Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Mỹ : Thực hư về chính sách bảo hộ của Donald Trump

Đăng ngày:

Không che giấu chủ trương bảo hộ ngay từ khi vận động tranh cử cho đến khi bước vào Nhà Trắng. Trong một năm qua chính sách America First của Donald Trump được thực hiện đến đâu và có đem lại hiệu quả mong đợi là giảm nhập siêu của Mỹ với các đối tác thương mại hay không ? Sau đây là phân tích của chuyên gia kinh tế Jean François Boittin thuộc trung tâm nghiên cứu CEPII và Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI.

Donald Trump trong văn phòng Bầu Dục, một năm sau ngày nhậm chức tổng thống. Ảnh ngày 17/01/2018.
Donald Trump trong văn phòng Bầu Dục, một năm sau ngày nhậm chức tổng thống. Ảnh ngày 17/01/2018. REUTERS/Kevin Lamarque
Quảng cáo

Diễn Đàn Kinh Tế thế Giới Davos, Thụy Sĩ 2017 lần đầu tiên trải thảm đỏ đón chủ tịch Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình nổi lên như cột trụ của chính sách tự do mậu dịch và mô hình kinh tế toàn cầu. Tại Hoa Kỳ, Donald Trump chuẩn bị bước Nhà Trắng. Chiến lược kinh tế, thương mại và ngoại giao của tổng thống Mỹ thứ 45 gây hoang mang trong thế giới tự do với khẩu hiệu America First.

Trong ấn bản Davos 2018, mọi chú ý hướng về Donald Trump và bài phát biểu của nguyên thủ Hoa Kỳ vào ngày 26/01/2018, vài giờ trước khi diễn đàn bế mạc. Trước khi tổng thống Mỹ đến trạm trượt tuyết nổi tiếng này của Thụy Sĩ, chính quyền Washington thông báo tăng 50 % thuế nhập khẩu nhắm vào máy giặt quần áo Hàn Quốc và  30 % vào pin mặt trời của Trung Quốc. Hai biện pháp mà nhiều nhà quan sát xem là những phát súng đầu tiên khơi mào cuộc chiến tranh thương mại.

Trước cử tọa hơn 3000 doanh nhân, đại diện của các tổ chức đa quốc gia, các hội đoàn, Donald Trump sẽ nói gì về chính sách thương mại của Mỹ trong ba năm còn lại của nhiệm kỳ, sau khi ông đã liên tục tuyên bố đặt quyền lợi của nước Mỹ, của người lao động Mỹ lên trên hết, đòi cân bằng cán cận thương mại với tất cả các đối tác kinh tế để Hoa Kỳ thịnh vượng lại như xưa, « Make America Great Again » ?

Trong thời gian vận động tranh cử, nhà tỷ phú địa ốc New York này không hề che giấu tư tưởng bảo hộ. Ông không ngần ngại tuyên bố sẵn sàng mở ra những cuộc « chiến tranh thương mại » với những nền kinh tế đã « cướp đi công ăn việc làm của người dân Hoa Kỳ ».

Lời nói đã đi đôi với việc làm : từ việc rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương đến quyết định đòi đàm phán lại thỏa thuận thương mại AFTA với Canada và Mêhicô, khai tử các đàm phán để tiến tới một khu vực tự do mậu dịch giữ Mỹ với Liên Hiệp Châu Âu.

Trump chưa có phép lạ giải quyết nhập siêu

Nếu nhìn vào những chỉ số chính như tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp hay chỉ số chứng khoán, trên cả ba lĩnh vực này, trong 12 tháng dưới chính quyền Trump, nước Mỹ khiến thế giới phải ganh tị. Riêng trong quý 3/2017, GDP tăng 3 % cao hơn mọi dự phóng của chính phủ. Tỷ lệ thất nghiệp (4,1 % trong tháng 10/2017) rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000.

Trên sàn chứng khoán Wall Street, chỉ số Dow Jones, Nasdaq hay S&P500 đều tăng từ kỷ lục này đến kỷ lục khác (Dow Jones tăng 25 % trong vòng một năm, đang từ 19.000 điểm, có lúc gần đụng ngưỡng 25.000 điểm).

Riêng trong lĩnh vực thương mại, Donald Trump không được toại nguyện : Hoa Kỳ vẫn trong tình trạng nhập siêu.

