Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Tunisia : Mùa xuân dang dở

Đăng ngày:

Bảy năm sau cuộc cách mạng lật đổ chế độ tham ô và độc tài Ben Ali, nước Tunisia một lần nữa đứng trước một phong trào phản kháng cùng khẩu hiệu đòi hỏi « việc làm, tự do, nhân phẩm ». Hơn 800 người bị câu lưu sau ba ngày xuống đường khởi đầu từ Tebourba, lan ra nhiều thành phố để kết thúc tại thủ đô Tunis đúng vào ngày 14/01/2018, ngày mà 7 năm trước tổng thống Ben Ali, sau 23 năm cầm quyền độc đoán, tẩu thoát qua Ryad.

Biểu tình trên đường phố thủ đô Tunis, ngày 14/01/2018.
Biểu tình trên đường phố thủ đô Tunis, ngày 14/01/2018. REUTERS/Youssef Boudlal
Quảng cáo

« Cách mạng tiếp diễn ! ». Như câu kinh nhật tụng, khẩu hiệu này vang động đại lộ Bourguiba, con đường đẹp nhất của thủ đô Tunis, trong ngày 14/01/2018. Sau nhiều ngày xung đột với cảnh sát ở các tỉnh phản đối luật ngân sách 2018 bất công, cuộc tuần hành kết thúc tuần lễ tranh đấu diễn ra tại thủ đô. Bên cạnh những di ảnh của những người hy sinh trong cuộc « cách mạng hoa nhài », đoàn biểu tình giương cao những khẩu hiệu đòi cải thiện đời sống, tạo công ăn việc làm, bài trừ nạn tham ô, tôn trọng nhân phẩm…

« Tình hình Tunisia càng ngày càng tồi tệ. Chính phủ vay nợ để lấy tiền đút túi. Dân chúng, không được gì cả, chết đói. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ đưa đến một cuộc cách mạng thứ hai ». Một người biểu tình đã tuyên bố như trên với RFI.

Ám ảnh của giới trẻ : 35% thanh niên thất nghiệp

Cách nay 7 năm, cuộc « cách mạng hoa nhài », khởi điểm của phong trào Mùa Xuân Ả Rập, đã bùng dậy vào ngày 17/11/2010, với ngọn lửa tự thiêu từ Siddi Bouzid, một thành phố nghèo ở miền nam Tunisia, cách xa những khu du lịch sang trọng của miền duyên hải. Mohamed Bouazizi, 26 tuổi, tốt nghiệp đại học nhưng phải đi bán hàng rong để sinh sống, đã mượn giải pháp phản kháng vừa triệt để vừa ôn hoà để chống lại thái độ hiếp đáp, thù hằn của một toán cảnh sát địa phương. Phong trào tranh đấu chống tham nhũng và đời sống đắt đỏ lan rộng chen lẫn với biểu tình bạo động kéo dài gần hai tháng thì tổng thống Ben Ali, sau 23 năm cầm quyền liên tục, phải từ chức và ra đi.

AFP ghi nhận : Từ đó đến nay, Tunisia tìm được tự do, từng bước chuyển mình theo con đường dân chủ. Tuy nhiên, quốc gia duy nhất của Mùa Xuân Ả Rập còn tồn tại, vẫn không thoát ra được trì trệ kinh tế và bất công xã hội.

Còn theo nhà chính trị học Olfa Lamloum, đại học Tunis, phong trào phản kháng chống luật ngân sách 2018 phản ánh lòng phẫn uất của một bộ phận dân chúng, những người đã từng xuống đường tranh đấu vào năm 2011 nhưng 7 năm sau, thấy quyền lợi kinh tế và xã hội của họ bị các chính phủ mới lãng quên. Vì sao các chính quyền nối tiếp nhau không thỏa mãn được các đòi hỏi chính đáng của dân ? Tình hình kinh tế hiện nay ra sao ?

