Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Iran bị de dọa từ bên trong

Đăng ngày:

Chế độ Hồi Giáo Iran chiến thắng quân sự tại Syria. Ảnh hưởng chính trị của Teheran lan rộng đến Irak, Liban, Yemen. Nhưng trong nhà, tình hình không được khả quan sau 40 năm xây dựng chế độ giáo quyền Shia. Trong suốt một tuần lễ, từ cuối năm cũ bước sang năm mới 2018, từ tỉnh thành cho đến thủ đô, một phong trào biểu tình bùng dậy phản kháng chế độ. Xã hội rạn nứt hay là hiện tượng "tiền cách mạng"?

Người dân biểu tình ở thủ đô Teheran, Iran, ngày 30/12/2017
Người dân biểu tình ở thủ đô Teheran, Iran, ngày 30/12/2017 REUTERS
Quảng cáo

Nhìn từ bên ngoài, sau nhiều thập niên chiến tranh tàn phá Trung Đông, Iran được xem là nước chiến thắng với uy thế càng ngày càng mạnh thách thức cả nước Mỹ. Đồng minh Ả Rập của Iran nắm quyền lực tại Irak, Syria và ít nhiều tại Liban. Tình thế này cho phép chế độ giáo quyền tại Teheran trở thành cường quốc cấp vùng.

Về mặt kinh tế, Iran chỉ đứng hạng nhì sau Ả rập Xê Út. Tuy nhiên, để tạo được thế mạnh ở « nước ngoài », Iran phải trả giá đắt với hàng tỷ đô la với hệ quả là kinh tế trong nước, cho dù cấm vận được gỡ bỏ, không thể cất cánh. Điều gì phải đến đã đến : người dân Iran phải lên tiếng đòi hỏi nhà nước tập trung cho tình hình xã hội, kinh tế quốc nội.

Trong chương trình Decryptage của RFI, Amélie Chelly, chuyên gia xã hội học về tình hình Iran, thuộc viện nghiên cứu CADIS của Pháp giải thích thêm :

Tôi vừa ngạc nhiên lẫn không ngạc nhiên. Không ngạc nhiên vì những nguồn tin mà tôi quen biết giải thích là họ cũng chờ đợi sự kiện này từ lâu. Yêu sách của dân chúng đã sôi sục từ nhiều năm nay, chỉ cần một tia lửa, một chất xúc tác là bùng lên. Sự kiện dân chúng Iran xuống đường không phải là điều bất ngờ. Bất ngờ là phong trào lan ra cả nước trong vòng có mấy ngày.

Cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra tại Mashhad, thành phố lớn thứ nhì của Iran và cũng là thành trì của phe bảo thủ Ebrahim Raissi, đối thủ của tổng thống Hassan Rohani, đại diện của phe ôn hoà trong cuộc bầu cử hồi năm 2017.

Theo các nhà phân tích tại Iran, cuộc biểu tình đầu tiên do phe bảo thủ khuyến khích. Vì vậy mà trong ngày đầu chỉ có những người ủng hộ chế độ Hồi Giáo xuống đường với khẩu hiệu chống chính phủ và tổng thống Rohani. Chúng ta cần phân biệt hai phe : phe ủng hộ chế độ là những kẻ bảo thủ, còn chính phủ Rohani thuộc khuynh hướng ôn hoà.

Tiếp theo đó, lần lượt có nhiều người theo các xu hướng chính trị khác (như phe bảo hoàng) hoặc phi chính trị, cũng xuống đường làm tăng khí thế cho phong trào tranh đấu đòi hỏi cải thiện nền kinh tế đang ngắc ngoải và nói lên những bất bình, uất ức mà người dân không thể nhẫn nhịn được nữa.

Những ngày sau là đến lượt những người chống bản chất của chế độ xuống đường với những khẩu hiệu chính trị mà chúng ta thấy.

Phong trào lan dần đến các thành phố lớn, nhỏ khác và sau cùng là thủ đô Teheran. Nhiều cơ quan của dân phòng và Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo, lực lượng cột trụ bảo vệ chế độ bị đốt phá. Cảnh sát Iran có nơi bỏ xe chạy trốn, nhưng cũng có nơi đàn áp mạnh. Tổng kết có 21 người chết trong số này 16 thường dân, 400 người bị bắt, đa số là thanh niên.

Tia lửa điện làm chất xúc tác đó là dự luật ngân sách nhà nước năm 2018 mà chính phủ Rohani đưa ra quốc hội thảo luận ngày 19/12/2017 với nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng: tăng giá xăng dầu, chấm dứt chính sách trợ cấp cho người nghèo, dành đến hai phần ba ngân sách tài trợ cho các định chế ngoại vi của chế độ và cho tôn giáo, trong đó có lực lượng Vệ Binh Hồi giáo 130.000 quân.

Do tổng thống Rohani, chắc không phải là không có hậu ý, lần đầu tiên công khai hóa dự luật ngân sách, nên người dân Iran phát hiện là chỉ có một phần nhỏ ngân sách được dùng cho dịch vụ công ích như giáo dục , y tế, xã hội…

Amélie Chelly, chuyên gia xã hội học về tình hình Iran, thuộc viện nghiên cứu CADIS của Pháp :

Đúng vậy. Đó chính là những nghịch lý của xã hội Iran. Trong suốt nhiệm kỳ một và trong những tháng đầu của nhiệm kỳ hai, tổng thống Rohani cố gắng bình thường hóa sinh hoạt kinh tế, truy tố những nhân vật tham ô, tìm cách mở rộng Iran ra thế giới như qua thỏa thuận hạt nhân và nhất là lật qua trang sử 8 năm của người tiền nhiệm là Mahmoud Ahmadinejad (2005-2013), dùng tiền đánh đổi ổn định xã hội với hậu quả là làm ngân quỹ nhà nước trống rỗng.

