Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Bitcoin, gà đẻ trứng vàng hay một trò lừa đảo ?

Đăng ngày:

2017 được coi là một năm khá bình yên, tăng trưởng khả quan, chứng khoán trên thế giới tăng ở mức kỷ lục và chỉ số tin tưởng của người tiêu dùng, của các doanh nghiệp từ Âu sang Á đều ở trên đỉnh cao. Kịch bản nào chờ đợi 2018 ? Trước mắt mọi chú ý đang dồn về phía Bitcoin, một đồng tiền « không giống ai » nhưng lại đang bắt cả thế giới phải theo dõi.

Hơn 16 triệu đơn vị Bitcoin lưu hành.
Hơn 16 triệu đơn vị Bitcoin lưu hành. ©Benoit Tessier/REUTERS
Quảng cáo

Trong năm 2017 đồng Bitcoin giá đang từ dưới 1.000 đô la đầu năm đã xuýt đụng trần 20.000 đô la Mỹ vào giữa tháng 12/2017, để rồi trước lễ Giáng Sinh, « bốc hơi » mất 35 % trong vỏn vẹn có 5 ngày. Câu hỏi đặt ra : đồng tiền ảo đó là một « mỏ vàng mới » hay là một quả bóng được thổi lên, để rồi sẽ « xì hơi » ? Nhưng trước hết, Bitcoin là gì ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Nhờ thuật lý hiện đại, người ta phát minh loại tiền ảo vượt qua biên giới quốc gia, gọi là “Crypto Monnaie”, mà tôi tạm dịch là “tiền tệ mật mã hóa”. Xuất hiện từ gần 10 năm nay, đồng Bitcoin tiêu biểu của loại tiền mã đó đã gây chấn động vì năm nay tăng giá khoảng 1800%. Đếm ngược về năm xuất hiện là 2010, nếu mua Bitcoin chừng một vạn thì tuần qua nhà đầu tư có lượng tài sản hơn 710 triệu, nôm na là tăng hơn 79.000%. Đó là đầu cơ thăng thiên! Cơn sốt Bitcoin bùng nổ vì mấy con số kinh hãi đó nhưng ít ai hỏi có bao nhiêu người lời như vậy, họ ở đâu, lấy tiền ấy làm những gì ?

Hiện tại khối lượng Bitcoin được trao đổi ước tính khoảng 320 tỷ đô la trên thế giới, tức tương đương với gần bằng GDP của một nước như Israel hay 0,44 % GDP toàn cầu. Cần nói thêm, Bitcoin chỉ là một trong số hơn 1.300 đơn vị tiền tệ mật mã hóa Crypto Monnaie. Ngoài Bitcoin, còn có những loại tiền mang tên là NEM hay Ripple, Ether, Dash …

Xét cho cùng, nếu như trong năm 2017 trị giá một đồng Bitcoin được nhân lên từ 15 đến 20 lần – tùy thời điểm, dù vậy bước đại nhảy vọt đó còn rất khiêm tốn so với giá của đồng NEM đã được nhân lên gấp gần 300 lần. Nói một cách dễ hiểu nếu như tháng Giêng 2017 bạn mua vào một đồng NEM với giá 1 đô la, thì đến dịp Noel vừa qua, bạn bán ra đơn vị Crypto Monnaie đó với giá gần 300 đô la.

Một đồng tiền ... không giống ai

Nhưng câu hỏi cốt lõi là liệu Bitcoin cũng như tất cả các đơn vị tiền tệ mật mã hóa đó có là đồng tiền hay không ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Bitcoin không là đơn vị tiền tệ mà chỉ là một loại tài sản cho nghiệp vụ đầu cơ. Một đồng bạc phải đảm nhiệm bốn chức năng: 1/ đơn vị đo đếm tài sản; 2/ lưu trữ giá trị tài sản; 3/ khí cụ giao dịch và thanh toán và 4/ là tiêu chuẩn định giá thanh toán trong thời gian, giả dụ từ khi vay tới khi trả. Bốn chức năng ấy của đồng tiền, nhất là chức năng thứ tư, đòi hỏi một điều kiện là sự tín nhiệm của các tác nhân kinh tế vào đồng bạc. Niềm tin đó được bảo đảm khi đồng tiền là do Nhà nước phát hành nên ta gọi là “tín tệ” hay “monnaie fiducière”, với chữ “fiducia” hay “confiance” là sự tin tưởng.

Từ khái niệm “tín tệ” hay niềm tín, đồng Bitcoin hay các loại tiền ảo khác không là “tín tệ” do một Nhà nước phát hành và giữ vai trò bảo đảm sau cùng nếu có tranh chấp về cách đếm hoặc cách thanh toán. Đấy là một phát minh mới nhờ khoa học mở bung chân trời giao dịch giữa các tác nhân kinh tế trên toàn cầu qua không gian điện toán hết còn biên giới. Niềm tin nếu có là từ các tác nhân kinh tế khi nghĩ “đồng bạc ảo” này sẽ có giá cao hơn trong tương lai qua một số giai thoại được loan truyền.

Cơn sốt Bitcoin xuất phát từ đâu ?

Trước hết là do tình hình chung trên thế giới : lãi suất ngân hàng trong suốt giai đoạn từ 2014 đến đầu 2017 được giữ ở mức thấp kỷ lục. Do vậy các nhà đầu cơ đi tìm những thị trường mới, lạ, có mức rủi ro cao để dễ kiếm lời. Nhiều quỹ đầu tư và cả các công ty khởi nghiệp start up chiếu cố Crypto Monnaie. Nhưng không chỉ có thế.

