Vào nội dung chính
SYRIA - KURDISTAN - MỸ

Lá bài Lực lượng Biên phòng Kurdistan của Mỹ tại Syria

Ngày 13/01/2018, Washington thông báo ý định thành lập Lực lượng Biên phòng tại Syria (Boder Securiry Force) từ giờ đến vài năm nữa để duy trì ổn định trong khu vực và ngăn khủng bố thánh chiến tái xuất hiện.

Người dân Syria phản đối đe dọa tấn công Afrin (Syria) của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, tại Haska, Syria, ngày 18/01/2018.
Người dân Syria phản đối đe dọa tấn công Afrin (Syria) của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, tại Haska, Syria, ngày 18/01/2018. REUTERS/Rodi Said
Quảng cáo

Ngày 15/01, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố “giết ngay trong trứng nước lực lượng khủng bố” mà Mỹ định xây dựng. Ngay hôm sau 16/01, đến lượt thủ lĩnh quân du kích Kurdistan tại Syria cam kết “dọn sạch” khu vực khỏi “hiểm họa” Thổ Nhĩ Kỳ, như từng “quét sạch Daech khỏi vùng”.

Washington tính toán gì khi muốn duy trì lực lượng Kurdistan tại Syria ? Phản ứng của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào ? RFI tiếng Việt tổng hợp một số bài viết (Le Monde, RTL Bỉ, Mediapart, Sputnik) về chủ đề này.

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ e ngại Lực lượng Bảo vệ Nhân dân Kurdistan ?

Lực lượng Bảo vệ Nhân dân Kurdistan (YPG) hiện kiểm soát nhiều đô thị quan trọng ở một số vùng tây bắc Syria (gần biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ), trong đó có hai thành phố lớn Manbij và Afrin.

YPG là một đồng minh chủ đạo của Mỹ và liên quân quốc tế trong cuộc chiến chống thánh chiến tại Syria, nhưng lại bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là “quân khủng bố”. Theo thông báo của Hoa Kỳ, YPG sẽ chiếm một nửa quân số và giữ vị trí quan trọng trong lực lượng biên phòng khoảng 30.000 người và nửa còn lại là Lực lượng Dân chủ Syria (FDS), hiện kiểm soát tất cả các vùng đất bên hữu ngạn sông Euphrate cho đến biên giới Irak.

Cùng với đồng minh Ả Rập, người Kurdistan tại Syria đã thành lập Liên đoàn Bắc Syria, một thực thể chính trị hoạt động trên các địa bàn do họ kiểm soát. Ông Khaled Issa, đại diện tại Paris của Liên đoàn này, được Le Monde trích đăng ngày 16/01, cho biết, “kế hoạch chính trị của chúng tôi là một kế hoạch Syria và lực lượng biên phòng chỉ có mục đích bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Syria”.

Mỹ tính gì khi muốn thành lập Lực lượng Biên phòng tại Syria ?

Quân đội Mỹ khẳng định lực lượng biên phòng mới tại Syria không nhằm mục đích đối đầu với Ankara. Cụ thể, theo phát biểu của tướng Ryan S. Dillon, phát ngôn viên tại Bagdad của liên quân quốc tế với nhật báo Le Monde (16/01), “Liên quân quốc tế kết hợp với FDS để thiết lập một lực lượng an ninh dọc biên giới giữa Irak và Syria. Mục tiêu của lực lượng này là đánh bại hoàn toàn tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, ngăn chặn mọi điều kiện có thể khiến tổ chức này tái xuất hiện và hạn chế làn sóng chiến binh khủng bố nước ngoài tại Irak, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu”.

Tuy nhiên, theo Le Monde, 30.000 người là một con số ấn tượng. Tháng 12/2017, bộ Quốc Phòng Mỹ từng thừa nhận sẽ duy trì một đội ngũ 2.000 quân Mỹ tại Syria, được triển khai ban đầu trong khuôn khổ chống Daech. Hiện giờ, mối đe doạ thánh chiến tạm lùi xa, các quan chức Mỹ công khai thanh minh sự hiện diện của lực lượng này là nhằm “ngăn chặn ảnh hưởng của Iran và sự ủng hộ của Matxcơva đối với chế độ Bachar Al Assad”, như phát biểu ngày 11/01 trước Ủy ban Đối Ngoại Thượng Viện Mỹ của ông David Satterfield, trợ lý ngoại trưởng tạm quyền, đặc trách về Cận Đông.

