatchev, người ta dự định không còn kinh doanh buôn bán hàng hóa ở đây nữa, dự định biến thành khu triển lãm. Nhưng những ý tưởng đó cũng bị loại bỏ. Nhờ vậy Goum đã trở thành trung tâm thương mại sầm uất và đẹp nhất của thủ đô Matxcơva. »

Và có ai biết rằng Nadejda Alliloueva, người vợ thứ hai của Staline từng sống 14 năm lặng lẽ dưới mái vòm của Goum. Vào một ngày tháng 11/1932, người phụ nữ xinh đẹp, đáng kính và bất hạnh đó đã tự kết liễu đời mình bằng một phát súng nhắm thẳng vào tim. Số phận của Goum vốn dĩ đã buồn thảm như thêm tê tái, phải chứng kiến sự ra đi của một người phụ nữ.

Linh cữu của Nadejda Alliloueva được quàn tại đây. Nhưng Staline đã không đến tiễn đưa bà. Tệ hơn nữa ông còn lập danh sách những nhân vật nào đến nghiêng mình kính cẩn tiễn biệt người phụ nữ xấu số. Đối với Staline, vụ tự tử này chẳng khác gì là một sự sỉ nhục đối với bản thân ông, một hành động phản bội của vợ. Có lẽ chính từ ngày này mà Staline bắt đầu không ưa gì Goum.

Phượng Hoàng hồi sinh

Năm 1953, sau khi Staline qua đời, chính quyền Liên Xô lúc bấy giờ quyết định mở cửa lại khu Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp. Việc phục hồi lại Goum là cả một công trình khổng lồ. Mọi thứ đều phải phục chế lại như xưa. Chỉ sau 9 tháng thi công, khu trung tâm thương mại này đã tìm lại được ánh hào quang thuở xưa.

« Sáng kiến mở lại khu thương mại lúc bấy giờ thuộc về ông Anastas Mikoïan, bộ trưởng Thương Mại. Ông muốn biến cửa hàng bách hóa tổng hợp này thành một nơi thí điểm để phát triển ngành công nghiệp nhẹ, sau chuyến đi tham quan Mỹ về. Vì vậy ông đã cho sửa chữa và mở lại Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp chính. »

Một sự thành công ngoài sức tưởng tượng. Trang nhất các báo Nga thời bấy giờ thuật lại rằng mỗi ngày có đến 250 ngàn lượt khách đến khu trung tâm. Goum như con phượng hoàng hồi sinh từ đống tro tàn, tìm lại được nét đẹp kiêu sa lộng lẫy. Thời trang cũng trở nên thịnh hành nhưng vẫn do nhà nước lên kế hoạch và kiểm soát.

Các nhà tạo mốt thời ấy cũng bắt đầu được phép đến Paris để tìm hiểu và nắm bắt xu thế thời trang. Nga thời ấy còn có cả một ủy ban toàn do nam giới phụ trách về thời trang. Cánh mày râu quyết định những kiểu trang phục mốt nào cho giới phụ nữ.

Mùa hè năm 1959, thương hiệu Dior của Pháp lần đầu tiên được mời đến trình làng các mẫu thời trang tại Matxcơva. Trong vòng vài ngày, quảng trường Đỏ biến thành sàn diễn ngoài trời. Người dân Matxcơva lần đầu tiên được khám phá vẻ đẹp khác lạ từ những người mẫu của Dior.

« Sau này người ta còn mời người mẫu của Pháp sang đây để trình diễn mốt trong tòa nhà này rất là đẹp. Chỉ tiếc rằng thời kỳ đó không có nhiều quần áo để mà mua chứ đừng nói phải quảng cáo như bây giờ. Vì vậy hình ảnh những cô người mẫu xinh đẹp của Paris đến trình diễn thời trang ở đây bao giờ cũng là hình ảnh mà các phụ nữ của Liên Xô lúc bấy giờ mơ ước. Vì vậy mà trở thành một ý tưởng ở trong đầu của người dân Liên Xô tất cả những gì đẹp nhất là đều phải nhập ngoại.

Cho nên đến năm 1960, chính trong tòa nhà của Goum này người ta đã mở ra một khu bí mật gọi là cửa hàng 200 chuyên để bán các loại quần áo đẹp nhập ngoại cho gia đình các ủy viên bộ chính trị, nghệ sĩ, phi hành gia... những người có thành tích đặc biệt được cấp một phiếu để vào đây mua sắm những món hàng không mua được ở đâu khác ». 

Ngày nay Goum đã được trả lại dáng vẻ như lúc ban đầu với hàng trăm gian hàng hiệu sang trọng. Nhưng cũng không vì thế người ta xóa sạch các dấu vết thời Liên Xô cũ. Hướng đến tương lai như ý định ban đầu nhưng cũng không quên đi quá khứ.

« Trên tầng 3 của Goum, có một số ô kính để trưng bày các mặt hàng cổ xưa thời Liên Xô để người tham quan bây giờ có thể hình dung được không khí của Goum cách đây gần một thế kỷ, thời kỳ những năm 1930, 1950. Từ chiếc máy phát radio to, những chiếc máy hát đĩa, cho đến những vật dụng thường ngày không ai còn dùng nữa... tất cả được sưu tầm và bày trong những ô kính này cho phép người xem hình dung dòng thời gia đã trôi qua ở đây như thế nào ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.