Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Khi chính trị chen vào đường đua Olympic

Đăng ngày:

Phong trào Olympic hiện đại đã có lịch sử hơn 100 năm phát triển để đến giờ các kỳ Thế vận hội mùa đông cũng như mùa hè đã trở thành ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh. Các cuộc đua tài ở Olympic với tinh thần đoàn kết giúp con người xích lại gần nhau hơn vẫn thường xuyên trở thành con tin cho cuộc đọ sức chính trị.

Tem do bưu điện Mỹ phát hành nhân kỳ Olympic Munich 1972.
Tem do bưu điện Mỹ phát hành nhân kỳ Olympic Munich 1972. CC/National Postal Museum
Quảng cáo

Chỉ còn một tháng nữa sẽ khai mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 tại Hàn Quốc, nơi mang nhiều ý nghĩa biểu tượng của việc chính trị xen ngang đường đua Olympic.

Lịch sử phong trào Olympic hiện đại từ những ngày đầu đã chứng kiến vô số những bê bối, rắc rối liên quan đến các tranh chấp địa-chính trị trên thế giới. Kỳ Thế vận hội đầu tiên của kỷ nguyên hiện đại đã gặp rắc rối khi Thổ Nhĩ Kỳ từ chối tham dự Olympic Athens 1896 vì những tranh chấp địa-chính trị với Hy Lạp. Đó chính là trường hợp tẩy chay Thế vận hội đầu tiên và sẽ còn được lặp lại nhiều lần về sau.

Phong trào Olympic đầu thế kỷ XX đã có nhiều cố gắng trong việc tuân theo nguyên tắc "thể thao nằm ngoài chính trị". Tuy nhiên, cho đến giờ, lịch sử các kỳ Thế vận hội vẫn nhuốm đậm màu chính trị.

Thế vận hội : Công cụ tuyên truyền chính trị

Thế vận hội mùa hè Berlin 1936 là trường hợp tiêu biểu cho việc thể thao được dùng làm công cụ tuyên truyền cho một chế độ. Thủ đô của nước Đức được Ủy Ban Olympic Quốc Tế (CIO) chọn làm thành phố chủ nhà từ năm 1931, tức hai năm trước khi Adolf Hitler lên cầm quyền. Khi Hitler chính thức làm quốc trưởng và bắt đầu có những quyết định bài Do Thái, dư luận ở nhiều nước đã yêu cầu rút Thế vận hội khỏi Berlin, nhưng CIO từ chối thay đổi sự lựa chọn đã rồi. Hoa Kỳ không tẩy chay sự kiện, đại đa số các nước châu Âu vẫn đến Berlin tham dự ngày hội thể thao. Thế vận hội Berlin diễn ra đông đủ nhưng trong bầu không khí không lấy gì là thoải mái.

Hitler muốn Thế vận hội phải là biểu tượng cho sức mạnh của nước Đức, cho sự siêu việt của người Đức. Trong lễ khai mạc chính thức, cả trăm nghìn cánh tay làm động tác chào kiểu Quốc xã để đón các đoàn thể thao các nước diễu hành qua sân vận động trước khi Hitler lên tuyên bố khai mạc ngày hội với giọng điệu tự tôn dân tộc huênh hoang. Một không khí bài ngoại, đề cao dân tộc Đức thượng đẳng bao trùm sân vận động Berlin.

Không khí nặng nề của kỳ Olympic mang màu sắc kỳ thị chỉ được giải tỏa khi Jesse Owens, vận động viên trẻ người Mỹ da đen đã làm thất bại kế hoạch tuyên truyền biểu dương sức mạnh của Đức Quốc xã. Anh giành 4 huy chương vàng, trong đó có chiến thắng ý nghĩa nhất là đánh bại vận động viên Đức Lutz Long ở môn nhảy xa.