Tuy nhiên, tổng thống Rohani vẫn phải tiếp tục nuôi dưỡng bộ máy tuyên truyền ý thức hệ Hồi Giáo Shia, bình phong cúa chế độ, biểu dương Shia là cứu tinh cúa các nước Ả Rập theo cùng hệ phái trong vùng.

Bởi thế, trong các cuộc biểu tình, người ta nghe thấy những khẩu hiệu chống chính sách can thiệp như là « đả đảo Hezbollah-Liban »… Người dân đặt câu hỏi tại sao đất nước trong tình trạng kinh tế suy sụp, cơ sở hạ tầng xuống cấp mà lại chi tiền xây dựng cơ sở hạ tầng ở Liban như trường học, bệnh viện, đường giao thông hay là bảo trì các đền thờ Hồi Giáo ở Syria và Irak thay vì đầu tư tại Iran.

Các khẩu hiệu này tương tự như những yêu sách của sinh viên Iran trong phong trào tranh đấu năm 2009, thời Ahmadinejad.

Biểu tình chỉ lắng xuống sau khi lực lượng Vệ Binh Hồi Giáo đe dọa dùng vũ lực can thiệp.

Theo nhà xã hội học Pháp Stéphane Dudoignon, « chưa có thể nói là Iran đang đứng trước một cuộc cách mạng nhưng giai đoạn tiền cách mạng đã bắt đầu ».

Bị dân chúng thách thức công khai, chế độ suy yếu vì bị « khóa chặt » từ bên trong và sẽ tác động ra bên ngoài.

Trong bài phân tích « mối đe dọa từ bên trong của Iran », nhà báo Alain Frachon của Le Monde lưu ý những đòi hỏi cấp bách của dân chúng: hàng trăm ngàn người biểu tình tố cáo tệ nạn thất nghiệp mà có đến 30% thanh niên không có việc làm. Họ tố cáo tình trạng tham ô, tấn công ngân hàng, cơ quan nhà nước, trụ sở dân quân Hồi Giáo, cơ sở tôn giáo của chính quyền. Chế độ hình thành từ 40 năm qua bị thách thức, đụng độ mạnh với cảnh sát gây thương vong cho cả hai bên.

Là cường quốc kinh tế thứ hai trong khu vực sau Ả Rập Xê Út, nếu không tính Thổ Nhĩ Kỳ, kinh tế Iran vừa bị lạc hậu, vừa bị khuynh đảo nằm trong tay cúa một thiểu số nhóm lợi ích, đại gia theo phe chế độ kiểm sóat toàn bộ dầu khí quốc gia.

Cho dù cấm vận được tháo gỡ nhưng Iran không thu hút được đầu tư nước ngoài một phần vì Mỹ ngăn trở, nhưng phần lớn là do phe bảo thủ sợ mất độc quyền.

Thế mà Iran còn bị một « chốt » thứ hai là bản chất chế độ đóng đinh. Mọi quyết định của nhà nước « Cộng Hoà Hồi Giáo » phải có sự đồng ý của (Giáo chủ) Ayatollah Khamenei. Phong trào biểu tình trong tuần lễ cuối năm và đầu năm tuy chỉ trích tổng thống Rohani nhưng rõ ràng là nhắm vào Ayatollah Khamenei, lãnh đạo tối cao.

Nói cách khác, chính « cơ sở » của chế độ, công nhân, nhân viên, người thu nhập thấp, chống lại chế độ. Những khẩu hiệu như « Hãy để Syria tự lo thân », « Chăm lo cho dân Iran trước đã, mặc kệ Palestine» « Đả đảo Hezbollah » là những nhu cầu quyền lợi và an ninh chính đáng của người dân Iran.

Bị suy yếu, liệu chế độ Iran còn chịu đựng được bao lâu gánh nặng Bachar al Assad ở Syria ? Tiếp tục tài trợ tiền bạc vũ khí cho Hezbollah- Liban, cho các tổ chức võ trang Shia tại Irak ? Khi người dân xuống đường với các câu hỏi trên đây, giới lãnh đạo Iran từ tôn giáo đến thế tục phải cảnh giác.

Theo bộ nội vụ Iran, trong số hơn 400 người biểu tình bị bắt, 90% là thanh niên dưới 25 tuổi. Tổng thống Rohani tinh ý, kêu gọi những người lãnh đạo « phải lắng nghe nguyện vọng giới trẻ đòi hỏi tự do ». Nhưng trong nội bộ chính quyền có hai phe : một phe muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ, một phe vì giáo điều, vì quyền lợi cá nhân muốn tiếp tục trung thành với « cách mạng » mà thực tế là một nhóm lợi ích. Nhóm này nhân danh thánh chiến chống phe Suni thù địch. Nhưng Iran chấp nhận trả giá đến bao giờ ? Tài trợ cho cuộc tranh chấp triền miên với Ryad ? Viện trợ mãi mãi để duy trì một đạo dân quân 100.000 tay súng ở Irak, Syria và Liban ?

Giữa bảo thủ và cải cách, chưa biết phe nào sẽ thắng sau phong trào xuống đường vừa qua. Tuy nhiên, những lời kêu gọi của tổng thống Mỹ Donald Trump lật đổ chế độ Hồi Giáo, ủng hộ vô điều kiện Ả Rập Xê Út và phe cánh hữu ở Israel, chỉ làm phe cứng rắn tại Teheran củng cố thế lực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.