Được chương trình « Décriptage » của RFI đặt câu hỏi, giáo sư Khadija Mohsen- Finan, đại học Paris Sorbonne, chuyên gia chính trị Bắc Phi lần lượt phân tích căn nguyên nguồn cội :

« Đúng vậy, cũng là thành phần dân chúng này, cũng những yêu sách 7 năm trước đây bởi vì mức sống của người dân Tunisia không có gì cải thiện về mặt kinh tế lẫn thành quả xã hội. Đã thế, đời sống càng ngày càng đắt đỏ. Trong bối cảnh này, luật ngân sách 2018 bắt dân chúng phải thắt lưng buộc bụng hy sinh thêm. Chuyển đổi chính trị không làm thay đổi đời sống theo hướng tốt đẹp hơn như mong đợi. Chính vì thế mà họ nổi giận. »

Chính quyền mới, cản lực cũ

Thời gian càng trôi qua người dân Tunisia càng thất vọng vì mục tiêu tranh đấu, vì động cơ thúc đẩy họ xuống đường bất chấp hiểm nguy chưa được giới lãnh đạo mới thực hiện. Trong bản phúc trình 2017, Diễn đàn về quyền kinh tế và xã hội, một tổ chức phi chính phủ của Tunisia thẩm định : Tunisia vẫn giữ nguyên mô hình kinh tế với những cản lực của thời Ben Ali. Cho dù có dân chủ có tiến triển, nhưng thất nghiệp, bất công xã hội và chênh lệch vùng miền vẫn tồn tại và xấu thêm.

Giáo sư Khadija Mohsen-Finan :

« Phong trào phản kháng lần này phát xuất từ nhiều thành phố trong khi cách mạng bảy năm trước bắt đầu từ một tỉnh nghèo của đất nước. Lần này, người dân đòi hỏi chính phủ, và tất cả các chính phủ tiếp nối nhau từ 7 năm qua đã quên lãng vấn đề cải thiện đời sống dân chúng. Tunisia có nhiều thay đổi đã được tiến hành từ sau cách mạng, nhưng những vấn đề dân sinh, kinh tế lại bị lãng quên. Luật ngân sách năm 2018 theo chiều hướng khắc khổ tác động đời sống dân nghèo nhưng các loại thuế khác như thuế lợi tức gia tăng TVA ảnh hưởng đến túi tiền của tất cả mọi người cho nên phong trào phản kháng mới xảy ra đồng loạt trên khắp nước. Tuy đòi hỏi ôn hoà, không bạo động như 7 năm trước, nhưng mục tiêu tranh đấu rất cụ thể và rõ ràng : cải thiện thu nhập của người dân. Những vấn đề chính trị như tự do, vai trò của đảng phái Hồi Giáo trong chính trường được xem là đã tranh luận nhiều rồi nên không cần thiết nói nữa. Bây giờ phải tập trung chăm lo cuộc sống của người dân. »

Kinh tế Tunisia bị tác động nặng nề do sân khấu chính trị bấp bênh. Trong 7 năm, 8 thủ tướng, 285 bộ trưởng nối nhau nắm quyền. Thêm vào đó, các vụ khủng bố đẫm máu trong năm 2015 làm mất du khách, nguồn ngoại tệ chính.

Nợ nần chồng chất, năm 2016, nhà nước phải đi vay Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF 2,4 tỷ đôla tín dụng, cấp dần trong bốn năm, kèm theo điều kiện nghiêm khắc là phải làm giảm thâm thủng ngân sách. Tunis không còn biện pháp nào khác là tăng thuế và đặt thêm thuế mới.

Giáo sư Khadija Mohsen-Finan :

« Tình hình kinh tế Tunisia hiện nay rất xấu bởi vì tăng trưởng chỉ ở mức 2% không vượt thêm được. Với tỷ lệ tăng trưởng thấp như thế thì không thể nào tạo ra công ăn việc làm. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cho vay kèm theo những điều kiện trói buộc ngân sách nghiêm nhặt. Song song với tình thế khó khăn này, ngân sách chính phủ còn thêm một gánh nặng nữa là lương bổng của guồng máy nhà nước. Từ 2012 đến 2014, số công chức tăng từ 600.000 lên 900.000. Đây là một hành động chính trị của đảng Hồi Giáo trong chính phủ Tunisia « đền ơn » cho những cử tri bỏ phiếu cho phe này. Gánh nặng này rất to lớn bởi vì lương công chức chiếm đến 50% ngân sách nhà nước. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, trong ba năm từ 2012 đến 2014, Tunisia không được cai trị tốt bởi vì các bộ trưởng xuất thân từ đối lập không có kinh nghiệm quản lý đất nước. Do thiếu tự tin, sợ thất cử, nên họ mua chuộc cảm tình một bộ phận cử tri bằng chỗ làm trong bộ máy nhà nước, với hậu quả cho đến ngày nay. »

