Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Ý : Người ham muốn nghe kể chuyện tình yêu

Đăng ngày:

Một người Ý thích lắng nghe những câu chuyện tình yêu ; Giới hạn tuổi thành hôn cho thiếu nhi gây tranh cãi ở Thổ Nhĩ Kỳ ; Người dân Nhật không thích rủi ro nhưng mê tiền ảo bitcoin và Colombia được xếp thứ hai trong số các quốc gia hạnh phúc nhất, trên cả Việt Nam đứng hàng thứ năm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. Pixabay
Quảng cáo

Lắng nghe chuyện tình yêu của người khác, thoảng nghe có vẻ lạ lẫm, nhưng đó lại là ý tưởng độc đáo của một người Ý đã về hưu, ông Salvino Sagoné.  Vì sao ông lại có ý tưởng kỳ khôi này ? Thông tín viên Cecile Debarge tại Ý giải thích :

« Salvino Sagoné đặt hai chiếc ghế ở ngay giữa con phố nhỏ, chỉ cách Viện bảo tàng văn hóa Milano – MUDEC – có vài mét, nơi có trưng bày các bức tranh của Klimt hay của Kandinsky. Nếu có ai hỏi ông làm gì thì ông giơ ra tấm biển nhỏ bằng carton trên đó có ghi hàng chữ viết hoa : Tôi lắng nghe câu chuyện tình của bạn.

Có rất nhiều người tò mò và ít ai dám thổ lộ chuyện tình thầm kín của mình cho một người hoàn toàn xa lạ. Tuy nhiên, khi ông đã có kinh nghiệm mang đậm chất thơ hiếm hoi, ông thu thập được nhiều chuyện, trong đó có chuyện một cặp vợ chồng tuổi khoảng 30. Một người làm việc ở Milano, người kia ở Turino. Họ quá yêu và thương nhớ nhau nên chỉ gặp nhau vào cuối tuần thì không đủ. Họ quyết định thứ Tư hàng tuần, cùng đi đến một nơi ở giữa Milano và Turino để có nhau vào buổi tối.

Hay là chuyện một người phụ nữ khoảng bốn chục tuổi chưa bao giờ được biết tình yêu là gì. Ông đề xuất với cô là cùng viết một câu chuyện tình yêu mà cô mong muốn có để có thể kể cho người khác nghe.

Thực ra, ý tưởng lắng nghe chuyện tình yêu của người khác, nẩy sinh ở thủ đô Montevideo, Uruguay và đã được mang sang tận Ý thông qua ông giám đốc Liên hoan thơ ca, vì ông là người Uruguay.

Khi ông giám đốc nói ra ý tưởng này với những hiệp hội các nhà thơ, Salvino Sagoné đã quyết định làm ngay. Năm nay khoảng sáu chục tuổi, râu tóc bạc phơ, với cặp kính tròn, Salvino Sagoné là người yêu thích thơ ca và luôn luôn khao khát tình yêu.

Một buổi sáng năm 1977, ông có hẹn gặp một người phụ nữ mà ông không hề biết trước đó. Ngay lập tức đó là cú sét đánh tình ái. Ông mời cô đi ăn trưa ở Venezia, thành phố lý tưởng của tình yêu. Họ kết hôn, thành vợ thành chồng.

Cho đến nay, cựu nhân viên trắc địa không hề tỏ ra chán nghe những câu chuyện tình yêu của người khác. Ông nói : Sớm muộn gì tôi sẽ chuyển giao công việc này cho người khác, nhưng hiện nay, trái tim và tai tôi vẫn chưa hề chán nghe những câu chuyện tình ».

Thổ Nhĩ Kỳ : Đầu năm tranh cãi về tuổi hôn nhân cho thiếu nhi

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, mới ngày đầu năm mà đã có một cuộc tranh luận dữ dội. Nguyên nhân là cơ quan đặc trách tôn giáo nước này đã cho đăng một thông tri cho rằng tuổi có thể thành hôn cho thiếu nhi bắt đầu từ 9 tuổi cho bé gái và 12 tuổi cho bé trai.

Theo tường thuật của thông tín viên Alexandre Billette tại Istanbul, vụ việc đã làm dấy lên nhiều lời chỉ trích đến mức ngay ngày hôm sau, cơ quan tôn giáo này phải rút bỏ văn bản trên.

« Được đăng trên trang Diyanet, Cơ quan Đặc trách Tôn Giáo vào ngày thứ Ba 02/01/2018, thông tri này có ý định phổ biến luật lệ đạo Hồi nhưng không nhằm để đưa vào áp dụng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng, phe đối lập và các phong trào ủng hộ thế tục đã lên án điều mà họ cho là khuyến khích các hành động xâm hại tình dục nhắm vào trẻ em.