Thế chiến thứ hai nổ ra đã làm gián đoạn Thế vận hội mất 12 năm. Năm 1948, Olympic trở lại và được tổ chức ở Luân Đôn, Anh Quốc. Lần này, Ủy Ban Olympic Quốc Tế không mời nước Đức tham dự và Liên Xô cũng vắng mặt suốt từ sau Cách mạng 1917. Thể thao Liên Xô chỉ chính thức gia nhập phong trào Olympic từ kỳ Thế vận hội Helsinki 1952.

Bạo lực giữa ngày hội thể thao

Năm 1956, Thế vận hội chuyển qua tổ chức tại Melburn, Úc. Một sự cố lớn đã xảy ra bắt nguồn từ những hiềm khích chính trị. Đó là trong trận thi đấu môn bóng nước giữa đội Hungary và Liên Xô hai nước "anh em" trong phe Xã hội Chủ nghĩa.

Vài tháng sau khi Liên Xô can thiệp vào Budapest để dập tắt phong trào nổi dậy của người Hung đòi dân chủ, đội bóng nước của Hungary gặp người anh cả Liên Xô trong hồ bơi Olympic Melburn. Trận đấu đã đi vào lịch sử vì là một cuộc so tài bạo lực nhất kỷ nguyên Olympic hiện đại.

Sau cú húc đầu của vận động viên Liên Xô Valentin Prokopov và đối thủ Hungary Ervin Zador, hai đội lao vào cuộc ẩu đả dữ dội, tới mức mà nước bể bơi bị chuyển sang màu đỏ của máu. Cảnh sát đã phải vào cuộc giải toả các vận động viên khỏi bể bơi, trước khi khán giả tiếp tục lao vào cuộc tấn công các cổ động viên Liên xô trên khán đài.

Tháng 9 đen tối ở Munich 1972

Các kỳ Thế vận hội tiếp theo trôi qua khá êm thấm tuy các trận đấu giữa những đại diện Đông-Tây hay giữa các quốc gia kình địch nhau trong phe Xã hội Chủ nghĩa vẫn luôn diễn ra căng thẳng. Đến Olympic Munich 1972, bạo lực lại bùng lên và lần này nguyên nhân là thù hận từ cuộc xung đột Israel-Palestine.

Ba sau năm sau thế vận hội Berlin và 27 năm sau ngày chế độ phát xít của Hitler bại trận, nước Đức lại được đón tiếp Thế vận hội mùa hè, nhưng đó lại là kỳ Thế vận hội đẫm máu nhất lịch sử.

Sáng ngày 5/9/1972, một nhóm chiến binh khủng bố người Palestine thuộc phong trào có tên gọi "Tháng 9 đen" đã đột nhập vào làng Olympic và bắt 9 vận động viên người Israel làm con tin để đòi trả tự do cho 200 tù nhân Palestine. Hai vận động viên Israel đã nhanh chóng bị hành quyết. Trong đêm hôm sau, cảnh sát Đức ra lệnh tấn công nhóm khủng bố. Kết quả là cả 9 con tin Israel, 1 cảnh sát Đức và 5 kẻ bắt con tin bị thiệt mạng. Các cuộc so tài ở Munich 1972 chỉ dừng lại khi xảy ra vụ bắt con tin nhưng vẫn tiếp tục ngày hôm sau.

Kỷ nguyên tẩy chay Thế vận hội

Vào thập niên 1970, thế giới đang trong cuộc chiến tranh lạnh giữa Đông và Tây, thể thao cũng là mặt trận đối đầu không khoan nhượng giữa phương Tây và khối Xã hội Chủ nghĩa.

Các kỳ Thế vận hội Montréal 1976, Matxcơva 1980, Los Angeles 1984, có thể được gọi kỷ nguyên "tẩy chay Olympic". Từ chối không tham dự Thế vận hội được các nước dùng như là một thứ vũ khí của chiến tranh lạnh, cách thức biểu thị sự khác biệt chính trị.