Trong một nước mà trẻ con vốn được gia đình dạy dỗ theo hướng lấy sự học vấn làm phương tiện tiến thân trong đời, nền giáo dục Tunisia bị xuống cấp thê thảm. Diễn đàn FTDS cho biết, trong các năm qua, tỷ lệ học sinh được đi học giảm 96%. Từ 2011 đến nay, mỗi năm 10.000 trẻ em tiểu học bỏ học, 100.000 học sinh trung học rời ghế nhà trường không có bằng cấp. Hiện tượng thanh niên vượt biển sang châu Âu gia tăng từ sau 2011. Trong tuần lễ biểu tình trước ngày kỷ niệm 7 năm cách mạng, nhiều thanh niên ném đá và chai xăng Molotov vào lực lượng cảnh sát chống biểu tình. Theo thống kê của Tổ chức Lao động của Liên Hiệp Quốc, 35% thanh niên Tunisia không có công ăn việc làm.

Vòng luẩn quẩn vẫn tồn tại

Theo chuyên gia Khadija Mohsen-Finan, tuy Ben Ali không còn nữa nhưng một bộ phận xã hội cũ và mafia tiếp tục kiểm soát kinh tế Tunisia. Thành phần đại gia này lại không phải là những người đóng thuế.

Giáo sư Khadija Mohsen-Finan :

« Phải thắt lưng buộc bụng nhưng phải công bình. Tại Tunisia hầu như chỉ những người có thu nhập cố định đóng thuế. Đó là cản lực rất lớn. Phải tăng thu giảm chi để làm giàu cho ngân sách nhưng làm cách nào đây ? 900.000 công chức là kết quả của một thỏa hiệp chính trị. Sa thải không được, mà trợ cấp bồi thường cho họ nghỉ việc cũng không được vì không có ngân sách. »

Tình hình Tunisia không phải vì thế mà tuyệt vọng. Khadija Mohsen-Finan, khách mời của RFI, tin rằng Tunisia sẽ phục hưng nếu được hỗ trợ mạnh mẽ bằng một kế hoạch viện trợ ồ ạt theo mô hình kế hoạch Marshall, mà Mỹ đã giúp Tây Âu tái thiết sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Tương lai : cần thời gian và tuổi trẻ năng động

Trong khi chờ đợi, Tunisia tiếp tục xây dựng nền dân chủ dù gặp nhiều chông gai. Bầu cử chính quyền địa phương đầu tiên, củng cố tiến trình chuyển hóa dân chủ, sau nhiều lần đình hoãn, sẽ diễn ra vào tháng 5 năm 2018. Bầu quốc hội mới và tổng thống mới vào năm sau 2019.

Trong bản phúc trình hàng năm, ICG, trung tâm nghiên cứu xung đột trên thế giới, nhấn mạnh đến một điểm yếu của liên minh cầm quyền : không tin cậy lẫn nhau cho nên đã gây cản trở cho việc xây dựng các định chế cột trụ bảo vệ dân củ. Cụ thế là, ICG kêu gọi phải thiết lập Viện Bảo Hiến trước khi bầu chính quyền địa phương và tổng tuyển cử.

Tuy nhiên, nhìn từ Tunis, nhà phân tích chính trị Olfa Lamloum, đã trích bên trên, tỏ ra lạc quan tin cậy vào thế hệ trẻ. Bà tin rằng « dù phải cần thời gian, nội lực đề kháng của dân tộc vẫn dồi dào, nước Tunisia mà mọi người dân mơ ước, nằm trong đôi bàn tay của những người trẻ hăng say tranh đấu ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.