Trước làn sóng chỉ trích, Diyanet buộc phải rút thông tri này khỏi trang mạng, với lập luận là không nhằm mục đích khuyến khích tập quán này và ban lãnh đạo cơ quan tôn giáo không chấp nhận hôn nhân đối với trẻ vị thành niên.

Và cũng chính Diyanet là cơ quan công bố các bài thuyết giáo vào hôm thứ Sáu 05/01 trong các đền thờ Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Bài thuyết giáo trong tuần đầu năm cũng vừa đề cập đến chủ đề này, nhắc lại rằng hôn nhân cưỡng bức trẻ em, trẻ vị thành niên, trên thực tế là từng bị cấm trong các sách kinh Coran. »

Giáo sĩ là những công chức nhà nước

Vẫn theo giải thích của thông tín viên Alexandre Billette, tại Thổ Nhĩ Kỳ, Cơ quan đặc trách tôn giáo là một định chế công có từ lâu đời (được hình thành từ năm 1924), do chính phủ tài trợ và rất quyền lực. Hơn nữa các giáo sĩ là những công chức nhà nước, do Diyanet quản lý và trả lương. Hiện nay, với hơn 100.000 công chức, định chế này có nhiệm vụ quản lý các trường tôn giáo, ngày càng nở rộ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Đáng lưu ý là kể từ khi đảng AKP của ông Recep Tayyip Erdogan lên cầm quyền, tầm quan trọng của định chế này càng được mở rộng và ngân sách cho cơ quan này cũng vì thế mà tăng vọt.

Dân Nhật Bản mê tiền ảo bitcoin hơn những nơi khác

Cũng trong những ngày đầu năm, đồng tiền ảo bitcoin đang gây sốt tại Nhật Bản. Ngày càng có nhiều dân Nhật đầu cơ vào tiền ảo bitcoin hơn những nơi khác. Điều nghịch lý là Nhật Bản lại là một quốc gia vốn rất bảo thủ trong lĩnh vực rủi ro. Giờ đây, giới kinh doanh nghệ thuật cũng bị cuốn hút theo.

Thông tín viên Frédéric Charles tại Tokyo cho biết một nhóm nhạc Nhật gồm tám nữ ca sĩ đã được thành lập để vinh danh những đồng tiền ảo. Thứ Sáu, 12/01/2018, nhóm nhạc này có buổi trình diễn đầu tiên tại Tokyo.

« Các bạn có thể thưởng thức các bài hát của nhóm này. Đó là tám cô gái, trang phục biểu diễn ca nhạc theo truyền thống Nhật Bản, đeo yếm của người giúp việc, đi bít tất (vớ) đến đầu gối. Điểm khác biệt trong trang phục lòe loẹt của loại nhạc giải trí Nhật Bản là các nữ ca sĩ lại đeo mặt nạ, hình các loại đồng tiền ảo, như Bitcoin, đồng Etherum, đồng Ripple v.v. Họ có buổi trình diễn đầu tiên ngày 12/01 và những người ủng hộ, hâm mộ nhóm nhạc đương nhiên là dùng tiền ảo để mua vé vào xem. »

Nhóm nhạc ca ngợi các đặc tính của tiền ảo, thậm chí họ tỏ ra rất hiểu biết về loại tiền này. Trong một tuyên bố chính thức, trên internet, trưởng nhóm, cô Rara, 18 tuổi, đã tỏ ra là người quản lý rất có kinh nghiệm và khẳng định rằng các loại tiền ảo không chỉ đơn thuần là công cụ đầu cơ mà còn là một công nghệ tuyệt vời cần được sử dụng rộng rãi trong mua bán hàng hóa và dịch vụ.

Đồng tiền ảo có sức hút mạnh mẽ đến mức, một doanh nghiệp Nhật Bản cung ứng dịch vụ trên internet đã đề xuất trả một phần lương cho nhân viên bằng tiền ảo. Thông tín viên Frédéric Charles cho biết tiếp :

« Kể từ tháng Hai năm nay, 4000 nhân viên của công ty GMO Internet sẽ nhận được tiền ảo tương đương với một phần tiền lương của họ. Số tiền ảo hàng tháng mà họ có thể được trả tương đương với 756 euro. Theo phát ngôn viên của doanh nghiệp thì mục đích là để cho nhân viên hiểu rõ hơn tiền ảo khi dùng thực sự. Doanh nghiệp có riêng một website để nhân viên đổi tiền ảo. »

Câu hỏi đặt ra, trước sự bùng nổ của đồng tiền ảo, Nhật Bản có luật quản lý tiền ảo để đấu tranh chống gian lận, rửa tiền và tài trợ cho khủng bố hay không ?