Trả lời RFI Việt Ngữ, chuyên gia kinh tế Jean François Boittin, cộng tác với Trung Tâm Nghiên Cứu Về Triển Vọng Kinh Tế và Thông Tin Quốc Tế -CEPII, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI nhắc lại những khía cạnh khác nhau trong chính sách đặt quyền lợi của nước Mỹ lên trên hết : America First.

Jean François Boittin : Chính sách America First của tổng thống Trump bao hàm nhiều mặt. Về mặt an ninh quốc gia, tiêu biểu nhất là chuyện Washington chủ trương tăng cường kho vũ khí hạt nhân. Trong lĩnh vực năng lượng, chính quyền Trump đã thay thế chiến lược 'độc lập về năng lượng' bằng mục tiêu 'thống lĩnh ngành năng lượng' tức là biến Hoa Kỳ thành một nguồn cung cấp dầu hỏa của thế giới. Sau nữa, liên quan đến vế kinh tế và mậu dịch, thì mục tiêu đặt ra rất rõ ràng : giảm mọi thâm hụt trong cán cân thương mại của Mỹ

RFI : Riêng trên vế thương mại, chính sách America First của tổng thống Trump đã được thể hiện như thế nào và có dễ thực hiện hay không ?

Jean François Boittin : Về thương mại, vấn đề khá đơn giản. Dấu ấn chính của Donald Trump trong một năm cầm quyền vừa qua là rút khỏi hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP. Đây là công việc đầu tiên mà ông đã làm khi ngồi vào chiếc ghế tổng thống ở văn phòng Bầu Dục. Kế hoạch này từng được ứng cử viên Trump thông báo trong suốt thời gian vận động tranh cử. Chúng ta biết rằng, ngoài mức độ quan trọng về phương diện kinh tế, TPP còn là công cụ để Hoa Kỳ kềm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc với các nước trong vùng châu Á và nhất là với các quốc gia Đông Nam Á. Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama đã đưa ra công cụ này để cản đường Trung Quốc muốn áp đặt một mô hình kinh tế theo kiểu của Bắc Kinh với các đối tác kinh tế và thương mại.

Việc thứ nhì mà tổng thống Trump đã làm tiếp theo là đòi xét lại thỏa thuận tự do mậu dịch Bắc Mỹ AFTA có hiệu lực từ năm 1994 giữa Hoa Kỳ với hai nước sát cạnh là Canada và Mêhicô. Tương tự như vậy, chính quyền Trump đòi đàm phán lại thỏa thuận mậu dịch song phương với Hàn Quốc.

Tuy nhiên vấn đề trở nên phức tạp hơn do chiến lược thương mại của Washington dưới thời tổng thống Trump bao hàm hai vế : một là rút lại, hay đòi đàm phán lại các thỏa thuận mà Hoa Kỳ đã ký kết với các đối tác quan trọng, như vừa nói. Vế thứ nhì, Nhà Trắng đưa ra một loạt các biện pháp gọi là để "tự vệ". Thí dụ các biện pháp chống bán phá giá, cạnh tranh bất bình đẳng với hàng của Mỹ, cướp đi việc làm của người lao động Hoa Kỳ ...

Ở vế thứ nhì này, trong một năm qua, chúng ta thấy rằng Washington đã đưa ra hàng loạt những thông báo. Nhưng trên thực tế, phải đợi đến cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai này mới biết được rằng các biện pháp bảo hộ đó được áp dụng hay không.

Xin kể ra một vài thí dụ cụ thể : đến cuối tháng này hay trễ nhất là trong hai tuần đầu tháng 2/2018 chúng ta mới biết được rằng Hoa Kỳ có trừng phạt thép nhập từ Trung Quốc hay không với lý do giá quá rẻ, gây cạnh tranh bất bình đẳng. Tương tự như vậy, nhiều sản phẩm như nhôm, pin mặt trời của Trung Quốc cũng đang trong tầm ngắm của bộ Thương Mại Mỹ. Máy giặt nhập từ Hàn Quốc cũng có thể bị áp thuế.

RFI : Trung Quốc là mục tiêu chính Donald Trump nhắm tới khi mà nhập siêu của Mỹ với nước Á châu này năm ngoái lên tới 276 tỷ đô la tức là chiếm một nửa tổng nhập siêu của Hoa Kỳ ?