Còn chuyên gia Joshua Landis, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Trung Đông tại đại học Oklahoma, đánh giá rằng Hoa Kỳ tìm cách ngăn cản Damas lấy lại quyền kiểm soát lãnh thổ Syria. Ông viết : Bằng cách duy trì một chính phủ Syria suy yếu và chia rẽ, Hoa Kỳ hy vọng bác bỏ những thắng lợi của Iran và Nga. Washington cũng muốn là chính sách ủng hộ Kurdistan sẽ tăng thêm ảnh hưởng của Mỹ trong vùng và sẽ giúp đẩy lùi Iran. Trong bối cảnh này, quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ bị vạ lây.

Thổ Nhĩ Kỳ đòi diệt “ổ khủng bố”, Nga tố Mỹ ngăn Syria thống nhất

Ankara luôn cáo buộc dân quân Kurdistan là một chi nhánh của đảng Lao Động Kurdistan (PKK), thường gây bạo động tại Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1984 và bị liệt vào danh sách “khủng bố”. Vì vậy, Ankara luôn sợ rằng YPG đóng quân lâu dài tại cửa ngõ phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trang Sputnik (16/01) của Nga nhắc lại rằng tháng 03/2017, Ankara thông báo thành công của chiến dịch loại người Kurdistan khỏi các vùng đất gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, nhưng thường xuyên đe dọa tấn công Mabij và Afrin. Đây cũng là nhận định của đại diện Liên đoàn Bắc Syria tại Paris với Le Monde : “Ankara muốn chiếm Afrin đổi lại việc Damas chiếm lại tỉnh Idlib”, trong khi đây lại là vùng đất Syria cuối cùng vẫn hoàn toàn nằm trong tay các phe nổi dậy chống chế độ của tổng thống Bachar Al Assad.

Tổng thống Erdogan thẳng thừng tuyên bố “chiến dịch có thể bắt đầu bất cứ lúc nào” và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến bước “cho đến khi không còn một kẻ khủng bố nào”. Còn tổ chức Quan Sát Bắc Syria (Northern Syrian Observer, NSO), được Sputnik trích dẫn, cho biết Hoa Kỳ đã thỏa thuận ngầm chuyển súng phóng tên lửa phòng không cho Lực lượng Bảo vệ Nhân dân Kurdistan (YPG). Quân đội Mỹ cũng nói rõ với YPG chỉ sử dụng loại vũ khí này trong trường hợp Afrin bị các lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ tấn công.

Nhật báo Le Monde nhắc lại rằng Ankara từng dọa như vậy, nhưng không thể thực hiện nếu không được Matxcơva “bật đèn xanh” vì quân đội Nga duy trì sự hiện diện tại một khu vực ở Afrin. Còn theo nhận định của Jean-Paul Baquiast, trên blog Mediapart (16/01), nếu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thật sự tấn công Lực lượng Bảo vệ Nhân dân Kurdistan như lời đe dọa của tổng thống Erdogan, điều này sẽ khiến Damas, đặc biệt là Matxcơva, phẫn nộ. Như vậy, Washington hy vọng làm suy yếu liên minh Nga-Thổ. Trong khi đó, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang thúc đẩy một tiến trình được cho là nhằm giảm bớt căng thẳng quân sự giữa các bên tham chiến tại Syria.

Nga và Mỹ chạy đua căn cứ quân sự ở Syria ?

Một bài viết khác trên Sputnik (17/01), dịch từ tuần báo Defense News, nhận định “Nga và Hoa Kỳ dường như chạy đua căn cứ quân sự tại Syria” vì muốn tăng cường hiện diện ở quốc gia có vị trí chiến lược này. Mỹ đã triển khai căn cứ ở Tabqa, trước là một căn cứ không quân Syria, gần thành phố Raqqa. Tại đây, các cố vấn Mỹ đang huấn luyện lực lượng Kurdistan. Một căn cứ khác đã được xây tại Al-Tanf, và quân đội Mỹ không chấp nhận sự hiện diện của lực lượng Nga và Syria tại đây.

Trong khi đó, Nga có hai căn cứ quân sự trên lãnh thổ Syria : một căn cứ không quân ở Hmeimim và một hải quân ở Tartus. Vị tướng nghỉ hưu người Liban Wehbe Katicha giải thích nguyên nhân Nga và Mỹ cạnh tranh nhau trên lãnh thổ Syria, kể cả về lĩnh vực căn cứ quân sự, là do vị trí chiến lược của nước này tại Cận Đông và vùng Vịnh.

Ngoài ra, Nga cũng muốn trở lại là một cường quốc trên thế giới. Vẫn theo vị tướng Liban, chính chiến dịch quân sự tại Syria đã giúp Nga tăng lượng xuất khẩu vũ khí. Thỏa thuận bán hệ thống tên lửa địa đối không S-400 Triumph của Nga cho Ả Rập Xê Út cũng là kết quả từ thành công của các chiến dịch quân sự Nga tại Syria.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.