« Sau vụ phá sản của website trao đổi tiền ảo MtGox ở Tokyo, cựu lãnh đạo của cơ sở này, Mark Karpeles, người Pháp, đã bị xét xử về tội thao túng dữ liệu và biển thủ. Ông Karpeles thì nói là bị tin tặc tấn công, lấy mất 850 ngàn bitcoin.

Một phần tiền khoảng 200 ngàn đã được thu hồi, nhưng người ta không biết là bằng cách nào. Giá của bitcoin hiện nay cho phép hoàn trả tiền cho tất cả các nạn nhân trong vụ phá sản của MtGox và làm giàu cho vị kỹ sư người Pháp nói trên. Chỉ tính riêng trong năm nay, giá trị của đồng bitcoin có lúc đã tăng lên 16 lần. »

Colombia trong top đầu các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

Colombia vừa được xếp hạng hai trong tốp các nước hạnh phúc nhất, sau nhà vô địch là quần đảo Fidji. Theo khảo sát mới nhất của viện Gallup International và Trung Tâm Tham Vấn Quốc Gia, 89% số người Colombia khẳng định họ cảm thấy hài lòng, chỉ có 9% là cảm thấy bất hạnh.

Đầu tiên hết, thông tín viên Najet Benrabaa giải thích sơ qua về nghiên cứu này :

« Nghiên cứu nhận định rằng trong số 1.000 người được hỏi tại Colombia, thì đa số cảm thấy hạnh phúc. Nói một cách khác, 88% dân Colombia, đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề xã hội, cảm thấy hạnh phúc tại đất nước của họ. Gần một nửa số người được hỏi cho rằng tình hình Colombia sẽ khá lên trong năm 2018 và 25% nghĩ rằng sẽ không có gì khá hơn so với hiện nay.

Nếu chiểu theo chỉ số hạnh phúc được dùng làm cơ sở để xếp hạng, thì Colombia được 86 điểm, chỉ sau quần đảo Fidji được 92 điểm. Đây là lần thứ hai liên tiếp, quần đảo Fidji được xếp đầu bảng. Philippines đứng thứ ba, Mêhicô thứ tư và Việt Nam thứ năm. »

Đây không phải là lần đầu tiên Colombia được xếp hạng cao như vậy. Năm 2016, nước này đã đoạt danh hiệu quốc gia hạnh phúc nhất thế giới theo Bảng xếp hạng chung toàn thế giới về hạnh phúc và hy vọng về kinh tế.

Thế nhưng, cũng có nhiều người không tin và chỉ trích kết quả nghiên cứu này. Bởi vì trên thực tế, tình hình đất nước không được tốt đẹp như thế. Colombia có mức lương tối thiểu (khoảng 260 euro) thấp nhất trong vùng. Các vụ bê bối tham nhũng bùng phát và nhiều trẻ bị chết đói tại vùng duyên dải La Guajira.

Vậy thì giải thích thế nào về việc người dân cảm thấy hạnh phúc tại Colombia ?

« Có nhiều yếu tố. Các nhà phân tích và nhân chủng học giải thích rằng dân Colombia có khả năng vươn dậy, đối mặt với những vấn đề. Họ làm theo một trong những ngạn ngữ : « Trong gian truân vẫn cất tiếng cười ». Do vậy, họ vẫn luôn luôn hội hè và ca hát suốt ngày. Yếu tố khác cần chú ý là văn hóa Colombia rất chú trọng đến gia đình và bạn bè. Họ sẵn sàng chia sẻ với người thân khi có dịp.

Cuối cùng, đó là phương pháp thực hiện nghiên cứu. Trung tâm tham vấn quốc gia Colombia chủ ý đặt ra 12 câu hỏi trên cơ sở cảm nhận của người dân chứ không phải dựa trên các tiêu chí kinh tế hay xã hội. Tuy vậy, khoảng sai lệch của nghiên cứu được thẩm định là 3%. »

Vẫn theo thông tín viên Benrabaa, nghiên cứu này còn cho thấy mức độ lạc quan của người dân Colombia cũng tăng lên :

« Đúng vậy, tỉ lệ này tăng hai điểm. Hiện nay là 20. Trong lúc xu thế chung trên thế giới là đi xuống, giảm 20 điểm, nhất là do thất nghiệp gia tăng, tình hình chính trị bất ổn, cách thức lãnh đạo của tổng thống Mỹ hiện nay, Donald Trump và những lo âu để có được một tương lai phồn thịnh. Thế nhưng, về điểm này, dân Colombia không phải là lạc quan nhất. Đứng đầu châu Mỹ latinh là dân Achentina và Pêru. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.