Jean François Boittin : Thực ra mà nói, tất cả mọi nền kinh tế trong thế thặng dư thương mại với Mỹ đều bị chính quyền Trump nhắm tới. Trong số này có cả Đức chẳng hạn. Nhưng đúng là Trung Quốc trở thành mục tiêu chính mà Hoa Kỳ muốn nhắm tới.

Bởi thứ nhất, Trung Quốc bán hàng nhiều nhất vào Mỹ và là đối tác có cán cân bất cân bằng nhất với Hoa Kỳ. Hơn một nửa nhập siêu của Mỹ do mua quá nhiều hàng của Trung Quốc. Thứ hai là tuần qua, chính bộ trưởng Quốc Phòng Mattis đã khẳng định rằng Trung Quốc và Nga là hai đối thủ chiến lược cạnh tranh lớn đối với Mỹ. Chúng ta biết rằng, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đọ sức với Hoa Kỳ cả trong các lĩnh vực từ điện toán, đến thông minh nhân tạo, và cả năng lượng sạch.

RFI : Thưa đang làm việc tại thủ đô Washington, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của các biện pháp bảo hộ được chính quyền Trump chủ xướng ?

Jean François Boittin : Hiện tại, chính quyền Mỹ chưa thực sự ban hành một biện pháp bảo hộ nào. Phần lớn các quyết định theo hướng đó sẽ được đưa ra vào cuối tháng này, đầu tháng tới. Câu hỏi đặt ra là các biện pháp bảo hộ như Washington chủ trương liệu có hiệu quả tới đâu và đặc biệt là với Trung Quốc ? Về điểm này, tôi e rằng, một số quyết định của Mỹ sẽ không có hiệu quả.

Thí dụ như Mỹ muốn trừng phạt thép của Trung Quốc bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ. Nhưng nếu như chúng ta nhìn đến cán cân thương mại năm 2017 : Trung Quốc là nguồn cung cấp thép lớn nhất trên thế giới nhưng khách hàng quan trọng nhất của Trung Quốc không phải là Mỹ. Hoa Kỳ mua vào 30 triệu đô la thép trong năm qua, và trong số này, Trung Quốc chỉ bán được cho Mỹ có 1 triệu. Tức là một khối lượng không thấm vào đâu.

Vậy thì phạt Trung Quốc có hiệu quả gì hay không ? Ngược lại đa số các biện pháp bảo hộ do chính quyền Trump đề xuất lại nhắm vào các đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ, như là Canada hay Mêhicô, rồi nhiều nước trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương hay Liên Hiệp Châu Âu. Tôi nghĩ rằng tất cả những khó khăn đặt ra với chính sách bảo hộ của Donald Trump nằm ở chỗ đó.

RFI : Xin một câu hỏi chót : đến giờ phút này theo đánh giá của ông, thực hư ra sao về chính sách bảo hộ của Donald Trump hay « Make America Great Again » cũng như « America First » chỉ là những khẩu hiệu vận động tranh cử ?

Jean François Boittin : Nếu chỉ là khẩu hiệu tranh cử thì đây là kịch bản tối ưu. Nhưng tôi bi quan hơn và không tin là chỉ có thế. Bởi Donald Trump nói ra những điều mà ông tin như thật và bằng mọi giá muốn thực hiện điều đó. Tôi lấy thí dụ : liên quan đến bức tường ở đường biên giới giữa Mỹ với Mêhicô. Hôm 18 tháng Giêng vừa qua, chánh văn phòng phủ tổng thống tướng John Kelly để ngỏ khả năng Nhà Trắng xét lại dự án này vì theo lời tướng Kelly, tổng thống Trump "không được thông tin đầy đủ" về hồ sơ nhạy cảm đó. Lập tức 5 giờ sau, đích thân Donald Trump gửi tin nhắn trên Twitter khẳng định rằng Mỹ sẽ xây tường với Mêhicô, kế hoạch đó sẽ được thực hiện.

Nói cách khác, tổng thống Mỹ luôn tỏ ra ông muốn đi tới cùng và tôi e rằng, chính sách khăng khăng đó sẽ gây nhiều thiệt hại về mặt thương mại. Hoa Kỳ sẽ có những biện pháp bảo hộ làm đảo lộn trật tự thương mại thế giới.

RFI xin cảm ơn chuyên gia kinh tế Jean François Boittin, chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu CEPII và Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.