Nguyễn Xuân Nghĩa : Tiến bộ điện toán khiến con người thêm phương tiện tiếp xúc, liên lạc và giao dịch mà tưởng rằng chẳng còn bị ai kiểm soát và cứ thế giao dịch với nhau và khỏi trả thuế. Đấy là ảo giác vì trên các mạng giao dịch ẩn danh đó, nhiều người vẫn có thể xâm nhập, tác động và thậm chí đánh cắp như ta đã thấy qua việc Bắc Triều Tiên lấy cả Bitcoin lẫn thông tin về lý lịch của ba vạn người giao dịch và những người mất tiền chẳng thể kêu ca hay đòi bồi thường vì Nhà nước vắng mặt trong sinh hoạt đầu cơ đó.

Nhưng đấy mới chỉ là phần nổi. Yếu tố thứ hai là tâm lý lạc quan. Khi có phát minh mới, có người tưởng sẽ vượt khỏi sự kiểm soát của chính quyền mà tự do buôn bán miễn thuế. Người ta không nghĩ đến đầu tư mà chỉ muốn đầu cơ.

Thuần về kinh tế thì đầu cơ là nhịn tiêu thụ trong hiện tại để kiếm lợi tức cao hơn sau này, đầu cơ cũng vậy, nhưng tìm mối lợi cao hơn với rủi ro lớn hơn. Yếu tố rủi ro trong việc mua bán Bitcoin chưa được đánh giá chính xác. Đấy chỉ là một loại thương phẩm hay commodité, tài sản của đầu cơ.

Bitcoin, đồng tiền « mật mã hóa » hay tiền mã ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Bitcoin không là đơn vị tiền tệ chính thức mà chỉ là loại tài sản có khả năng trao đổi hay giao hoán bất thường. Thị trường đầu tư có các loại tài sản thông dụng như cổ phiếu, trái phiếu, ngoại tệ và thương phẩm là nguyên nhiên vật liệu, xi măng, sắt thép, phân bón, nông sản và lương thực. Trị giá các thương phẩm thăng giáng mạnh nên là loại tài sản được giới đầu cơ chiếu cố.

Cho tới nay, biến động mạnh về giá Bitcoin cho thấy loại tài sản ấy giống thương phẩm, nhưng giá thương phẩm còn lên xuống theo quy luật cung cầu. Bitcoin lại lên xuống theo quy luật ngược, tức là khi thấy giá tăng, nhiều người lại mua thêm vì tin là giá còn tăng nữa.

Việc hai thị trường giao dịch Mỹ tại Chicago như Cboe Global Markets hay CME Futures vừa mở ra cho nghiệp vụ giao dịch tiền mật mã như Bitcoin làm nhiều người thêm hồ hởi. Các cơ sở nổi tiếng đó chỉ là doanh nghiệp tư nhân, khi thấy thiên hạ ào ạt mua bán thì họ lập ra trung tâm như sòng bạc cho mọi người ra vào kiếm tiền và trả hoa hồng cho họ. Họ cổ võ việc đó, nhưng chính vì vậy từ nay ngân hàng phải đề ra tiêu chuẩn thẩm định rủi ro và các chính quyền sẽ để ý hơn tới thuế vụ và luật lệ. Huống hồ, nếu nhìn vào khía cạnh an ninh thì ta không chỉ có rủi ro trốn thuế mà còn bao hàm các vấn đề như chuyển ngân lậu, rửa tiền hoặc thậm chí khủng bố.

Vì vậy, trước sau gì các chính quyền cũng can thiệp lập ra luật lệ quản lý, khi đó Bitcoin hay tiền mã có thể là đồng tiền chính thức vì có thể được dùng cho việc trả thuế. Chỉ khi ấy, Bitcoin mới là tiền tệ, chứ hết là tài sản đầu cơ đầy rủi ro như một số thương phẩm. Dù sao, trong hiện tại khối lượng giao dịch Bitcoin đó chưa thấm vào đâu so với hệ thống thanh toán của toàn cầu. Có lẽ vì vậy mà các chính quyền hay ngân hàng trung ương chưa ngó tới.

Hiện tượng lên cơn sốt Bitcoin đang dấy lên lo ngại. Nhiều giải Nobel kinh tế từ Jean Tirole đến Joseph Stiglitz coi đây là một « quả bóng tài chính mới ». Cơ quan giám sát tài chính ngân hàng Pháp liên tục báo động trước nguy cơ « thả mồi bắt bóng ». Nhưng về thực chất, không một ngân hàng nào trên thế giới lo ngại Bitcoin mất giá làm khuynh đảo hệ thống tài chính toàn cầu, bởi như vừa nói, hiện thời khối lượng Bitcoin « lưu hành » còn dưới ngưỡng 350 tỷ đô la, một giọt nước so với trị giá chứng khoán của toàn châu Âu Euronext là 2.600 tỷ đô la.

Một dấu hiệu khác trấn an công luận đó là tới nay trên toàn thế giới có rất ít cơ quan (100.000 website) chấp nhận các dịch vụ mua bán Bitcoin. Nói một cách đơn giản là không ai có thể dùng đồng Bitcoin để mua nhà, mua xe hay đơn giản là mua quà sinh nhật cho người thân.

Vậy người ta nắm giữa Bitcoin hay tất cả những lại tiền tệ mật mã hóa khác để làm gì ? Câu trả lời khiến các giới chức tiền tệ lo ngại nhất là mục đích rửa tiền và trốn thuế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.