Vào nội dung chính
HẠT NHÂN

Mỹ sẽ tự cô lập nếu cố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

Ngày 12/01/2018, tổng thống Mỹ sẽ thông báo có rút Mỹ ra khỏi bản thỏa thuận hạt nhân Iran đã được các cường quốc ký năm 2015 hay không ? Một quyết định sẽ kéo theo những hậu quả cho chính nước Mỹ nhiều hơn là Iran.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu về thỏa thuận hạt nhân Iran tại Nhà Trắng, Washington ngày 13/10/2017.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu về thỏa thuận hạt nhân Iran tại Nhà Trắng, Washington ngày 13/10/2017. REUTERS/Kevin Lamarque
Quảng cáo

Năm 2015, sau hơn một thập kỷ thương lượng khó khăn, Iran và nhóm cường quốc 5+1 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức đã kí một thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân Iran, theo đó, Iran sẽ ngừng chương trình phát triển hạt nhân để đổi lại việc các nước phương Tây dỡ bỏ cấm vận với nước Cộng Hòa Hồi Giáo này.

Thỏa thuận hạt nhân Iran được cho là một kết quả thành công nhất của chính quyền tổng thống Barack Obama. Nhưng đến khi lên kế nhiệm, tổng thống DonaldTrump đã tìm mọi cách để xóa bỏ thành quả của chính quyền trước. Ông Trump từng hứa « xé bỏ thỏa thuận » quốc tế này, cho dù các quan chức cao cấp trong chính quyền hiện nay như bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis hay ngoại trưởng Rex Tillerson đằng sau hậu trường đều can ngăn không nên « xóa sổ » thỏa thuận, mà chỉ nên tìm cách né tránh một số điều trong thỏa thuận sao cho vẫn duy trì được cấm vận Iran.

Nguy cơ Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran là có thực.

Vấn đề đã trở nên cấp bách khi Liên Hiệp Châu Âu đề nghị triệu tập cuộc họp lãnh đạo ngoại giao ba nước đã ký thỏa thuận Anh, Pháp, Đức với ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, nhân chuyến công du của ông tới Bruxelles, để bàn cách duy trì thỏa thuận trong trường hợp Mỹ rút khỏi các cam kết.

Giới quan sát nhận định, nếu như tổng thống Donald Trump vẫn cứ cố thực hiện cam kết tranh cử, hay làm hài lòng một bộ phận chính giới có thái độ chống Iran mà rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân, thì đây sẽ là một bước đi nhiều rủi ro với chính quyền Mỹ, dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt ngoại giao.

Trước tiên, một lần nữa Mỹ sẽ lại trở nên cô lập với các đồng minh châu Âu, với các cường quốc đã ký vào bản thỏa thuận lịch sử nói trên. Các đồng minh châu Âu, Nga và Trung Quốc đến lúc này đều không thấy lý do gì để phá bỏ các cam kết đã ký với Teheran về chương trình hạt nhân của Iran.

Do đó, việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận sẽ làm mất uy tín của nước này, gây khó khăn hơn cho Mỹ khi thuyết phục các đồng minh đối đầu với Iran, ông David Rothkopf, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Johns Hopkins (Mỹ) nhận định.

Nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận, thế giới sẽ phải chứng kiến một vùng Trung Đông trở nên bất ổn, hỗn loạn hơn nhiều do thế đối đầu giữa Mỹ và Iran, nhất là khi mà Iran đang đóng một vai trò không nhỏ trong các cuộc khủng hoảng trong vùng.

Hơn nữa, giới quan sát lo ngại việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân sẽ gây thêm khó khăn cho việc giải quyết khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên và gây tác động tiêu cực cho nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới, làm cho uy tín và vai trò của Mỹ bị đánh giá thấp.

Một hệ quả khác liên quan đến Iran. Chấp nhận bị cấm vận khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận, Teheran tuyên bố sẵn sàng cho "mọi kịch bản", hàm ý rằng Iran sẽ khôi phục lại chương trình hạt nhân, khởi động lại các lò phản ứng, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân. Điều đó dẫn đến nguy cơ xuất hiện một cuộc chạy đua vũ trang trên thế giới. Tất nhiên đây không phải là kịch bản lý tưởng nếu không muốn nói là quá nguy hiểm đối với Iran.

Một trong những hướng kịch bản đó là Iran muốn tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, vừa duy trì được thỏa thuận, vừa cô lập Mỹ. Qua vòng công du của ngoại trưởng Javad Zarif tới Nga rồi đến châu Âu đàm phán với các 3 cường quốc ký thỏa thuận, ta có thể thấy Iran đang nỗ lực dùng con đường ngoại giao để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân, nếu không cũng là để tìm một cơ chế hợp tác khác giảm thiểu thiệt hại kinh tế trong trường hợp chính quyền Donald Trump khăng khăng rút khỏi thỏa thuận.

Với Teheran, duy trì được thỏa thuận hạt nhân, trong trường hợp xấu nhất không có Mỹ, Iran sẽ càng củng cố được vị thế trong khu vực, đồng thời vẫn có được sự ủng hộ của nhiều đối tác cường quốc.

Trong khi đó thì không phải Iran mà chính Mỹ tự đẩy mình vào thế bị cô lập. Vị thế cường quốc của Mỹ một lần nữa lại bị thách thức bởi quyết định ngày mai của tổng thống Donald Trump.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.