Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

2018 : Nên đầu tư vào vàng, dầu hỏa hay đô la ?

Đăng ngày:

Vàng tăng hơn 10% năm ngoái và có khuynh hướng tiếp tục tăng do Trung Quốc và Ấn Độ giàu hơn, mua vàng nhiều hơn. Đầu năm 2018, dầu hỏa đang tăng giá trở lại trước viễn cảnh nhiều xung đột trên thế giới, đô la trồi sụt tùy theo chính sách kinh tế và tiền tệ của Mỹ.

Vàng, giá trị "bảo đảm" từ muôn đời.
Vàng, giá trị "bảo đảm" từ muôn đời. Reuters
Quảng cáo

Đầu tư vào đâu dễ kiếm lời trong năm 2018 ? Đó là câu hỏi mà các tờ báo tài chính đua nhau tìm cách giải đáp. Nếu như chỉ căn cứ vào thị trường kim loại và nguyên liệu thì câu trả lời thiên về vàng và dầu hỏa.

Kim loại được chý ý tới nhất mọi thời đại luôn là vàng. 2017 đầu tư vào vàng có lãi nhất kể từ 2010. Phải hiểu như thế nào về hiện tượng "chuộng" vàng đó ? Claire Farge, nhà báo của đài RFI chuyên theo dõi thời giá kim loại và nguyên liệu phân tích :

"Vàng bước sang đầu năm mới với kỷ lục, trên 1.300 đô la một ounce, tức tương đương với 31 grammes. Đây là giá cao nhất từ 4 tháng qua. Nhìn rộng ra cả năm 2017 giá vàng tăng 13 %. Tăng 13 % không phải là thành tích ghê gớm lắm, nhưng vào lúc mà đầu tư vào các cổ phiếu, công trái phiếu đã có lãi trở lại và một phần các nhà đầu cơ trên thế giới chuộng đồng tiền ảo Bitcoin, mà vàng vẫn tăng giá thì cũng là một dấu hiệu cho thấy sức mạnh của kim loại này.

Ngoài ra, thông thường khi kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại thì vàng mất giá, nhưng trong năm 2017, người ta vẫn có khuynh hướng tích trữ vàng cho dù toàn cảnh kinh tế ở mọi nơi đã sáng sủa hơn.

Riêng về đồng đô la Mỹ, trong thời gian qua đô la mất giá và đã "rơi" mạnh nhất từ một chục năm qua khi tổng thống Donald Trump tiến hành chính sách cải tổ thuế khóa gây lo ngại nợ công của Hoa Kỳ tăng nhanh. Đô la mất giá cũng là một yếu tố khiến mọi người chuyển sang mua vàng, đẩy giá vàng lên cao.

Nhìn tới dầu hỏa, trong năm 2017, giá dầu tăng khá mạnh sau khi liên tục mất giá trong giai đoạn 2014- 2016 gây lo ngại lạm phát. Để tránh bị mất mãi lực vì vật giá leo thang, người ta thường mua vàng để dành. Căng thẳng trên thế giới ngày càng nhiều, từ hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên đến Trung Cận Đông, đặc biệt là ở Libya, Iran ... và cả châu Âu, có khuynh hướng đẩy giá dầu lên cao hơn nữa vào năm nay.

Toàn cảnh thế giới mà càng nhiễu nhương, khủng hoảng ngoại giao hay chính trị càng nhiều, thì mọi người càng chuộng mua vàng. Khuynh hướng giá vàng tăng tiếp tục kéo dài trong năm 2018".

Ấn Độ và Trung Quốc đẩy giá vàng lên cao

Nhiều cơ quan chuyên về thị trường vàng bạc trên thế giới chờ đợi vàng tăng giá trong 12 tháng tới đây. Tổ hợp đầu tư của Anh Schroders dự báo tư bản trên thế giới sẽ dồn dập đổ vào các tập đoàn khai thác kim loại để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Còn theo phân tích của tổ hợp vàng World Gold Council, trụ sở tại Luân Đôn, yếu tố quan trọng nhất đẩy giá kim loại lên cao trong năm nay là Ấn Độ và Trung Quốc : hai nền kinh tế này đang trong chu kỳ thịnh vượng, (GDP của Ấn Độ đang bắt kịp Pháp) người dân tại đây lại rất chuộng vàng. 65 % nhu cầu tiêu thụ kim loại này của thế giới xuất phát từ Ấn Độ và Trung Quốc. Điển hình là vàng luôn tăng giá vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán hay mỗi mùa cưới tại Ấn Độ.

Đô la Mỹ : những tín hiệu trái ngược

Nhìn đến đô la, 2017 là năm đồng tiền "mạnh nhất thế giới" trượt giá. Mọi người còn nhớ đầu tháng 12/2016, tức là một tháng sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, đô la tăng giá 6 % so với đồng euro.