Thế vận hội mùa hè Montréal bị 22 nước châu Phi tẩy chay để phản đối sự có mặt của New Zealand, chỉ vì trước đó ít tháng, đội tuyển rugby của nước này đến thăm và thi đấu ở Nam Phi, quốc gia khi đó thuộc chế độ Apartheid. Cũng vì chế độ phân biệt chủng tộc mà thể thao Nam Phi bị loại khỏi Thế vận hội từ năm 1960 và chỉ trở lại khi chế độ Apartheid chấm dứt năm 1990.

Bốn năm sau Montréal 1976, người Mỹ tẩy chay Thế vận hội mùa hè Matxcơva 1980 để phản ứng việc Liên Xô đưa quân vào Afghanistan trước đó một năm. Hành động tẩy chay nhằm cô lập Liên Xô này đã được hơn một chục đồng minh của Hoa Kỳ hưởng ứng như Tây Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada… Ngoài ra, 29 quốc gia Hồi Giáo cũng từ chối đến dự Olympic Matxcơva vì họ coi cuộc tấn công vào Afghanistan là chống lại thế giới Hồi Giáo. Tất cả có 65 nước từ chối đến Matxcơva 1980.

Để trả đũa, các nước trong khối Xã hội Chủ nghĩa, ngoại trừ Rumani, đồng loạt quyết định tẩy chay Thế vận hội mùa hè Los Angeles 1984. 14 quốc gia trong đó có Cuba, Đông Đức hay Bắc Triều Tiên, đã theo lời kêu gọi của Liên Xô.

Olympic, cơ hội hòa hợp cho miền đất phân ly

Vũ khí tẩy chay dường như đã lỗi thời, chỉ còn Bắc Triều Tiên vẫn dùng với Thế vận hội mùa hè Seoul 1988, sau khi họ đòi được đồng tổ chức sự kiện với Hàn Quốc nhưng không được CIO chấp nhận.

Với hai miền Nam-Bắc Triều Tiên bị chia cắt từ năm 1945 và cuộc chiến tranh 1950-1953, thể thao thường là lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến nhiệt độ quan hệ giữa hai miền. Có những lúc, thể thao Olympic đã mang lại hy vọng hòa dịu giữa hai người anh em thù nghịch nhau này. Đó là vào các kỳ Thế vận hội mùa hè Sydney 2000, Athens 2004 hay Thế vận hội mùa đông Salt Lake City 2002, Turino 2006, hai nước đã từng diễu hành chung một đoàn trong ngày khai mạc. Các vận động viên hai miền Nam-Bắc mặc đồng phục giống nhau diễu hành dưới lá cờ trắng in hình bán đảo Triều Tiên màu xanh.

Đáng tiếc là biểu tượng hòa hợp đầy ý nghĩa đó lại biến mất kể từ Thế vận hội Bắc Kinh 2008.

Tháng 02/2018, ngày hội Olympic trở lại với Hàn Quốc trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên đang hầm hập không khí đối đầu sau những vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên trong ngày đầu năm mới đã phát tín hiệu hòa dịu, thông báo sẽ tham dự Thế vận hội Pyeongchang, cũng như đồng ý đàm phán với miền Nam về cách thức tham gia ngày hội thể thao lớn. Tuy vậy, mọi người, nhất là Seoul, vẫn thấp thỏm chờ đợi kết quả của cuộc đàm phán liên Triều vào ngày 09/01. Sự có mặt của đoàn thể thao Bắc Triều Tiên tại Pyeongchang sẽ là một dấu hiệu hy vọng cho một bán đảo Triều Tiên hòa dịu.

Ý tưởng của những nhà sáng lập ra phong trào Olympic hiện đại "đặt chính trị ra ngoài thể thao" vẫn luôn chỉ là khẩu hiệu. Nhưng có điều chắc chắn là thể thao có thể giúp con người xích lại gần nhau, bỏ qua sự khác biệt chính trị.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.