Nhưng rồi "chiến lược kinh tế" không rõ ràng của nhà tỷ phú người Mỹ này gây thất vọng. Giới tài chính Pháp cho rằng : năm đầu tiên Donald Trump ở Nhà Trắng là thời điểm "tệ hại nhất" đối với đồng đô la từ 15 năm trở lại đây. Đơn vị tiền tệ của Mỹ mất giá gần 10 % so với 19 đồng tiền trên thế giới, trượt giá 12,7 % so với đồng tiền chung châu Âu.

Nhưng bên cạnh đó thì chính sách tiền tệ của Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ đang được mọi người theo dõi : Fed tăng lãi suất chỉ đạo ba lần liên tiếp trong năm 2017, nâng chỉ số này lên mức 1,5 % vào tháng 12/2017. Thống đốc Cục Dự Trữ Liên Bang, Janet Yellen, chuẩn bị ra đi nhưng bà báo trước là Fed sẽ tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ. Trên nguyên tắc đến cuối 2018 lãi suất chỉ đạo của ngân hàng Mỹ sẽ đạt 2,5%.

Với lãi suất ngân hàng liên tục tăng như vậy, đầu tư vào Mỹ có lời và mọi người chờ đợi từ nay đến cuối năm, thế giới sẽ mua vào đô la để đầu tư trên đất Hoa Kỳ. Dù vậy trước mắt đô la còn đang rất "mềm giá". Phải chăng lúc này là thời điểm nên mua vào đô la để chờ thời cơ ?

Iran, điểm nóng của dầu hỏa thế giới

Còn với vàng đen thì sao ? Trong hai tuần lễ đầu năm 2018 Iran phải đối mặt với một làn sóng phản kháng, giá dầu hỏa tăng mạnh, dao động ở ngưỡng 70 đô la một thùng, tăng gần 50 % so với sáu tháng trước. Đây cũng là mức cao nhất từ thang 12/2014.

Giới trong ngành lưu ý, nội tình chính trị Iran gây lo ngại, đó là chưa kể những lời đe dọa liên tiếp của tổng thống Mỹ đòi hủy thỏa thuận hạt nhân Iran. Chính sách ngoại giao qua Twitter của chủ nhân Nhà Trắng thường xuyên "đổ thêm dầu vào lửa" tại những "giềng dầu" của thế giới.

Claire Farge, nhà báo của đài RFI chuyên theo dõi thời giá kim loại và nguyên liệu phân tích :

"Giới trong ngành còn bị ám ảnh về kịch bản cuối năm 1978. Khi đó nhân viên làm việc tại các cơ sở dầu khí Iran đi theo cuộc cách mạng Hồi Giáo. Nhà máy không ai chăm lo. Mức sản xuất rơi xuống số không. Lần này Lực Lượng Vệ Binh Hồi Giáo Iran theo dõi sát các hoạt động tại các nhà máy dầu.

Nhờ vậy mà ngay từ đầu năm 2017, khi một vài cuộc biểu tình nhỏ lác đác nổ ra tại Khuzhestan, một vùng đất giàu tài nguyên của Iran, nhưng lượng sản xuất không hề bị ảnh hưởng.

Lần này bất ổn tại Iran xảy ra đúng vào mùa đông, lúc mà dự trữ dầu thô của thế giới hạn hẹp hơn một chút.

Trước biểu tình ở Iran, đường ống dẫn dầu tại Libya đã bị cháy. Các yếu tố đó cộng lại khiến giá dầu tăng thêm, lên tới mức 68 đô la ngày 04/01/2018. Điều khiến mọi người lo ngại là Iran đứng thứ ba trong số các nước sản xuất dầu của tổ chức OPEP, xuất khẩu 2,5 triệu thùng dầu mỗi ngày, sản xuất 3,8 triệu thùng như quy định của khối OPEP. 40 % khối lượng dầu xuất khẩu của Iran đổ vào thị trường châu Âu, 60 % hướng về châu Á".

Ngoài Iran, thì còn phải nhìn đến Ả Rập Xê Út : vương quốc dầu hỏa này đang phải đối mặt với nhiều thách thức cả về chính trị, xã hội lẫn kinh tế. Đó là chưa kể cuộc đọ sức về địa chính trị giữa hai thành viên quan trọng bậc nhất của Tổ Chức Các Nước Xuất Khẩu Dầu Hỏa OPEC là Ả Rập Xê Út và Iran.

Rất xa khu vực Trung Cận Đông, một nguồn cung cấp dầu hỏa khác của thế giới là Venezuela tiếp tục phải đối mặt với khủng hoảng chính trị.

Dù vậy trong dài hạn các chuyên gia cho rằng thị trường dầu hỏa sẽ ổn định trở lại, chủ yếu nhờ dầu đá phiến của Mỹ. Theo thẩm định của cơ tổ hợp đầu tư Alpha Value trụ sở tại Paris, khả năng cung cấp của Mỹ sẽ tăng thêm từ 1 đến 1,2 triệu thùng dầu từ nay đến cuối năm. Còn ngân hàng BNP Paribas thì dự phóng giá dầu trong năm nay sẽ ở quãng 58 đô la một thùng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.